Dùng các tri thức Văn và Tiếng Việt để dạy Tập làm văn và dùng Tập làm văn để củng cố các kiến thức Văn và Tiếng Việt

Một phần của tài liệu Tích hợp văn, tiếng Việt, làm văn trong dạy học môn Ngữ văn 8 ở trường Trung học cơ sở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 35)

Tập làm văn để củng cố các kiến thức Văn và Tiếng Việt

Ở phân môn Tập làm văn, với đặc trưng là môn học thực hành tổng hợp về Văn và Tiếng Việt, nên trong giờ Tập làm văn chúng ta cần sử dụng kiến thức, kỹ năng của hai phân môn Văn và Tiếng Việt để phục vụ cho việc dạy tri thức Tập làm văn.

Nội dung văn học trong Văn không chỉ được được dùng để học trong tiết Văn mà nó còn là ngữ liệu dùng trong tiết dạy Tập làm văn. Khi dạy Làm văn, chúng ta đều sử dụng mẫu từ văn bản trong phần đọc – hiểu, đó là mẫu lí tưởng nhất, có đầy đủ các dữ kiện đáp ứng tốt cho việc hình thành lý thuyết về kiểu bài tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm. Khi HS nắm được cái hay từ mẫu, tất nhiên HS phải nắm được thực thể cần rút ra từ mẫu đó để có thể mô phỏng và học tập theo mẫu để có thể tự tạo lập một văn bản mới theo tư duy đã được định hướng của các em.

Trong chương trình Ngữ văn THCS hiện nay còn có thêm các tiết luyện nói, thuộc phân môn Làm văn. Trong giờ luyện nói, ngoài việc thiết lập kĩ năng nói cho HS, tạo cho các em có khả năng trình bày chủ kiến trước mọi người một cách đúng, mạch lạc, có hiệu quả thì chúng ta cũng cần hướng cách phát ngôn của HS vào ngữ cảnh giao tiếp, trình bày mạch lạc không vẫn chưa đủ mà còn phải biểu thị được cảm xúc, tình cảm của người nói trước tình huống được đặt ra.

Cụ thể trong bài 10, Ngữ văn 8, tập 1, tiết 42: Luyện nói: Kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm, giúp HS ôn tập lại kiến thức về ngôi kể gồm có ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba; với từng ngôi kể chúng có những ưu điểm riêng trong bài văn tự sự, đồng thời kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm giúp HS hoàn thiện thêm về kĩ năng làm bài ở phân môn Làm văn.

Các tri thức và kỹ năng được học trong giờ Ngữ văn là nhằm phục vụ các năng lực nghe, nói, đọc, viết đúng với các kiểu văn bản. Để có thể làm được điều đó thì HS phải sử dụng được các tri thức Tiếng Việt một cách thành thạo, tạo lập

văn bản một cách sáng tạo, phù hợp với yêu cầu của các kiểu văn bản, phát huy một cách hợp lí tác dụng của các biện pháp nghệ thuật tu từ nhằm đạt hiệu quả diễn đạt cao cho bài Làm văn.

Dựa vào kiến thức, kỹ năng HS đã học ở tiết Văn và Tiếng Việt, chúng ta cho HS lần lượt giải quyết các bài tập để nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn về kỹ năng Làm văn.

Ngược lại, thông qua bài Làm văn của HS, GV có thể đánh giá, kiểm tra về kiến thức Văn và Tiếng Việt của HS. Nghĩa là khi HS có thể thực hiện một bài tập làm văn hoàn thiện từ hình thức đến nội dung tức là đã phản ánh được kiến thức ở hai phân môn Văn và Tiếng Việt các em đã nắm rất vững và có kĩ năng sử dụng chúng thành thạo. Cũng từ bài làm văn GV cũng sẽ dễ dàng nhận ra HS còn khiếm khuyết kiến thức ở chỗ nào về lỗi dùng từ, đặt câu, lỗi diễn đạt, hay chưa biết cách sử dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật tu từ đã được học để bài văn có thể hay hơn, mạch lạc hơn.

Một phần của tài liệu Tích hợp văn, tiếng Việt, làm văn trong dạy học môn Ngữ văn 8 ở trường Trung học cơ sở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 35)