Thành tựu

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 38)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2Thành tựu

Cho đến nay khi bàn về địa vị của văn học cách mạng 1945 – 1975, trong đó có giai đoạn văn học 1954 – 1975 vẫn còn có những ý kiến trái ngược nhau. Có người cho rằng văn học 1945 - 1975 là “khúc gẫy” làm gián đoạn tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc hay đây là giai đoạn văn học chính trị, đơn nghĩa, không phải là nghệ thuật đích thực, là văn học minh họa... vì thế vị trí của văn học cách mạng nói chung và thể ký, ký sự 1954 – 1975 trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam là một vấn đề cần được xem xét dưới nhiều góc độ. Ở đây Luận văn xin đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong vấn đề lớn ấy, đó là thành tựu của ký sự trong văn học cách mạng 1954 – 1975.

Văn học cách mạng Việt Nam nói chung và thể loại ký nói riêng phát triển trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đất nước đương đầu với cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, đất nước bị chia cắt làm hai miền, mỗi miền làm một nhiệm vụ riêng nhưng mục đích cuối cùng vẫn là giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Hoàn cảnh đó đã quy định đường đi cho văn học. Đây là thời kỳ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa phát triển một cách mạnh mẽ. Những ảnh

hưởng về quan điểm văn nghệ, hệ thống thi pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa của Trung Hoa mà đặc biệt là Liên Xô cũ là rất quan trọng. Theo đó văn học xác định mục đích của mình là phục vụ chính trị của Đảng. Hiện thực đất nước đã đặt văn nghệ trước yêu cầu “tăng cường tính đảng, bám sát cuộc sống mới, con người mới để miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn” [30, 42]

Là thể loại chủ lực của ký, ký sự đã đạt được cầu yều của Đảng về nghệ thuật. Từ góc độ tiếp cận hiện thực, hệ thống đề tài, cảm hứng sáng tạo, tư tưởng nghệ thuật đến thủ pháp nghệ thuật ký sự giai đoạn 1954 – 1975 không đi ra ngoài quỹ đạo mà cùng với thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết định hình một thi pháp thống nhất của cả một thời kỳ văn học.

Về mặt nội dung tư tưởng ký sự chiến tranh chống Mỹ đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản của một tác phẩm văn học cách mạng đó là bám sát hiện thực đất nước, phản ánh đời sống chính trị, bày tỏ hoài bão chính trị. Các nhà văn đã có mặt kịp thời trên hầu hết các mặt trận để đưa về những tư liệu lịch sử quý giá, kịp thời tôn vinh những gương mặt anh hùng.

Về phương diện nghệ thuật ký sự chống Mỹ 1954 – 1975 đã có đóng góp cho văn học cách mạng những tác phẩm tiêu biểu như: Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Hồ Phương), Sóng Hòn Mê (Hoàng Văn Bổn), Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Ký sự miền đất lửa (Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân), Tháng ba ở Tây Nguyên (Nguyễn Khải), Bắc Hải Vân xuân 1975

(Xuân Thiều)... đã ghi lại một cách trung thực xúc động những diễn biến của sự kiện vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc, giành lại độc lập và thống nhất đất nước của đồng bào và chiến sỹ cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là những tác phẩm văn học ưu tú, giàu giá trị thẫm mỹ, không thua kém một tác phẩm ưu tú của thể loại khác. Không chỉ tiêu biểu trong văn học giai đoạn 1954 – 1975 mà những tác phẩm ấy được đánh giá cao trong lịch sử ký, ký sự Việt Nam.

Cùng với những tác phẩm thuộc tiểu loại tùy bút, bút ký viết về chiến tranh, ký sự đã đóng góp một tiếng nói làm phong phú thêm cho thể loại ký viết về đề tài này.

Như vậy, có thể thấy ký sự giai đoạn 1954 -1975 đã làm tròn vai trò, trách nhiệm đối với văn học cách mạng Việt Nam. Nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử phản ánh hiện thực đất nước trong hai mươi năm, đồng thời để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Cùng với các thể loại khác trong ký, cùng với thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự đã có một vị trí xứng đáng trong văn học cách mạng giai đoạn 1954 – 1975, góp phần tạo nên một “giai đoạn lịch sử không lặp lại” “một hiện tượng nghệ thuật sáng ngời của nền văn học dân tộc, là chiếc cầu nối liền văn mạch dân tộc từ quá khứ hướng tới tương lai và đi vào vĩnh viễn” [46, 299].

Đội ngũ sáng tác dày dặn về cả tuổi đời và tuổi nghề là một trong những nét nổi bật của lớp nhà văn viết ký chiến tranh giai đoạn này. Có những nhà văn đã từng thành công trong cuộc kháng chiến chống Pháp nay bước sang chống Mỹ tay viết của họ càng vững chắc hơn. Những nhà văn này, thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực, họ vừa viết truyện ngắn, vừa viết ký, ở lĩnh vực nào cũng gặt hái được thành công. Có thể kể một loạt các tác giả với những tác phẩm ký sự đạt nhiều thành tựu. Nguyễn Khải với Tháng ba ở Tây Nguyên, Xuân Thiều với Bắc Hải Vân xuân 1975, Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân với Ký sự miền đất lửa... “Đây là những tập ký sự đặc biệt, không chỉ là văn học mà còn là lịch sử, là tư liệu, là hiện vật bảo tàng, còn là một phần đời người viết và cũng là một phần đời của chính người đọc chúng ta. Đọc nó chúng ta như sống lại những ngày gian khổ, những kỷ niệm của chính mình” (Vũ Quần Phương) [56, 123]. Đặc biệt tác phẩm Ký sự miền đất lửa được dư luận quan tâm hơn cả, làm xôn xao công chúng. Tác phẩm được trao giải

thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, mặc dù nó là những ghi chép của hai nhà văn, ngồn ngộn hiện thực nhưng ít chất văn chương hơn so với các tác phẩm ký cùng thời.

Với đội ngũ sáng tác hùng hậu, số lượng tác phẩm gặt hái thành công khá nhiều, ký giai đoạn 1954 – 1975 góp phần khẳng định sức mạnh của nền văn học cách mạng, một nền văn học đi theo tiếng nói của Đảng, phục vụ công cuộc đấu tranh của Đảng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 38)