6. Kết cấu của luận án
2.3.1. Ảnh hưởng của thơ ca Trung Hoa và truyền thống thơ ca Lý Trần đối với sự
sự phát triển của thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán thế kỷ XV
Suốt hai mươi năm đầu thế kỷ XV đầy biến động, “ngọn lửa hung tàn” của người Minh đã hủy hoại không thương tiếc những thành tựu nghệ thuật thời Lý Trần. Nhưng, họ cũng chỉ có thể đốt sách, tàn phá các công trình nghệ thuật chứ không thể tuyệt diệt một truyền thống thi chương mà chính các sứ thần Bắc quốc trước kia cũng thường phải thốt lời khâm phục. Truyền thống đó chẳng những không bị huỷ hoại mà còn trở thành chỗ dựa cho niềm tự hào sâu sắc, một chuẩn mực, một nguồn động lực thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn công cuộc xây dựng lại toà lâu đài thi ca Thịnh Lê từ trên cái nền đổ nát.
Cuối thể kỷ XV, ý thức nêu cao truyền thống thi chương thời Lý - Trần như một tác nhân quan trọng trong tiến trình thơ ca thời Lê sơ đã được Hoàng Đức Lương nhắc đến khi viết bài tựa “Trích diễm thi tập”: rằng: “Một nước văn hiến mấy trăm năm, có lẽ nào không có quyển sách nào làm căn bản mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường” [29, tr. 207]. Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” có phần khắt khe khi cho rằng: “Từ đời họ Hồ trở xuống, đời Đại Bảo (Lê Thái Tông) trở lên cũng còn giữ được cái truyền thống của đời Trần nhưng thể tài khi phách càng ngày càng kém. Từ đời Quang Thuận (Lê Thánh Tông) đến đời Diên Thành (Mạc Mậu Hợp) thì lại học theo lối thơ đời Tống; lối thơ đời Lý, đời Trần đến đó là một bước chuyển biến” [45, tr. 80 ]. Ngô Thì Nhậm cũng cho rằng thơ ca thời Lê mà “nổi nhất là thời kỳ Hồng Đức” đánh dấu chặng đường tiếp nối những thành tựu
43
thơ ca Lý- Trần và cũng là bằng chứng hùng hồn khẳng định truyền thống một “nước thơ” “nào thua Hán Tấn, nào thua Đường Tống, Nguyên Minh” [137, tr. 122 ]. Các quan niệm khác biệt trên có một nét chung rất đáng chú ý: Những học giả này hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp đều thừa nhận ảnh hưởng đặc biệt quan trọng của thơ ca Lý Trần đối với thơ ca thời Lê.
Cùng với bề dày truyền thống đó, thi ca Trung Hoa vốn đã có những ảnh hưởng rõ rệt trước kia, giờ lại là nguồn động lực thứ hai có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thơ ca nói chung và thơ tứ tuyệt chữ Hán thế kỷ XV nói riêng. Đã thấy rõ tác động mạnh của yếu tố truyền thống này khi các hình ảnh thiên nhiên giàu sức biểu cảm, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo và các thể thơ Đường luật như bát cú và tứ tuyệt được tiếp tục khai thác. Các đề tài ước lệ, các điển cố lấy từ lịch sử và văn chương Trung Quốc được sử dụng phổ biến với chức năng “nhận thức một cách nghệ thuật những hiện tượng cùng thời với nhà thơ” và “đưa tác phẩm vào chiều hướng của truyền thống thơ đã được xác định” (Niculin) [100, tr. 52]
Thế kỷ XV đánh dấu vai trò độc tôn của Nho giáo trong bối cảnh một quốc gia phong kiến độc lập đang có nhu cầu xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế với tính chất trung ương tập quyền cao độ. Nho học thịnh trị, các kỳ thi được tổ chức đều đặn nhằm tuyển lựa nhân tài, hoàn chỉnh hệ thống quan chức. Chỉ riêng thời Hồng Đức, đã có 26 khoa thi Hội, lấy đỗ 989 tiến sĩ, trong đó có 18 trạng nguyên [93, tr. 96 ]. Tầng lớp Nho sĩ quan liêu trở thành lực lượng chính tham gia nắm giữ kỷ cương, thiết chế triều đình và cũng là lực lượng sáng tác chủ yếu. Đây là thời kỳ thịnh trị mà ngay chính Hồng Đức, người được các văn thần hết lời tán tụng, cũng không quá khiêm nhường khi nói về mình trong phần kết bài “Minh lương” (Quỳnh uyển cửu ca):
“Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự Bát bách Cơ Chu lạc trị bình”
(Cháu hiếu là Hồng Đức nối nghiệp lớn - Mừng thấy cuộc trị bình lâu dài như cơ nghiệp tám trăm năm của nhà Chu)
Thơ nói “chí” chan chứa tình cảm công dân và thơ ca thù phụng đương nhiên có vị trí đặc biệt quan trọng. Chất lý trí thể hiện đậm nét trong những bài thơ chuyển tải hoài vọng lớn lao của những nho sĩ chân chính là nêu cao và thực hành những nguyên tắc chính trị
44
Khổng giáo. Tuy nhiên, tình cảm công dân và những hoài vọng chính trị, nội dung chủ yếu trong thơ “nói chí” Việt Nam, thường thể hiện rõ hơn ở các bài thơ bát cú, một phần là vì hình thức thơ ca này được chính quy hoá trong văn chương trường ốc, cử tử ngay từ rất sớm1. Việc các sĩ tử lồng ghép lời tán tụng vương triều phong kiến vào nội dung bài thi là luật lệ bất thành văn quy định tính chất thù phụng như một nét đặc trưng trong văn chương cử tử. Những bài thơ bát cú vẫn được sử dụng để bộc bạch tâm tư, tình cảm nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống thế tục nhưng tính chất “ngôn chí” và thù phụng chi phối rất rõ nội dung thơ ca cung đình mà bằng chứng dễ thấy nhất là hàng trăm bài thơ bát cú xướng họa của thi nhân Hội Tao Đàn. Tình hình này khiến cho bài luật thi trở thành ví dụ cho lối thơ “câu nệ, gò bó” trong lời nhận xét của Phạm Đình Hổ [45, tr. 181].
