tưởng thẩm mỹ
Dạng 1: Chi tiết nghệ thuật về đề tài, chủ đề của tác phẩm văn
chương
Ðề tài là phạm vi hiện thực được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện tạo thành chất liệu của thế giới hình tượng trong tác phẩm đồng thời là cơ sở để từ đó nhà văn đặt ra những vấn đề mà mình quan tâm. Có thể nói, đề tài là khái niệm trung gian giữa thế giới hiện thực được thẩm mĩ hóa trong tác phẩm và bản thân đời sống.
Chủ đề là vấn đề chủ yếu, trung tâm, là phương diện chính yếu của đề tài. Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong tác phẩm, nó thể hiện sự quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với lĩnh vực đời sống mà mình đã lựa chọn.
Chủ đề và nhất là đề tài là phương diện khách quan của nội dung tư tưởng của tác phẩm vì chủ yếu nó bắt nguồn từ hiện thực, do hiện thực gợi ý mặc dù có sự lựa chọn, suy ngẫm của nhà văn. Bài tập cảm thụ mà chúng tôi xây dựng tập trung khai thác các chi tiết nghệ thuật tiêu biểu góp phần thể hiện đề tài, chủ đề của tác phẩm. Ví dụ:
1. Cảm nhận của anh (chị) về ý nghĩa tư tưởng chủ đề trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi qua chi tiết nghệ thuật “hai chị em Chiến và Việt khiêng bàn thờ má đi gửi trước ngày nhập ngũ”.
2. Trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, chi tiết “ngọn đèn con của chị Tí” lặp lại nhiều lần:
- “…quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”
- “Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, và cả cái bếp lửa của bác Siêu, chiếu sáng một vùng đất cát”
- “Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái quầng sáng ngọn đèn chị Tí và ảnh lửa của bác Siêu”
- “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi, không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”
Tại sao Thạch Lam lặp lại hình ảnh này nhiều lần như vậy? Việc lặp lại này có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?
3. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, phản ứng của những người dân ở xóm ngụ cư khi nhìn thấy Tràng dắt vợ về được nhà văn miêu tả như sau:
“Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì đó lạ lung và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tối tăm ấy của họ”.
Tại sao việc Tràng và người đàn bà ngang qua xóm ngụ cư lại khiến cho những "khuôn mặt hốc hác u tối"từ những hiên nhà xác xơ đột nhiên "rạng rỡ hẳn lên"? Chi tiết này có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của truyện?
4. Cảm nhận của anh chị về chủ đề truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi qua hình ảnh “cuốn sổ ghi chép chuyện gia đình” của chú Năm?
Các bài tập cảm thụ chi tiết nghệ thuật thể hiện về đề tài, chủ đề sẽ hướng HS tập trung chú ý vào bối cảnh ra đời của tác phẩm, biết đặt tác phẩm vào bối cảnh đó để phân tích, cảm nhận. Nó giúp HS nhận biết tác phẩm đề cập và nêu ra những vấn đề gì của đời sống hiện thực, giúp HS có cái nhìn khái quát, tổng hợp, chính xác về tác phẩm.
Dạng 2: Chi tiết nghệ thuật mở đầu, kết thúc tác phẩm văn chương
Một tác phẩm văn chương hoàn chỉnh về mặt nội dung và hình thức bao giờ cũng phải có mở đầu và kết thúc. Mở đầu tác phẩm thường là sự phát hiện, chi tiết mở đầu một tác phẩm luôn mang đến cho người đọc những khám phá thú vị. Còn kết thúc tác phẩm là những gì sẽ đọng lại nhiều nhất trong tâm trí người đọc.
Nói đến kết truyện, thực tế sáng tác của các nhà văn từ trước tới nay cho thấy đây là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc thành bại của một tác phẩm. Nhiều tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc nhờ một kết thúc bất ngờ hay một
câu kết gây ấn tượng. Kết truyện hay vô hình chung trở thành đối tượng tìm kiếm của cả người viết lẫn người đọc. Nhà văn sẽ rất mãn nguyện khi tìm được cho câu chuyện của mình một cái kết ưng ý. Còn với độc giả, được thưởng thức một đoạn kết độc đáo cũng là điều họ mong đợi khi tìm hiểu tác phẩm.
Việc sử dụng mở đầu và kết thúc tác phẩm văn chương như thế nào phụ thuộc vào phong cách riêng của từng tác giả nhưng có một mục đích mà bất cứ nhà văn nào cũng phải đạt được là mở ra và khép lại tác phẩm của mình. Dựa vào cơ sở trên, chúng tôi xây dựng các bài tập cảm thụ chi tiết nghệ thuật mở đầu và kết thúc tác phẩm văn chương qua một số ví dụ sau:
1. Mở đầu truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao viết:
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời”. “…Rồi hắn chửi đời”. “…Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại”, “…hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”, “…hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”.
