7. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Bám sát đặc trưng thể loại của từng tác phẩm văn học cách mạng
2.1.3.1. Tầm quan trọng của thể loại trong dạy học văn
Nắm vững kiến thức về loại thể là một yêu cầu quan trọng của quá trình nghiên cứu giảng dạy tác phẩm văn chương. Gần đây, trước yêu cầu đổi mới tư duy lý luận, nhờ tiếp cận với những thành tựu của khoa lý luận văn học hiện đại trên thế giới, chúng ta đã có sự chú ý đúng mức tới hiện tượng loại thể của tác phẩm văn chương. Nhờ đó, trong dạy học văn, việc tìm hiểu, nắm bắt kiến thức về đặc trưng loại thể đã mang đến những chuyển động tích cực tới việc đổi mới phương pháp dạy học văn. Đúng như Z.Ia.Rez đã nhận xét: “Nghiên cứu các tác phẩm khác nhau trong chương trình học ở nhà trường học sinh dần từng bước sẽ được luyện tập để nhận thấy rằng tác phẩm như thế đều có một hình thức đặc thù của nó và được nhà văn xây dựng với một ý đồ nhất định; rằng tác giả sáng tạo nên một tác phẩm trữ tình là để biểu hiện những thể nghiệm của mình, còn viết một vở kịch là để nhận thức các xung đột trong cuộc sống v.v…Thế nghĩa là HS sẽ học cách hiểu tác phẩm văn học như một hiện tượng của nghệ thuật ngôn từ, vốn có những quy luật riêng của nó và nhìn thấy ở văn học một quá trình trong đó các hình thức, thể loại, phong cách… tồn tại và thay thế nhau”[45,tr.210].
Loại thể văn học là một hiện tượng tồn tại theo quy luật loại hình gắn với quá trình sáng tạo nghệ thuật:
Nhà văn sáng tác theo thể loại thì người đọc cũng cảm thụ theo thể loại và người dạy cũng giảng theo thể loại. Nói một cách khác, phương thức cấu tạo hình tượng mà tác giả đã sử dụng khi sáng tác quy định phương thức
cảm thụ hình tượng đó của người đọc và cũng từ đó quy định phương thức giảng dạy của chúng ta [11, tr.30].
Vì thế, như sự tương quan tất yếu, khi dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường, người dạy và người học cần thiết phải nắm được những quy tắc của việc tổ chức xây dựng về loại hình để tạo nên những giá trị văn chương đa dạng.
Trước hết, khi hướng dẫn HS tiến hành phân tích bài văn người GV phải nắm chắc kiến thức lý luận về loại thể, từ đó mới có phương cách thích hợp để dẫn dắt người học tìm tới những khía cạnh độc đáo trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Dạy một bài ca dao, một bài thơ, một truyện ngắn, vở kịch người GV cần chỉ dẫn cho HS đi vào những đặc trưng của loại thể như thế nào. Trong quá trình thâm nhập bài văn, HS sẽ lần theo những điểm khác biệt giữa phong cách sáng tạo để nhận ra sự khám phá độc đáo của người nghệ sĩ. Nhờ đó, qua quá trình cảm thụ, hiểu biết tác phẩm HS sẽ dần dần tích luỹ những loại hình văn học ra đời trong lịch sử văn học. Đúng như nhà sư phạm Liên Xô cũ – Nhikônxki từng nhấn mạnh phải tạo ra “cảm giác loại hình” trong đầu óc HS.
2.1.3.2. Khái niệm thể loại
Khái niệm loại thể cũng như mọi khái niệm khác trong lí luận văn học là kết quả của sự trừu tượng hoá, khái quát hoá thực tế cụ thể, sinh động của sáng tác văn học. Tác phẩm của dân tộc và nhân loại là vô vàn phong phú, đa dạng nhưng xét cho cùng giữa chúng có những nét chung nhất định về mặt cấu tạo nội dung và hình thức nghệ thuật. Sự giống nhau ấy là tương đối ổn định. Điều này tạo cơ sở và điều kiện cho sự phân chia các tác phẩm văn học ra thành loại thể văn học. Lí luận văn học cũng khái quát các tác phẩm khác
nhau thành một số loại thể nhất định dựa trên những quy luật loại hình. Những quy luật này chi phối các yếu tố khác của tác phẩm văn học. Mỗi thể loại khác nhau có kết cấu, nhân vật, lời văn …. khác nhau. Chẳng hạn, tác phẩm trữ tình có nhân vật trữ tình, tác phẩm tự sự có nhân vật tự sự, tác phẩm kịch có nhân vật kịch….
