Nội dung và quy trình thực nghiệm

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 100)

3.2.1. Nội dung thực nghiệm

3.2.1.1. Định hướng nội dung thực nghiệm

Do dung lượng của luận văn có hạn, đồng thời do giới hạn về mặt thời gian, chúng tôi tiến hành thực nghiệm sư phạm theo hai hướng:

- Hướng 1: Khảo sát thăm dò ý kiến giáo viên và học sinh về hệ thống

bài tập bổ trợ

Chúng tôi tiến hành khảo sát thăm dò ý kiến của GV và HS về hệ thống bài tập bổ trợ mà chúng tôi xây dựng cũng như hệ thống bài tập đọc hiểu trong sách Ngữ văn cấp THPT. Trên cơ sở thống kê những ý kiến của GV và HS, người viết bước đầu nhận xét về tính khả thi và hiệu quả của hệ thống bài tập bổ trợ, từ đó, có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

- Hướng 2: Cho HS làm những bài tập bổ trợ theo phương án mà luận

văn xây dựng

Do tính đặc thù của luận văn, chúng tôi không đi sâu và thực nghiệm giảng dạy, mà thiết kế các bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng CTVH cho một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn, cung cấp cho GV bộ môn. Các bài tập này được GV

sử dụng trong giờ học cùng với hệ thống câu hỏi, bài tập đọc hiểu trong sách giáo khoa. Tuỳ vào phương pháp dạy học, tiến trình giảng dạy tác phẩm của bản thân, GV có thể sử dụng cho các em soạn bài, chuẩn bị bài trước ở nhà, hay sử dụng trong quá trình giảng dạy tác phẩm, hoặc dùng để củng cố lại bài học khi kết thúc tiết học. Sau khi tiến hành sử dụng hệ thống bài tập bổ trợ vào thực tiễn dạy học ở trường THPT, chúng tôi tiến hành cho HS làm bài kiểm tra và đánh giá kết quả.

3.2.1.2. Thiết kế bài tập cảm thụ chi tiết nghệ thuật cho tác phẩm “Chí

Phèo” của Nam Cao.

Kiểu bài tập về nhan đề tác phẩm:

Tác phẩm “Chí Phèo” ban đầu có tên là “Cái lò gạch cũ”. Sau đó – năm 1941 – nhà xuất bản tự ý đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi”. Năm 1946, khi in lại trong tập Luống cày, Nam Cao đã đặt lại tên là “Chí Phèo”.

Hãy trình bày sự lí giải của anh (chị) về ý nghĩa các nhan đề trên?

Kiểu bài tập về hình tượng nhân vật:

 Ngoại hình:

1. Suy nghĩ của anh (chị) về nhân vật Chí Phèo - nhân vật trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao - qua sự thay đổi ngoại hình hắn sau khi ra tù qua đoạn trích sau:

“Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông thày tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

2. Ngoại hình của nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo” được nhà văn Nam Cao miêu tả như sau:

“Nhưng người đàn bà ấy là thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại

còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Ðã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Ðã thế thị lại dở hơi, đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công: nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhứt. Và thị lại nghèo nếu trái lại, ít nhất đã có một đàn ông khổ sở. Và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi: cái này khiến không một chàng trai nào phải phân vân. Người ta tránh thị như tránh con vật nào rất tởm”.

Theo anh (chị), tại sao Nam Cao miêu tả như vậy? Phải chăng Nam Cao đã tự hạ thấp nhân vật của mình?

Hành động của nhân vật:

1. Trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, sau khi nghe lời “xỉa xói” của bà cô về việc lấy Chí Phèo, Thị Nở tức mình tìm đến nhà Chí Phèo:

“Thị chống hai tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và đớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô. Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu. Hắn bỗng nhiên ngẩn người. Thoáng một cái, hắn lại như hít hít thấy nồi cháo hành. Hắn cứ ngồi ngẩn mặt, không nói gì. Thị trút xong giận rồi. Cái mũi đỏ của thị dị xuống rồi lại bạnh ra. Thị hả hê lắm. Thị ngoay ngoáy cái mông đít ra về. Hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại. Ai mà thèm lại ! Còn muốn lôi thôi gì ? Hắn đuổi theo thị nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khèo xuống sân”.

Chí Phèo nghe xong “ngẩn người” ra, sau đó “sửng sốt” gọi Thị Nở lại thậm chí còn “đuổi theo thị, nắm lấy tay”. Nêu cảm nhận của anh (chị) về hành động của Chí Phèo.

