Kết cấu theo mạch liên tưởng

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 73)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Kết cấu theo mạch liên tưởng

Bên cạnh kiểu kết cấu xâu chuỗi sự kiện là kiểu kết cấu theo mạch liên tưởng. Đây là kiểu kết cấu đặc trưng, phù hợp nhất của thể loại ký sự. Yếu tố quan trọng vào bậc nhất ở ký sự là cảm xúc của nhà văn trước sự kiện nào đó, cảm xúc không tuân thủ theo nguyên tắc, khuôn khổ nào, cảm xúc được tự do nên tính tùy hứng cũng phát huy rõ rệt, điều này lý giải tại sao tác giả ký sự lại sử dụng kết cấu liên tưởng trong các tác phẩm của mình. Các sự kiện được gợi ra theo cảm xúc của nhà văn, sự kiện này xen lẫn sự kiện kia, hiện tại có thể được trộn lẫn với quá khứ hoặc tương lai, hoặc có lúc cả ba trộn lẫn trong một câu văn, đoạn văn. Sự không trật tự, không lôgic, không tuân thủ theo một nguyên tắc nào lại đưa lại hiệu quả nghệ thuật cao hơn bất cứ loại kết cấu nào. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng làm được điều này, nó đòi hỏi trình độ nghệ thuật của nhà văn phải cao, có kinh nghiệm trong viết lách, đặc biệt có khả năng miêu tả và biểu cảm một cách hấp dẫn. Để đạt được điều đó nhà văn cần sử dụng nhiều thao tác như quan sát, liên tưởng, tưởng tượng ở hình ảnh nghệ thuật chứ không chỉ ở hình ảnh sự kiện. Điều này cũng đòi hỏi sự tinh ý của người đọc, vì sáng tạo và tiếp nhận văn học cả nhà văn và người đọc đều phải vào cuộc.

Trong ký sự nói chung và ký sự chiến tranh giai đoạn 1954 – 1975 nói riêng, người viết không bao giờ chỉ đơn thuần kể một câu chuyện, thể hiện đơn thuần một dòng cảm xúc, mà thường xuyên lồng chuyện, cảm xúc gợi cảm xúc, cái này liên tưởng cái kia một cách phong phú, sinh động. Tiêu biểu cho kiểu kết cấu này phải kể đến tác phẩm Bắc Hải Vân của Xuân Thiều. Kết cấu này hầu như được thể hiện trong tác phẩm. Phân tích tác phẩm này chúng

ta thấy Xuân Thiều đã gợi chuyện này sang chuyện kia, cảm xúc bao giờ cũng có sự chuyển hướng nhờ vào thao tác liên tưởng hết sức thú vị.

Đang kể những hiểu biết của mình về chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ở Trị Thiên - Huế cho một nhà báo nghe, tác giả nhớ đến một tin vắn được đăng trên báo Nhân Dân. Tin về tên bại tướng Lâm Quang Thi xin được chân bồi bàn ở một tiệm rượu bên Mỹ. Từ tin vắn đó Xuân Thiều để cho trí tưởng tưởng của mình sang bên tận nước Mỹ, hình dung ra cảnh Lâm Quang Thi làm bồi bàn, bị người Mỹ sai khiến: “Hắn quay cuồng bận rộn, luôn mồm: thưa ông, thưa bà, thưa cô, thưa ngài....Hắn đang học cách bưng khay làm sao cho đi đứng thật uyển chuyển như múa”; “Hắn ỡm ờ đánh trống lảng, cố quên cái quá khứ xấu xa, nhục nhã đi. Nhưng quá khứ chưa xa. Một bước ngoặt cuộc đời xẩy ra cách đây sáu bảy tháng sao gọi là xa được? Hắn chưa quên thời kỳ vàng son của hắn – thời kỳ còn là trung tướng Lâm Quang Thi tư lệnh phó quân đoàn 1, quân khu 1, tư lệnh tiền phương vùng bắc Hải Vân – người chỉ huy cao cấp nhất ở Huế” [50, 212]. Đang nói về Lâm Quang Thi tác giả lại kéo người đọc trở về thực tại với những suy nghĩ của nhà văn. Những dòng cảm xúc về cuộc đời, kiếp người. Rồi sau đó mạch liên tưởng của tác giả lại rẽ về phía Lâm Quang Trưởng cũng là một tên tướng tá của Ngụy “Một tay đại bợm đầu cơ chính trị và ma mãnh gian ngoan trong mánh khóe đề cao uy tín cá nhân”. Cái gian ngoan đó của Lâm Quang Trưởng đi kèm với một dáng hình “gầy gò, xấu xí, nét mặt lúc nào cũng lạnh như tiền, hắn rất ít nói; chỉ nói lúc cần quyết định, cần ra lệnh”. Liên tưởng đến một tên lính ngụy bại trận, tác giả kéo theo được những bè lũ của chúng. Bắt đầu bằng việc đọc một tin vắn trên báo Xuân Thiều đã dẫn dắt người đọc đi qua biết bao sự kiện, bao cảm xúc khác nhau. Ông giúp ta nhớ đến tội ác của Mỹ, Ngụy đã gieo rắc trên mảnh đất Việt Nam nhỏ bé. Xuân Thiều đưa người đọc đến khí thế sục sôi của nhân

dân những ngày đánh Mỹ. Từ hiện tại trở về với quá khứ, từ quá khứ trở về hiện tại, Xuân Thiều cho người đọc thấy được sự thất bại nặng nề của Mỹ ngụy trong cuộc đụng đầu lịch sử. Dòng cảm xúc của tác giả là sự mỉa mai, giễu cợt về tình cảnh bi hài cả những kẻ bán nước.

