Những đau thương, mất mát của nhân dân và người lính

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 47)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.Những đau thương, mất mát của nhân dân và người lính

Nói đến chiến tranh là nói đến những gian khổ, thương vong, chết chóc, nơi hiện hữu rất nhiều mất mát hy sinh. Chiến tranh nếu đã xẩy ra nó không trừ một ai, tất cả con người, từ người nông dân cho đến người lính, từ trẻ em đến người già, từ thanh niên đến trung niên... tất cả có thể bị cướp mất sự sống vì chiến tranh.

Sự thực về chiến tranh và những đau thương mất mát mà chiến tranh đưa lại có thể bất cứ người dân nào, người lính nào cũng biết, cũng cảm nhận được nhưng để một tác phẩm văn học tái hiện thật chân thật, chính xác, cận cảnh những đau thương mất mát thì khó. Viết về những đau thương, mất mát trong chiến tranh là điều hiếm trong truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca thời kỳ này. Cũng dễ hiểu vì lúc này đang trong chiến tranh, để thúc dục, động viên người lính trên chiến trường và người dân ở hậu phương viết về chiến tranh, chiến thắng là điều tất yếu. Nhiệm vụ chính trị của văn học là cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta nên không nói nhiều đến những mất mát, hy sinh. Những gì được gọi là đau thương, mất mát gian khổ và hy sinh trong chiến tranh hầu như không được nói đến bởi nó làm giảm đi tinh thần chiến đấu của quân và dân.

Trong dòng văn học cách mạng, có nhiều truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh. Trong những tác phẩm ấy hình ảnh của người dân, người lính luôn hiện lên với vẻ đẹp phi thường, mang âm hưởng anh hùng ca. Truyện ngắn Rừng Xà Nu Nguyễn Trung Thành đã khắc họa nỗi đau, sự hy sinh mất

mát của người dân Xô Man trong đó có cụ Mết, có TNú... Những đau thương đó được tác giả gắn với hình ảnh cây Xà Nu kiêu hãnh, kiên cường của vùng Tây Nguyên. Tác Phẩm mang đậm âm hưởng sử thi và anh hùng ca. Nhưng để có một tác phẩm tái hiện chân thật những đau thương, hy sinh, mất mát trong chiến tranh thì phải đợi đến ký sự. Ký sự với đặc trưng thể loại ghi chép và tái hiện những sự kiện, một câu chuyện, người thật, việc thật đã tái hiện lại một cách tỉ mỉ, rõ nét nhất những đau thương mất mát của nhân dân và người lính trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là những ghi chép chân thực, những sự thật nguyên vẹn không hề thêm bớt, che dấu. Hiện thực xã hội Việt Nam 1954 – 1975 có sự quện hòa của niềm vui – nước mắt, của chiến thắng – hy sinh. Vì thế trong văn học chưa bao giờ xuất hiện nhiều hình ảnh đau thương đến vậy. “Khi nhận ra cuộc chiến đấu không chỉ có anh hùng quả cảm, mà còn là đau thương tột cùng, chủ thể sáng tạo đã không né tránh sự thật ở những tình huống bi kịch, bi tráng xuất hiện trong mối quan hệ khát vọng sống của từng cá nhân và vận mệnh của tổ quốc và đã phản ánh những tình huống bi kịch đó một cách chân thật, rắn rỏi” [50,59].

Với những trải nghiệm thực tế của bản thân tác giả, với những số liệu, dẫn chứng chính xác, cụ thể, những trang ký sự chiến tranh đã cho thấy hình ảnh một Việt Nam oằn mình trong khói lửa chiến tranh. Đằng sau những con số tưởng chừng như khô khan, vô tình đó là cả một nỗi đau, sự mất mát, hy sinh mà người dân trên tất cả mọi vùng miền phải gánh chịu. Bộ mặt của kẻ thù hiện ra hung hãn bao nhiêu thì máu và nước mắt của người dân rơi nhiều bấy nhiêu.

Những trang ký sự viết về vùng đất Vĩnh Linh máu lửa của hai nhà văn Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân đã tái hiện rõ nét, chân thực những đau thương mất mát của những người lính bắn tên lửa diệt máy bay địch. Trong cuộc đụng độ giữa tên lửa của ta và địch có những lúc chúng ta giành chiến thắng