Nhưng cuộc đời Chí Phèo lại bắt đầu bằng chi tiết: Một người đi thả ống lươn nhặt được Chí Phèo “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”.
Theo anh (chị), Nam Cao có dụng ý gì khi mở đầu truyện bằng tiếng chửi của Chí Phèo chứ phải bằng chính lai lịch của nhân vật?
2. Trong bài thơ “Khi con tu hú…” của Tố Hữu: - Câu mở đầu là: “Khi con tu hú gọi bầy”
- Câu kết thúc là: “Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu…”
Bài thơ mở đầu bằng tiếng chim tu hú và kết thúc cũng bằng tiếng chim tu hú. Theo anh chị, Tố Hữu có dụng ý nghệ thuật gì khi mở đầu và kết thúc như vậy?
3. Truyện ngắn “Một bữa no” của Nam Cao mở đầu bằng cái đói của bà lão:
“Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy cứ hết đường đất làm ăn là bà lại hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. Mà cũng đúng thế thật. Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc bụng, nuôi nó
từ tấm tấm, tí tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ được một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành công toi”
Nhưng lại kết thúc bằng cái chết vì no của chính nhân vật:
“Rồi bà chết. Bà phó Thụ, nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng ngay cái chết ấy làm một bài học dạy lũ con gái, con nuôi:
- Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!...”
Suy nghĩ của anh (chị) về cách mở đầu và kết thúc của Nam Cao?
4. Truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành mở đầu bằng một trang đặc tả: "Rừng xà nu nằm trong tằm đại bác của giặc" đang ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng Xôman và kết thúc là hình ảnh "những cây xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời" .
Trình bày cảm nhận của anh (chị) về cách mở đầu và kết thúc như trên? 5. Truyện ngắn “Cô hàng xén” của Thạch Lam có mở đầu và kết thúc như sau:
- Mở đầu
“Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két.
- Kết thúc:
“Lúc Tâm ra về, trời đã tối. Nàng vội vã bước mau để về cho con bú. Sương mù xuống phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên, Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo bờ cỏ đi. Lòng nàng mệt nhọc và e ngại: lấy đâu mà bù vào chỗ tiền đưa cho em? Tâm nhớ lại Nàng nghĩ đến những ngày buôn bán được, ngày không, Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bàng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau nào trong ngõ tối”.
Trong đoạn mở đầu và đoạn kết thúc của truyện ngắn “Cô hàng xén” đều xuất hiện chi tiết “dãy tre làng”. Theo anh (chị), Thạch Lam có dụng ý gì khi lặp lại chi tiết này ở đầu và cuối truyện?
Bài tập cảm thụ chi tiết nghệ thuật mở đầu và kết thúc tác phẩm văn chương góp phần rèn luyện cho HS kỹ năng tìm hiểu, khám phá dụng ý nghệ thuật của tác giả qua chi tiết mở đầu và kết thúc, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn trong quá trình đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm.
Dạng 3: Chi tiết nghệ thuật về nhan đề, lời đề từ của tác phẩm văn
chương
Nhan đề là yếu tố đầu tiên của tác phẩm mà người đọc được tiếp xúc, nó được đặt ở đầu văn bản, có sự ngăn cách với phần văn bản tác phẩm và được thể hiện ở khổ chữ khác - thường là lớn hơn. Khi nhắc đến một tác phẩm văn học nào đó, nhan đề (tên gọi) của nó chỉ là thứ chúng ta dùng để định danh, phân biệt nó với tác phẩm khác và có cảm giác nó chỉ là một yếu tố "bên ngoài", "thêm vào" của tác phẩm. Thực tế, nhan đề của tác phẩm văn học cũng chính là một bộ phận không thể tách rời của tác phẩm, nằm trong sự tổ chức thống nhất các yếu tố để thể hiện chủ đề chung của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Nhan đề là yếu tố thể hiện tập trung nhất, cô đọng nhất dụng ý nghệ thuật của nhà văn muốn gửi gắm thông qua tác phẩm. Một nhan đề ấn tượng chỉ thu hút người đọc lúc ban đầu khi tiếp xúc với tác phẩm, nhưng để tạo được sự sâu sắc, thú vị, nhan đề đó cần phải thể hiện tập trung nhất, cô đọng nhất (vì dung lượng của một nhan đề không cho phép quá dài) tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nó thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ trong tổng thể tác phẩm. Chính vì vậy, khi phân tích, lý giải ý nghĩa nhan đề tác phẩm, chúng ta nên đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như các nhân vật, các chi tiết sự kiện của tác phẩm ... và đặc biệt là mối quan hệ với chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: Lời đề từ là “thành phần nằm ngoài văn bản tác phẩm, được viết ở đầu sách hoặc sau tiêu đề mỗi chương trong cuốn sách
nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc tư tưởng của tác phẩm” [26, tr.112].
