Trong mỗi tác phẩm, việc tác giả sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật tu từ là một điều vô cùng quan trọng. Chính điều ấy làm nên sự khác biệt, sự độc đáo của tác giả trong việc hành văn, tạo một hiệu ứng diễn đạt vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
Để khám phá được giá trị nghệ thuật, tư tưởng và tác phẩm văn học, chúng ta cần phải biết khai thác từng lớp nghĩa của câu, từ; giải mã các lớp nghĩa ẩn bởi vì sau câu chữ chứa đựng nghệ thuật và phong cách của nhà thơ, nhà văn.
Để có thể tìm hiểu, phân tích, giảng giải một tác phẩm văn chương đòi hỏi chúng ta phải vận dụng rất nhiều kiến thức và kĩ năng đã được học ở môn Tiếng Việt như độ hài hòa về ngữ âm, những biến tấu về âm luật của ngôn ngữ, ngữ liệu, các kiểu câu, các biện pháp nghệ thuật tu từ, cách sử dụng các phương pháp hội thoại, cách nói hàm ngôn, hàm ý… Chẳng hạn khi đi vào phân tích một bài thơ, bài văn hay dù chỉ là một câu thơ, câu văn, sau khi đọc kĩ phần văn bản để nắm nội dung và nghệ thuật thì trước tiên chúng ta cần phải đi sâu vào việc phân tích các biện pháp nghệ thuật, kết hợp tìm hiểu nghệ thuật với nội dung. Nghĩa là phân tích ý nghĩa, tác dụng của biện pháp nghệ thuật để làm sáng tỏ ý nghĩa, tư tưởng của bài văn, bài thơ hay của câu thơ, câu văn ấy.
Ví dụ: Bài thơ Quê hương của Tế Hanh [Ngữ văn 8, tập 2] là bài thơ thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả. Những hoài niệm đẹp, những hình ảnh giản dị mà thân thương luôn hiện diện trong tâm trí của người con xa xứ. Để có thể hiểu được nội dung tư tưởng của tác phẩm, GV phân tích các giá trị nghệ thuật đã được sử dụng trong bài thơ nhằm bộc lộ được ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm để chứng minh cho tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả. Cụ thể chúng ta có thể phân tích các biện pháp nghệ thuật tu từ có trong tác phẩm như so sánh, nhân hóa: tác giả so
sánh hình ảnh con thuyền trong buổi sớm mai ra khơi “hăng như con tuấn mã” làm cho hình ảnh người dân làng chài ra khơi trở nên hùng tráng hơn, đẹp hơn, khắc họa được tình yêu lao động, yêu nghề biển của người dân ở đây. Rồi cách tác giả sử dụng các động từ mạnh: hăng, phăng mái chèo, vượt trường giang tạo nên bức tranh hoạt động mạnh mẽ, khỏe khoắn…
Trong giờ dạy Tiếng Việt, khi cung cấp kiến thức về một đơn vị ngôn ngữ nào đó thì GV phải hướng dẫn cho HS liên hệ với tác phẩm văn học đã và đang học, đặt yếu tố Tiếng Việt đó trong một văn cảnh cụ thể của tác phẩm để cho HS hiểu sâu sắc và có cơ sở khoa học về tác phẩm văn chương. Chẳng hạn khi dạy về
Từ tượng thanh, từ tượng hình có thể gắn với văn bản Lão Hạc [Ngữ Văn 8, tập 1] để giúp HS nhận rõ hơn công dụng của từ tượng thanh, từ tượng hình trong văn bản , đặc biệt là văn bản tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm. Chính những âm thanh, hình ảnh được gợi, được miêu tả trong văn bản đã góp phần làm nổi bật hình ảnh nhân vật, số phận nhân vật. Từ đó góp phần vào khám phá chủ đề tư tưởng, cắt nghĩa được hình tượng thơ văn, giải mã tác phẩm văn chương. HS sẽ nhận thấy được sự độc đáo của các hình thức nghệ thuật, thấy được sự độc đáo trong phong cách nghệ thuật, phong cách sáng tác, sức sáng tạo của nhà văn. Đặc biệt, thông qua các hình ảnh nghệ thuật này HS có thể cảm nhận được thái độ, tình cảm của tác giả đối với hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.
Các kiến thức, kỹ năng được cung cấp trong giờ Tiếng Việt nhằm hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Hiểu được kỹ năng, hình thành kỹ năng sử dụng Tiếng Việt chính là hình thành cho HS năng lực phân tích, bình giảng và cảm thụ văn học một cách chủ động, sáng tạo.
Như vậy, phân môn Tiếng Việt và phân môn Văn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Dạy Tiếng Việt là nhằm hỗ trợ tích cực cho việc nói và viết của HS. Những tri thức về từ vựng, ngữ pháp, tu từ sẽ giúp HS cảm thụ, lí giải và bình giảng đúng đắn, sâu sắc về giá trị của tác phẩm văn học.