Lý thuyết lập luận dưới góc độ Ngữ dụng học

Một phần của tài liệu rèn luyện kỹ năng lập luận trong văn nghị luận cho học sinh trung học phổ thông (Trang 56)

2.4.1. Khái niệm Ngữ dụng học (Linguistic pragmatics)

Cho đến nay, vấn đề về đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Ngữ dụng học vẫn chưa được thống nhất, khiến cho có nhiều định nghĩa khác nhau về Ngữ dụng học.

Theo Morris, kí hiệu học gồm có ba phân ngành: kết học (syntax),

nghĩa học (semantics) và dụng học (pragmatics). Trong đó, kết học nghiên

cứu thuộc tính hình thức của các cấu trúc kí hiệu, của sự kết hợp các kí hiệu thành thông điệp, mối quan hệ giữa các kí hiệu. Nghĩa học nghiên cứu mối quan hệ giữa các kí hiệu với thế giới hiện thực, nghĩa là giữa kí hiệu và cái được biểu đạt. Dụng học nghiên cứu mối quan hệ giữa kí hiệu và sự giải thích chúng, sự giải thích về ý nghĩa mà kí hiệu đã được dùng. Đó có thể nói là định nghĩa đầu tiên của Ngữ dụng học.

Như vậy, theo quan điểm này “phương diện ngữ dụng của hoạt động ngôn ngữ là những đặc điểm về việc dùng ngôn ngữ (những duyên cớ, động thái tâm lí của các bên giao tiếp, những kiểu diễn từ đã được xã hội hóa,

những đối tượng của diễn từ…)” (Dubois, 1993).

Tuy nhiên việc dùng ngôn ngữ được nhấn mạnh trong mọi hoạt động ngôn ngữ, cho nên bộ ba kết học, nghĩa học và dụng học trong sự tam phân

của Morris áp dụng vào ngôn ngữ học đã không còn ranh giới rõ ràng. Từ đó, xuất hiện khuynh hướng xem Ngữ dụng học lấn sân sang địa hạt ngữ nghĩa và cú pháp. Chính vì vậy mà trong lời mở đầu cho tạp chí Langue Fancaise (số 42, tháng 5/1979), A.M. Diller và F. Rescanati đã định nghĩa: “Ngữ dụng học nghiên cứu việc dùng ngôn ngữ trong diễn từ và trong các chỉ hiệu đặc thù trong ngôn ngữ, những cái làm nên cách thức nói năng”.

Định nghĩa trên cho thấy vấn đề cơ bản mà dụng học quan tâm là mối quan hệ giữa ngôn ngữ và diễn từ, là sự phát ngôn. Nghĩa là nó quan tâm tới quá trình tạo ra diễn từ và kết quả của chúng chứ không phải chỉ là ngôn ngữ. Điều đó cho thấy một hành động kí hiệu nói chung và sự phát ngôn nói riêng có thể được giải thích khác nhau tùy theo tình huống của kí hiệu đó, hay nói khác đi chính là ngữ cảnh của kí hiệu đó.

Vì vậy, từ đây đã có nhiều định nghĩa về Ngữ dụng học liên quan tới sự nghiên cứu việc dùng ngôn ngữ trong quan hệ với ngữ cảnh. Trong số đó, quan niệm Ngữ dụng học là một môn ngôn ngữ học nghiên cứu ngôn ngữ trong mối quan hệ với ngữ cảnh có thể được xem là cách hiểu phổ biến nhất. (Ngữ cảnh ở đây được hiểu một cách khái quát là những yếu tố nằm ngoài câu nói nhưng có tác dụng chi phối ý nghĩa của câu, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố: người nói, người nghe, thời điểm nói, địa điểm nói, mục đích nói).

2.4.2. Những kiến thức cơ bản của lý thuyết lập luận dưới góc độ Ngữ dụng học

Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất là Ngữ dụng học tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản về: chiếu vật và chỉ xuất, hành động ngôn từ, lý thuyết hội thoại, nghĩa tường minh - nghĩa hàm ẩn và lý thuyết lập luận. Nghiên cứu lý thuyết lập luận, các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam đã đề cập đến nhiều phương diện khác nhau của lập luận, mà nổi tiếng nhất phải kể đến công trình nghiên cứu của GS. Nguyễn Đức Dân và GS. Đỗ Hữu Châu.

Theo GS. Nguyễn Đức Dân: “Lập luận (argumentation) là một hoạt động ngôn từ. Bằng công cụ ngôn ngữ, người nói đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó: rút ra một (/một số) kết

luận hay chấp nhận một (/ một số) kết luận nào đó” [24, 165].

