Hệ thống bài tập trước hết giúp HS hiểu đúng, cảm thụ đúng các tác phẩm văn học trong nhà trường, bổ sung những hạn chế mà thời lượng của một giờ đọc - hiểu không cho phép giáo viên mở rộng.
Thực tế dạy học văn ở trường THPT đã cho chúng ta thấy, dạy đọc – hiểu tác phẩm văn chương không thể cố định, giới hạn trong một khoảng thời gian bắt buộc
theo quy định của chương trình. Việc “chạy đua” với thời gian để đảm bảo dạy đúng và đủ chương trình khiến cho GV không có nhiều thời gian để hướng dẫn, tổ chức cho HS tìm hiểu một cách cặn kẽ tác phẩm, nhất là những chi tiết nghệ thuật tưởng chừng như rất nhỏ, không quan trọng nhưng lại góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm, tư tưởng của nhà văn.
Hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng sẽ hỗ trợ GV với tư cách là người bạn đường tin cậy giúp HS hiểu đúng, cảm thụ đúng cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương. Bên cạnh đó, bài tập còn giúp GV mở rộng, bổ sung những hạn chế trong giờ dạy chính khóa để HS có thể hiểu đúng, cảm thụ đúng, còn có thể đánh giá những vấn đề thuộc về tác phẩm một cách tinh tế, sâu sắc.
Hệ thống bài tập nhằm định hướng cảm thụ văn học giúp học sinh có thể phát hiện điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm, hiểu sâu sắc và có cái nhìn toàn diện hơn về tác phẩm văn học.
Điểm sáng thẩm mỹ hay còn gọi là tín hiệu thẩm mỹ của tác phẩm văn chương là yếu tố thuộc hệ thống phương tiện biểu hiện của nghệ thuật. Đó là
"những phương tiện nghệ thuật được tập trung theo một hệ thống tác động thẩm mỹ, được chúng ta tiếp nhận như là những tín hiệu đặc biệt, có khả năng kích thích mạnh mẽ thế giới tinh thần của chúng ta..." [106], là "cái được tác giả lựa chọn từ thế giới hiện thực mà xây dựng nên, sáng tạo ra..." [106]. Có thể hiểu, điểm sáng thẩm mỹ là toàn bộ những yếu tố hiện thực, những chi tiết của sự vật, hiện tượng trong đời sống được đưa vào tác phẩm vì mục đích nghệ thuật.
Trong tác phẩm văn chương, điểm sáng thẩm mỹ có thể tương ứng với những chi tiết nghệ thuật, những khách thể mang giá trị thẩm mỹ, hay những ẩn dụ, nhân hóa, phúng dụ, tượng trưng, những hình tượng nghệ thuật. Nó là một điểm nhấn quan trọng của tác phẩm, mang đậm dấu án sáng tạo của cá nhân tác giả.
Hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH góp phần định hướng, giúp HS phát hiện ra điểm sáng thẩm mỹ ấy. Nó là cơ sở giúp giải mã tác phẩm, khám phá cái đẹp tiềm tàng, cũng như dụng ý nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm thông qua lớp vỏ ngôn từ của tác phẩm.
Thông qua hệ thống bài tập, tăng cường tính thực hành học sinh trong quá trình dạy học văn, giúp học sinh nhận thức vai trò của việc hiểu và cảm thụ đúng tác phẩm văn học trong quá trình làm văn.
Môn Ngữ văn trước hết là một môn học thuộc nhóm khoa học xã hội, điều đó nói lên tầm quan trọng của nó trong việc giáo dục quan điểm, tư tưởng, tình cảm cho học sinh. Từ xưa đến nay, việc học văn đi liền với việc làm văn. Cho nên tự nó cũng toát nên yêu cầu tăng cường tính thực hành giảm lý thuyết gắn với đời sống. HS học văn là để nâng cao kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cơ bản và vận dụng chúng vào trong quá trình làm văn. Cho nên việc giảng dạy môn văn theo quan điểm tích hợp không phủ định việc dạy các tri thức, kỹ năng riêng của từng phân môn.Vấn đề là làm thế nào phối hợp các tri thức, kĩ năng thuộc từng phân môn thật nhuần nhuyễn nhằm đạt tới mục tiêu chung của môn Ngữ Văn.
Hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH, góp phần tăng cường tính thực hành trong dạy học tác phẩm văn chương. Thông qua việc HS giải quyết các bài tập cảm thụ, các em chẳng những nắm được kiến thức cơ bản về tác phẩm, khám phá những điều bất ngờ tiềm ẩn trong tác phẩm mà còn rèn luyện kỹ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn. Điều này rât hữu ích cho quá trình làm văn. Việc các em hiểu đúng, cảm thụ đúng tác phẩm cùng với những kỹ năng được rèn luyện trong quá trình đi tìm đáp án cho những bài tập cảm thụ sẽ giúp các em viết được những áng văn hay, mạch lạc và giàu cảm xúc.
1.2.2.2. Định hướng khi xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học
Một là, hệ thống bài tập góp phần hình thành và phát triển kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh.
Tư tưởng học là tự học, dạy học là dạy tự học là nguyên lí nền tảng, có tính chiến lược trong giáo dục hiện đại. Dạy văn cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Dạy văn là dạy cho HS phương pháp, kỹ năng tiếp cận để hiểu đúng, hiểu sâu, cảm thụ được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của văn chương.
Cũng cần thấy thêm rằng trong nhà trường, các phương pháp, kỹ năng cảm thụ ấy không chỉ giữ vai trò như là các công cụ, phương tiện trong quá trình khám phá, giải mã tác phẩm mà chúng cũng là kết quả ở cuối chặng đường tiếp nhận tác phẩm; và cùng với sản phẩm kiến thức, chúng nhất thiết phải trở thành đối tượng của sự lĩnh hội sáng tạo của HS. Đây là một yêu cầu có tính đặc thù của phân tích, tiếp nhận tác phẩm văn chương trong nhà trường, đáp ứng đòi hỏi làm sao cho HS nắm được và vận dụng sáng tạo, ở trình độ vừa sức và cần thiết các phương pháp, kỹ năng để các em có thể phát huy tính độc lập, tự lực trong cảm thụ, tiếp nhận một tác phẩm văn chương. Đòi hỏi này hiện nay đã trở nên cấp thiết. Nó xuất phát từ quan điểm đúng đắn và khoa học cho rằng dạy văn chủ yếu là dạy cách tự học, tự đọc, tự cảm thụ; học văn chủ yếu là học cách đọc, cách cảm thụ để tự mình biết đọc hiểu, tự mình khám phá phát hiện, chiếm lĩnh được cái hay cái đẹp của nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm.
Do đó, mục tiêu của môn văn trong nhà trường, ngoài việc cung cấp kiến thức, còn góp phần rèn luyện kỹ năng, góp phần bồi dưỡng thái độ cho HS. Để làm được điều này, cần phải có thời gian, phải kiên nhẫn đi từng bước một, chứ không chủ quan, nóng vội. Hệ thống bài tập sẽ giúp GV làm được điều đó.
Khi đến với hệ thống bài tập, những bài tập đầu tiên HS sẽ dần dần hình thành những kỹ năng cơ bản để tiếp nhận, cảm thụ tác phẩm. Các bài tập tiếp theo sẽ giúp cho HS rèn luyện các kỹ năng ấy một cách thuần thục, nhuần nhuyễn. Khi HS giải quyết xong hệ thống bài tập, nghĩa là HS xây dựng được cho mình các phương pháp, kỹ năng cơ bản để cảm thụ tác phẩm văn chương. HS không những có thể tự mình đọc hiểu, cảm thụ những tác phẩm trong khuôn khổ của trường phổ thông mà từ cơ sở này toàn bộ các tác phẩm văn học mà các em yêu thích.
Ở đây cần lưu ý rằng HS lĩnh hội các phương pháp, kỹ năng CTVH tuyệt nhiên không phải như những sản phẩm có, mà phải lĩnh hội chúng một cách sáng tạo thông qua quá trình giải quyết hệ thống bài tập. Bởi vì, yếu tố quyết định sự phát triển về mặt năng lực văn học của HS không phải là sự tiếp thu các tri thức có sẵn mà là hoạt động của chính bản thân HS.
Hai là, đảm bảo logic của hoạt động tiếp nhận và cấu trúc nghệ thuật đặc thù của tác phẩm văn chương khi xây dựng hệ thống bài tập.
