7. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Tri thức về thể loại: truyện ngắn, thơ trữ tình
Ở mục 2.1.3.1. chúng ta đã thấy tầm quan trọng của việc dạy học theo đặc trưng thể loại, ở đây, người viết tiếp tục định hướng những thao tác cần thiết khi dạy tác phẩm VHCM theo đặc trưng thể loại một cách cụ thể hơn.
Khi dạy truyện ngắn cần: Làm cho học sinh nắm được diễn biến của câu chuyện. Đây là yêu cầu có ý nghĩa quyết định quá trình cảm thụ tác phẩm của học sinh. Tuỳ vào mỗi thể loại mà giáo viên có những cách để làm cho học sinh nắm vững sự phát triển của tình tiết truyện. Đối với truyện ngắn, cần xác định đúng tình huống hoặc kết cấu truyện. Trong một tác phẩm có thể có tình huống chính, tình huống phụ, tình huống phụ xoay quanh tình huống chính. Dạy truyện ngắn phải làm bật lên tình huống của câu chuyện, định danh nó và chỉ ra tác dụng của tình huống đó.
Đối với truyện ngắn hiện đại, tình huống truyện lại càng có vị trí hết sức quan trọng. Trong Sổ tay truyện ngắn của Vương Trí Nhàn biên soạn, Nguyễn
Kiên tâm đắc: “Điều quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn cho được cái tình thế nó bộc lộ ra nét chủ yếu của tính cách và số phận, tự nó đặc trưng cho một hiện tượng xã hội. Theo tôi hiểu thì mỗi truyện ngắn chỉ chứa đựng một tình thế như thế nào đó đã xảy ra trong đời sống, nếu có đến hai tình thế trở lên truyện ngắn sẽ bị phá vỡ”. Tại một cuộc thảo luận về truyện ngắn, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đó. Từ tình huống bật nổi một tính cách nhân vật, bộc lộ một tâm trạng”.
Thực tế HS chưa có sự nhạy bén trong cảm thụ, tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật cũng như chưa có khả năng lí giải được tác dụng nghệ thuật tạo tình huống. Vì thế chúng ta có thể xem việc vận dụng câu hỏi nêu vấn đề để hướng dẫn HS giải quyết tình huống truyện là biện pháp hiệu quả nhất. Biện pháp này nhằm kích thích tính chủ động, tích cực và sáng tạo trong hoạt động tiếp nhận của HS. Không những thế, nó còn tạo cho HS kỹ năng cần thiết khi phân tích truyện ngắn khác.
Kết cấu truyện ngắn Rừng xà nu cũng đóng vai trò thể hiện chủ đề của tác phẩm. Ta biết: “kết cấu là sự tạo thành liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo chiều hướng tư tưởng nhất định” [12, tr143]. Kết cấu làm nhiệm vụ sắp xếp các sự kiện, tình tiết, nhân vật một cách logic hữu cơ để bộc lộ chủ đề của tác phẩm. Các sự kiện, tình tiết trong Rừng xà nu được sắp xếp theo một kết cấu câu chuyện lồng vào câu chuyện, hai câu chuyện đan cài vào nhau. Đó là câu chuyện về cuộc nổi dậy của nhân dân làng Xôman đánh giặc thông qua cuộc đời đầy bi thương của nhân vật T’nú. Sự đấu tranh bằng vũ trang của nhân dân Tây Nguyên là một tất yếu. Nó xuất phát từ sức mạnh quật khởi, không gì tiêu diệt nổi của những
con người đã dồn nén, chịu đựng bao đau thương. Tất cả được ta nhận thấy qua cuộc đời đau khổ mất vợ, mất con và chịu sự dày vò dã man của bọn giặc. Mười ngón tay của T’nú bị đốt nhưng anh không buông xuôi, không gục ngã. Anh vẫn đi làm cách mạng và cầm súng chiến đấu. Cuộc đời của T’nú và dân làng Xôman đi từ thất bại đau thương sang chiến thắng vẻ vang, anh dũng; từ sự bất lực khi chưa cầm vũ khí đến việc dùng bạo lực cách mạng chống lại kẻ thù. Hình ảnh rừng xà nu được mở đầu và kết thúc tác phẩm không ngoài dụng ý biểu hiện chủ đề của nhà văn. Việc lặp lại hình ảnh rừng xà nu ở cuối tác phẩm là biểu tượng sức sống, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của đồng bào Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Hiểu được giá trị của hình thức lặp chi tiết và kết cấu tác phẩm Rừng xà nu
là không dễ dàng đối với HS. Các em có thói quen đọc truyện ngắn chủ yếu nắm cốt truyện mà ít quan tâm hoặc chưa đủ khả năng phát hiện những đặc trưng nghệ thuật của thể loại. Để giúp HS hiểu tác phẩm đúng đắn, GV vận dụng câu hỏi đặc trưng loại thể tự sự: Câu chuyện trong Rừng xà nu được mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh nào? Cách mở đầu và kết thúc như vậy góp phần thể hiện tư tưởng và chủ đề gì của tác phẩm? Câu hỏi này nhằm mục đích định hướng tiếp nhận cho HS, giúp HS hiểu được hiệu quả của nghệ thuật xây dựng kết cấu và nghệ thuật lặp chi tiết, hình ảnh.