Vậy thể loại văn học là gì? Theo sách Văn học 11, tập 2, cải cách giáo dục năm 2000, quan niệm: “Thể loại văn học là phương thức tái hiện đời sống và thể thức cấu tạo văn bản. Tên gọi loại thể thông báo cho người đọc ít nhất hai điểm: phạm vi, phương thức tiếp xúc, tái hiện đời sống và hệ thống các phương tiện, biện pháp thể hiện tương ứng”.
Theo Trần Đình Sử : “Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một hình thức tồn tại chỉnh thể”
[54, tr.154].
Quan niệm về loại thể và lý luận về loại thể văn học đã có từ rất lâu trong lịch sử nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa có quan điểm thống nhất và triệt để. Bên cạnh quy luật loại hình, thực tiễn văn học bao giờ cũng phong phú, đa dạng hơn nhiều. Nhà văn sáng tác tác phẩm là nhằm diễn đạt một cách đúng đắn nhất và đầy đủ nhất những vấn đề đời sống mà họ quan tâm, những rung động thẩm mỹ độc đáo. Chính vì vậy, khi nghiên cứu tác phẩm văn học, chúng ta không chỉ nắm vững tính lặp lại của quy luật mà còn phải biết nhận ra cái độc đáo trong sự vận dụng và sáng tạo của nhà văn.
2.1.3.3. Ý nghĩa thực tiễn của việc phân chia loại thể trong dạy học văn
Việc làm rõ loại thể là khâu đầu tiên và quan trọng nhất khi bước vào nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm cụ thể. Trong sự tương tác giữa thể và loại thì chất của loại vẫn là yếu tố khó nắm bắt nhất, phải nắm bắt được nó thì hiệu quả của các khâu tiếp theo mới có thể đi đến đích một cách đúng đắn.
Cho đến nay, việc dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường chưa thoát khỏi tình trạng rập khuôn, công thức máy móc. Người dạy còn bị chi phối bởi thể của tác phẩm nhiều hơn là tính chất của loại thể trong thể. Và cũng từ thực tế giảng dạy, một số GV thuộc cả những tài liệu hướng dẫn phân tích tác phẩm nhưng cũng không thể dạy tốt được. Trong dạy học văn dù có phát huy vai trò chủ thể mà không chú ý đến vai trò chủ động của thầy thì vẫn không mang lại hiệu quả. Chỉ khi thầy chỉ đạo tốt, HS hoạt động tích cực thì việc tìm hiểu tác phẩm mới có thể đi đúng hướng. Bất kì GV nào cũng nhận thức được điều đó. Thế nhưng, từ thực tiễn, nhiều trường hợp GV còn lúng túng trong việc xử lý tài liệu hướng dẫn. Giờ dạy còn diễn ra theo một bài bản định sẵn. GV chưa nhận thức đầy đủ bản chất thực sự và trọng tâm của từng tác phẩm cụ thể: “Nguyên nhân chính là GV chưa xác định loại thể của tác phẩm với tính chất nội dung của nó là không chính danh. Và đã không chính danh thì dù việc phân tích có sắc sảo đến đâu cũng vẫn chỉ là võ đoán” [11, tr.94].
Mặt khác, mục đích của môn Văn trong nhà trường là giúp HS cảm thụ được đầy đủ nhất, lĩnh hội được sâu sắc nhất mọi giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong hình tượng văn học của tác phẩm. Thông qua đó, HS sẽ phát triển về nhận thức, tư tưởng, tình cảm đạo đức, thẩm mỹ, tư duy và ngôn ngữ học. Nhưng hiệu quả cảm thụ của HS tuỳ thuộc vào mức độ hiểu và cảm của người thầy giáo. Phân biệt loại thể văn học cần thiết cho người GV trong việc bản thân mình xúc cảm và tìm hiểu tác phẩm trước khi giảng cho HS.
Từ trước đến nay, các bước lên lớp của GV phải tuân theo công thức nhất định. Ví dụ, khi phân tích bất kì tác phẩm truyện nào, người dạy thường tuân theo một trình tự phân tích có phần cứng nhắc máy móc: tóm tắt, chia bố cục, phân tích nhân vật và nhận xét về nghệ thuật. Thậm chí, khi phân tích những truyện dân gian, họ cũng tuân thủ công thức ấy. Sở dĩ tình trạng đó kéo dài vì chúng ta chưa biết dựa trên tiêu chí phân biệt thể loại để có sự lựa chọn cách thức phân tích thích hợp. Điều này cũng là hệ quả của một quan niệm lệch lạc - chưa đặt sự chú ý đúng mực tới loại thể trong tiến trình đổi mới. Hiện nay, từng bước, người dạy văn đã dần dần khắc phục được những hạn chế đó nhờ sự soi sáng của lý luận, đã có một sự đổi mới, một cách nhìn nhận đúng đắn, khoa học, hợp lí và linh hoạt hơn. Tuỳ thuộc vào thực tiễn mà GV vận dụng phương pháp giảng dạy phù hợp.