Đặc điểm ngôn ngữ thơ tứ tuyệt cổ điển việt nam

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 118)

6. Kết cấu của luận án

3.4.Đặc điểm ngôn ngữ thơ tứ tuyệt cổ điển việt nam

Các hình ảnh được tri giác từ hiện thực cũng như những suy tư xúc cảm của nhà thơ trước hiện thực đó được biểu đạt trong một “tổ chức ngôn từ đặc biệt” (Trần Thanh Đạm) được gọi là THƠ. Sự kỳ diệu của cấu trúc ngôn ngữ này là ở chỗ nó cho phép một sự chiếm lĩnh toàn vẹn tác phẩm để mỗi câu, mỗi chữ đều là “sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ỷ nghĩa” (Paul Valéry), đều có sức ngân vang, ám ảnh sâu sắc và lâu bền trong tâm hồn người đọc. Điều này cũng có nghĩa là muốn hiểu được THƠ, tất phải nắm được tổ chức, cấu trúc ngôn ngữ đặc biệt của nó. Nói cách khác, việc phân tích một cách hệ thống “Tác động qua lại thông qua những tương đồng và những đối lập trên bình diện cú pháp, từ pháp, từ vựng; rồi các kiểu khác nhau ở bình diện ngữ nghĩa như các kế cận, tương đồng, đồng nghĩa, phản nghĩa; rồi còn sự đa dạng của các kiểu loại, các chức năng của cái mà chúng ta gọi là Những câu thơ cá biệt..” (Jacobson) [53, tr. 69] là điều kiện cần thiết để hiểu và giải thích những đặc điểm ngôn ngữ thơ.

Lý thuyết Thi pháp ngôn ngữ của R.Jacobson cho thấy: Mục tiêu hướng tới của cấu trúc ngôn từ nghệ thuật là “Phản ánh thế giới khách quan thông qua tình cảm, nhận thức chủ quan của nhà văn một cách nghệ thuật” [51, tr. 12]. So với các dạng thức ứng xử bằng lời

119

nói khác trong hoạt động giao tiếp vô cùng phức tạp của con người, lĩnh vực văn chương, mà đặc biệt là thơ ca, là nơi phản ánh rõ nhất cái “chức năng thi ca” của ngôn ngữ với tư cách là một “chức năng ưu thắng”. Do đó, chỉ có thể hiểu được cấu trúc của ngôn ngữ thi ca thông qua hai phương thức cơ bản đã tạo nên chức năng thi ca của ngôn ngữ đó là phương thức tuyển chọn và kết hợp. Đây là hai phương thức cơ bản chi phối toàn bộ quá trình tạo tác và sử dụng ngôn ngữ nói chung nhưng, chỉ ở trong văn chương, đặc biệt là trong thơ, những thao tác này mới bộc lộ hết khả năng phong phú và mạnh mẽ của chúng khi tạo ra một “hệ thống ngôn ngữ thứ hai” (Y. Lotman) đóng vai trò quyết định trong việc dồn nén lượng nghĩa nội hàm phong phú vào mót cấu trúc ngôn ngữ cực kỳ ngắn gọn, hàm súc và tinh tế. Nói cách khác, thơ, đó là sự phản ánh, biểu hiện toàn bộ thế giới và đời sống con người trong dạng thức ngôn từ ngắn gọn mà giàu có nhất, giản dị nhất mà phong phú nhất. Thơ, đó là “sự nén chặt năng lượng” (Tikhônôp), “thơ đòi cô đúc để nổ ra như một tiếng sét”, bởi “thơ là cuộc chạy đua 100 mét, thậm chí là việc đi qua một cái dây trên không khoảng 5 mét” (Chế Lan Viên) [95, tr. 7] Cho nên, toàn bộ thao tác chọn lựa, kết hợp để tạo nên một “thông điệp thơ” có thể quy về một yêu cầu cốt tử, đó là việc lựa chọn vốn ngôn từ cô đọng, hàm súc tối đa và tổ chức tốt nhất vốn ngôn từ đó vào một cấu trúc giàu sức ngân vang, ám ảnh, ghi nhớ.

Thơ Đường mà đặc biệt là bài thơ tứ tuyệt phản ánh rất rõ khát vọng lớn lao của con người trung đại là muốn thu cả trời đất, nhật nguyệt vào “trên đầu một sợi lông”, hay “một hạt cải bé xíu” (“Càn khôn tận thị mao đầu thượng- Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”-

Đáp Lý Thái Tông tâm nguyện chi vấn- Nhà sư Khánh Hỷ đời Lý). Muốn nói đến những vấn đề lớn lao của thế giới và đời sống con người trong một cấu trúc ngôn ngữ cô đọng, tất phải đặt ra vấn đề tiết kiệm câu chữ, tăng cường tối đa tính hàm súc của ngôn từ và tổ chức chúng vào những kiểu kết hợp đặc biệt. Có thể nói, đây chính là cơ sở để khảo sát những đặc điểm trong cách lựa chọn và tổ chức ngôn từ của thơ tứ tuyệt.

Mặt khác, sự phát triển của thơ tứ tuyệt cổ điển Việt Nam gắn rất chặt với những yêu cầu, đặc điểm cụ thể của từng giai đoạn văn học cũng như với quá trình phát triển chung của một nền văn học luôn có gắng tìm hướng đi riêng, cố gắng khẳng định những nét độc đáo của mình. Trong khi chịu ảnh hưởng bởi những đặc điểm nổi trội của ngôn ngữ thơ tứ tuyệt Đường thi, các nhà thơ cổ điển Việt Nam vẫn tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ dân tộc, những thành tựu của một nền văn học bằng chữ Nôm giàu bản lĩnh để tạo nên những đặc

120

điểm mang tính loại biệt cho ngôn ngữ thơ tứ tuyệt Việt Nam. Trên tinh thần kế thừa và sáng tạo đó, chúng tôi lần lượt khảo sát mót số đặc điểm của ngôn ngữ thơ tứ tuyệt cổ điển Việt Nam sau:

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 118)