Hình ảnh người lính

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 51)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1.Hình ảnh người lính

Trong các tác phẩm viết về người anh hùng, chiến sỹ trong kháng chiến chống Mỹ những tác phẩm có giá trị văn học chưa có nhiều tuy nhiên những trang ký sự của Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân là những tác phẩm vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn học gây nhiều ấn tượng cho người đọc. Người lính là hình tượng trung tâm tạo rất nhiều cảm hứng cho các nhà văn nhà thơ. Đã không ít các tác phẩm viết về hình ảnh người lính trong các cuộc chiến tranh. Họ hiện lên ở nhiều vẻ, nhiều sắc thái khác nhau, hư cấu có, tô hồng có... nhưng trong những trang ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 người lính gắn với những sự kiện có thật, địa chỉ thật, có tên thật. Họ là những người bước ra từ lịch sử, có điểm xuất phát khác nhau nhưng đều là những con người anh dũng, kiên cường, bất khuất đưa lại độc lập tự do cho dân tộc.

Ký sự chiến tranh chống Mỹ đi sâu miêu tả những trận đánh, những tình huống cảm động của tình quân dân. Đó là những trận đánh của lực lượng dân quân, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân du kích...như trong Tháng ba ở Tây Nguyên, Ký sự miền đất lửabắc Hải Vân xuân 1975. Trong

không khí của những năm khói lửa căng thẳng của chiến tranh, cả dân tộc triệu người như một tập trung sức lực và tinh thần phục vụ cách mạng. Nhưng có thể nói hình ảnh được các tác giả nhắc tới và khắc đậm nhất đó là hình ảnh người lính. Họ có thể là một chiến sỹ, một sỹ quan, hay một anh giải phóng quân... xuất thân từ những vùng quê khác nhau, đa dạng về tuổi đời, sinh sống ở những vùng quê khác nhau, điều kiện chiến đấu không giống nhau, mỗi người một vẻ nhưng họ đều có một nét nổi bật đó là ý chí tiêu diệt địch, lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi và niềm tin sắt đá chiến thắng kẻ thù xâm lược. Nguyễn Khải, Nguyễn Sinh, Vũ Kỳ Lân, Xuân Thiều đều dành những trang văn đẹp nhất cho những hình tượng nhân vật này. Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân đã miêu tả hình ảnh những cô cậu thanh niên xung phong kéo xe: “Xe chạy trước, tám chục cô cậu thanh niên xung phong chạy sau hò reo ầm ĩ. Tuổi trẻ là thế đấy, họ coi bom đạn và cái chết chẳng nghĩa lý gì”[50, 269]. Vẻ đẹp của những người lính trên chiến trận là họ coi cái chết nhẹ như lông hồng. Đối mặt với bom đạn, chết chóc nhưng họ vẫn luôn vui tươi lạc quan. Hình ảnh những cô cậu Thanh niên xung phong trên mảnh đất Bình Trị Thiên làm tôi nhớ đến 10 cô gái Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng lộc trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Thời điểm từ năm 1968 đến 1972 chiến trường Đồng lộc và chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt như nhau, hầu như các lực lượng đều phải tập trung nơi đây để chống lại âm mưu của kẻ thù. Chiến tranh tàn khốc nhưng những cô gái thanh niên xung phong vẫn lạc quan yêu đời, đêm đêm lại đào đất đá san lấp hố bom để xe thông suốt vào tiền tuyến. Niềm lạc quan yêu đời, vẻ đẹp ngời sáng hiện rõ trong bức thư của chị Võ Thị Tần, mặc dù trình độ của chị mới học đến lớp 5:

Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của

chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con.

Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi! thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới, quyển sổ tay mẹ gửi cho con dạo nọ đã gần hết rồi mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mẹ! mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá! Con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.[23, 67- 68]

Hình ảnh người lính trong những trang ký sự chiến tranh chống Mỹ là điển hình cho những lớp người đã cầm súng và hiến dâng cả tuổi xuân cho độc lập tự cho của dân tộc “Từ nay người chiến sỹ của chiến trường Tây Nguyên sẽ đi mãi vào lãnh vực của cái phi thường, của truyền thuyết. Nhưng truyền thuyết nào mà chẳng được bắt đầu từ cái hàng ngày. Vả lại chính cái gốc gác, cái cội nguồn, cái duyên do, tức là những cái quen thuộc của hàng ngày mới thật là bổ ích cho sự hiểu biết” [50, 69]. Đó là hình ảnh đẹp của anh Bình, anh Khoát, anh Hội, anh Vũ Lăng... Trong ký sự Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải, họ là những nhân vật có thật ngoài đời đi vào trang sách. Họ anh dũng kiên cường, dám hy sinh tất cả để vào chiến trường cùng hàng vạn người chiến đấu, hy sinh vẻ vang.

Viết về hình ảnh người lính trên chiến trường các tác giả đã không tô hồng, tác giả khắc họa với vẻ đẹp vốn sẵn có của những chiến sỹ. Họ là những chiến sỹ công binh, những thanh niên xung phong, những thiện xạ bắn tên lửa, những dân quân du kích, những người trực tiếp cầm súng đánh giặc cứu nước...

Tập ký sự Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải viết về người thật việc thật, viết về những người đang sống và chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên, có địa chỉ rõ ràng, tên tuổi cụ thể. Để viết về họ một cách chân thật

nhất Nguyễn Khải đã đi và sống cùng họ, chính vì thế ông thấy hết những vất vả, nguy hiểm luôn rình rập những người chiến sỹ. Nhưng ở đây ngòi bút của Nguyễn Khải đã khắc họa được vẻ đẹp, niềm lạc quan, yêu đời của người lính. Người lính trong tác phẩm ký của ông thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh sống. Thiếu gạo, thiếu thức ăn họ có thể tự đi đánh cá, hái rau rừng, săn thú rừng cải thiện bữa ăn. Để đối phó với địch họ luôn nghĩ ra cách đánh nhanh nhạy, thông minh. Nói tóm lại, thiếu thốn, khổ cực, bom đạn không thể khuất phục được ý chí, lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta.

Khắc họa vẻ đẹp người lính trong chiến tranh, ký sự chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 đã tuân thủ theo nguyên tắc của ký – người thật, việc thật. Điều này làm chúng ta ngưỡng mộ và tự hào hơn đối với lớp cha anh đi trước, để chúng ta không quên được những gì cha anh đã để lại.

Cảm hứng chủ đạo trong văn học 1954 – 1975 là cảm hứng đề cao, ngợi ca và ký sự chiến tranh giai đoạn này cũng nằm trong nguồn cảm hứng chung đó.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 51)