Hình ảnh nhân dân

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 54)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Hình ảnh nhân dân

Con người thời kỳ chống Mỹ trở thành hình tượng trung tâm tạo nên nguồn cảm hứng cho các nhà văn. Hình tượng con người mà cụ thể hơn ở đây là người dân trong ký nói chung và ký sự nói riêng là những con người có thật, gắn với những sự kiện có thật, những địa chỉ có thật, họ có tên hoặc không có tên. Một điều đáng nói là hầu hết trong các tác phẩm ký sự chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh người dân xuất hiện như những người anh hùng bất khuất quật cường trong chiến đấu. Họ không phải là kiểu anh hùng vĩ đại như kiểu sử thi mà họ là những người bình thường, họ anh hùng trong chính cuộc đời thường của mình, trong hành động, trong suy nghĩ trên chính mảnh đất của mình, chất anh hùng cũng được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Các nhà văn “đã tìm ra giữa cái biển mênh mông của cuộc chiến tranh nhân dân những hạt muối mặn kết tinh những điển hình anh dũng thoạt mới đầu tưởng như không có gì đáng kể” [ 12, 52]. Trong ký sự chống Mỹ hầu hết các tác giả xây dựng nhân vật anh hùng dựa trên nguyên tắc chung đó là con người với tư cách là một công dân tích cực, con người kết tinh những gì đẹp đẽ nhất của dân tộc.

Đó là những con người rất bình thường, giản dị, rất thật nhưng ý chí, phẩm chất, khí phách anh hùng luôn cuồn cuộn trong lòng. Những tập ký sự chính luận nhưng cũng rất trữ tình như Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải, Ký sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân thấm đẫm chất anh hùng ca cách mạng, những con người đi vào trang văn của các nhà văn hầu hết là những con người “với diện mạo thường ngày, trong y phục thường ngày, từ những vị trí thường ngày của họ”[50]. Đó là hình ảnh của O Dậu, o Em, anh Du, anh D, cụ H... họ là những người dân, có tên hay không có tên nhưng tất cả đều hiện lên vẻ đẹp của lòng dũng cảm, gan dạ, giàu đức hy sinh. Hình ảnh “O Em – một cán bộ cũ của Quảng Trị, tham gia hoạt động từ những năm 1935 – 1936. Chồng và con đều hy sinh, o lên chiến khu Ba Lòng lo sản xuất nuôi các đồng chí hoạt động trong những năm kháng chiến chống Pháp. Đến nay đã ngoài sáu mươi tuổi o vẫn ở lại Vĩnh Linh đóng góp sức mình cho cuộc chiến đấu” [50, 345]. Đó là hình ảnh quen thuộc về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, họ giàu đức hy sinh, hy sinh gia đình và người thân, hy sinh cả chính bản thân mình cho sự nghiệp cách mạng. Lúc trẻ họ xông pha chiến trường, về già không trực tiếp tham gia chiến đấu họ vẫn bằng mọi cách để nuôi bộ đội, phục vụ kháng chiến. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam anh dũng, giàu đức hy sinh không hiếm trong văn học Việt Nam nhưng ở ký sự chiến tranh những hình ảnh đó là có thật. Những nhân vật với những

cái tên hết sức bình dị, thậm chí họ không có tên tuổi nhưng trong cái bình dị, vô danh là cả tình yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.

Ký sự miền đất lửa hai nhà văn Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân đã khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ trên vùng đất máu lửa Trị Thiên. Vẻ đẹp đó có tầm vóc của lịch sử. Cô dân quân Dậu đẹp ở hành động, việc làm và đẹp ngay chính trong dáng vóc, thế đứng: “Trời đất đang tối đen bỗng rựng lên rồi đột nhiên sáng trắng ra trong thứ ánh sáng sắc lạnh đến ghê người. Cô dân quân đứng đằng mũi như nằm rạp xuống, đẩy chèo hối hả. Tôi quay nhìn lại, Hình ảnh cô Dậu, cô dân quân cầm lái con đò mới đẹp và hùng dũng làm sao! Cao lớn, dáng dấp như người anh ruột đã hy sinh, cô đứng thẳng, tay đẩy chèo nhanh nhưng không vội vã, hấp tấp, ngước nhìn bầu trời lóe sáng với đôi mắt to, lấp lánh. Cặp môi cô gái mím lại, vẻ cương quyết...” [50, 340]. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong chiến tranh không phải đến những trang ký sự mới được các tác giả tái hiện, trước đó ta đã gặp hình ảnh chèo thuyền đưa bộ đội qua sông của mẹ Suốt. Chính trong bom đạn chiến tranh sức mạnh và vẻ đẹp của con người mới được bật phá ra. Hình ảnh về cô Dậu anh dũng, kiên cường ngày ngày lái đò chở bộ đội qua sông đã khắc sâu vào tiềm thức của tác giả, nó như trở thành một biểu tưởng của chủ nghĩa anh hùng cach mạng: “Nhiều năm về sau, tôi vẫn chưa thể quên được tư thế và nét mặt người chiến sỹ chèo đò trong những đêm vượt sông Bến Hải ấy. Nếu mai đây ta dựng tượng đài trên bến đò để kỷ niệm những con người bất khuất đã chiến đấu bền bỉ và hy sinh ở đây tôi sẽ đề nghị các nhà điêu khắc lấy cô gái và con thuyền của cô làm mẫu” [50, 341]. Đó là hình ảnh của cô Bưởi: “ Một chiến sỹ xuất sắc trong đội bắn tỉa của Vĩnh Tú. Có lần ở Cửa Việt cô bắn 12 viên đạn, diệt 11 tên Mỹ. Khuôn mặt Bưởi nhẹ nhõm, đôi mắt thông minh, miệng cười rất tươi” [50, 334]. Hình như những người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay đẹp cả

ngoại hình và cả phẩm chất. Những người phụ nữ trong bom đạn chiến tranh đã thể hiện được sức mạnh của mình “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Khi lịch sử cắm thêm một cái mốc đáng ghi nhớ, đầy vẻ vang thì vinh quang lớn nhất là thuộc về những chiến sỹ vô danh, những con người gánh chịu những hy sinh to lớn nhất, những nỗi gian nan khổ cực nhất, liên tục, triền miên nhất, những con người mặt đối mặt với kẻ thù tàn bạo, đối mặt với cái chết những con người đã vượt lên tất cả mọi thử thách để chiến thắng. Nguyễn Khải có ý thức rõ ràng về điểm này khi ông đã giành cho những chiến sỹ bình thường những dòng, những trang cảm động. Chỉ tiếc rằng những trang như vậy chưa nhiều.

Theo quan niệm của các nhà văn viết ký sự thời kỳ này, anh hùng không hẳn là những người làm những việc trọng đại, anh hùng có khi là những con người với những việc làm nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w