Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vấn đề quản lý du lịch bền vững đang được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm. Gắn liền với khái niệm du lịch bền vững thì khái niệm du lịch có trách nhiệm đã được đưa ra năm 2002 thể hiện cách thức tiến hành để thực sự hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận quản lý du lịch, được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc du lịch bền vững, sử dụng nguồn tài nguyên theo hướng bền vững, tôn trọng và phát huy tính chân thực trong văn hoá – xã hội, đảm bảo những lợi ích kinh tế lâu dài và khả thi cho các chủ thể tham gia, đảm bảo sự công bằng trong phân bố nguồn lực giữa các chủ thể này.
Du lịch có trách nhiệm nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới các điểm đến. Bản chất của phát triển du lịch có trách nhiệm chứa đựng những đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên nó mang tính phổ quát, định hướng cao hơn, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa ngành du lịch, đem lại bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch; đồng thời góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng một môi trường lành mạnh.
Phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư, cải thiện điều kiện làm việc và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề ảnh hưởng tới sinh kế của họ, từ đó tác động đến ý thức cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản tự nhiên và văn hóa.
Đối với các doah nghiệp kinh doanh du lịch, phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp:
Thứ nhất, giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đó là mong muốn được sử dụng dịch vụ của những doanh nghiệp có chính sách phát triển phù hợp với đạo đức kinh doanh, biết tôn trọng văn hoá bản địa và không gây tác hại cho môi trường.
Thứ hai, làm gia tăng giá trị sản phẩm du lịch. Khách du lịch sẽ cảm thấy rất hài lòng khi được sử dụng một dịch vụ mà góp phần tích cực bảo vệ môi trường và giúp đỡ người dân địa phương trên phương diện kinh tế và xã hội. Đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm du lịch của doanh nghiệp, tạo danh tiếng cho doanh nghiệp trong nhóm cạnh tranh.
Thứ ba là tạo được sự ủng hộ, niềm tin của cộng đồng. Những chính sách phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp được cộng đồng và chính quyền địa phương đón nhận, từ đó tạo nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt, điều này sẽ thu hút được sự quan tâm của truyền thông, từ đó thúc đẩy quá trình phân phối, kinh doanh sản phẩm.
Thứ tư, giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Biết sử dụng năng lượng và nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch, đồng thời tạo ra sự bảo vệ cho các doanh nghiệp đang có kết nối với nhau trong tương lai.
Thứ năm, giúp doanh nghiệp giữ chân được nhân viên. Một kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm sẽ xây dựng một uy tín cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đó thu hút và giữ chân nhân viên, từ đó giảm bớt bất ổn về mặt nhân sự và chi phí đào tạo liên quan.
Tuy nhiên, thực tế là ở nhiều nơi, sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của du lịch lại gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường, và các cộng đồng địa phương. Vì thế thách thức đặt ra là các doanh nghiệp, công ty kinh doanh du lịch sẽ làm gì với các sản phẩm du lịch của mình nhằm quản lý hiệu quả lượng du khách không ngừng tăng nhanh đồng thời vẫn đảm bảo sự bền vững của môi trường tự nhiên, của đời sống văn hoá địa phương.
Hiện nay, tại Việt Nam, các sản phẩm du lịch có trách nhiệm đã được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch lồng ghép trong các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng quê… nhằm bảo tồn tài nguyên, kéo cộng đồng vào cùng tham gia và hưởng lợi. Ngoài việc tổ chức các tour, tuyến gắn thiên nhiên, khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách, Việt Nam đang tiến hành xây dựng các điểm bán hàng, các loại hình dịch vụ hay việc chung tay chống chèo kéo du khách… nhằm thể hiện trách nhiệm với môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đã đưa vào chương trình những tour như đi bộ, đi xe đạp, xích lô… kết hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường và nhận được sự hưởng ứng cao từ cộng đồng dân cư và du khách.
Có thể nói, phát triển các sản phẩm du lịch có trách nhiệm được coi là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp lữ hành.