Thực trạng dạy học phần văn học cách mạng trên địa bàn Quận 3,

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học cách mạng 1945 - 1975 trong các trường THPT tại quận 3 thành phố Hồ Chí Minh (Trang 33)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Thực trạng dạy học phần văn học cách mạng trên địa bàn Quận 3,

TP Hồ Chí Minh

1.2.3.1. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội Quân 3

Trước 1975, Quận 3 là một quận mang tính cư trú, hành chính, là một trong các Quận trung tâm Sài Gòn có các cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ - Ngụy và sứ quán nước ngoài. Đây cũng là nơi mà phong trào đấu tranh cách mạng lan rộng trong từng ngõ hẻm, đường phố, là nơi những người con cách mạng kiên cường anh dũng đã đi vào lịch sử như Lê Văn Sỹ, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Văn Trỗi,… và những người mẹ suốt đời hy sinh cho cách mạng đã đi vào thi ca như "Người mẹ Bàn Cờ", là nơi đặt Bộ chỉ huy tiền phương trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (Phở Bình số 7 Lý Chính Thắng). Ngày nay, trên đà phát triển của đất nước, với những bước chuyển mình, quận 3 đã trở thành một quận có nền kinh tế tăng trưởng khá, trật tự xã hội ổn định và có một vị trí quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động của thành phố.

Với vị trí nằm ở trung tâm thành phố, diện tích 4,9km2 có địa giới hành chính: phía Bắc giáp quận Phú Nhuận và quận Tân Bình, phía Đông và phía Nam giáp quận 1, phía Tây giáp quận 10, dân số quận 3 hiện nay khoảng 200

ngàn người, mật độ dân số 40.000 người/km2. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, khoảng 75% dân (theo thống kê điều tra năm 2010).

Là nơi tập trung nhiều đình, chùa, nhà thờ lớn như: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, Trung tâm Phật giáo Thích Quảng Đức. Nhà thờ Tân Định, Dòng Chúa Cứu Thế, Nhà thờ Bùi Phát, Đình Xuân Hoà, Đình Phú Thạnh, Đình Ông Súng… Ngoài ra còn có tháp tưởng niệm nơi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, có bảo tàng chứng tích chiến tranh thu hút nhiều khách tham quan.

Về mặt tổ chức hành chính, quận 3 có 14 phường có tên gọi từ phường 1 đến phường 14. Trụ sở Ủy ban nhân dân quận 3 được đặt tại tòa nhà 185 Cách Mạng Tháng 8 (nơi trước giải phóng là tòa Đại sứ Campuchia).

Về giao thông đường bộ, mật độ đường sá dày đặc, có nhiều trục đường giao thông quan trọng chạy ngang qua như: đường Cách Mạng Tháng 8 nối với Quốc lộ 22 đi Tây Ninh sang Campuchia, đường Điện Biên Phủ nối với Quốc lộ 1 xuyên Việt, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đi sân bay Tân Sơn Nhất. Về giao thông đường sắt, Ga Sài Gòn nằm trên địa bàn quận 3 là ga đầu mối giao thông của thành phố và các tỉnh phía Nam đi cả nước trên tuyến đường sắt Nam - Bắc.

Từ một quận hành chánh cư trú, từ 1975 đến nay Quận 3 cùng với thành phố đã tập trung phát triển kinh tế trên cả lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực thương mại dịch vụ, trở thành một quận tự cân đối ngân sách và đóng góp cho ngân sách thành phố. Tổng thu ngân sách hàng năm đều tăng. Tổng thu ngân sách quận năm 2007 là 757,5 tỷ đồng và năm 2008 ước thực hiện 1.147,6 tỷ đồng, chủ yếu thu thuế từ các khu vực kinh tế.

Trên lĩnh vực kinh tế, khi tiếp quản vào năm 1975, quận 3 chỉ có 30 cơ sở công nghiệp nhỏ, 10 cơ sở tiểu thủ công nghiệp và khoảng 3000 hộ kinh doanh cá thể, đến nay (2005) có 1.119 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sản

xuất nhiều ngành hàng với giá trị sản lượng (theo giá cố định 1994) là 1.146 tỷ đồng và 18.098 cơ sở kinh doanh thương mại & dịch vụ với doanh thu đến 22.860 tỷ đồng.

