Sự kiện, chi tiết chân thực, sống động, điển hình

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 62)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1.Sự kiện, chi tiết chân thực, sống động, điển hình

Một nhà văn Pháp đã từng nói “chi tiết nghệ thuật như một giọt nước mà qua đó ta thấy cả đại dương”. Đại ý của câu nói muốn nhấn mạnh đến chi tiết, chi tiết ở đây là chi tiết điển hình. Chỉ cần một chi tiết điển hình có thể cho ta thấy được cả một nội dung bao la.

Ký sự chống Mỹ ghi chép lại những trận đánh nảy lửa, những hy sinh mất mát trên những chiến trường. Với đặc trưng thể loại bám chặt vào người thật việc thật ký sự đã chọn lựa những chi tiết, những sự kiện điển hình, chân thực để viết.

Cuộc tổng tiến công và đồng loạt nổi dậy của quân và dân ta vào mùa xuân năm 1975 là một bước ngoặt lịch sử của cả dân tộc, một bước ngoặt mà rất lâu về sau các thế hệ nối tiếp sẽ còn quay trở về chiêm ngưỡng. Ghi lại những sự kiện long trời lở đất đó cho sâu là một nhiệm vụ hết sức có ý nghĩa với những người cầm bút. Nhưng để nói cho sâu, cho đúng, cho sát buộc người viết phải đưa ra rất nhiều sự kiện, chi tiết. Tuy nhiên, Nguyễn Khải đã biết chọn lọc và chưng cất những sự kiện, chi tiết điển hình để đưa vào tác phẩm. Có thể nói những chi tiết đó là “giọt nước” mà qua đó người đọc thấy được “cả đại dương”.

Viết về một sự kiện trọng đại của dân tộc đòi hỏi nhà văn phải huy động một vốn tài liệu phong phú. Trong những tác phẩm ký sự chiến tranh giai đoạn 1954 – 1975 nguồn tài liệu chủ yếu là nguồn tư liệu sống. Tác giả chính là nguồn tư liệu. Khác với các thể loại khác như truyện ngắn, tiểu

thuyết, ký sự viết về người thật việc thật và tác giả là người trực tiếp chứng kiến hoặc tác giả trực tiếp nghe người khác kể lại. Chính vì thế các chi tiết, sự kiện đều rất chân thực.

Vũ Quần Phương đã từng có những nhận xét về cuốn Ký sự miền đất lửa của hai tác giả Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân: “Đây là một tập ký đặc biệt, không chỉ là văn học mà còn là lịch sử, là tư liệu, là hiện vật bảo tàng, còn là một phần đời người viết và cũng là một phần đời của người đọc chúng ta. Đọc nó chúng ta như sống lại những ngày gian khổ, những kỷ niệm của chính mình”[56,123].

Nhận xét của nhà văn Vũ Quần Phương đã một lần nữa khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật mà cuốn sách đưa lại. Điều này cũng một lần nữa khẳng định tài năng của nhà văn, bằng những chi tiết, sự kiện chân thực, điển hình họ đã làm sống lại cả một chặng đường lịch sử gian truân nhưng rất đỗi anh hùng.

Trong các tác phẩm ký sự giai đoạn 1954 – 1975 tác giả chọn những chi tiết, những sự kiện lịch sử khá điển hình. Để nói đến chiến thắng của quân và dân ta tác giả chỉ liệt kê những chiến thắng mang tính chất quyết định cho một giai đoạn; để nói đến những tấm gương anh dũng hy sinh các tác giả cũng chỉ liệt kê một vài tên tuổi điển hình. Và đặc biệt khắc họa bộ mặt tàn bạo của kẻ thù các tác giả chỉ đưa ra một hình ảnh điển hình nhất. Trong Ký sự miền đất lửa, tội ác của kẻ thù gắn với hình ảnh máy bay. Cuộc sống của người dân luôn bị ám ảnh bởi những chiếc máy bay xuất hiện lởn vởn trên bầu trời như những bóng ma chực chờ: “Rất nhiều máy bay xuất hiện trên bầu trời Vĩnh Linh. RF 100 bay ở độ cao 7 – 8 km, vẽ lên nền trời xanh những vệt khói trắng hình số tám. F105F mang tên lửa Sơ - rai – cơ sục sạo...” [50, 304]. Có những trang ký sự tác giả ví những chiếc may bay địch như lũ ruồi xanh lượn lờ trên bầu trời. Hình ảnh máy bay quần lượn trên bầu trời là hình ảnh tượng

trưng cho cái ác và cái chết. Từ không gian hiện thực này, nhà văn gợi cho chúng ta thấy cuộc sống của người dân Việt Nam trong thời kỳ khó khăn, khắc nghiệt, trong bầu không khí ngột ngạt của chiến tranh. Các nhà văn luôn miêu tả sự kiện ở điểm nhìn khách quan. Tác giả không phân tích hay bình luận mà để cho người đọc tự cảm nhận hiện thực cuộc sống qua các chi tiết, sự kiện. Chi tiết, sự kiện này khiến cho người đọc có cảm giác lo lắng bởi cái chết dường như hiện ra ngay trên đầu mỗi người. Sự u ám và hiểm nguy bao trùm lên không gian đang tràn ngập đạn bom, thuốc súng.

Khắc họa vẻ đẹp của người dân trong cuộc đụng đầu lịch sử, các tác giả chọn lấy một chi tiết điển hình nhất, chi tiết đó vừa toát lên được vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp của sức mạnh quật cường. Miêu tả hình ảnh cô Mười, tác giả chú trọng đến dáng đứng và hành động nhanh nhạy của cô; miêu tả cô Dậu tác giả tập trung ở đôi mắt... Đôi mắt, dáng đứng, nụ cười là nơi tập trung nhất sức mạnh, vẻ đẹp phi thường của người con gái. Hiện thực chiến tranh vốn rất bề bộn, chọn ra những chi tiết chân thực, điển hình nhất để đưa vào tác phẩm đòi hỏi tài năng của nhà văn. Các nhà văn viết ký sự giai đoạn 1954 – 1975 đã làm được điều này.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 62)