Tự sự từ ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 77)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Tự sự từ ngôi thứ nhất

T.H.Miller nhà giải cấu trúc Mỹ cho rằng “Tự sự là cách để ta đưa ra cái sự việc vào một trật tự và từ trật tự ấy mà chúng ta có được ý nghĩa, tự sự là cách tạo nghĩa cho sự kiện biến cố. Bielinxki lại cho rằng “Tự sự được dùng để chỉ toàn bộ những tác phẩm biểu hiện đời sống thông qua miêu tả sự kiện”. Đặc trưng nổi bật nhất và cũng là quan trọng bậc nhất của loại hình tự sự là tính khách quan. Về khái niệm tự sự trong Từ điển thuật ngữ văn học

nêu “Nếu tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong cảm nhận chủ quan về nó thì tác phẩm tự sự lại tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống, trong không gian, thời gian, qua các sự kiện biến cố..”. Về phương thức tự sự nhà văn kể lại, tả lại từ những gì bên ngoài mình, khiến cho người đọc, người nghe cảm giác rằng hiện thực được phản ánh trong tác phẩm tự sự là một thế giới tạo hình xác định đang tự phát triển tồn tại ngoài nhà văn, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của nhà văn. Tự sự có khả năng bao quát rộng lớn, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống.

Ký là một thể loại rất linh hoạt, có khả năng chiếm lĩnh hiện thực rộng lớn, bởi ký có thể dung nạp tất cả hình thức và phong cách sáng tạo của các thể loại khác như truyện ngắn, kịch, hội hoạ, điêu khắc... Chính vì vậy ở những tác phẩm ký “dấu ấn chủ quan của người cầm bút mới thực sự rõ nét”,

"người cầm bút trực diện trình bày đối tượng mình đang phản ánh bằng cảm quan của chính mình, của cái tôi đã được đập vỡ và chui ra khỏi lớp vỏ của cái ta cộng đồng" [34, 429]. Như vậy, trong ký ngôn ngữ người kể chuyện đóng vai trò quan trọng để giúp cho người đọc biết rõ phải hiểu họ như thế nào, giải thích cho người đọc biết rõ ý nghĩa thầm kín, những động cơ bí ẩn phía sau hành động của các nhân vật được miêu tả.

Trong các tác phẩm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 các tác giả sử sụng tự sự từ ngôi nhứ nhất. Với đặc trưng của mình là viết về người thật, việc thật mà tác giả là người trong cuộc, trực tiếp chứng kiến, được nắm giữ tư liệu một cách tường tận, tỉ mỷ về sự việc, tự sự từ ngôi thứ nhất là phương thức thể hiện quan trọng của ký sự. Khác với các tác phẩm khác, ký sự luôn đòi hỏi sự có mặt của tác giả trong tác phẩm. Trong ký tự sự người đọc không chấp nhận cách khai thác gián tiếp, người kể chuyện phải là người trong cuộc, chứng kiến, quan sát, lắng nghe và tham dự trực tiếp một phần vào công việc.

Khi tìm hiểu và khảo sát những trang ký sự viết trong chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi thấy lời kể của tác giả luôn ở ngôi thứ nhất, thường xuyên xuất hiện dưới các đại từ nhân xưng ngôi 1 số ít và số nhiều: tôi, chúng tôi: “Ông mời tôi một chén nước trà vừa loãng vừa nguội, hút thuốc của tôi, tự giới thiệu tên là Hợp, một thương gia ở Sài Gòn” [50, 19], “Tôi đã ở đơn vị chiến đấu, từng làm cán bộ đại đội, tiểu đoàn nên càng hiểu rằng, trước lúc nổ súng là những giờ phút hồi hộp căng thẳng vô cùng” [50, 277], “Tôi choáng váng. Có lúc cảm thấy đầu óc tê dại đi” [50, 315], “Tôi lần lượt mở những cánh tủ khác. Những tấm bản đồ trị Thiên – Huế mỗi cái có một tác dụng theo dõi riêng cũng lần lượt mở ra”... Nhiều khi đại từ nhân xưng không xuất hiện nhưng dáng dấp của chủ thể, người viết vẫn hiện diện rõ qua sự việc, qua cách xưng hô của nhân vật trong tác phẩm. Người viết dù không xưng danh nhưng

ta vẫn cảm nhận được vị trí trung tâm qua những dòng văn “Đứng phơi mặt ngoài trời cả đêm, đứng không đổi chỗ, ý nghĩ mờ mờ ảo ảo, vừa là chính mình vừa là người khác, quen thuộc vô cùng mà cũng ngỡ ngàng vô cùng. Việc tin chắc trước sau rồi cũng phải xẩy ra đúng như thế, mà lại chưa hẳn tin sao lại có thể xẩy ra gọn ghẽ, lẹ làng đến thế. Biến động lịch sử là gì? Là như thế đó!..” [50, 11]

Đúng như nhà phê bình Xô viết Priliút đã nói: “Thông thường, tôi trong ký là tác giả, mặc dù không trừ hình thức người trần thuật ước lệ”. Sự có mặt của nhân vật trần thuật, nhất là tác giả trước hết đóng vai trò chứng kiến để tăng cường tính xác thực của con người và sự việc trong tác phẩm ký đồng thời cũng bộc lộ tính khuynh hướng của mình.