Tiếp nhận tác phẩm là một hoạt động có tính quy luật. Người đọc bị quy định bởi văn bản tác phẩm với mã ngôn ngữ, mã nghệ thuật, mã văn hoá kết tinh trong đó. Tiếp nhận tác phẩm là một hoạt động trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn cảm thụ trực tiếp, cảm tính và giai đoạn phân tích, đánh giá có suy ngẫm.
Quan niệm tác phẩm văn chương như một cấu trúc theo tầng lớp sẽ chi phối phương thức nghiên cứu quá trình cảm thụ một tác phẩm. Tiếp nhận tác phẩm văn chương là giải quyết vấn đề tương quan của các cấu trúc tồn tại trong tác phẩm, trước hết là cấu trúc ngôn ngữ, thứ đến là cấu trúc hình tượng thẩm mĩ, sau nữa là cấu trúc ý nghĩa, tư tưởng thẩm mỹ. Ngôn từ là chất liệu để nhà văn sáng tạo nên tác phẩm. Cấu trúc hình tượng thẩm mĩ trong tác phẩm là “hiện thực được sáng tạo bằng sự tổ chức lại quan hệ xã hội giữa con người trong một thế giới được xác định bởi không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật thông qua ngôn ngữ nghệ thuật (…)” [37]. Cấu trúc ý nghĩa tồn tại tiềm ẩn và được người đọc phát hiện, đánh giá dựa trên cơ sở cấu trúc ngôn ngữ và cấu trúc hình tượng thẩm mĩ của tác phẩm. Cấu trúc ý nghĩa của tác phẩm văn chương là cấu trúc mở, là “kết cấu vẫy gọi” sự tham gia sáng tạo của mọi người.
Do vậy, đến với tác phẩm văn chương, đầu tiên người đọc phải hiểu câu chữ; nắm bắt cốt truyện; cảm nhận các sự kiện, tình tiết, chi tiết, tính cách, quan hệ trong sự toàn vẹn của hình tượng nghệ thuật. Thứ đến là thâm nhập vào thế giới hình tượng, phát hiện, khám phá thế giới nghệ thuật như là sự kết tinh sâu sắc tư tưởng và tình cảm của tác giả. Tiếp theo là liên hệ hình tượng với văn cảnh đời sống và kinh nghiệm cá nhân để thể nghiệm, đánh giá ý nghĩa tác phẩm; đặt tác phẩm vào truyền thống văn học để xác định vị trí, ảnh hưởng của nó. Sau cùng là sự tác động, ảnh hưởng của nó đối với tư tưởng, tình cảm, hiểu biết và nhân cách người đọc.
Ba là, xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học phải dựa trên quan điểm tiếp cận đồng bộ tác phẩm văn chương trong nhà trường.
Từ nhận thức đúng đắn về nguồn gốc của văn học, về bản chất cấu trúc và sinh mệnh của tác phẩm văn chương, đồng thời vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm khách quan, khoa học về sáng tác và tiếp nhận văn chương vào việc tìm hiểu một tác phẩm văn chương cụ thể, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một kết luận khoa học là luôn luôn nắm vững quan điểm tiếp cận đồng bộ khi phân tích, cảm thụ một tác phẩm. Chúng tôi, khi xây dựng hệ thống bài tập cảm thụ, cũng dựa trên kết luận khoa học trên.
- Quan điểm tiếp cận lịch sử phát sinh:
Văn học cũng như mỗi tác phẩm văn chương luôn luôn ra đời trong những bối cảnh lịch, sử, văn hóa, xã hội cụ thể, những yếu tố thẩm thấu chắt lọc thông qua lăng kính của nhà văn. Tiếp cận, phân tích, cảm thụ tác phẩm theo quan điểm toàn diện trước hết phải vận dụng những hiểu biết ngoài văn bản như hoàn cảnh lịch sử, thời đại, văn hoá,văn học, tiểu sử, con người, tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của nhà văn để hiểu đúng tác phẩm. Hệ thống bài tập cảm thụ là công cụ giúp HS nắm vững những hiểu biết ngoài văn bản này.
- Quan điểm tiếp cận văn bản:
Hiểu biết ngoài văn bản cực kỳ quan trọng nhưng không thể thay thế cho việc khám phá bản thân văn bản. Trong tiếp cận, phân tích, cảm thụ tác phẩm thì bản thân tác phẩm là căn cứ quan trọng nhất, nếu không nói là duy nhất. Nó là thông điệp, là đề án nhà văn gửi đến bạn đọc. Do đó, GV khi xây dựng hệ thống bài tập phải giúp HS tiếp cận cấu trúc tác phẩm, phát hiện các cấp độ của chỉnh thể nghệ thuật, nhất là phân tích sự thống nhất giữa nội dung và hình thức tác phẩm.