Về y tế, quận 3 cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện, chuyên khoa lớn của thành phố, trung ương như : bệnh viện Bình Dân, bệnh viên Da Liễu, bệnh viên Y học Dân tộc, bệnh viện Mắt, Trung tâm Tai - Mũi - Họng, Viện Pasteur… Tại quận, ngoài Trung tâm Y tế quận, mạng lưới y tế địa phương gồm các đội chuyên khoa, vệ sinh phòng dịch, lao - tâm thần, hộ sản, cấp cứu và 14 trạm y tế phường. Hai bệnh viện tư nhân đầu tiên của Thành phố được thành lập trên địa bàn Quận: bệnh viên Hoàn Mỹ (trên đường Trần Quốc Thảo) và bệnh viện Hồng Đức (trên đường Pasteur).

Về trung tâm thương mại có 4 chợ cấp Quận quản lý: Bàn Cờ, Vườn Chuối, Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Phát; 2 siêu thị: Coopmart Nguyễn Đình Chiểu, Citymart Minh Châu; 3 trung tâm điện máy: Lộc Lê, Ideal, VietnamShop.

Về giáo dục, mạng lưới giáo dục Quận 3 có 30 cơ sở giáo dục mầm non 24 trường tiểu học, 12 trường phổ thông, trung học cơ sở. Hằng năm, ngành tiếp nhận khoảng 45.000 học sinh. Qua các kỳ thi hết cấp, tỷ lệ học sinh luôn đạt trên 95%. Nhiều trường trên địa bàn quận trở thành những trường điểm của thành phố; được nhận những phần thưởng cao qúy của Nhà nước như trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (đã 3 lần vinh dự đón nhận Huân chương lao động I,II,III) trường trung học cơ sở Hai Bà Trưng (Huân chương lao động hạng III), …

Trong công tác xã hội, phong trào chăm lo cho diện chính sách, xây nhà tình nghĩa được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và các cơ quan, đơn vị. Công tác xóa đói giảm nghèo trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ đã vượt nghèo, có vốn làm ăn sinh sống, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn quận ngày càng được cải thiện và nâng cao. Cùng với thành

phố, quận 3 cũng đã hoàn thành chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo giai đoạn 1992 - 2004 và từ 2005 tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí mới (6 triệu đồng /người /năm). Đến nay (12-2008) 14/14 Phường thuộc Quận đã xác định không còn hộ nghèo có thu nhập bình quân dưới 7 triệu đồng/người/năm.

1.2.3.2. Khảo sát việc dạy - học phần VHCM ở một số trường tại Quận 3

a. Khảo sát ý kiến của giáo viên và học sinh về việc dạy học tác phẩm VHCM ở quận 3

Người viết luận văn đã đánh giá kết quả này dựa trên cơ sở cuộc khảo sát giáo viên tổ bộ môn Ngữ Văn và học sinh thuộc 04 trường THPT trong địa bàn quận, bao gồm: Trường THPT Lê Qúy Đôn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu và trường THPT Quốc tế Á Châu với tổng số lượng phiếu: Giáo viên là 37 phiếu, học sinh lớp 12 là 178 phiếu (phiếu thống kê điều tra giáo viên và học sinh ở phụ lục 2, bảng và 2).

b. Nhận xét

Với giáo viên

Sau khi tổng hợp phiếu điều tra, thống kê số liệu, chúng tôi rút được một vài nhận xét sau: Các thầy cô giáo cho rằng việc khó khăn khi dạy tác phẩm VHCM là việc học sinh không thích học văn, học yếu, chậm tiếp thu chính là rào cản lớn trong việc giảng dạy VHCM ở nhà trường phổ thông (32,4%), thứ đến là thời gian phân phối chương trình cho những giờ dạy VHCM chưa đủ, có đến 29.8% giáo viên phàn nàn về vấn đề thời gian, điều này ta có thể lý giải được, bởi những tác phẩm được đưa vào dạy, đều là truyện ngắn khá dài, bị lượt đi nhưng vẫn là dài trong thời hạn 2 tiết trên lớp. Nên có đến 45.9% giáo viên hi vọng thời