nhưng cũng có khi ta hy sinh, mất mát nhiều. Nhà văn Vũ Kỳ Lân đã không biết bao nhiêu lần trực tiếp chứng kiến cảnh hy sinh, mất mát của những người đồng đội: “Một tiếng nổ, khói đen trùm kín trận địa. Xe chỉ huy vỡ tung. Khi các đồng chí xung quanh nhào đến, Thịnh đã tắt thở, trắc thủ Lê Xuân Mai bị thương nằm ngất lịm bên cạnh. Tiểu đoàn trưởng Sơn bị một mảnh đạn xuyên cánh tay, đại đội Huynh bị thương...”. Và chính tác giả cũng là người suýt bị bom đạn kẻ thù cướp đi sinh mạng “Tôi choáng váng. Có lúc thấy đầu óc tê dại đi”. Sống trong cảnh bom đạn, sự sống con người luôn bị rình rập, người ta có thể đang cười nói vui vẻ nhưng rồi có thể chết trong vài giây, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Vĩnh Linh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ được xem là “tọa độ chết”, là “miền đất lửa”, sự sống của những người lính hàng ngày chiến đấu ở đây như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngòi bút của những nhà văn chiến sỹ đã rong ruổi trên những chiến trường, đã ghi lại toàn bộ những đau thương, mất mát của người lính cũng như nhân dân. Những trang ký sự ghi lại tất cả những gì diễn ra trong cuộc chiến mà không một chút phóng đại, tô hồng thêm. Đây cũng là một điểm khác biệt của ký sự chiến tranh so với các thể loại văn học khác. Hiện thực chiến tranh, những mất mát, gian khổ, đau thương hiện ra tươi nguyên trong những trang ký sự. Trong khi đó nhiều tác phẩm văn học giai đoạn này phần lớn tránh nói về những hy sinh, đau đớn, thương vong do chiến tranh gây ra, chỉ tập trung vào những chiến công và chiến thắng của nhân dân, sự thất bại của kẻ thù. Đọc những trang ký sự của Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân, người đọc như thấy hiện ra trước mắt một không khí sôi sục của những ngày cả nước đánh Mỹ. Đó là những năm tháng anh dũng, hào hùng nhưng cũng rất tàn khốc, hãi hùng. Có những chiến thắng vẻ vang nhưng cũng không ít mất mát, hy sinh.

Đau thương, mất mát không chỉ những người lính trực tiếp cầm súng phải gánh chịu mà hệ lụy của nó kéo theo rất nhiều người, rất nhiều vấn đề khác. Chiến tranh làm cho vợ mất chồng, con mất cha...Trong Ký sự miền đất lửa Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân không chỉ đề cập đến những mất mát đau thương của những người lính trực tiếp cầm súng mà tác giả còn nói đến những khía cạnh khác. Chiến tranh chia cắt tình yêu đôi lứa. Đây không phải là điều mà bây giờ mới được nói tới trong văn học, đã có nhiều chàng trai cô gái bị chia cắt bởi chiến tranh và tình yêu của Khoa và Mỹ Lệ trong Ký sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân cũng vậy: “Khoa yêu một cô gái người Quảng Bình tên là Mỹ Lệ. Chiến tranh xẩy đến Khoa ra đảo, Mỹ Lệ đi Thanh niên xung phong chiến đấu ở miền Tây. Đường đất xa xôi, cộng với một vài chuyện hiểu lầm nho nhỏ làm hai người cách biệt. Tuy vậy, qua một lần tâm sự tôi biết Khoa vẫn yêu Mỹ Lệ tha thiết” [50]. Chiến tranh làm cho tất cả bị chia lìa, tình yêu đang độ chín muồi cũng bị chiến tranh gây ra hiểu lầm và chia cắt. Bom đạn chiến tranh thoắt ẩn thoắt hiện có thể lấy đi sinh mạng của con người lúc nào không hay “Mười một giờ trưa. Địch bị đẩy lùi ra khỏi làng. Đồng chí Thà nghe tiếng Hồ Thừa gọi phía sau... nhưng một lát sau, một quả pháo địch nổ bên cạnh. Hồ Thừa bị thương nặng. Anh trao máy ảnh, tài liệu lại cho Ngọc Nhu và nói với Trần Thà:

- Chúc anh và tiểu đoàn chiến thắng!

Ba tiếng đồng hồ sau Ngọc Nhu cũng hy sinh”[50]

Chiến tranh làm tổn thất nhiều tính mạng, đôi khi tính mạng con người bị cướp đi trong nháy mắt. Đọc những trang ký sự chiến tranh, bên cạnh những trang hào sảng của chiến công, chiến thắng, còn rất nhiều những trang đau thương, mất mát, gian khổ của người lính. Các tác giả đã đi sâu miêu tả sự thiếu thốn, gian khổ của những người lính trên chiến trường: “Người gầy và xanh xao quá, quần áo rách quá, mũ không có, đi đôi giày vải chỉ có cái đế

và cái cổ. Thiếu ăn, thiếu thuốc, thiếu quần áo mặc...” [50, 70]. Thiếu thốn, đói khát nhưng người lính vẫn không quên nhiệm vụ, vẫn lạc quan, quên cái đói, cái khát để làm việc và chiến đấu: “Cứ thế, cứ thế, ngày qua đêm, đêm sang ngày, phá rừng, đục núi....” [50, 60]. Người lính trên chiến trường một mặt đối diện với bom đạn, cái chết có thể cướp đi sinh mạng lúc nào không hay, nhưng bên cạnh đó còn là đói, còn là bệnh tật... nhưng điều đó không làm cho người lính khuất phục, họ vẫn đẹp, vẫn sáng lên trong những trang ký sự.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 47)