Thứ nhất: Hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH phải bám sát cấu trúc tác phẩm văn chương.
Tác phẩm văn chương mang đặc trưng riêng của cấu trúc tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Cảm thụ tác phẩm tức là hiểu, cảm nhận, biến văn bản thành một thế giới hình tượng sinh động và nắm bắt được ý nghĩa của nó. Chính vì vậy, hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH cần bám sát cấu trúc tác phẩm văn chương, định hướng cho HS tiếp xúc với thế giới hình tượng nghệ thuật, ý nghĩa tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm thông qua lớp vỏ ngôn từ của tác phẩm. Khi HS giải quyết hệ thống bài cảm thụ, HS sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại lớn mà trong đó mối quan hệ giữa học sinh – giáo viên – nhà văn được xác lập thông qua tác phẩm. Bám sát cấu trúc tác phẩm, hệ thống bài tập cảm thụ sẽ giúp HS thấy được tầm quan trọng của việc đọc văn bản tác phẩm, góp phần nâng cao năng lực cảm thụ và sáng tạo của HS. Điều đó khiến cho học sinh chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình tiếp nhận tác phẩm và có thể hiểu sâu sắc tác phẩm.
Thứ hai: Bài tập được xây dựng phải vừa chi tiết, cụ thể, vừa đảm bảo tính hệ thống nhằm rèn luyện kỹ năng CTVH cho HS
Khi xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH cho HS, các bài tập cần phải được thiết kế một cách chi tiết, cụ thể, hướng vào các vấn đề trọng tâm của tác phẩm nhằm định hướng, giúp HS hiểu và nắm vững tác phẩm. Để làm được điều này, chúng tôi chú ý chia nhỏ các vấn đề, hướng đến những chi tiết, sự việc góp phần thể hiện chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm văn chương.
Để rèn luyện kỹ năng CTVH cho HS, trước hết cần rèn luyện cho HS những kỹ năng cơ bản để HS có thể đọc hiểu tác phẩm văn chương. Do đó, khi xây dựng hệ thống bài tập cảm thụ, chúng tôi chú trọng xây dựng các bài tập từng bài tập. Mỗi bài tập đều góp phần rèn luyện một kỹ năng nhất định, hệ thống gồm nhiều bài tập sẽ hình thành và phát triển kỹ năng cảm thụ cho HS trong quá trình dạy học văn.
Thứ ba: Đảm bảo nguyên tắc đa dạng khi xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH.
Hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH cần phải được xây dựng một cách đa dạng, phong phú, phản ánh được tính đa dạng, phức tạp của tác phẩm văn chương. Sự đa dạng thể hiện ở chỗ: cùng một kỹ năng, chúng tôi xây dựng nhiều kiểu bài tập khác nhau. Như vậy sẽ tránh được sự nhàm chán, đơn điệu; tạo sự hứng thú, kích thích suy nghĩ của HS, giúp HS tham gia một cách tích cực vào quá trình tìm hiểu, khám phá cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
Thứ tư: Hệ thống bài tập phải đảm bảo tính vừa sức, gợi mở, kích thích sự cảm thụ, khả năng tư duy tích cực, sáng tạo, độc lập của người học.
Yêu cầu vừa sức đòi hỏi hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH không quá khó cũng không quá dễ đối với HS, Căn cứ vào mục tiêu cần đạt khi dạy học tác phẩm văn chương, đặc điểm bài học, trình độ của HS để xây dựng hệ thống bài tập tương ứng tạo được sự hứng thú cho HS.
Xuất phát từ mô hình dạy học lấy học sinh làm trung tâm, coi trọng và đề cao ý thức chủ thể của học sinh. GS. Trần Đình Sử đã khẳng định: “Trong giờ học, học sinh phải tự mình đọc, tự mình phán đoán, tự mình nêu câu hỏi…”; “… kích thích cho học sinh hoạt động và chỉ thông qua hoạt động thì học sinh mới có dịp trưởng thành”. Để phát huy khả năng tư duy tích cực, sáng tạo, độc lập của người học, hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH được xây dựng phải có sự định hướng, gợi mở cho HS tìm hiểu những vấn đề trọng tâm của tác phẩm, không đánh đố HS. Hơn nữa, hệ thống bài tập phải thật sự hấp dẫn, lôi cuốn để vừa có thể hình thành, rèn luyện kỹ năng CTVH, vừa bồi dưỡng niềm yêu thích, say mê văn học cho HS.
Dựa trên những định hướng và yêu cầu đã trình bày trên đây, chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng CTVH cho HS THPT.
CHƯƠNG 2: XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀI TẬP BỔ TRỢ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG CẢM THỤ VĂN HỌC CHO HS THPT