2. Đọc đoạn trích sau:

“Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng. Hắn lảm nhảm: "Tao phải đâm chết nó!"

Nhưng hắn lại cứ thẳng đường mà đi. Cái gì đã làm hắn quên rẽ vào nhà thị Nở? Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc đi chúng định làm. Trời nắng lắm, nên đường vắng. Hắn cứ đi, cứ chửi và dọa giết "nó", và cứ đi. Bây giờ đến ngõ nhà cụ Bá. Hắn xông xông đi vào”

Theo anh (chị), tại sao Chí Phèo lại “xông xông” vào nhà Bá Kiến trong khi mục đích ban đầu của hắn là tìm đến nhà Thị Nở để “đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”?

 Ngôn ngữ nhân vật

1. Anh/chị suy nghĩ gì về “bản chất con người” Chí Phèo qua câu nói của “hắn” với Thị Nở:

Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”.

2. Trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, Bá Kiến đã xuất hiện khi Chí Phèo đang bị say rượu và rạch mặt ăn vạ trước nhà mình. Hắn đã vỗ về, đỡ Chí Phèo vào trong nhà, mời xơi nước và còn nói với Chí Phèo:

- “Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả”.

- “Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lý Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy”.

Trong đoạn trích trên, tại sao Bá Kiến lại dùng từ “ta”, “người lớn cả” khi trò chuyện với Chí Phèo và lão còn nhận là mình có họ với Chí Phèo?

Nội tâm nhân vật

1. Suy nghĩ của anh (chị) về nhân vật Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) qua câu hỏi tự vấn của hắn trong đoạn trích sau:

“Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng hắn đắng, lòng mơ hồ buồn”. “Tỉnh dậy hắn thấy già mà còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như

thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều; nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”

2. Đọc đoạn trích sau:

“Cụ nghĩ bụng cũng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò? Thế lực của cụ sở dĩ lấn át được các vây cánh khác, một phần lớn cũng bởi cụ biết mềm biết cứng, biết thu phục những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù. Những thằng ấy chính là những thằng được việc. Khi cần đến, chỉ cho nó dăm hào uống rượu, là có thể sai nó đến tác hại bất cứ anh nào không nghe mình. Gặp người bướng bỉnh, đanh thép thì nó lừa đốt nhà hay cho mấy lát dao; gặp người non mặt, thì nó quăng chai rượu lậu, hay gây sự rồi lăn ra kêu làng. Có chúng nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn, nếu không thì giữa đám dân hiền lành và yên phận này, khéo lắm chỉ bóp nặn được vào vụ thuế. Thuế một năm có một lần nếu chỉ trông vào đấy thì bán cha đi cũng không đủ để bù vào chỗ ba, bốn nghìn bạc chạy chọt để tranh triện đồng”.

Nêu cảm nhận của anh (chị) về con người Bá Kiến qua đoạn trích trên?

 Mối quan hệ giữa nhân vật với các nhân vật khác

Trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, cả Bá Kiến và Thị Nở đều có tác động rất lớn đến Chí Phèo.

Bá Kiến là một người đại diện cho luật pháp ở làng Vũ Đại. Thế nhưng, càng đi sâu vào mối quan hệ với Bá Kiến, Chí Phèo càng tha hóa: đầu tiên hắn mất đi nhân hình, sau đó mất cả nhân tính, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Còn Thị Nở là người phụ nữ vừa xấu, vừa dở hơi, lại mang mả hủi trong người, “…người ta tránh thị như tránh con vật nào rất tởm”. Nhưng chỉ qua vài lần

tiếp xúc với Thị Nở, bản chất con người Chí Phèo đã được đánh thức, “hắn thèm lương thiện”.

Từ mối quan hệ giữa Chí Phèo với Bá Kiến và Thị Nở, anh (chị) hãy lí giải vì sao như vậy?

Kiểu bài tập về hình tượng không gian

Hình ảnh “cái lò gạch cũ”, “bỏ không” xuất hiện hai lần trong tác phẩm: Mở đầu với sự xuất hiện của Chí Phèo

"Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem về cho một người đàn bà góa mù".

Kết thúc trong suy nghĩ của Thị Nở

"Ðột nhiên Thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua... "

Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa của hình ảnh trên?