Với Những đứa con trong gia đình, lại là một kết cấu khác, toàn bộ truyện ngắn được kể lại qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt, ba lần anh tỉnh dậy là ba mảng khác nhau tưởng như rời rạc theo dòng nửa tỉnh nửa mê của Việt, và cũng qua dòng hồi tưởng đó, của một đứa con trong gia đình Cách mạng, mỗi một cá nhân dưới mái nhà ấy hiện lên với tất cả phẩm chất anh hùng, bất khuất trong đấu tranh. Truyền thống ấy được nuôi dưỡng ngay trong huyết mạch của mỗi thế hệ và được hun đúc bằng lòng căm thù giặc sâu sắc. Tất cả những chiến công và
cả những đau thương mất mát mà cả gia đình đã trải qua được chú Năm ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ gia đình. Đó là cả một dòng sông chở đầy chiến tích – đau thương có, tự hào có, mà mỗi một khúc sông là một thế hệ tiếp nối nhau: ông nội, bà nội, bố mẹ, bác Hai, thím Năm của Việt đều quyết tâm chống lại hành động bạo tàn của giặc, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và hi sinh trong tư thế hiên ngang. Cuốn sổ ấy là vật thiêng liêng mà ở đó khắc sâu nỗi căm hờn trước giặc thù qua từng thế hệ: tía Việt vì tham gia du kích mà bị bọn giặc chặt đầu; mẹ Việt bị giặc bắn chìm xuồng chết đuối; người bị bắn vào giữa bụng; người bị roi quật giữa sân đình... tất cả đã hun đúc nên lòng căm thù ngùn ngụt trong những thế hệ sau với quyết tâm diệt thù.
Kết cấu truyện Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình thể hiện niềm tin vững chắc, tâm hồn trong sáng và ý chí kiên cường của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Với hai câu hỏi trên, GV có thể giúp HS hiểu được dụng ý của tác giả thể hiện trong tình huống, kết cấu. Hai yếu tố này góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của tác phẩm.
Tiếp nữa là tìm hiểu hình tượng nhân vật bằng cách giúp học sinh hiểu được sâu sắc, đánh giá được đúng đắn nhân vật trong tác phẩm. Trong một tác phẩm có nhiều nhân vật tiểu biểu cho những loại người khác nhau. Cách miêu tả nhân vật ở các tác giả cũng không giống nhau. Có người thiên về miêu tả nội tâm, có người dùng ngoại hình để nói lên tính cách, số phận của nhân vật. Vì thế, khi tìm hiểu hình tượng nhân vật không nên rập khuôn công thức.
Khi tìm hiểu nhân vật cần tập trung vào những yếu tố sau: chú ý đến những chi tiết về lai lịch, ngoại hình (nếu có), hành động, cử chỉ, nội tâm, ngôn ngữ, số phận, tính cách nhân vật. Tuy nhiên không có nghĩa là liệt kê ra tất cả những yếu tố đó mà quan trọng tìm ra dụng công, dụng ý của tác giả khi xây dựng nhân vật của mình. Những vết sẹo, vằn ngang, vằn dọc trên khuôn mặt Chí
Phèo, thói quen say rượu chửi bới, rạch mặt ăn vạ của Chí không chỉ mang đến cho người đọc một dung mạo dị thường, mất nhân tính mà còn mang ý nghĩa tố cáo nhà tù phong kiến không nhằm cải tạo một con người mà biến một con người thành con quỷ dữ.
