Ninh Thuận có 3 cửa khẩu ra biển là Đông Hải, Cà Ná, Khánh Hải, có đường bờ biển dài 105 km với vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2, có trên 500 loài cá, tôm. Do thuộc vùng có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn nên Ninh Thuận có điều kiện lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp. Khoáng sản nơi đây tương đối phong phú về chủng loại bao gồm nhóm khoáng sản kim loại có wolfram, molipđen, thiếc gốc. Nhóm khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể, cát thuỷ tinh, muối khoáng thạch anh. Nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có cát kết vôi, sét phụ gia, đá xây dựng, … [42].
3.1.3.1. Tài nguyên đất
Tổng diện tích tự nhiên 335.832,6 ha, trong đó đất dùng vào sản xuất nông nghiệp 73.817,5 ha, đất lâm nghiệp 186.048,8 ha, đất nuôi trồng thủy sản 1.825 ha, đất làm muối 1.292 ha, đất chuyên dùng 17.918,0 ha, đất ở 4.674,8 ha, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 5.676 ha, còn lại đất chưa sử dụng [18], [42].
3.1.3.2. Tài nguyên biển
Bờ biển Ninh Thuận dài 105 km với vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2, có 3 cửa khẩu ra biển là Đông Hải, Cà Ná, Khánh Hải. Vùng biển Ninh Thuận là một trong bốn ngư trường lớn nhất và giàu nguồn lợi nhất về các loài hải sản của cả nước, nhiều
tiềm năng để phát triển du lịch và phát triển công nghiệp khai thác thuỷ sản và khoáng sản biển.
Vùng biển Ninh Thuận có trên 500 loài cá, tôm, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá mú, hồng, thu, ngừ, tôm hùm, mực ống, mực nang…Tổng trữ lượng cá, tôm khoảng 120 nghìn tấn, trong đó cá đáy có 70 - 80 nghìn tấn, cá nổi 30 - 40 nghìn tấn, khả năng khai thác hàng năm 50 - 60 nghìn tấn [42].
Nằm trong vùng có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn, Ninh Thuận có điều kiện lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp. Khả năng diện tích làm muối có thể tới 3.000 - 4.000 ha, tập trung ở khu vực Đầm Vua, Cà Ná, Quán Thẻ và vùng ven biển thị trấn Khánh Hoà, sản lượng thu hoạch hàng năm có thể đạt 400 - 500 nghìn tấn [42].
3.1.3.3. Tài nguyên rừng
Rừng của Ninh Thuận có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển các ngành kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường sinh thái, là một thế mạnh cần khai thác trong thời kỳ tới. Đất lâm nghiệp của tỉnh Ninh Thuận có 157,3 nghìn ha, bao gồm rừng tự nhiên là 152,3 nghìn ha, rừng trồng có 5 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng là 46,8% diện tích rừng. Trữ lượng gỗ của tỉnh gần 11 triệu m3 và có 2,5 triệu cây tre nứa. Rừng sản xuất có 58,5 nghìn ha, trữ lượng 4,5 triệu m3 gỗ, rừng phòng hộ đầu nguồn có 98,9 nghìn ha, trữ lượng gỗ khoảng 5,5 triệu m3 [42].
3.1.3.4. Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản ở Ninh Thuận tương đối phong phú về chủng loại: nhóm khoáng sản kim loại có wolfram ở Krông Pha, núi Đất; molipđen ở Krông Pha, núi Đất (4.000 tấn); thiếc gốc ở núi Đất (24.000); nhóm khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể ở núi Chà Bang, Mộ Tháp I, Mộ Tháp II; cát thuỷ tinh ở Thành Tín, sét gốm ở Vĩnh Thạnh…; muối khoáng thạch anh ở Cà Ná, Đầm Vua, sô đa ở Đèo Cậu…; nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có cát kết vôi ở Sơn Hải, Cà Ná, Mỹ Tường, Thái An, Cà Ná - trữ lượng 2,5 triệu tấn CaO; sét phụ gia, đá xây dựng…
Hiện nay chủ yếu mới khai thác đá, đất sét, cát làm vật liệu xây dựng; khai thác muối khoáng để sản xuất muối công nghiệp, khai thác nước khoáng ở Tân Mỹ. Các khoáng sản làm nguyên liệu cho vật liệu xây dựng còn tiềm năng, có thể khai thác để sản xuất xi măng, làm gạch ngói, đá xây dựng [42].