Dùng Văn để phục vụ cho việc học Tiếng Việt

Một phần của tài liệu Tích hợp văn, tiếng Việt, làm văn trong dạy học môn Ngữ văn 8 ở trường Trung học cơ sở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 31)

Trong giờ học Tiếng Việt, công việc chủ yếu là đi vào phân tích các biện pháp nghệ thuật tu từ như là so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm, nói tránh…, các vấn đề về từ ngữ (trường từ vựng, cấp độ khái quát nghĩa từ ngữ), các kiểu câu cơ bản thường sử dụng (câu nghi vấn, câu cảm thán, cầu cầu khiến, câu trần thuật..), tạo lập văn bản. Những câu thơ, câu văn khi tách rời chỉnh thể của tác phẩm thì không thể thấy hết giá trị và vai trò to lớn của các biện pháp nghệ thuật tu từ trong chỉnh thể của tác phẩm. Vì thế mà việc dạy học Tiếng Việt trong giờ Văn giúp cho HS rèn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá giá trị nghệ thuật để tìm ra ý nghĩa tác dụng của chúng đối với giá trị của tác phẩm.

Khi dạy một văn bản văn học, bên cạnh việc huy động các kiến thức và kỹ năng Văn học, chúng ta cần phải hướng dẫn, khai thác tối đa các yếu tố ngôn ngữ

trong tác phẩm. Trong quá trình phân tích tác phẩm văn học, GV cần yêu cầu HS đọc kĩ văn bản, xác định được những từ “đắt” có trong tác phẩm. Phần chú thích cũng cần được đọc kĩ để nắm được nghĩa của từ trong ngữ cảnh đó nhằm giúp HS có ý thức, kỹ năng sử dụng từ đúng ngữ nghĩa, tránh được các lỗi về cách dùng từ. Thông qua đó củng cố kiến thức Tiếng Việt đã học giúp các em khắc sâu hơn về những kiến thức ấy.

Ví dụ: Các văn bản: Tôi đi học, Trong lòng mẹ, Lão Hạc [Ngữ văn 8, tập 1], là kiểu văn bản tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm. Vì vậy, khi dạy các văn bản này, GV cần giúp HS nhận ra các chi tiết được dùng để miêu tả và biểu cảm trong văn bản. Từ đó phát hiện ra các biện pháp nghệ thuật tu từ được dùng trong văn bản: so sánh, ẩn dụ, từ tượng thanh, từ tượng hình…Chính việc dạy Tiếng Việt trong giờ dạy học Văn sẽ giúp cho HS rèn luyện kĩ năng phát hiện, đánh giá giá trị, tác dụng của các kiến thức Tiếng Việt trong tác phẩm văn học.

Sử dụng tri thức Văn học phục vụ cho việc dạy Tiếng Việt có nghĩa là những tri thức, ngữ liệu của giờ đọc - hiểu văn bản là cơ sở nền tảng phục vụ cho giờ dạy học Tiếng Việt.

Ví dụ: Bài 4, chương trình Ngữ Văn 8, tập 1, ở văn bản Lão Hạc, chúng ta có thể lấy ngữ liệu từ đó để dạy bài Từ tượng thanh, Từ tượng hình hoặc Nói giảm nói tránh [Ngữ văn 8, tập 1, bài 10].

Khi phân tích bài thơ Lượm [Bài 24, Ngữ văn 6, tập 2] là bài thơ thể hiện hình ảnh chú bé liên lạc hồn nhiên, vui tươi, hăng hái, dũng cảm, đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, để hiểu được nội dung, tư tưởng của bài thơ thì GV phân tích các giá trị nghệ thuật đã được sử dụng để bộc lộ được ý nghĩa tư tưởng, để chứng minh cho sự hồn nhiên, vui tươi, đáng yêu của hình ảnh Lượm trong trang phục của anh bộ đội kháng chiến. Chúng ta phải phân tích các yếu tố nghệ thuật như từ láy:

loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh; các vần cách: choắt - thoắt, vang - vàng, à - nhà, mí - chí, quân - dân và nhịp điệu ngắn, nhanh thường là nhịp hai của câu thơ bốn tiếng đã phối hợp làm nổi bật lên những nét đáng yêu của

Lượm.

Từ cách sử dụng từ ngữ đạt hiệu quả cao, học tập được trong các tác phẩm văn học, HS sẽ vận dụng chúng khi nói và viết các văn bản.

Một phần của tài liệu Tích hợp văn, tiếng Việt, làm văn trong dạy học môn Ngữ văn 8 ở trường Trung học cơ sở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 31)