Niền tin vào thắng lợi

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 58)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2.Niền tin vào thắng lợi

Bên cạnh niềm tin về lương tri, chính nghĩa ở con người thì niềm tin vào thắng lợi là nét nổi bật ở hầu hết các tác phẩm ký sự. Bởi suy cho cùng cái đích đến của văn học là đưa lại một thông điệp nhân văn, một niềm tin cho con người. Hơn nữa ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 có một trọng trách rất lớn là đưa lại niềm tin cho con người về sức mạnh của tập thể, sức mạnh của tình yêu nước.

Dường như niềm tin vào chiến thắng đã ngự trị trong mỗi con người Việt Nam, trong những thớ thịt của những người lính ngày đêm lăn xả trên chiến trường. Mặc dù “Mỗi bữa chỉ được một lạng gạo, chủ yếu sống bằng rau rừng” nhưng những người lính vẫn “đinh ninh một lời hứa sắt son, một lời thề nhất định có ngày sẽ trở về Huế. Chao ôi, niềm tin của chúng ta thật là mãnh liệt”[50]. Trở về Huế có nghĩa là chúng ta giành được thắng lợi ở các chiến trường sau đó tiến vào giải phóng Huế và cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Chính niềm tin đó đã tạo nên những chiến thắng lẫy lừng, những ngọn cờ bay trên cửa Ngọ Môn Huế, cắm trên dinh độc lập.

Trong tác phẩm ký sự Bắc Hải Vân xuân 1975 niềm tin vào sự chiến thắng thể hiện rõ ngay từ những đề mục, đó là: “Kể chuyện từ khu nhà thuộc về người chiến thắng”, “Sự tích niềm tin vào thắng lợi cuối cùng”...

Giặc Mỹ quay trở lại xâm lược nước ta, đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô nhân đạo. Chúng ta đứng dậy chống trả bảo vệ đất nước là chiến tranh chính nghĩa, mà cái phi nghĩa rồi cuối cùng cũng thất bại, chính nghĩa sẽ thắng lợi. Lịch sử đã cho chúng ta thấy thắng lợi của chúng ta không phải đến chiến dịch Tây Nguyên, đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng... mà thắng lợi đó lịch sử đã công nhận có từ rất lâu rồi: “Niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của chúng ta không phải vô căn cứ. Chúng ta thắng từ năm 1945, 1954, 1960, 1965, 1968, 1972, 1973... thắng từng bước – những bước vững chắc, vững vàng như thế đứng Trường Sơn” [50]. Chúng ta đã chiến thắng rất nhiều, một dân tộc nhỏ bé chiến thắng cả những thực dân, đế quốc hùng mạnh. Lịch sử đã ghi vào những chiến công chói ngời. những chiến công ấy càng thắt chặt hơn niềm tin chúng ta sẽ có thắng lợi cuối cùng. Có đôi khi con người băn khoăn, hoài nghi không biết chiến thắng cuối cùng sẽ là lúc nào “Nhưng trước mùa xuân 1975, chúng ta vẫn tự hỏi, có bao giờ thắng lợi hoàn toàn, thắng lợi vĩnh viễn; bao giờ ước nguyện của chúng ta là đất nước được thống nhất...