Lời đề từ có thể tương đối dài, ở đầu một cuốn sách, là để giới thiệu cuốn sách đó. Nhưng, nhiều khi tựa đề chỉ là một, hai dòng ngắn gọn, nói lên chủ đích của tác giả, hoặc cảm hứng khởi nguồn cho tác phẩm của mình.
Nhan đề, lời đề từ của tác phẩm là những tín hiệu nghệ thuật quan trọng, nhưng một số giáo viên vẫn còn coi nhẹ, bỏ qua hai yếu tố này. Từ thực trạng trên, chúng tôi xây dựng bài tập cảm thụ chi tiết nghệ thuật về nhan đề, lời đề từ của tác phẩm qua một số ví dụ sau:
1. Tại sao Thanh Thảo lại mở đầu bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” với lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”?
2. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân đã xây dựng một tình huống oái ăm: Tràng - một người dân của xóm ngụ cư, nhà nghèo, xấu xí, ngờ nghệch, bấy lâu có nguy cơ “ế vợ”, nay bỗng dưng nhặt được vợ chỉ nhờ mấy câu hò đùa và bốn bát bánh đúc.
Theo như tình huống truyện, lẽ ra nhan đề truyện ngắn phải là “nhặt vợ”, tại sao nhà văn lại đặt nhan đề cho truyện của mình là “Vợ nhặt”?
3. Tại sao Nguyễn Tuân lại viết hoa chữ “Sông” trong nhan đề tùy bút “Người lái đò Sông Đà”?
4. Tái hiện lại hình ảnh dân làng Xô – Man trong công cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, Nguyễn Trung Thành có thể đặt tên cho tác phẩm là “Làng Xô- man” hay “Tnú” – theo tên nhân vật chính, nhưng nhà văn lại chọn nhan đề cho truyện ngắn của mình là “Rừng xà nu”.
Theo anh (chị), tại sao Nguyễn Trung thành lại chọn nhan đề cho truyện ngắn của mình như vậy?
HS tiếp xúc với tác phẩm, trước hết là tiếp xúc với nhan đề của nó, sau đó là lời để từ. Bài tập cảm thụ chi tiết nghệ thuật về nhan đề, lời đề từ của tác phẩm mà chúng tôi xây dựng góp phần khêu gợi trí tò mò và mong muốn khám phá của người đọc. Đây là một cách hay để tạo sự chú ý, kích thích hứng thú của các em.
Tóm lại, hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học mà chúng tôi xây dựng trên đây nhằm mục đích hình thành và phát triển kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh THPT, tạo cho các em những phản xạ có điều kiện khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương.
Suy cho cùng, mục đích của dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường là giúp học sinh cảm thụ được đầy đủ nhất, lĩnh hội được sâu sắc nhất mọi giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong hình tượng văn học của tác phẩm, từ đó giáo dục các em về nhận thức, về tư tưởng, tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ, tư duy và cả ngôn ngữ trong giao tiếp hằng ngày. Muốn làm được điều này, bản thân mỗi giáo viên dạy văn cần có những phương pháp dạy học cụ thể nhằm giúp học sinh hình thành và rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học. Vận dụng hệ thống bài tập theo định hướng xây dựng của chúng tôi là một trong nhưng biện pháp thiết thực, dễ áp dụng nhất và có thể mang lại hiệu quả cao. Học sinh từ học văn một cách thụ động đến không những cảm thụ được những kiến thức của giáo viên mà còn phải biết độc lập suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện những điều mới lạ, hay thắc mắc những gì mình còn nhận thức mơ hồ. Khi tiếp xúc với một tác phẩm văn chương, tự bản thân các em biết mình cần phải làm gì để có thể trở thành người đồng sáng tạo cùng với tác giả. Đây mới chính là điều cần thiết trong quá trình dạy học văn ở trường phổ thông.
CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM 3.1. Mô tả thực nghiệm
3.1.1. Mục đích thực nghiệm
Thực nghiệm sư phạm là hình thức kiểm chứng lại những giả thuyết, những tư tưởng khoa học mà luận văn đã đề ra. Để có được những cơ sở bước đầu nhằm kiểm tra tính khả thi và khẳng định hiệu quả hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho HS THPT mà luận văn xây dựng. Chúng tôi triển khai thực nghiệm hệ thống bài tập trên ở một số trường THPT.
Thông qua thực nghiệm, người viết đánh giá lại chất lượng, nội dung của hệ thống bài tập bổ trợ, khẳng định khả năng ứng dụng của nó, từ đó đề xuất hướng giải quyết, nhằm bổ sung, khắc phục hạn chế và hoàn thiện luận văn.