Nghệ thuật kết cấu

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 67)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2. Nghệ thuật kết cấu

Kết cấu là một phương diện cơ bản của sáng tác nghệ thuật. Khi người ta nói xây dựng tác phẩm, cốt truyện, tính cách, cấu tứ (trong thơ) thì đã xem tác phẩm như một công trình kiến trúc - công trình kiến trúc bằng chất liệu đặc biệt - chất liệu ngôn từ. Bàn về kết cấu Văn tâm điêu long từng viết: “Phần vật chất ở thể lớn, có nhiều thể loại chi nhánh, nhưng sắp xếp chi nhánh ấy thành một chỉnh thể thì phải dựa vào gốc và cái sườn nhất định. Dệt từ tơ nghĩa đều phải phục vụ cho cương lĩnh chung, chạy vạn đường nhưng đều quay về một chỗ, giữ trăm ý nhưng vẫn nhất trí. Làm cho lí lẽ mặc dù phức tạp nhưng vẫn không có sự trái ngược của việc đảo lộn, ngôn ngữ tuy nhiều nhưng không rối như tơ vò... Đầu cuối phải chặt chẽ trong ngoài phải thống nhất” [30, 71].

L.I. Timôphiep trong cuốn Nguyên lý lí luận văn học viết: “Kết cấu là điều kiện tất yếu của sự phân tích, phản ánh cuộc sống trong tác phẩm nghệ thuật. Bất kể một tác phẩm nào cũng có một kết cấu nhất định dựa trên cơ sở, tính chất phức tạp của hoàn cảnh sống thực tế được phản ánh trong sự nhận thức những mối quan hệ, nguyên nhân và kết quả của cuộc sống. Nhận thức này thuộc riêng nhà văn đó và nó quyết định những nguyên tắc kết cấu

riêng của nhà văn đó”. Lại Nguyên Ân cho rằng: “ Kết cấu (tác phẩm văn học) là sự sắp xếp phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật - tức là cấu tạo tác phẩm tuỳ theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu của hình thức và phối hợp chúng với tư tưởng... kết cấu có tính nội dung độc lập. Các phương thức và thủ pháp kết cấu sẽ cải biến và đào sâu hàm nghĩa cái được miêu tả” [4, 169]

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm. Thuật ngữ kết cấu thể hiện mặt nội dung rộng rãi phức tạp. Tổ chức tác phẩm đó không chỉ giới hạn bởi sự tiếp nối bề mặt, ở sự tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm” [15,131].

Kết cấu luôn làm cho tác phẩm trở nên mạch lạc, người đọc vì thế rất dễ theo dõi mạch đi của tác giả. Kết cấu cũng là yếu tố tạo thành và liên kết các bộ phận khác nhau trong bố cục của tác phẩm, vì vậy qua kết cấu chúng ta có thể thấy các yếu tố nghệ thuật khác như nhân vật, chi tiết, tình tiết...Vai trò của kết cấu không nhỏ, nó thực hiện nhiệm vụ đối với các yếu tố nội dung như tư tưởng, chủ đề, cảm hứng... Lựa chọn kết cấu phả phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng phản ánh, tài năng của tác giả.

Như vậy, kết cấu tác phẩm văn học là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động của tác phẩm. Nhà văn đã nhào nặn vốn sống để xây dựng thành những sinh mệnh nghệ thuật giàu tính khái quát. Với vai trò quan trọng trong việc kiến tạo tác phẩm văn học như vậy, nên kết cấu của tác phẩm văn học được nhiều người nghiên cứu, đánh giá, xem xét. Trong các tác phẩm ký chiến tranh chống Mỹ chúng tôi nhận thấy có một số kiểu kết cấu tiêu biểu sau:

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 67)