Tình hình kinh tế

Một phần của tài liệu Tích hợp văn, tiếng Việt, làm văn trong dạy học môn Ngữ văn 8 ở trường Trung học cơ sở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 29)

Tháng 5- 1975, chính quyền cách mạng phân định lại đơn vị hành chính của thành phố, vùng đất quận 12 ngày nay vẫn là các xã thuộc huyện Hóc Môn.

Ngày 2-7-1976 Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 11 quận của đô thành Sài Gòn cũ và toàn bộ tỉnh Gia Định. Như vậy từ sau ngày 30 - 4 -1975 đến cuối năm 1996, địa bàn quận 12 vẫn nằm trong địa bàn của huyện Hóc Môn.

Ngày 6-1-1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 03/CP về chia tách và thành lập mới các quận của thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, quận 12 chính thức được thành lập.

Đến năm 2007, quận 12 có 11 phường, có diện tích tự nhiên là 5 274,9ha và dân số là 336.057 người.

Quận 12 nằm ở hướng Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, trên hữu ngạn sông Sài Gòn. Phía Đông giáp quận Thủ Đức và tỉnh Bình Dương; phía Tây giáp huyện Hóc Môn; phía Tây Nam giáp huyện Bình Tân; phía Nam giáp quận Tân Bình và Gò Vấp; phía Bắc giáp huyện Hóc Môn.

Về khí hậu quận 12 mang đặc trưng chung của khí hậu vùng Nam Bộ là nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa và mùa khô tương phản nhau rõ rệt. Nhiệt độ ở quận 12 thuộc loại cao, liên tục quanh năm và khá ổn định.

Thổ nhưỡng đặc trưng vùng đất quận 12 ở khu vực là thềm phù sa và qua quá trình phong hóa nên về cơ bản phần hữu cơ đã bị mất dần nên màu sắc chủ đạo là màu xám của cát pha.

Hệ thống giao thông đường bộ và đường thuỷ các tuyến đường của quận chạy đan xen thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh khắp địa bàn.

Về kinh tế, quận 12 chủ yếu sản xuất nông nghiệp, sản phẩm là lúa, sen, lài, mai kiểng….nuôi cá thịt, cá kiểng, bò sữa, heo…,năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra, còn có các cơ sở sản xuất chủ yếu là các cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với trình độ công nghệ thấp. Công ty phần mềm Quang Trung là một trong 12 công trình trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống các chợ lớn, nhỏ và các hộ kinh doanh mua bán trong các khu dân cư đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra trên địa bàn quận có nhiều dự án xây dựng khu dân cư, cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước hứa hẹn một cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 3 định hướng là thương mại dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

2.1.2.Đời sống xã hội - văn hóa

Dân số ở quận 12 chủ yếu đến từ các địa phương khác trong cả nước (chiếm 51,37%). Quận 12 là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh nên tình trạng phân bố dân cư trên địa bàn quận diễn ra không đồng đều.

Về tín ngưỡng, có các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin lành và một số tôn giáo khác…nhìn chung hoạt động và sinh hoạt của các tôn giáo diễn ra bình thường, đúng lễ nghi thuần túy về tôn giáo, đúng pháp luật.

Đa số đồng bào quận 12 là người Kinh, kế đến là người Hoa và một số ít người Khơ me, Tày, Chăm, Thái, Nùng. Trong suốt quá trình sinh sống và phát triển trên vùng đất quận 12, những đồng bào các dân tộc này mang theo mình ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, tôn giáo cùng tồn tại dung hòa với nhau tạo nên nét đẹp trong truyền thống của con người vùng đất quận 12.

Về văn hóa - xã hội, từ bước khởi điểm trình độ dân trí ở mức bình quân: lớp 5.4, có 2 phường “trắng” về hệ thống trường lớp. Sau khi thành lập, thực hiện chủ trương và quyết tâm của Đảng bộ Quận về ưu tiên đầu tư xây dựng trường học,

nâng cao trình độ dân trí. Toàn Quận có 97 trường, cụ thể mẫu giáo và mầm non 68 trường, 17 trường tiểu học, 9 trường THCS và 3 trường THPT. Trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia: trường mẫu giáo Sơn Ca 5, trường THCS Đông Hưng Thuận II, trường THCS An Phú Đông.

Công tác xã hội hóa giáo dục luôn được chú trọng đầu tư phát triển theo chiều sâu với sự hình thành các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả cao. Các trường lớp ngoài công lập phát triển mạnh chiếm 62,9% số trường trên địa bàn.

Công tác dạy nghề cũng rất được Quận quan tâm. Các trung tâm dạy nghề luôn mở rộng các ngành nghề, đào tạo học viên có chất lượng nhằm phục vụ cho sự phát triển của Quận nói riêng và thành phố nói chung.

Hoạt động Văn hóa - Văn nghệ quần chúng phát triển mạnh.

Hoạt động thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

Một phần của tài liệu Tích hợp văn, tiếng Việt, làm văn trong dạy học môn Ngữ văn 8 ở trường Trung học cơ sở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 29)