Trong ký sự, những sự việc xẩy ra cụ thể là hiện thực đất nước trong đau thương, trong bom đạn đều được tác giả ghi lại rất tỉ mỉ, cụ thể, chi tiết. Tất cả những điều đó đều do người viết chứng kiến, tận mắt thấy tai nghe, thậm chí còn trực tiếp tham gia và gánh chịu. Những gì xẩy ra đó có liên quan đến sự sống của chính tác giả. Trong không khí chiến tranh dữ dội, cuộc sống chung của cả dân tộc trong cơn thử lửa là những vấn đề lớn lao thuộc về cộng đồng.

Nếu như ký sự giai đoạn chống Pháp, các nhà văn có ý thức trải nghiệm đi để viết, viết rồi lại đi. Các nhà văn đã đi với các đoàn quân, tham gia các chiến dịch. Tuy nhiên, sự trải nghiệm đó còn mang màu sắc chủ quan. Nhưng sang giai đoạn 1954 – 1975 cái tôi chủ quan của nhà văn đã hòa vào cái cái ta, hòa vào dân tộc.

Hình thức tự sự từ ngôi thứ nhất cho phép người viết tự bộc bạch, ghi chép theo chủ quan của mình. Đọc ký sự chiến tranh chống Mỹ, ta thấy có những đoạn tác giả đang độc thoại với chính mình về cuộc sống, về nỗi đau, xót xa trước cảnh đất nước quê hương bị tàn phá, hủy diệt, trước những cái

chết thương tâm, những hy sinh mất mát của đồng đội, có khi là niềm vui, niền phấn chấn trước những biến động lớn lao của lịch sử, trong Tháng ba ở Tây Nguyên, Bắc Hải Vân xuân 1975 chúng ta đều thấy rõ điều này. Có khi đọc những trang văn mà chúng ta cứ ngỡ đang nghe những lời bộc bạch của chính nhà văn trước những biến động của lịch sử: “Đã ba mươi năm. Tôi thầm kêu lên. Đã ba mươi năm, kể từ ngày tôi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên... bây giờ tôi đã đến bốn mươi, lác đác vài sợi tóc bạc. Ba mươi năm qua hai cuộc kháng chiến ác liệt để hôm nay lá cờ đỏ sao vàng bay lượn trên cột cờ Khu Mang Cá như một sự khẳng định chiến thắng. Niềm tự hào trào dâng trong lòng, tôi đưa tay chấm những giọt nước mắt ứa ra trên mi, chỉ sợ ai trông thấy” [50, 216].

Trong ký sự vai trò của tác giả rất quan trọng, tác giả là người “hướng dẫn người đọc cảm thụ cuộc sống theo những định hướng nào đó” [30, 250]. Trong ký sự tác giả không bao giờ vắng mặt trong những câu chuyện, hoặc là tác giả trực tiếp chứng kiến hoặc là tác giả được kể lại nhưng kể lại trên cơ sở sự thật.

Hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất đem lại cho ký sự sự chân thật, độ tin cậy cao. Chính điều này làm cho ký sự chiến tranh hấp dẫn người đọc. Đặc điểm này làm cho ký sự khác với truyện. Truyện có thể viết theo lối hư cấu, tác giả không phải là người trực tiếp chứng kiến hay nghe kể lại cũng có thể viết lên được một cốt truyện hấp dẫn nhưng độ thật của nó không cao. Trong ký sự hoàn toàn ngược lại, lời kể hết sức trung thực, chính xác, chân thành, nếu có hư cấu thì cũng là hư cấu trên cơ sở có thật. Ở ký sự chiến tranh chống Mỹ, hình thức tự sự từ ngôi thứ nhất cho phép tác giả ghi lại một cách cụ thể, tỉ mỉ, chân thực về hiện thực đất nước Việt Nam trong khói lửa chiến tranh với những biểu hiện phong phú, phức tạp của nó. Không những thế nó còn tái hiện lại không khí chung của lịch sử trong giai đoạn ác liệt qua đó bộc lộ chân

thành niềm kiêu hãnh của tác giả. Với những đặc trưng riêng biệt đó ký sự chiến tranh chống Mỹ đi vào lòng bạn đọc, có một chỗ đứng quan trọng của nhiều thế hệ không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình.

Như vậy, với hình thức tự sự từ ngôi thứ nhất, ký sự chiến trang chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 đã tái hiện được không khí chung của cả dân tộc trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đồng thời thể hiện được tình cảm của nhà văn ẩn dấu sau những trang văn tưởng như khô khan kia. Qua những dòng ký sự người đọc có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về đất nước trong chiến tranh, con người trong chiến tranh, đặc biệt là hình ảnh người lính – những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 77)