- Quan điểm tiếp cận hướng vào đáp ứng của học sinh:
Alain và Beach cho rằng: “Trung tâm của quá trình không phải là các tác phẩm văn chương mà là tâm trí HS khi gặp gỡ cuốn sách. Đó là đáp ứng (văn học và người đọc)”. tác phẩm văn chương không phải là một hiện tượng tĩnh mà là một hệ thống mở trong sự vận động đến với người đọc. Tác phẩm văn chương chỉ thật sự đi trọn vòng đời trong mối quan hệ với bạn đọc để trở về lại với xuất phát điểm là cuộc sống. Xây dựng hệ thống bài tập cảm thụ cần hướng học sinh đến vai trò của
một chủ thể cảm thụ, đặt HS trong mối quan hệ với tác phẩm để HS có thể nói lên tâm tư, nguyện vọng, bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của riêng mình.
Xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH theo quan điểm tiếp cận đồng bộ là một trong những giải pháp đảm bảo hiệu quả vững chắc cho việc dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường.
Bốn là, xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh THPT phải đảm bảo tinh thần đổi mới của phương pháp dạy học hiện nay.
Hiện nay, môn Văn trong nhà trường đã đổi thành bộ môn Ngữ văn. Vấn đề tên gọi tên môn học có lẽ không cần đặt ra, nhưng đối với môn Ngữ văn tên gọi ấy thể hiện một cách nổi bật một trong những điểm cải tiến căn bản của việc xây dựng chương trình là quan điểm tích hợp, nếu trước đây ta thường nói tới ba phân môn: Văn học –Tiếng Việt –Tập làm văn thì hiện nay theo quan điểm tích hợp triệt để ranh giới giữa ba phân môn ấy sẽ còn nữa mà thực sự sáp nhập là một. Do đó, tinh thần đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là dạy học Ngữ văn trong nhà trường THPT phải dạy theo quan điểm tích hợp.
Việc xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng CTVH cho học sinh THPT cũng dựa trên nguyên tắc ấy. Thông qua hệ thống bài tập, học sinh THPT sẽ tích lũy kiến thức văn học, vốn hiểu biết về thực tế cuộc sống; biết vận dụng những kiến thức ấy trong quá trình làm văn. Bên cạnh đó, hệ thống bài tập còn giúp học sinh THPT ôn lại, khắc sâu những kiến thức cơ bản về Tiếng Việt, biết học hỏi, vận dụng cách dùng từ, đặt câu, diễn dạt vào trong bài viết của mình, cũng như trong quá trình giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời hệ thống bài tập cũng góp phần rèn luyện kỹ năng viết và trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của học sinh THPT trong quá trình làm bài tập; giúp học sinh nhận thức được mối quan hệ giữa tiếp nhận và tạo lập văn bản.
Hơn nữa, theo cơ chế dạy học tác phẩm văn chương hiện nay, xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho HS THPT cần dựa trên quan điểm lấy người học làm trung tâm.
Phát huy vai trò chủ thể của HS trong dạy học, tích cực hoá hoạt động học tập của HS … lâu nay vốn vẫn là một trong những yêu cầu sư phạm cao nhất đối với giáo viên. Thế nhưng trên thực tế, những khảo sát, điều tra gần đây đều cho thấy những khẩu hiệu trên vẫn chưa được hiện thực hoá là bao. Cách dạy học trong nhà trường phổ thông, cho đến nay, vẫn chủ yếu là cách truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy đếntrò (trước đây là nghe – chép, và bây giờ là nhìn – chép); nguyên tắc dạy học mới: xâydựng các tình huống học tập, thiết kế các hoạt động dạy học để HS tự tìm tòi, khámphá, nhận thức các nội dung kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phát triển tư duy dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của giáo viên… vẫn là một cái gì hết sức xa lạ đối với số đông giáo viên.
Hiện nay, một trong những luận điểm cơ bản của quá trình đổi mới phương pháp dạy học văn trong nhà trường là đề cao vai trò chủ động, tích cực của HS, coi