Lịch sử nuôi cấy mô tế bào thực vật

Một phần của tài liệu khảo sát khả năng tạo phôi soma của cây sâm việt nam (panax vietnamensis ha et grushv ) trong nuôi cấy in vitro (Trang 34)

Haberlandt (1902) đã tiến hành thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật nhưng chưa thu được kết quả, các mẫu nuôi cấy không có sự tái sinh. Winkler (1902) đã nhận thấy tế bào noãn trương lên khi hạt phấn nảy mầm và đề nghị có thể nuôi cấy các mô, tế bào soma tách rời trong một giọt dịch cùng với ống phấn để lợi dụng các chất tiết ra của ống phấn kích thích tế bào nuôi cấy phân chia. Ngoài ra, ông còn đề nghị bổ sung vào môi trường dinh dưỡng dịch chiết của các mô dinh dưỡng khác, ví dụ như dịch chiết của túi phôi. Winkler cho rằng bằng cách này có thể nuôi cấy thành công tế bào soma tách rời thành phôi được gọi là phôi nhân tạo (artificial embryo).

Năm 1939, White và Gautheret đã sử dụng môi trường nuôi cấy Knop có bổ sung thêm vitamin nhóm B và CĐHSTTV mới phát hiện là auxin (IAA – Indol-3- acetic acid), thu được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc nuôi cấy hệ rễ cây cà chua và sự phân chia, tái sinh của mô cây liễu.

Cùng với sự phát hiện ra nhóm CĐHSTTV tiếp theo là cytokinin, Skoog và Miller (1957) đã chỉ ra rằng tỉ lệ auxin/cytokinin trong môi trường nuôi cấy có tác dụng quyết định sự phân hóa mô sẹo thuốc lá nuôi cấy theo hướng tạo rễ hoặc chồi. Tỉ lệ auxin/cytokinin cao sẽ kích thích sự tạo rễ, ngược lại tỉ lệ auxin/cytokinin thấp kích thích tạo chồi.

Sự phát sinh phôi soma được nghiên cứu đầu tiên trong nuôi cấy dịch treo tế bào (Stewart và cs., 1958) và từ nuôi cấy mô sẹo (Reinert, 1959) ở cà rốt (Daucus carrota). Nhiều loài thực vật đã được cảm ứng để tạo phôi soma như bắp cải (Brassica oleracea), đu đủ (Carica papaya), cà phê chè (Coffea arabica), cam (Citrus sinensis), thuốc lá (Nicotiana tabacum), thông (Pinus ponderosa) và mía (Saccharum officinarum)(Ammirato, 1983).

Murashige và Skoog (1962) đã đề xuất môi trường nuôi cấy MS và sau đó môi trường này trở thành môi trường cơ bản được sử dụng nhiều nhất trong nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Một phần của tài liệu khảo sát khả năng tạo phôi soma của cây sâm việt nam (panax vietnamensis ha et grushv ) trong nuôi cấy in vitro (Trang 34)