Phân tích mối liên hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật và hoàn cảnh xung quanh. Yêu cầu này một mặt giúp cho việc nhìn nhận nhân vật trong nhiều chiều hơn, toàn vẹn hơn, mặt khác giúp người đọc lí giải được những chi tiết về tính cách, giá trị của nhân vật một cách có cơ sở, chính xác hơn, đầy đủ hơn. Bởi vì chỉ đặt trong tương quan giữa các nhân vật như thế thì những phẩm chất của nhân vật sẽ bộc lộ rõ ràng hơn. Qua nhân vật này, người đọc có thể nhìn sâu hơn, rộng hơn về nhân vật kia và ngược lại. Khi tìm hiểu nhân vật Lão Hạc, cần đặt nhân vật này trong tương quan với ông Giáo, vợ ông Giáo, Binh Tư, với con trai lão và với con vàng. Nếu ông Giáo là một trí thức điển hình thì Lão Hạc là một nông dân điển hình. Trong quan hệ giữa Lão Hạc và người con trai của mình thì Lão Hạc là người cha chí tình, bị đẩy đến trước một thử thách nghiệt ngã: muốn sống phải bán mảnh vườn, còn giữ mảnh vườn thì phải chết. Nghĩa là muốn duy trì sinh mệnh phải lỗi đạo làm cha, nhưng lão đã chọn cách hi sinh bản thân mình để trọn đạo làm cha. Lão Hạc không phải không biết quí sinh mệnh nhưng có thứ lão còn quí hơn đó là tình cha con. Lão Hạc hiện ra như một người cha Việt Nam điển hình với tình phụ tử vĩnh cửu …
Phân tích nhân vật theo từng mặt như trên là nhằm tìm hiểu được đầy đủ, sâu sắc về tính cách nhân vật. Tuy các nhân vật trong truyện thường có tính cách đa dạng nhưng những tính cách đó bao giờ cũng thống nhất, qui tụ về một nét nào đó quan trọng, chủ yếu nhất. Mỗi nhân vật như vậy bao giờ cũng tập trung phản ánh một thực tế của cuộc sống và tập trung biểu hiện một tư tưởng nào đó của nhà văn. Do đó, nhân vật cũng thường gợi ra những thiện cảm hay các cảm,
nhiều lúc gợi ra nhiều mối liên tưởng đến những con người tương đồng hay tương phản trong văn học, trong cuộc sống, khiến người đọc tự liên hệ với thực tế, với bản thân mình. Tác dụng giáo dục của các nhân vật văn học được phát huy chính từ đặc điểm đó. Vì vậy, khi phân tích nhân vật không chỉ dừng lại ở chỗ phân tích mà phải tổng hợp, khái quát lại, nêu bật tính điển hình của nhân vật, từ đó mà nâng cao, mở rộng, đi sâu vào ý nghĩa xã hội và giáo dục của hình tượng nhân vật.
Dạy truyện ngắn ngoài việc giúp học sinh hiểu được về nội dung câu chuyện, tình huống truyện, nhân vật truyện, thì việc làm cho học sinh cảm và hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật của truyện cũng là một yêu cầu quan trọng. Tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật của truyện là đi tìm cái hay trong lời kể, như sự linh hoạt trong sự xen kẽ lời kể và lời tả, sức mạnh gợi tả của ngôn từ, cách sử dụng từ ngữ câu văn để làm hiện lên cảnh, việc, người và làm xúc cảm người đọc.
Dạy thơ trữ tình hiện đại: Thơ có đặc trưng của thơ nhưng thơ cũng là văn học nên thơ cũng mang đặc trưng chung của văn học là tính hình tượng hình thành trong ngôn ngữ. Dạy thơ cần có những điều cần lưu ý riêng, nhưng trước hết dạy thơ cũng phải dựa vào những phép tắc và phương pháp của việc dạy một tác phẩm văn học nói chung. Là một tác phẩm văn học, mỗi bài thơ có tính độc đáo về nội dung và hình thức, ở đó một hình thức nhất định biểu hiện một nội dung nhất định. Dạy thơ là giúp học sinh cảm nhận được hình tượng ngôn từ trong tác phẩm thơ, là thông qua việc phân tích các yếu tố biểu tượng, hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu… để làm sống dậy hình tượng với tất cả vẻ đẹp và chiều sâu của nó, từ đó mà truyền đạt tư tưởng, tình cảm của tác phẩm phù hợp với mục đích yêu cầu giáo dưỡng và giáo dục.
