7. Cấu trúc của luận văn
2.3.1. Phương pháp đọc diễn cảm
Lịch sử giảng dạy và nghiên cứu khoa học đã khẳng định vai trò tích cực của đọc diễn cảm trong việc phát huy năng lực cảm thụ tác phẩm văn học cho học sinh. Các con đường đi vào tác phẩm văn chương đều bắt đầu từ việc đọc. Bàn về vấn đề này, giáo sư Phan Trọng Luận có nói: “Đọc là một hoạt động tự giác, là sự vận động nhiều năng lực chủ quan của con người” [33, tr.145]. Giáo sư Lê Trí Viễn cũng cho rằng: “Hiểu bài văn rồi đọc mới tốt nhưng đọc tốt càng hiểu thêm bài văn” [33, tr.145]. Điều này góp phần khẳng định đọc diễn cảm là một hoạt động sáng tạo trong quá trình nhận thức văn học.
Thấy rõ tác dụng của biện pháp này, các giáo viên giàu kinh nghiệm thường rất chú trọng và tận dụng mọi khả năng để phát huy sức mạnh của nghệ thuật đọc diễn cảm. Chẳng hạn, đối với thể thơ, giáo viên không chỉ dùng hình thức đọc diễn cảm mà còn diễn ngâm, thậm chí không có khả năng diễn ngâm, giáo viên cũng tận dụng đến cả hình thức cho học sinh nghe qua băng, đĩa… Nhờ vậy mà không khí giờ học trở nên hấp dẫn hơn và việc tạo cho học sinh những ấn tượng, những rung cảm và xúc động thẩm mỹ bước đầu cũng có hiệu quả hơn.
Trong việc dạy học tác phẩm kí, việc đọc diễn cảm cũng là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc khơi gợi cảm xúc, trí tưởng tượng và tạo cho học sinh tâm lí thâm nhập vào tác phẩm. Mặt khác, thể loại kí thường nói về người thật, việc thật nên đọc diễn cảm càng có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh bắt đúng cái giọng, cái tình và hiểu được hoàn cảnh, tâm trạng của người viết kí. Chẳng hạn, đối với tác phẩm Thượng kinh kí sự nói chung và đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh nói riêng, để hiểu rõ được giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm, thấy được ngòi bút kí sự chân thực, sắc sảo của Lê Hữu Trác, người giáo viên cần phải hướng dẫn cách đọc cho học sinh và yêu cầu học sinh đọc được đoạn trích
trong sách giáo khoa. Từ đó, học sinh sẽ thấy được cách miêu tả chi tiết, sinh động về quang cảnh và những sinh hoạt nơi phủ chúa. Quang cảnh và những sinh hoạt trong phủ chúa đã được ghi lại khá tỉ mỉ qua con mắt quan sát của một người thầy thuốc lần đầu tiên bước chân vào thế giới mới lạ này. Ngoài ra, qua tác phẩm, ta thấy được thái độ và cảm nghĩ của tác giả trước những sự việc nơi phủ chúa, tuy không bộ lộ trực tiếp nhưng qua ngòi bút ghi chép hiện thực sắc sảo và những cảm xúc được ghi lại đây đó, có thể thấy được thái độ của Lê Hữu Trác: không đồng tình với cuộc sống xa hoa, hưởng thụ nơi phủ chúa và dửng dưng trước những quyến rũ vật chất nơi đây. Học sinh không thể tiếp nhận đầy đủ những thông tin này bằng kể xuôi hay tóm tắt mà phải bằng biện pháp đọc diễn cảm, để tiếng nói của nhà văn trở nên gần gũi và tạo được không khí giao cảm với học sinh, đồng thời biến giờ giảng văn thật sự trở thành một công việc tâm tình, một cuộc trao đổi về vấn đề cuộc sống, về quan điểm và lí tưởng sống chứ không phải là giờ bàn luận nặng về triết lí, về xã hội học.
Hoặc ở đoạn trích Người lái đò sông Đà, để giúp học sinh thưởng thức được vẻ đẹp ngôn ngữ được sáng tạo dưới bàn tay của một nghệ sĩ tài hoa thì người giáo viên cần phải cho học sinh đọc diễn cảm đoạn trích hay chính giáo viên sẽ là người đọc diễn cảm một số đoạn chọn lọc. Có làm được như vậy thì giáo viên mới dẫn dắt được học sinh khám phá cách thức mà tác giả đã sử dụng để khai thác đến tận cùng bản chất thẩm mĩ của đời sống, ẩn chứa trong hình tượng của dòng sông và của con người lao động. Biện pháp đọc diễn cảm sẽ giúp học làm bật lên được vẻ đẹp của văn chương, nhất là ở người nghệ sĩ Nguyễn Tuân, không chỉ tồn tại trong điều được viết mà còn được bộc lộ trong cách viết.
Đọc diễn cảm tác phẩm văn học sẽ giúp chúng ta không phải chỉ thu nhận hiện thực được phản ánh vào trong tác phẩm mà điều quan trọng là nắm bắt được cái phần chủ quan của tác giả, cái ý định của tác giả khi phản ánh. Tác giả Phan
Trọng Luận cũng khẳng định: “Nghệ thuật đọc diễn cảm chính là nghệ thuật xử lí một cách hợp lí mối quan hệ giữa khách quan phản ánh và chủ quan biểu hiện của tác giả, quan hệ giữa chủ quan người đọc và chủ quan tác giả để truyền đạt được tiếng nói tình cảm của tác giả đến bạn đọc” [35, tr. 196].
Như vậy, đọc diễn cảm không chỉ là công việc mở đầu cho một tiết học, càng không phải chỉ để rèn luyện kĩ năng cho học sinh, để tạo không khí cho bài học hay tạo một ấn tượng hoàn chỉnh về bài văn mà chủ yếu là làm xuất hiện năng lực tưởng tượng, giúp học sinh cảm thụ đúng tác phẩm. Biện pháp này cần được tiến hành song song suốt quá trình giảng văn, để giúp cho việc dạy và học văn phù hợp với đặc trưng của bộ môn và tâm lý nhận thức của học sinh.