Nghĩa tư tưởng thẩm mỹ trong tác phẩm văn chương

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 91)

Ẩn chứa bên trong và đằng sau văn bản ngôn từ và thế giới hình tượng, được kết cấu theo một tổ chức nhất định là thế giới tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm. Nó là

“cấu trúc không có hình thức xác định cụ thể nhưng bằng cảm xúc trí tuệ và sự cảm nhiễm thẩm mỹ, người đọc có thể dần dần nhận ra số mệnh con người, sứ mệnh lịch sử và thời đại chứa đựng trong tư tưởng thẩm mỹ và ý vị của tác phẩm văn chương” [37]. Tư tưởng thẩm mỹ có thể hiển hiện trong từng dòng chữ, bàng bạc trong bầu không khí của tác phẩm, lung linh ngay giữa khoảng không của văn bản; nhưng nó là một thực thể toàn vẹn, tròn đầy và là phần trừu tượng nhất trong cấu trúc tác phẩm. Có tìm ra tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm, ta mới hiểu được những điều nhà văn muốn tâm sự, những thể nghiệm về cuộc sống, những quan niệm đạo đức xã hội, những hoài bão…Đó là những “tấc lòng” mà nhà văn muốn kí thác cho đời. Tác phẩm có giá trị lâu bền với người đọc trong thời gian chủ yếu là do độ sâu sắc của cấu trúc này.

Cấu trúc tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm không thể tách rời khỏi cấu trúc ngôn từ và cấu trúc hình tượng, nhưng lại vượt qua và lớn hơn ngôn ngữ và hình tượng để biến thành trạng thái ưu tư không dứt, tác động sâu xa đến tâm hồn người đọc. Đó là tư tưởng bám vào sự sống, chuyển hóa thành sự sống khác rồi quay về nguồn sống ở mức độ cao hơn, tập trung hơn, mãnh liệt thức tỉnh con người cảm hiểu cuộc đời và số mệnh tự giác hơn. Vì vậy, ý nghĩa nội dung tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm văn chương là kết quả của sự đồng thuận và nhượng bộ tỉnh táo hai chiều giữa nhà văn và bạn đọc về cấu trúc hình tượng trong tác phẩm.

Tuy nhiên, không thể loại trừ thiên hướng chủ quan, “cái tôi” của người đọc ra ngoài quá trình giải mã cấu trúc tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm. Do đó, muốn đọc hiểu hàm nghĩa của tác phẩm văn chương phải hiểu rằng mọi yếu tố của tác phẩm đều có nghĩa, các yếu tố đó lại kết thành hệ thống, và cái nghĩa có sức thuyết phục nhất là phù hợp, không mâu thuẫn với bất cứ yếu tố biểu hiện nào. Từ cơ sở trên, chúng tôi xây dựng các dạng bài tập cảm thụ chi tiết nghệ thuật về ý nghĩa, tư tưởng thẩm mỹ trong tác phẩm văn chương

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh trung học phổ thông (Trang 91)