Kiểu bài tập về hình tượng thời gian

Truyện ngắn “Chí Phèo” được Nam Cao tổ chức theo nguyên tắc gián đoạn về thời gian: bắt đầu với những điều đang diễn ra ở hiện tại “hắn vừa đi vừa chửi”, sau đó mới ngược dòng về quá khứ tìm hiểu lai lịch của Chí Phèo. Từ quá khứ xa thuở ấu thơ, Nam Cao kể tiếp đến quá khứ gần của Chí “năm hai mươi tuổi – hắn làm canh điền cho ông lí Kiến”, rồi Chí “phải đi tù”, “hắn đi biệt đến bảy, tám năm, rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về”. Câu chuyện quá khứ khép lại, nhà văn khéo léo đưa người đọc trở về với cuộc sống hiện tại của Chí: uống rượu, rạch mặt, ăn vạ…

Theo anh (chị), tạo sao Nam Cao không xây dựng cốt truyện theo đúng trình tự thời gian trong cuộc đời của nhân vật Chí Phèo mà tố chức theo nguyên tắc gián đoạn như vậy?

Kiểu bài tập về chi tiết nghệ thuật mở đầu, kết thúc tác phẩm

1. Mở đầu truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao viết như sau:

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời”. “…Rồi hắn chửi đời”. “…Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại”, “…hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”, “…hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”.

Nhưng cuộc đời Chí Phèo lại bắt đầu bằng chi tiết: Một người đi thả ống lươn nhặt được Chí Phèo “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”.

Theo anh (chị), Nam Cao có dụng ý gì khi mở đầu truyện bằng tiếng chửi của Chí Phèo chứ phải bằng chính lai lịch của nhân vật?

2. Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh:

“Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…”

Cảm nhận của anh (chị) về ý nghĩa của những kết thúc trên.

Bài tập về chủ đề của tác phẩm văn chương

Cảm nhận của anh (chị) về chủ đề của truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao qua chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo?

3.2.2. Quy trình thực nghiệm

3.2.2.1. Cách thức tiến hành

Bước 1: Phát phiếu thăm dò ý kiến GV và HS ba trường THPT như đã nêu trên

Bước 2: Chọn 4 lớp khối 11, 2 lớp thực nghiệm là 11B1 và 11B2, 2 lớp đối chứng là 11B3 và 11B4.

Bước 3: Gặp gỡ và trao đổi với các GV về nội dung thực nghiệm và cách thức thực nghiệm.

Bước 4: Kiểm tra chất lượng bài của HS sau khi thực nghiệm

Bước 5: Thống kê, xử lý kết quả phiếu khảo sát, bài kiểm tra của HS và rút ra kết luận.

3.2.2.2. Cách thức đánh giá

Sau khi tiến hành thực nghiệm, chúng tôi sẽ cho HS làm bài kiểm tra để đánh giá khả năng nắm bắt, cảm thụ của HS, bước đầu kiểm chứng hiệu quả của hệ thống bài tập bổ trợ.

GV ra một đề văn và cho HS lớp đối chứng và lớp thực nghiệm cùng làm bài trong thời gian 90 phút. GV chấm bài, đánh giá kết quả bài làm đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, chúng tôi tiến hành so sánh - đối chiếu, phân tích – tổng hợp, từ đó đánh giá mức độ chênh lệch giữa lớp đối chứng và thực nghiệm nhằm kiểm tra hiệu quả của hệ thống bài tập bổ trợ mà luận văn đã xây dựng.

Bài kiểm tra được đưa ra để đánh giá kỹ năng CTVH của HS không lặp lại những kiểu bài tập đã sử dụng trong quá trình thực nghiệm mà mang tính khái quát, tổng hợp để đảm bảo tính khách quan giữa lớp đối chứng và lớp thực nghiệm và đánh giá được khả năng CTVH của học sinh.

Kết hợp kết quả bài kiểm tra của HS với kết quả khảo sát thăm dò ý kiến GV và HS các trường đã chọn để thực nghiệm, chúng tôi sẽ có những đánh giá ban đầu về hệ thống bài tập bổ trợ mà luận văn xây dựng.

3.2.2.3. Phép đo

Chúng tôi thống nhất kiểm tra 180 HS của 4 lớp 11B1, 11B2, 11B3, 11B4 đã chọn. Cả lớp đối chứng và lớp thực nghiệm đều làm chung một đề kiểm tra.

Đề kiểm tra do chúng tôi biên soạn dưới sự bàn bạc và thống nhất của GV lớp đối chứng và lớp thực nghiệm. GV sẽ tiến hành kiểm tra vào 90 phút như hình thức kiểm tra định kỳ của học sinh nhằm đánh giá khả năng hiểu và cảm thụ hình tượng nhân vật thông qua các chi tiết nghệ thuật đã học trong tác phẩm.

- Đề kiểm tra:

Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện

ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)