Tri thức chung về bộ phận văn học cách mạn

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học cách mạng 1945 - 1975 trong các trường THPT tại quận 3 thành phố Hồ Chí Minh (Trang 59)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Tri thức chung về bộ phận văn học cách mạn

2.2.1.1. Đặc điểm nội dung văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975

Trước hết, từ khi có Đảng lãnh đạo, văn học nước ta phát triển theo sự vận động của lịch sử. Nền văn học cách mạng vươn tới tầm cao về tư tưởng. Lý tưởng yêu nước và nội dung yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội trở thành nguồn cảm hứng cao đẹp, nuôi dưỡng và chi phối toàn bộ những sáng tác văn chương. Văn học đã phát huy cao độ những truyền thống tốt đẹp, những phẩm chất cao quý của người Việt Nam. Ý thức cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào, đồng chí được biểu hiện phong phú, nhiều vẻ trong hầu hết các tác phẩm. Tinh thần yêu nước vừa là một truyền thống sâu xa vừa là nét nổi bật trong tinh thần của thời đại cách mạng. Nó được thể hiện

trong niềm tự hào và ý thức làm chủ đất nước của quần chúng, trong tư tưởng đất nước gắn liền với nhân dân. Văn học nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén phục vụ kịp thời và sát sao những nhiệm vụ cách mạng. Các nhà văn đã biết khai thác những sự kiện lớn lao của dân tộc anh hùng, biết đánh giá từ tầm nhìn cao xa của lịch sử nên nhiều tác phẩm đã mang tầm vóc thời đại. Nền văn học mới chứa chan tình cảm yêu nước và cao hơn là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Điểm nổi bật khác, trong thời gian này, dân tộc ta phải thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn, vừa bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa vừa giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Với sức mạnh tinh thần, nhân dân ta đã vượt lên mọi gian khổ giành độc lập, tự do và quyền làm chủ vận mệnh của mình. Sự thức tỉnh cách mạng của quần chúng, vẻ đẹp tâm hồn và hành động của họ có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà văn. Cuộc sống kiên cường, mạnh mẽ và nhân hậu của họ đã làm nền và tạo cảm hứng cho sức sáng tạo. Vì vậy, nền văn học cách mạng mang tính nhân dân sâu sắc. Con người hiện lên trong tác phẩm bấy giờ là những con người mới, hình ảnh tiêu biểu của nhân dân. Họ không còn mang nỗi đau khổ tủi nhục, những kiếp người vật vã đau khổ. Tính nhân dân của nền văn học mới thể hiện ở việc miêu tả chân thật hình ảnh nhân dân cách mạng, thể hiện đúng đắn tâm hồn, tư tưởng khát vọng của quần chúng nhân dân. Không những thế, họ còn được xem là đối tượng phục vụ chính yếu, là người thưởng thức, đánh giá văn học và cũng là nguồn cung cấp cho văn học những tài năng mới, bổ sung cho lực lượng sáng tác ngày càng phong phú. Một biểu hiện khác của tính nhân dân là coi trọng việc sử dụng những hình thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân, tiếp thu những kinh nghiệm và giá trị trong kho tàng văn học dân gian, biến đổi nó sao cho phù hợp với thời đại mới. Nền văn học mới được hình thành trong điều kiện

thử thách của lịch sử và đúc kết, miêu tả những giá trị cao đẹp của nhân dân anh hùng.

