Việc sử dụng hệ thống bài tập rèn KNLL phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là phụ thuộc vào GV và HS. Song, trên thực tế thì hầu hết HS không có khái niệm về bài tập rèn luyện KNLL, các em chỉ biết đến bài viết kiểm tra, ngay cả GV cũng chưa có khái niệm đúng đắn về việc thực hiện bài tập làm văn của HS như bài tập của các môn học khác. Đặc biệt là ở lớp 12, lớp học cuối cấp phải chịu nhiều áp lực về những kỳ thi quan trọng, GV và HS chỉ tập trung vào những bài giảng văn, những kiến thức về văn học mà quên đi những kiến thức về kỹ năng Làm văn. Nghịch lý là ở chỗ: hệ thống bài tập rèn luyện KNLL trong chương trình Ngữ văn 12 lại được biên soạn tốt hơn, cụ thể, thiết thực hơn và mang tính thực hành rõ hơn so với bài tập của chương trình lớp 10 và 11.
Theo khảo sát của chúng tôi, trong các giờ dạy lý thuyết, nhiều GV sa đà vào giảng lý thuyết suông, chỉ có 6% GV dành 15 phút cho HS luyện tập; 35.3% GV dành khoảng 5-10 phút cho HS luyện tập; nhưng có đến 58.7% GV không dành thời gian cho HS luyện tập (bảng 1.4). Các giờ thực hành cũng không được GV đầu tư về phương pháp nên hiệu quả giờ học chưa cao.
Lối dạy chiếu lệ, sự thiếu trách nhiệm của GV đã tác động xấu đến HS. Từ chỗ không thích học văn, không hứng thú với các giờ Làm văn, HS càng trở nên lơ là trong việc thực hành. Theo kết quả khảo sát thì có đến 83.3% HS không tập trung, chưa chủ động, tích cực trong các giờ học về KNLL (xem bảng 1.5). GV giao bài tập về nhà cho HS nhưng không thường xuyên theo dõi và không có biện pháp kiểm tra việc tự rèn luyện của HS dẫn đến tình trạng HS lười biếng trong luyện tập, không thấy được tác dụng của việc chăm chỉ luyện tập, không thấy được vai trò của bài tập trong SGK. Thực tế cho thấy khi GV cho bài tập về nhà để HS rèn luyện thì chỉ có 16.8% HS làm tất cả bài tập, còn lại là làm một ít (73.3%) và không làm bài (9.9%) (xem bảng 1.6).