Trước hết, hệ thống bài tập nhằm góp phần thực hiện mục tiêu bài học, đồng thời hình thành và phát triển kỹ năng cho học sinh.
Bài tập là phương tiện để tổ chức các hoạt động của HS nhằm khắc sâu, vận dụng và phát triển hệ thống tri thức lí thuyết đã học, hình thành và rèn luyện các kỹ năng cơ bản. Nếu không có những kỹ năng này thì dù có nắm vững lý thuyết đến đâu cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn khi vận dụng chúng vào cuộc sống.
Vì vậy, trước khi xây dựng hệ thống bài tập cho một bài dạy cụ thể, GV cần nghiên cứu nội dung và mục tiêu (về kiến thức, kỹ năng, thái độ) mà HS cần đạt được sau mỗi giờ học đó. GV cần tính đến những nội dung trọng tâm của bài học, thời gian thực hiện từng bài tập, làm sao để hệ thống bài tập được xây dựng phải bám sát mục tiêu, hướng đến rèn luyện cho HS những kỹ năng nào nhằm góp phần hoàn thiện mục tiêu bài học.
Thứ hai, bài tập rèn luyện kỹ năng cần đảm bảo tính hệ thống, tính khoa học, sự đa dạng, hấp dẫn.
Các bài tập phải có quan hệ chặt chẽ với nhau và phản ánh được mục tiêu bài học. Trước hết, chúng tôi xác định xây dựng từng bài tập. Mỗi bài tập đều góp phần rèn luyện một kỹ năng nhất định, hệ thống gồm nhiều bài tập sẽ hình thành và phát triển những kỹ năng cơ bản, cần thiết cho HS.
Hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cần phải được xây dựng một cách đa dạng, phong phú. Sự đa dạng của hệ thống bài tập sẽ giúp cho việc hình thành các kỹ năng cụ thể, chuyên biệt một một cách hiệu quả; đồng thời tạo được sự hứng thú, hấp dẫn cho người học.
Thứ ba, hệ thống bài tập cần phải đảm bảo tính vừa sức và phát huy tính tích cực sáng tạo, rèn luyện năng lực thực hành của học sinh.
Hệ thống bài tập được xây dựng từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp: đầu tiên là những bài tập vận dụng theo mẫu đơn giản, sau đó là những bài tập vận dụng phức tạp hơn, cuối cùng là những bài tập đòi hỏi sáng tạo. Do đó, bài tập cần đa dạng, trong đó bao gồm cả bài tập tái hiện và bài tập tái tạo. Đặc biệt, GV cần tập trung xây dựng loại bài tập tái tạo, bởi nó kích thích tính tích cực, chủ động, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề của người học.
Bằng chính các hoạt động tích cực, độc lập của mình, người học mới dần dần phát triển tư duy, hình thành và rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong quá trình tự học, đồng thời tăng cường và rèn luyện năng lực thực hành cho HS.
Thứ tư, xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cho học sinh THPT phải phù hợp với quá trình dạy học, đảm bảo tinh thần đổi mới của phương pháp dạy học hiện nay.
Xây dựng hệ thống bài tập phải xuất phát từ việc xác định cụ thể mục tiêu môn, từ đó xác định nội dung kiến thức, những kỹ năng cơ bản, cần thiết của chương trình dạy học. Nội dung chương trình được xây dựng theo từng phần, từng chương, từng bài, thể hiện khối lượng kiến thức, kỹ năng nhất định, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, đó bài tập rèn luyện kỹ năng phải được thiết kế bám sát nội dung cơ bản nội dung cơ bản của bài học. Số lượng bài tập hình thành và rèn luyện kỹ năng ít hay nhiều cũng phụ thuộc vào nội dung của từng bài học.
Số lượng bài tập được xây dựng phải vừa đủ, phù hợp với thời gian cho phép. Khi xây dựng hệ thống bài tập cần chú ý tới những điều kiện dạy học thực tế, phải gắn liền và phản ánh thực tiễn công tác giáo dục ở trường phổ thông hiện nay.
Hơn nữa, quá trình dạy học hiện nay đang có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội đung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, các điều kiện và phương tiện dạy học. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới vẫn còn chậm và chưa đáp ứng với yêu cầu phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh. Xây dựng hệ thống bài tập cũng phải xuất phát từ thực tiễn đó nhằm góp phần đảm bảo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả việc rèn luyện kỹ năng cho HS.