lượng cho phần học VHCM sẽ được gia tăng. Hơn nữa hầu hết GV đều không thích văn bản bị lượt đi (62.2%), nó tạo cảm giác không hoản hảo cho văn bản khi đưa đến học sinh. Tỷ lệ giáo viên cho học sinh đọc lại văn bản trên lớp chiếm 45.9%, điều đó càng làm cho vấn đề tăng thêm thời gian dạy trên lớp là cần thiết. Trong phần phương pháp giảng dạy tác phẩm VHCM, họ thường chọn phương pháp truyền thống đó là thuyết giảng (40.4%), đọc diễn cảm (32.4%), còn phương pháp nêu vấn đề lại không được các nhà giáo dục lưu tâm lắm (5.4%). Nguyên nhân có thể nói đến là do giáo viên chưa có cách tổ chức dạy theo hướng hiện đại này, cũng có thể do văn bản… Do đó, khi yêu cầu học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà, giáo viên vẫn chỉ yêu cầu rất đơn giản với những công việc như: đọc tác phẩm trước ở nhà (27%), trả lời câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài (32.4%), tóm tắt văn bản (24.4%) mà không có thêm sự sáng tạo nào, chỉ với số lượng rất ít các GV yêu cầu học sinh nêu những vấn đề khúc mắc để trao đổi (10.8%), Từ đó, dẫn đến một thực tế học sinh sẽ mất dần đi sự chủ động, không tự tìm hiểu tác giả, tác phẩm trước khi học, một thái độ thụ động quen thuộc.

Hiện nay, với tinh thần dạy học theo nguyên tắc chủ động tích cực, thì khi dạy tác phẩm VHCM, người giáo viên cần được cung cấp đầy đủ sách giáo khoa, sách giáo viên và đặc biệt là sách tham khảo (91.2%), khi dạy thì cũng không nặng về truyền thụ kiến thức mà chủ yếu dạy học sinh cách học, cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, song hầu như các giáo viên của chúng ta vẫn chọn những phương pháp quen thuộc như nói ở trên, mà ít có sự sáng tạo, dù họ cũng có cho học sinh thảo luận nhóm (75.6%). Trong dạy học, không thể thiếu được thao tác cho học sinh chuẩn bị và thuyết trình, tuy nhiên, các thầy cô lại chỉ cho thuyết trình những phần đơn giản, đó là về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả (51.3%), Có sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, song họ cho rằng những định hướng kiến thức và phương pháp trong sách giáo viên chưa đầy đủ, chưa rõ ràng (29.8%),

phần “tiểu dẫn” trước mỗi bài học về văn bản VHCM là cần thiết nhưng sách giáo cũng chưa cung cấp đủ thông tin cho học sinh (70.2%). Chính các giáo viên cũng nhìn thấy vấn đề của mình, nên theo họ, để giờ học đạt được kết quả khả quan hơn, thì việc quan tâm hàng đầu chính là tin giản nội dung bài học (40.5%) và quan tâm đến hứng thú và khả năng học tập của HS (24.4%), điều này hẳn các giáo viên có kinh nghiệm nhận ra, song thế nào mới là quan tâm đến hứng thú học tập của học sinh, lại là một vấn đề khác…

Qua phiếu khảo sát này, chúng ta thấy được cũng có một bộ phận giáo viên hết sức cố gắng giúp cho học sinh hiểu được một cách nhanh nhất những tác phẩm VHCM bằng cách cho học sinh xem băng, đĩa ghi hình, ghi âm, tranh ảnh minh họa trong quá trình giảng dạy của mình. Với những cố gắng ấy, người giáo viên cũng đồng ý rằng mức độ hiểu tác phẩm của học sinh nằm trên 80%, tùy từng trường cũng như năng lực cảm thụ văn học của mỗi học sinh.

Với học sinh

Hầu hết trước các giờ giảng văn, giáo viên đều dặn dò và yêu cầu học sinh phải chuẩn bị bài trước ở nhà (trên 89.2%) nhưng giáo viên lại không hoặc ít khi cung cấp thêm tài liệu tham khảo về bài học cho học sinh biết. Thế nên, đại đa số những vấn đề giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị trước chỉ dừng lại ở những việc như: đọc văn bản (35.4%), trả lời câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài (37.6%). Học sinh không đến mức nhàm chán môn văn như chúng ta nghĩ, nên có đến 92.1% các em chăm chỉ chuẩn bị bài ở nhà, các em cũng thừa nhận chũng thích được làm việc theo câu hỏi cụ thể được giáo viên chuẩn bị (63.5%), hơn là những câu hỏi chung chung trong sách giáo khoa.

Điểm gặp nhau thú vị giữa học sinh và giáo viên là về thời lượng chương trình, cả hai đều phàn nàn về vấn đề thời gian, 143/178 cho rằng thời lượng như hiện nay là không đủ. Phàn nàn này đáng để các nhà làm sách lưu tâm.