Và đặc biệt, văn học giai đoạn này có nhiều thành tựu về sự phát triển thể loại và phong cách tác giả. Đội ngũ nhà văn đông đảo được đào luyện trong cách mạng và kháng chiến. Họ đem nghệ thuật phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, đáp ứng yêu cầu cách mạng và hai cuộc kháng chiến. Trong nhiều thập kỷ phát triển, nền văn học cách mạng có một bề dày và chiều sâu của giá trị văn chương, các thể loại phát triển khá đồng đều. Ở thể loại nào cũng có những thành tựu, từ thơ đến truyện ngắn, từ tiểu thuyết đến lý luận phê bình văn học. Chúng ta có hàng trăm bài thơ với những nhà thơ tên tuổi như: Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… Thể loại truyện ngắn gắn liền với những nhà văn có phong cách độc đáo như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu… Phê bình văn học xuất hiện và trở thành phổ biến trên văn đàn Như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Chế Lan Viên… Lí luận văn nghệ cách mạng theo đường lối của Đảng và chủ nghĩa Mac-Lênin. Tiểu thuyết có những bước phát triển quan trọng. Đề tài chiến tranh được các nhà văn quan tâm, điển hình là: Dấu chân người lính

của Nguyễn Minh Châu, Hòn đất của Anh Đức, Mẫn và tôi của Phan Tứ,

Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc… Nền văn học cách mạng đã hình thành nhiều phong cách sáng tác, đặc biệt là loại hình tự sự có một bước phát triển đáng kể. Đây là minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của nền văn học cách mạng.

Quan hệ giữa ba đặc điểm trên có tính tất yếu, có tính quy luật. Văn học phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Sự phản ánh, ca ngợi đó theo một cách tự nhiên là phải tìm đến khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Nền văn học cách mạng nước ta đã thật sự bước sang một chặng đường mới. Các nhà văn tài năng gắn bó với nhân dân và đất nước, mang cảm hứng tự do trong sáng tạo, hình thành nên những tác phẩm có giá trị, xứng đáng với tầm vóc dân tộc và thời đại.

2.2.1.2. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong văn học giai đoạn 1945-1975

Khuynh hướng sử thi là đặc điểm bao trùm trong nền văn học kháng chiến, nền văn học phục vụ cách mạng. Sử thi trong văn học 1945 – 1975 không phải là khái niệm thể loại như sử thi cổ đại, mà là đặc điểm của văn học sáng tác trên nền tảng của ý thức cộng đồng toàn dân, xuất hiện vào các thời kỳ có đấu tranh chống giặc ngoại xâm, có phong trào xã hội bảo vệ các lợi ích toàn dân. Trong đó, xung đột có tính sử thi là xung đột của dân tộc ta với kẻ thù xâm lược, của cộng đồng toàn dân ta với quân địch. Chủ đề cơ bản có tính sử thi là dân tộc, nhân dân, Tổ quốc, truyền thống. Nhân vật là những người anh hùng đại diện cho phẩm chất, ý chí và sức mạnh của dân tộc, đặc biệt là hình tượng người lãnh tụ, người chiến binh, hình tượng người mẹ bằng giọng điệu ngợi ca, khẳng định, cổ vũ nhân dân. Chất sử thi không đối lập với hiện thực mà có khả năng hoà hợp, gắn bó với chất hiện thực.

Ở Nguyễn Trung Thành, chất sử thi đã hoà cùng chất Tây Nguyên trong nhân vật T’nú làm sáng rõ hình tượng người anh hùng của cả làng Xô Man vững chải như một cây xà nu cao lớn – Đứa con của núi rừng. Có lẽ sự thành công ở những trang viết của Nguyễn Trung Thành bắt nguồn từ sự thấu hiểu sâu sắc mảnh đất và con người Tây Nguyên. Cho nên tác phẩm viết về Tây Nguyên mà đặc biệt là truyện ngắn “Rừng xà nu” vừa thấm đẫm sắc màu hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng nơi đây, vừa ngời sáng vẻ đẹp của con người Tây Nguyên:

hồn nhiên, kiên cường, bất khuất. Bên cạnh chất Tây Nguyên trong bản anh hùng ca của Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi lựa chọn văn phong đậm chất Nam Bộ để ngợi ca những con người anh hùng của miền đất nơi đây. Có lẽ chính tình cảm gắn bó thuỷ chung ân nghĩa với nhân dân miền Nam đã mang đến cho nhà văn một cảm hứng dạt dào về đất và người Nam Bộ. Những con người hồn nhiên, bộc trực, căm thù ngùn ngụt quân cướp nước đã đi vào trang viết của nhà văn như những anh hùng với nét rất riêng trong tâm lý, ngôn ngữ, thể hiện tính cách riêng của con người Nam Bộ.

