Từ kết quả phân tích trên cho thấy, qui mô hộ gia đình có ảnh hưởng khá mạnh và có tác động ngược chiều trong các nguyên nhân gây ra sự nghèo túng đối với cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Ninh Thuận. Việc hộ có thêm một nhân khẩu thì xác suất nghèo của hộ tăng lên. Sự đông con đã làm cho qui mô của hộ lớn. Trong một hộ gia đình, số người có việc làm không ổn định đã làm cho mức chi tiêu trong sinh hoạt và các hoạt động khác càng tăng. Điều này đã làm cho các hộ gia đình phải đi vay mượn để phục vụ cho những nhu cầu sinh hoạt của mình và lẽ tất yếu hộ rơi vào cảnh nghèo là khó tránh khỏi.
Do vậy, giảm quy mô hộ gia đình thông qua chính sách dân số và các chương trình kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào việc làm ngoài những công việc truyền thống như nội trợ và hạn chế tình trạng bất bình đẳng nam nữ trong công việc. Xa hơn nữa, nếu kinh tế trong vùng phát triển nhanh hơn, phụ nữ dễ kiếm việc với mức lương cao hơn thì gián tiếp mức sinh sẽ giảm do chi phí cơ hội để sinh con lúc này cao. Người dân sẽ kết hôn muộn hơn và sẽ cân nhắc lựa chọn giữa nghỉ việc để sinh con hay làm việc với thu nhập cao nhưng sinh con chậm hơn. Vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình, vừa tăng phần nào hiểu biết của phụ nữ, hạn chế khả năng trở thành “cái máy đẻ”
Phần lớn, các hộ dân cư ven biển tỉnh Ninh Thuận thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo luôn có qui mô hộ lớn và số nhân khẩu cao hơn những hộ khác. Một đặc trưng cơ bản là hộ nghèo sinh đẻ không có kế hoạch do trình độ học vấn thấp dẫn đến thiếu hiểu biết, quan niệm không đúng về việc sinh đẻ, muốn sinh con để có thêm lao động nên đẻ quá dày, quá nhiều. Đẻ nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái và đời sống của chính những gia đình này. Hậu quả là chính người mẹ thường gặp các vấn đề về sức khỏe, ít có điều kiện để tham gia lao động, sản xuất, trẻ em ít có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc ốm đau rất cao. Mặt khác, điều kiện chăm sóc sức khỏe tại cơ sở của
những xã ven biển này thường thiếu và yếu, đó cũng là cái vòng lẫn quẩn của nghèo đói. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm để tuyên truyền, vận động các hộ đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, như:
- Tăng cường các biện pháp để giảm mức sinh cần phải thực hiện song song với các chương trình xóa đói giảm nghèo. Giảm mức sinh có thể thực hiện trực tiếp thông qua việc tăng tỉ lệ các bà mẹ sử dụng các biện pháp tránh thai. Cần có nhiều chương trình phổ biến kiến thức và khuyến khích sử dụng các biện pháp tránh thai, đặc biệt là đối với những hộ ngư dân ở cách xa khu dân cư, những hộ có trình độ học vấn thấp và rất cần chú ý tới những hộ nghèo. Những cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình tại địa phương có thể gặp trực tiếp với từng người để phổ biến và tuyên truyền cách sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, nhất là tình trạng ngại trao đổi nơi công cộng dẫn đến việc không biết cách tránh thai. Ngoài ra, khuyến khích các hộ gia đình nghèo này giãn khoảng cách giữa hai lần sinh cũng là một biện pháp nên được thực hiện.
- Cần có những biện pháp tuyên truyền thiết thực hơn để làm thay đổi quan niệm sinh đẻ, thích đông con hay thích con trai hơn con gái. Những quan niệm này đã ăn sâu vào ý thức của cộng đồng ngư dân từ bao đời nay và việc thay đổi này không phải chỉ một sớm một chiều là thực hiện được. Trong tương lai cần có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ chăm sóc cho người già và khuyến khích quan điểm rằng con gái cũng có thể chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ tốt như con trai. Một số biện pháp có thể thực hiện phù hợp cho những đối tượng này như: (i) tăng cường công tác tuyên truyền cho gia đình và tổ chức tôn giáo mà ngư dân tham gia về lợi ích của việc sinh ít con; kết hợp chương trình kế hoạch hóa gia đình với với các chương trình xóa đói giảm nghèo như: khuyến nông - lâm - ngư, vay vốn tín dụng… để tạo sự ràng buộc cần thiết nhằm duy trì và thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; (ii) tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bất bình đẳng giới, nạn bạo hành trong gia đình để giảm bớt tình trạng người vợ không muốn sinh con nhưng người chồng bắt buộc, hoặc hủ tục trọng nam khinh nữ của dòng họ bắt ép sinh con trai. Mặt khác cần tuyên truyền từ trong nhà trường để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, cho đến khi trưởng thành thì nhận thức đó ngày một đúng đắn hơn.
- Chính quyền địa phương cùng với Mặt trận, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tạo cơ hội cho người phụ nữ tiếp cận với thế giới bên ngoài, có việc làm vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa nâng cao hiểu biết, nhất là những hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình và những biện pháp bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.