bao giờ đấy hả thời gian?” [50]. Ngay cả những người trong cuộc cũng không biết được rằng chiến thắng đến nhanh đến vậy “Không ai tiên đoán được ngày 10 tháng 3 năm 1975 ta giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột buộc địch sau đó phải rời bỏ Tây Nguyên. Không ai tiên đoán được ngày 25 tháng 3 năm 1975 nhiều mũi tiến công đã bao vây chia cắt rồi chọc thủng vào Huế, cắm cờ lên của Ngọ Môn. Không ai tiến đoán được chỉ bốn hôm sau ngày 29 tháng 3 năm 1975 chúng ta tiêu diệt cả một đạo quân: hàng chục vạn tên ở Đà Nẵng. Lại càng không thể tiên đoán được cái ngày rực rỡ nhất của cả dân tộc ngày 30 tháng 4 năm 1975 kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lá cờ vinh quang của ta đã phấp phới bay trên dinh “Độc Lập” sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.”[50]. Ở đây, tác giả ký sự đã sử dụng điệp khúc “không ai tiên đoán được” đến bốn lần trong một đoạn văn ngắn nhằm khẳng định niềm tin vào sự chiến thắng đã thành hiện thực. Nhưng chiến thắng đến với quân và dân ta nhanh chóng quá. Chính bản thân tác giả cũng không nghĩ chiến thắng lại đến nhanh đến như vậy “Còn nhớ buổi chiều nắng nỏ ấy, tôi đang quét dọn vệ sinh ngoài đường, chợt thấy nhiều anh em chạy từ ngoài sân vào nhà trong tiếng gọi nhau í ới: “Sài Gòn giải phóng rồi! Sài Gòn giải phóng rồi!. Chúng tôi đứng im lặng vòng quanh chiếc đài bán dẫn nghe cô phát thanh viên với giọng xúc động khác thường đọc bản tin chiến thắng” [50, 223]. Trong ký sự Bắc Hải Vân xuân 1975, tràn ngập niềm tin về sự thắng lợi “không tiên đoán được nhưng lại rất tin vào ngày thắng lợi hoàn toàn. Dường như ai cũng linh cảm được điều đó đã tới gần, mỗi lúc một gần. Tất yếu lịch sử sẽ như thế” [50].

Trong suốt hai mươi năm bộ đội, chứng kiến nhiều sự hy sinh của đồng đội nhưng trong lòng mỗi người lính luôn tin, một niềm tin vĩnh cửu “Trong những lời trăng trối, những lời dặn dò thật nhất ấy, tự đáy lòng nhất ấy bao giờ cũng lâp lánh niềm tin chiến thắng” và “suốt bao nhiêu năm vào sống ra

chết không trường hợp nào, hoàn cảnh nào đã có thể ảnh hưởng tới niềm tin sắt đá của mình” [50, 225].

Niềm tin được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những trang ký sự. Một dân tộc muốn chiến thắng kẻ thù trước hết phải có niềm tin. Niềm tin của những con người trong chiến tranh là minh chứng cho chiến thắng, chiến thắng hoàn toàn. Niềm tin vào chiến thắng luôn ngự trị trong mỗi người lính, theo bước chân những người lính trên những tuyến hào: “Từ các đường hào chi chít, ngang dọc khắp Vĩnh Linh, bộ đội, dân quân như những dòng thác lũ chảy ào ào về phía trước... dòng người chùng lại, giãn ra được một lúc rồi lại xít vào, lẫn tiếng cười, tiếng nói chuyện khe khẽ, rì rà rì rầm, tiếng vũ khí va vào nhau lách cách... mặt trời đã tắt, nhưng hồi quang rực rỡ từ phía tây rọi tới làm những khẩu súng trên vai chiến sỹ sáng lấp lóa” [50, 332]. Phải chăng thứ ánh sáng lấp lóa đó chính là ánh sáng của niềm tin và hy vọng chiến thắng. Những dòng ký sự đậm chất thơ, mang âm hưởng anh hùng ca nhằm tô đậm sức mạnh phi thường của những người lính. Bom đạn chiến tranh không làm lung lay, khuất phục ý chí của con người.

Tóm lại, những dòng ký sự chiến tranh chống Mỹ đã tô đậm thêm niềm tin bất diệt, vĩnh cửu trong mỗi con người. Trong chiến tranh, bom đạn không thể khuất phục được ý chí con người, không thể đè bẹp được lẽ phải. Những gian khổ, những đau đớn của chiến trường không thể ngăn được sức sống phi thường của con người. Trong muôn vàn cơ cực của cuộc chiến đấu, tâm hồn họ vẫn luôn hướng về ánh sáng rực rỡ của tương lai, lý tưởng. Chủ nghĩa lạc quan đó không phải là không có cơ sở. Hiện thực vừa hào hùng vừa đau thương trong suốt 30 năm chiến tranh là mảnh đất tốt cho sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa lãng mạn. Niềm tin đó chính là sức mạnh, là ngọn đuốc thắp sáng, dõi theo cách mạng Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Chương 3

ĐẶC ĐIỂM KÝ SỰ CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ

GIAI ĐOẠN 1954-1975 NHÌN TỪ BÌNH DIỆN NGHỆ THUẬT

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 58)