Sự kiện này cứ nối tiếp sự kiện kia, làm cho mạch cảm xúc tưởng như không bao giờ dứt. Tuy nhiên, đó không phải là sự tản mạn, lan man mà các sự kiện đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Quá khứ - hiện tại – tương lai cứ thế đan xen, cảm xúc này đan xen cảm xúc khác vô cùng sinh động. Chúng ta nhận thấy cảm xúc của nhà văn cũng được định hướng rõ ràng. Cảm xúc đó vừa từ trái tim nhà văn vừa từ hiện thực khách quan đưa lại.

Trong Tháng ba ở Tây Nguyên, kết cấu theo mạch liên tưởng được sử dụng ở chỗ tác giả lật lại quá khứ, những cái mốc để dẫn đến chiến thắng của cuộc tiến công và nổi dậy màu xuân năm 1975. Lần ngược về tìm ngọn nguồn của dòng sông cách mạng vĩ đại, Nguyễn Khải tìm về với những thời khắc lịch sử quan trọng “cột số lịch sử” “tháng 9 năm 1945, tháng 12 năm 1944, tháng 2 năm 1930, xa hơn nữa là cái buổi chiều năm 1911 Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, trở về chiến khu Yên Thế của Đề Thám, trở về với Phan Đình Phùng, Trương Định... xa hơn nữa là Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Bà Trưng.... khoảnh khắc mà lực sỹ Maratông rướn ngực chạm tấm băng đặt ở đích đo bằng phần trăm giây. Nhưng để có phần trăm giây phút đầy kiêu hãnh đáng mong đợi ấy, anh đã phải guồng chân chạy cả hàng vạn mét”[50]. Chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên và cao hơn nữa là cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là sự chuẩn bị của một chặng dài lịch sử. Nguyễn Khải để suy nghĩ của mình trở về quá khứ, tìm về mọi ngọn nguồn của chiến thắng để tự hào hơn truyền thống yêu nước, truyền thống đánh giặc cứu nước của người dân Việt Nam.

Trong chương hai của tác phẩm Nguyễn Khải đã ghi lại toàn bộ những cuộc gặp gỡ bất ngờ của ông với những người vốn an toàn ở trong vùng địch trước đây. Đó là những cuộc trò chuyện giữa chính tác giả với ông lái buôn, cụ giáo học, nhà sư... Qua những cuộc trò chuyện ta gặp một Nguyễn Khải sắc sảo, biết nhanh chóng gạt bỏ tấm vỏ che ngoài hiện tượng để thấy cái cốt lõi, cái thực của nó. Đặc biệt những đoạn Nguyễn Khải viết về tâm lý nửa vời của tiểu tư sản trí thức trong vùng địch tạm chiếm. Tâm lý nửa vời thể hiện ở chỗ họ vừa chửi Mỹ vừa bằng lòng với những tiện nghi mà nó chế độ Mỹ ngụy đem lại.

Ở những chương sau tác giả ghi lại lời kể của những đồng chí trực tiếp tham gia chiến dịch, đó là lời kể của đồng chí Vũ Lăng, đồng chí Khoát, đến các chiến sỹ như tiểu đội trưởng Hợi, Kason, người chiến sỹ Ê Đê... và qua một loạt văn bản chính thức của bọn tướng tá Mỹ Ngụy ta thấy những trang ký sự như những dòng lịch sử biên niên.

Trong Tháng ba ở Tây Nguyên Nguyễn Khải hầu như sử dụng kiểu kết cấu theo mạch liên tưởng. Kết cấu này giúp cho ký sự Nguyễn Khải có bề sâu trong nhìn nhận sự việc, con người. Một điều dễ nhận thấy trong ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 rất ít tác giả sử dụng độc nhất một kiểu kết cấu mà thường có sự kết hợp các kiểu kết cấu khác nhau. Lấy một kiểu kết cấu làm chính, các tác phẩm có thể triển khai hai hay ba kiểu kết cấu nữa để triển khai sự việc hay bộc lộ cảm xúc. Điều này được thể hiện rõ trong ký sự của Nguyễn Khải, Xuân Thiều...

Kết cấu thuộc hình thức của tác phẩm, đó là sự tổng hợp các hình thức nghệ thuật để tạo thành một hệ thống. Nhờ kết cấu mà các yếu tố nghệ thuật được làm nổi bật và từ đó người đọc tiếp cận với nội dung tác phẩm được dễ dàng hơn. Lựa chọn kiểu kết cấu cho tác phẩm trong một giai đoạn là kết quả nhận thức thẩm mỹ của lớp nhà văn. Ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn

1954 – 1975 đã chọn cho mình những kiểu kết cấu phù hợp để truyền tải nội dung đến người đọc. Đó là sức hấp dẫn riêng của ký sự chiến tranh chống Mỹ 1954 – 1975.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 73)