Tình hình sách, tài liệu hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng CTVH

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 36)

Trên thực tế, sách, tài liệu hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho HS không nhiều, chủ yếu thiên về nghiên cứu, chứ không dành riêng cho đối tượng HS. Các bài viết thiên về thực tiễn dạy học cảm thụ lại không tập trung mà nằm rải rác trong nhiều chuyên luận, tạp chí khác nhau. HS không có nhiều điều kiện để tìm và đọc chuyên luận, tạp chí ấy. Thư viện của trường THPT hầu như không có các sách, tài liệu dạng tạp chí nói trên, nên HS khó có thể tìm được nguồn tài liệu hướng dẫn cần thiết.

Hiện nay, thị trường sách tham khảo muôn màu muôn vẻ; trong đó có những đầu sách thật sự chất lượng, được đầu tư bởi tài năng, tâm huyết của người viết, góp phần định hướng cho HS hiểu đúng, cảm thụ đúng cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Ví dụ, định hướng cảm thụ một số câu thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng, tác giả Lê Minh Thu đã viết như sau:

“Câu thơ tiếp theo tả người mà thấy núi:

“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

Thần hứng của câu thơ tập trung ở ba chữ “súng ngửi trời”, đặc biệt chữ “ngửi” rất táo bạo, rất lạ, khiến thi sĩ không tả núi cao mà thấy núi rất cao, hình ảnh người lính đang đứng chót vót trên đỉnh núi, sung chạm vào trời. Đây là bút pháp gợi tả đặc biệt thú vị của Đường thi được Quang Dũng học tập một cách tài hoa. Chữ “ngửi” ẩn chứa nụ cười bốc tếu rất lính, dám trêu ghẹo cả tạo hóa” [84, tr.25].

Bên cạnh đó, cũng tồn tại không ít những đầu sách kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được in ấn và bày bán trong các nhà sách vì mục đích kinh doanh. Đề

cập đến vấn đề này, giáo sư Phan Trọng Luận đã từng bày tỏ quan điểm của mình:

“Thú thật tôi không thể hình dung nổi vì sao lại loạn sách đến như vậy. Sách của nhiều nguồn xuất bản, của nhiều người viết khác nhau, sao chép nhau, xào xào sách này sách nọ”. “Có những cuốn sách nói thật là chả có giá trị khoa học gì, chỉ sao chép, xào xáo chỗ này chỗ nọ, có khi trùng lặp cuốn nọ với cuốn kia, nhưng cũng là đầu sách tham khảo. Đúng là chợ sách tham khảo thượng vàng hạ cám” [54].

Một trong những biểu hiện kém chất lượng dễ nhận thấy nhất là việc trích dẫn không đúng.

Ví dụ, truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao được trích dẫn trong một đoạn văn như sau:

[Chí Phèo đã đòi nợ thành công cho Bá Kiến, lấy từ Đội Tảo – một tay xưng bá, xưng hùng, luôn sẵn sàng quyết chiến với lão Bá, “Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại người ta đều giao cho hắn làm… Hắn biết đâu vì hắn làm tất cả những việc ấy trong khi hắn say”] [95, tr.114].

Trong khi, trích đúng như văn bản truyện ngắn “Chí Phèo” thì đoạn trên như sau:

“Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Hắn biết đâu vì hắn làm tất cả những việc ấy trong khi người hắn say; hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm”.

Ngoài việc trích dẫn không đúng văn bản, một số sách tham khảo còn định hướng cảm thụ không đúng với nội dung, tư tưởng của tác phẩm văn chương. Với yêu cầu: “Phân tích bức tranh đời sống của phố huyện nghèo lúc chiều tối được Thạch Lam miêu tả trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” và phát biểu cảm nhận của mình”, sách tham khảo đã định hướng phân tích, cảm thụ về con người nơi phố huyện nghèo như sau:

- “Đó là mẹ con chị Tí dọn hàng nước ra để rồi thu xếp hàng về vì chẳng ai buồn ghé lại uống cho chị vài bát nước. Chị vẫn ngồi đó, ngồi để làm bạn với lũ ruồi, ngồi để hi vọng dù biết rằng không hề hi vọng về một điều gì. Bác phở Siêu

cũng thế, ở xứ sở mà người ta chỉ dám mua nửa bánh xà phòng thì hàng của bác quả là thứ quà “xa xỉ” chả ai dám mò đến… Họa chăng người ta chỉ nhắc đến nó với niềm tiếc rẻ về một kỷ niệm xa xôi…” [95, tr.79]

- “Rồi đột ngột xuất hiện tiếng cười trong huyện, một kiểu Chí Phèo thứ hai. Đó là bà cụ hơi điên tên Thi, một cuộc đời vô vị không nghĩa lí cùng tiếng cười man rợ”. [95, tr.79]. Thật ra, so sánh bà cụ Thi với Chí Phèo như vậy là rất khiên cưỡng. Bà cụ Thi không thể là Chí Phèo thứ hai, và lối cười của bà không hề man rợ.

Trong một cuốn sách tham khảo khác, tiếng chửi của Chí được định hướng cảm thụ như sau:

“Chí bây giờ không thể lẫn với ai bởi thói quen “vừa đi vừa chửi” mà hắn chửi mới lạ lùng, ngoa ngoắt làm sao. “Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cả những ai không chửi nhau với hắn, chửi cả cái đứa chết mẹ nào đã đẻ ra hắn” để đời hắn khốn nạn thế này. Người ta chửi có đối tượng cụ thể còn hắn chửi vu vơ, chửi tất cả nhưng “ai cũng nghĩ hắn trừ mình ra nên chẳng ai thèm lên tiếng cả”; và thế là Chí cứ chửi, chửi để thấy rằng thật xót xa cho đời Chí khi tất cả những gì quanh hắn đều đáng nguyền rủa. Nam Cao đã để cho nhân vật của mình giải tỏa những bức xức nội tại theo một cách bình dị tới mức không ai ngờ, vì người ta vẫn làm như thế nhưng khi Chí thể hiện theo cách của riêng hắn bạn đọc vẫn ngớ người ra” [42, tr.88]. Thật ra, trường đoạn mở đầu tác phẩm với cảnh Chí Phèo “vừa đi vừa chửi” có một ý nghĩa khác. Cả đoạn vừa phác hoạ chân dung, tích cách, lai lịch… Chí Phèo, vừa cho thấy bi kịch đau đớn của nhân vật: Chí Phèo không được dân làng coi là người, hắn đã chết khi đang còn sống.

Khi GV yêu cầu tìm hiểu một tác phẩm, một vấn đề, chi tiết, hình tượng nào đó trong tác phẩm, HS thường không đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ mà phụ thuộc vào sách tham khảo, đọc và chép từ sách một cách máy móc. Điều này vô tình hình thành một thói quen xấu, làm giảm sự sáng tạo, tìm tòi suy nghĩ của HS. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển về mặt năng lực văn học của HS.

Để phát triển năng lực CTVH cho HS có thể có rất nhiều giải pháp, trong đó, xây dựng hệ thống bài tập CTVH là một biện pháp quan trọng, thiết thực.

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)