Bên cạnh đó, cảm hứng lãng mạn, nhất là chất trữ tình cách mạng là một thành tố quan trọng của văn học cách mạng giai đoạn này. Đời sống hiện thực bộc lộ nhiều vẻ đẹp, gợi lên những niềm vui và mơ ước dễ làm nảy sinh cảm hứng lãng mạn. Đây là những năm tháng con người tuy đứng trong đau khổ tột cùng nhưng tâm hồn lại sống trong niềm tin vui ấm áp của tình đồng chí, của tình dân trong ánh sáng rực rỡ của lý tưởng, của tương lai.

Chất tài tử, tài hoa và lãng mạn của những chàng lính chiến được nói đến thật hay trong đêm "hội đuốc hoa". Chữ "kìa" là đại từ để trỏ từ xa, gợi nhiều ngạc nhiên, tình tứ. Trong ánh lửa đuốc bập bùng, sự xuất hiện những cô gái Mường, cô gái Thái miền Tây Bắc, những cô gái phù-xao Lào trong bộ xiêm áo dân tộc rực rỡ đã đem đến cho những người lính trẻ đoàn binh Tây Tiến bao niềm vui, tình quân dân thắm thiết. Có tiếng khèn "man điệu" của núi rừng, có khúc nhạc du dương "xây hồn thơ".

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa, Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Tây Tiến là một trong những bài thơ hay nhất viết về người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam thời kháng chiến chống

Pháp. Với bút pháp lãng mạn, với cốt cách tài hoa, phong độ hào hùng của nhà thơ - chiến sĩ, Quang Dũng đã khắc chạm vào thời gian, vào thơ ca và lòng người hình ảnh người chiến sĩ vô danh Thăng Long - Hà Nội, của dân tộc Việt Nam anh hùng. Trước linh hồn người liệt sĩ, ta thắp lên nén tâm hương, nghiêng mình với tình cảm biết ơn và kính phục nhà thơ và những chiến sĩ vinh quang trong đoàn binh Tây Tiến.

Có thể nói, văn học giai đoạn này có những biến đổi sâu sắc về bản chất của thể loại do chịu sự chi phối của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Vì vậy, một số tác phẩm viết về đề tài chiến tranh trong thời kỳ chống Mỹ ít nói tới cái dữ dội, ác liệt của bom đạn, mà chỉ thể hiện một bức tranh khác về con người, về tấm lòng thuỷ chung, về trái tim nhiệt huyết… Hay nói cách khác, đó là thế giới của cao cả, cái đẹp vượt lên trên sự tàn phá, huỷ diệt của bom đạn chiến tranh. Cho nên, khi tiếp nhận những tác phẩm văn học giai đoạn này ở bất kì thể loại nào, chúng ta cũng thấy biểu hiện của chất thơ nhiều hơn chất văn xuôi và ưu thế tuyệt đối của giọng trữ tình.

Nói như Nguyễn Văn Long “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc tìm hiểu, đánh giá một giai đoạn văn học là việc xác định những đặc điểm cơ bản của giai đoạn văn học ấy”. Văn học cách mạng 1945-1975 là một giai đoạn văn học đặc biệt, đó là một hiện tượng độc đáo có tính chất lịch sử. Nó nối tiếp dòng văn học yêu nước từ bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và nhất là thơ văn cách mạng đầu thế kỷ. Có thể nói mỗi khi có cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng nhân dân, đất nước thì “văn học sử thi” lại xuất hiện như một biểu hiện thẩm mỹ của ý thức dân tộc và cộng đồng.

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học cách mạng 1945 - 1975 trong các trường THPT tại quận 3 thành phố Hồ Chí Minh (Trang 59)