Khi tìm hiểu Tây Tiến, chúng ta không thể không để ý đến những từ láy rất “đắt” trong bài thơ này của Quang Dũng:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời. Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Các từ láy: "thăm thẳm", "khúc khuỷu", "heo hút" được lựa chọn và sử dụng như những nét khắc, nét vẽ có giá trị tạo hình đặc sắc, làm hiện lên những dốc, những cồn mây mà nhà thơ và đồng đội phải vượt qua trong những tháng ngày: "áo vải chân không đi lùng giặc đánh" (Hồng Nguyên). "Súng ngửi trời" là một hình ảnh nhân hoá phản ánh cái ngộ nghĩnh, hồn nhiên trẻ trung và yêu đời của người lính trẻ. Có câu thơ gồm 2 vế tiểu đối, bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ Tây Tiến được "đo" bằng: "Ngàn thước lên cao // ngàn thước xuống". Núi tiếp núi, đèo nối đèo, hết lên cao, lại xuống thấp, đoàn quân đi trong mù sương, trong màn mưa rừng. Từ những đỉnh cao "ngàn thước", các chiến binh dõi tầm mắt nhìn xa. Những bản mường, những nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện. Câu thơ thất ngôn, toàn thanh bằng gợi tả cảm xúc tươi vui, lâng lâng thanh thản dâng lên trong tâm hồn người lính trẻ rất lạc quan yêu đời khi dõi nhìn về xa qua màn mưa rừng: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
Khi tìm hiểu một tác phẩm trữ tình, việc tìm hiểu và khai thác tâm trạng nhân vật trữ tình là điều quan trọng. Bởi nội dung của tác phẩm trữ tình được thể hiện gắn liền với hình tượng nhân vật trữ tình. Đó là hình tượng người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. Những suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng ấy thể hiện qua những lời được thổ lộ, qua hình ảnh thiên nhiên, qua những cảm xúc thay đổi, qua nhạc điệu.... Ngoài ra, nhân vật trữ tình nói chung không có chân dung, ngoại hình…
Dù không nói ra, nhưng ai cũng biết nỗi nhớ của Quang Dũng về những người đồng đội, về những chiều sương cao nguyên, nhớ đến những con thuyền
độc mộc, nhớ đến "hồn lau nẻo bến bờ". Nhớ nhiều, nhớ mãi "dáng người trên độc mộc", nhớ không bao giờ quên hình ảnh nên thơ “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa". Nếu không sống mạnh mẽ, sống hết mình của đời người lính trẻ một thời trận mạc gian nan thì không thể nào viết được những vần thơ mang hương sắc núi rừng xa lạ, tươi đẹp và thơ mộng như thế. Âm điệu đoạn thơ trầm bổng lâng lâng như đang ru hồn ta vào cõi mộng. Chất nhạc, chất thơ, chất hoạ toát lên từ vần thơ, cho thấy tính thẩm mĩ độc đáo của ngòi bút thơ Quang Dũng, đồng thời khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn các chiến sĩ Tây Tiến: trong gian khổ và thử thách, trong gian truân và chết chóc, họ vẫn lạc quan và yêu đời, hồn nhiên và mơ mộng.
Tìm hiểu nhân vật trữ tình cần đi sâu vào các từ ngữ, các biện pháp tu từ để tìm nghĩa sâu, nghĩa ẩn chứa đằng sau con chữ. Bởi những cảm xúc của nhân vật trữ tình thường được biểu hiện một cách kín đáo. Nhà thơ thường chỉ nói những điều họ nghĩ, họ nhìn thấy, cảm thấy. Người đọc phải nhận ra tâm trạng đằng sau những cái đó. Khi phân tích nhân vật trữ tình cũng cần phân biệt nhân vật trữ tình là tác giả với nhân vật trữ tình do tác giả hoá thân sáng tạo nên.
Khi dạy thơ trữ tình cần tập trung lí giải những chỗ nhảy vọt, đứt đoạn những khoảng trắng của ngôn từ thơ. Đó có thể là những phần bị tỉnh lược đi, những lời tự sự, những nội dung hoặc hiện tượng tách câu, dấu ba chấm,… tất cả góp phần làm cho tác phẩm trữ tình được triển khai theo một cấu tứ cô đọng.
Thêm một yếu tố nữa góp phần không nhỏ vào việc tạo nên giá trị của bài