Học sinh của chúng ta rất năng động, chúng thích làm việc nhóm, nhưng là những nhóm nhỏ, khoảng 4 đến 6 bạn (74.7%) để dễ quản lý buộc tất cả các thành viên trong nhóm cùng làm việc, dễ thống nhất ý kiến và nhóm nhỏ thường làm việc hiệu quả hơn những nhóm lớn.

Giáo viên có thể rất thích phương pháp đọc diễn cảm (32.4%), thuyết giảng (40.5%), nhưng học sinh lại muốn người thầy của mình quan tâm đến nhu cầu được tôn trọng quan điểm cá nhân, cho các em được tự do trình bày suy nghĩ, cảm xúc (58.4%), và giáo viên nên đặt câu hỏi cụ thể, sáng rõ hơn (19.1%). Điều này chúng ta có thể giải thích được, bởi học sinh cuối cấp THPT phần lớn đã trưởng thành về suy nghĩ cũng như tư duy, các em có nhu cầu được thể hiện quan điểm của bản thân hơn là bị áp đặt, đây là giai đoạn sức sáng tạo của các em phát triển mãnh liệt, người giáo viên có kinh nghiệm sẽ biết tôn trọng quan điểm của các em, biết dung hòa nó cho hợp lý, và biết khuyến khích các em được nói lên suy nghĩ cá nhân, phát huy bản thân.

Có 37.1% thấy rằng hạn chế lớn nhất khiến giờ học văn cùa các em chưa tốt là do vốn từ thiếu, phần khác (chiếm 21.9%) lại thấy kỹ năng nghe-chép của mình chưa thật sự tốt. Chúng ta cứ bàn đến những vấn đề to tác mà không nghĩ đến những khó khắn, tưởng như vụn vặt, nhưng rất thật của các em, nó hạn chế khả năng học môn ngôn ngữ hoa mỹ này, thế nhưng, các em cũng thừa nhận, mình học văn không phải để lấp vào chỗ thiếu từ diễn đạt ấy (20.2%), mà để thi chiếm 71.3%. Những con số điều tra được ở 4 trường THPT chưa nói nên nhiều điều, song qua đó chúng ta đủ thấy buồn cho việc học của học sinh hiện nay, nếu không vì mục đích thi cuối kỳ, sẽ có 127/178 học sinh bỏ qua môn văn… điều đó

dẫn đến hệ quả muốn đạt điểm cao, tuy rất muốn tự mình sáng tạo, thể hiện bản thân, song để có điểm cao, các em chọn giải pharp an toàn hơn, là học phần giáo viên cho chép và đọc bài phân tích từ sách tham khảo (70.8%).

Các giáo viên thì nghĩ có hơn 80% học sinh hiểu được các văn bản VHCM, trong khi các em lại “thổ lộ” rằng chỉ hơn 50% thực sự hiểu, phần còn lại vẫn… chưa nắm được đâu là văn học cách mạng, đâu là văn học giai đoạn khác.

Với những nội dung rút ra từ loạt thống kê của giáo viên và học sinh, chúng ta có thể nhận ra nhiều vấn đề và độ chênh giữa suy nghĩ của giáo viên và thực tế vấn đề của học sinh để tìm ra những giải pháp có tính chất quyết định. Thay đổi, thay đổi và thay đổi, chúng ta đã nói nhiều đến cụm từ này, nhưng chúng ta đã làm gì để thay đổi, để nâng cao chất lượng giảng dạy, để kéo gần cách nghĩ giữa GV và HS về việc dạy và học... Đó vẫn là trăn trở của những nhà giáo dục chân chính... Ở chương 2 chúng tôi tiếp tục trình bày những thao tác chuẩn bị cần thiết từ phương pháp giảng dạy đến nội dung cụ thể, với hi vọng sẽ góp phần thay đổi được việc dạy học VHCM trong nhà trường THPT hiện tại, giúp GV có thêm hướng để tham khảo, giúp HS tiến gần hơn với các tác phẩm văn chương của một thời cả nước ra trận.

Chương 2

ĐỊNH HƯỚNG CHUNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHẦN VĂN HỌC CÁCH MẠNG 1945-1975 Ở TRƯỜNG THPT

2.1. Định hướng chung đối với phương pháp dạy học phần văn học cách mạng

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học cách mạng 1945 - 1975 trong các trường THPT tại quận 3 thành phố Hồ Chí Minh (Trang 33)