Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 72)

Nghệ thuật khám phá đời sống bằng hình tượng, và hình tượng nghệ thuật thường được xem là “các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện một cách sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật” [80], là “bức tranh về đời sống vừa cụ thể, cảm tính, vừa khái quát và mang ý nghĩa thẩm mỹ”(Timôfêep). Như vậy, có thể nói rằng, bất kì sự vật, hiện tượng nào của đời sống cũng đều có thể trở thành đối tượng

của khám phá nghệ thuật. Qua con mắt thẩm mĩ và bàn tay sắp đặt, tổ chức tài tình của nhà văn, chúng đều có thể trở thành những hình tượng nghệ thuật thực sự.

Bước vào tác phẩm văn chương là bước vào thế giới riêng biệt do nhà văn sáng tạo nên. Thế giới đó không đồng nhất với hiện thực đời sống. Vì vậy, khám phá tác phẩm cũng là khám phá thế giới hình tượng qua lăng kính sáng tạo của nhà văn. Thế giới này được sản sinh ra cùng lúc với cấu trúc ngôn từ của tác phẩm. Đi qua cấu trúc ngôn từ, ta sẽ đến với cấu trúc hình tượng của tác phẩm văn chương. Đây là cấu trúc biểu hiện tình cảm thẩm mỹ của nhà văn và tác phẩm.

Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm là “kết quả của sự liên hệ mật thiết và hoàn thiện dần kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ - thứ kinh nghiệm không phải chờ đợi thông qua tác phẩm mới có được mà đã tồn tại phổ biến, cục bộ, rải rác và không hoàn chỉnh trong đời sống hằng ngày” [33]. Tự bản thân nó là sự tổng hợp khái quát và huyển ảo hóa đời sống mà ta gọi là tư duy hình tượng. Chính cấu trúc bề sâu này đã lưu giữ tâm hồn một cách kín đáo để tạo ra sức sống lâu bền của con người qua thế giới nửa hư nửa thực huyền ảo của nghệ thuật. Vì thế, thế giới hình tượng thường mơ hồ, đa nghĩa, người đọc không thể đối chiếu nó với logic hiện thực đời sống hay suy nghĩ về nó theo kiểu lí trí đời thường. Đối với hình tượng nghệ thuật của tác phẩm, người đọc chỉ có một cách khám phá thông qua bản thân, tự chiêm nghiệm mà tích lũy kinh nghiệm nghệ thuật, mới có thể cảm nhận được sự tồn tại của của cấu trúc này. Nhận diện được hình tượng thẩm mỹ trong tác phẩm, người đọc sẽ nhìn ra được một hiện thực mới mẻ, hiện thực được sáng tạo bằng sự tổ chức lại quan hệ xã hội giữa con người trong một thế giới được xác định bởi không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.

Vì vậy, khi xây dựng hệ thống bài tập về hình tượng nghệ thuật chúng tôi căn cứ trên những phương diện cơ bản của nó, khai thác các chi tiết nghệ thuật khắc họa hình tượng trên từng khía cạnh của phương diện ấy. Các bài tập này sẽ định hướng và giúp học sinh hiểu được cấu trúc hình tượng của tác phẩm văn chương.

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)