Nguồn gốc, lịch sử phát triển trồng và khai thác cây sâm Việt Nam

Một phần của tài liệu khảo sát khả năng tạo phôi soma của cây sâm việt nam (panax vietnamensis ha et grushv ) trong nuôi cấy in vitro (Trang 25)

Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, cây sâm Việt Nam đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung Bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng sử dụng để chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Năm 1973, khu Y tế Trung Trung Bộ cử một tổ 4 cán bộ dodược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn, kỹ sư Nguyễn Bá Hoạt, dược sĩ Nguyễn Châu Giang, dược sĩ Trần Thanh Dân đi điều tra phát hiện cây sâm theo hướng chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Tháng 3 năm 1973, đoàn đã phát hiện hai cây sâm đầu tiên ở độ cao 1800 m so với mực nước biển và sau đó là một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu về hình thái, sinh thái, quần thể, phân bố, di cư và phát tán, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là

quê hương của cây sâm mới, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ngày 8/6/1973, dược sĩ Đào Kim Long – chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sâm Việt Nam – đã đặt tên khoa học cho loài sâm mới là Panax articulatus KL Dao (trong kháng chiến để giữ bí mật nên thường gọi là Sâm K5). Năm 1978, tại một vùng dài hàng chục kilô mét trên vùng núi Ngọc Linh, người ta đã tìm thấy khoảng 6.000 – 7.000 cây sâm mọc dày đặc với mật độ từ 1 cây/m2 đến 7 – 8 cây/m2. Nǎm 1979, qua đợt điều tra ở 5 xã của huyện Trà My tỉnh Quảng Nam, người ta tìm thấy 1337 cây trong 211 ô tiêu chuẩn. Trọng lượng trung bình thân rễ sâm là 5,26 g, số thân có trọng lượng trên 25 g là 7,39% và số thân rễ có trên 10 vết sẹo là 36,9%. Đợt điều tra này đã thu được một thân rễ có tới 52 vết sẹo do thân khí sinh rụng hàng năm để lại (ước tính cây trên 50 năm tuổi) với đường kính 1,2 cm. Trong những đợt điều tra về sau còn phát hiện ra cây sâm khoảng 82 năm tuổi có rễ củ và thân rễ dài hơn nửa mét. Năm 1985, cây sâm Việt Nam với tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv., họ Araliaceae (Nhân sâm) được công bố tại Viện Thực vật Kamarov (Liên Xô cũ) do Hà Thị Dung và I.V.Grushviski đặt tên (Nguyễn Ngọc Dung, 1995; Đỗ Huy Bích và cs., 2004).

Từ năm 1978, cây sâm Việt Nam bắt đầu được khai thác ồ ạt. Cách tuyên truyền thái quá về tác dụng bảo vệ sức khoẻ đã khiến cây sâm Việt Nam đang trong thời kỳ bị đe doạ tuyệt chủng. Hai tỉnh Quảng Nam (trước đây là Quảng Nam – Đà Nẵng) và Kon Tum đã kiên trì đầu tư để duy trì bảo tồn giống và hiện nay đã có khoảng 200.000 cây sâm Việt Nam ở các lứa tuổi khác nhau được trồng từ hạt dưới tán rừng, ở độ cao 1.800 m. Cùng với việc nhân giống bằng hạt, phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật cũng đã được sử dụng nhằm xây dựng quy trình vi nhân giống cây sâm Việt Nam. Việc bảo vệ cây sâm Việt Nam và nghiên cứu nuôi trồng ngay tại quê hương của loài cây thuốc đặc biệt quý hiếm này hiện vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Việt Nam (Đỗ Huy Bích và cs., 2004).

1.1.3. Tác dụng dược lý của sâm việt Nam 1.1.3.1. Bộ phận dùng làm thuốc

Một phần của tài liệu khảo sát khả năng tạo phôi soma của cây sâm việt nam (panax vietnamensis ha et grushv ) trong nuôi cấy in vitro (Trang 25)