GS. Đỗ Hữu Châu cũng đưa ra một cách định nghĩa tương tự: “Lập luận là đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận nào đấy mà người nói muốn đạt tới. Có thể biểu diễn quan hệ lập luận giữa các phát ngôn (nói đúng hơn là giữa nội dung các phát ngôn) như sau:

p r

p là lí lẽ, r là kết luận (p, r có thể được diễn đạt bằng các phát ngôn u1, u2,

v.v…)” [15, 155].

Trong quan hệ lập luận, lí lẽ được gọi là luận cứ (argument). Có thể nói quan hệ lập luận là quan hệ giữa luận cứ (một hoặc một số) với kết luận. Luận cứ có thể là thông tin miêu tả hay là một định luật, một nguyên lí xử thế nào đấy. Ví dụ:

- Con mèo này màu đen (p) (nên) rất dễ sợ (r). p là một thông tin miêu

tả.

- Mệt mỏi thì phải nghỉ ngơi (p) mà cậu thì đã làm việc liền 8 tiếng rồi

(q)

Cậu phải nghe nhạc một lát (r).

Ở ví dụ này chúng ta có hai luận cứ, p là một nguyên lí sinh hoạt và q là nhận xét một trạng thái tâm sinh lí.

Luận cứ và kết luận là những thành phần trong lập luận. Theo GS. Đỗ Hữu Châu: “Thuật ngữ lập luận được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, nó chỉ sự lập luận, tức hành vi lập luận. Thứ hai, nó chỉ sản phẩm của hành vi lập luận, tức toàn bộ cấu trúc của lập luận, cả về nội dung, cả về hình thức. Thuật ngữ quan hệ lập luận dùng để chỉ quan hệ giữa các thành phần của một lập luận với nhau. Có quan hệ giữa luận cứ với luận cứ và có quan hệ giữa luận cứ với

kết luận. Lại còn có quan hệ lập luận giữa hai hay nhiều lập luận với nhau trong một phát ngôn, hay trong một diễn ngôn” [15, 156].

Trong cuốn “Ngữ dụng học”, GS. Nguyễn Đức Dân vạch ra những vấn đề cơ bản của lý thuyết lập luận theo 4 phần như sau:

- Phần I: Những phân biệt cần thiết (giữa sự lập luận theo diễn từ chuẩn và sự lập luận trong ngôn ngữ; giữa lí lẽ khoa học và hành động thực tiễn; giữa phương pháp hình thức và không hình thức trong lập luận; và một số khái niệm quan trọng của lập luận như: sự kiện và luận cứ, tác tử lập luận và kết tử lập luận;

- Phần II: Lập luận theo logic với hai hình thức suy luận quy nạp và suy luận diễn dịch. Trong đó, suy luận diễn dịch gồm suy luận diễn dịch theo logic truyền thống và suy luận diễn dịch theo logic hình thức;

- Phần III: Lí lẽ chung trong lập luận được đề cập đến như một hệ thống logic xã hội đời thường; những quan quan hệ logic và hình thức ngôn ngữ trong lập luận tự nhiên; những tín hiệu ngôn ngữ trong lập luận;

- Phần IV: Lập luận hiệu quả với hai vấn đề chương trình lập luận và phương thức gây hiệu quả lập luận.

Còn GS. Đỗ Hữu Châu, trong cuốn “Đại cương ngôn ngữ học” đã nghiên cứu lý thuyết lập luận trong sự so sánh: lập luận và logic, lập luận và miêu tả, lập luận và hiện tượng đa thanh để tìm ra bản chất của lập luận. Theo ông, lập luận là một hành động ở lời. Trong cuốn sách này, Đỗ Hữu Châu đã nêu ra những đặc tính của quan hệ lập luận; tác tử (opérateurs) lập luận và kết tử (connecteurs) lập luận; lẽ thường (topos) cơ sở của lập luận; và việc xác lập các lẽ thường.

Nếu so sánh giữa hai tác giả thì GS. Nguyễn Đức Dân có phần nghiên cứu sâu hơn, kĩ hơn những vấn đề thuộc về bản chất của lý thuyết lập luận. Song, nhìn chung, cả hai tác giả đều đã có những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu và xây dựng lý thuyết lập luận. Từ những kết quả nghiên cứu cơ

bản đó, chúng tôi quan tâm đến sự bổ sung của Ngữ dụng học vào đổi mới lý thuyết lập luận trong chương trình Làm văn ở trường THPT hiện nay.

Một phần của tài liệu rèn luyện kỹ năng lập luận trong văn nghị luận cho học sinh trung học phổ thông (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)