Ở hoàn cảnh đó, bài thơ tứ tuyệt được xem là mảnh đất riêng của thi nhân trong việc bộc lộ tâm tư, tình cảm cá nhân, một nhu cầu không kém phần quan trọng. Không phải ngẫu nhiên 12 bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi trong “Ức Trai thi tập” đều thắm đượm chất trữ tình sâu lắng. Chất lý trí, những tình cảm công dân, những hoài vọng chính trị lớn lao thường thấy trong thơ bát cú của Nguyễn Trãi lại hầu như vắng mặt trong các bài tứ tuyệt ít ỏi này. Chúng chỉ là những bức tranh phong cảnh gợi nhớ không khí tĩnh mịch của cuộc sống ẩn cư, nhàn nhã mà các vị thiền sư, các ông vua đầu đời Trần thường miêu tả một cách tâm đắc. Trong cách cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên đầy tinh tế, phóng túng thường thấy ở Đường thi, thật khó nhận ra hình ảnh con người quan phương Nguyễn Trãi mà thay vào đó là hình ảnh một ẩn sĩ thích “Nhàn trung tận nhật bế thư trai” (Suốt ngày nhàn nhã đóng kín phòng văn- Mộ xuân tức sự), thích nói về những giấc mộng “hoàng lương” ngắn ngủi, hão huyền nơi trần thế (Tam thập niên dư trần cảnh mộng- Đề Đông Sơn tự)... Gợi liên tưởng đến hình ảnh “Dã độ vô nhân chu tự hoành” trong “Trừ châu tây giản” của Vi Ứng Vật, con đò cô đơn chìm trong giấc ngủ trầm mặc nơi bến quê của Nguyễn Trãi phải chăng cũng chính là phong thái và tâm hồn kẻ sĩ giữa đời thường:
“Độ đầu xuân thảo lục như yên
1 “Việt sử lược” ghi nhận rằng “Đầu mùa đông 1179 - (đời Lý Cao Tông), vua ngự ở diện Sùng Chính coi khoa thi Tam giáo. Các con em thi viết bài thơ xưa và làm các môn thơ, phú, kinh nghĩa và toán” (138, tr. 222).
45
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô chu trấn nhật các sa miên” (Trại đầu xuân độ)
(Cỏ xuân đầu bến xanh như khói- Lại có mưa xuân nưóc vỗ trời- Đường đồng hoang vắng, ít người qua lại- Con đò cô đơn suốt ngày gối đầu trên cát mà ngủ”.
19 bài tứ tuyệt được Phan Huy Chú khen tặng trong “Văn tịch chí” đều thiên về phía bộc lộ thế giới tâm trạng sâu kín và đặc biệt nhạy cảm. Bài thơ “Tiễn bạn” của Sái Thuận mở ra khung cảnh thiên nhiên “thanh nhã, có phong cách đời Vãn Đường” [16,tr. 84 ] và đằm sâu trong bức tranh chim muông hoa lá vẫn là nỗi nhớ quê đầy cảm khái từng thấy trong thơ Nguyễn Trung Ngạn đời Trần:
“Cấm thụ oanh thanh hiểu Giang phong yến tử tà Thắng du tân hạ cảnh Quy hứng cố viên hoa”
(Sớm nghe oanh hót cây vườn cấm- Chiều nhìn én liệng làn gió sông- Chơi vui cảnh đầu hạ- Nhớ hoa vườn cũ muốn trở về).
Bài tứ tuyệt “Chu trung tác” của Nguyễn Thiên Tích cũng chở nặng nỗi niềm của con người ly hương muốn gửi hồn theo giấc mộng về nhà:
“Dạ tĩnh nguyệt như họa Thiên hàn tuyết tác hoa Cô chu thiên lý khách Thập mộng cửu hoàn gia”
(Đêm lặng trăng như vẽ- Trời rét tuyết thành hoa- Thuyền cô khách nghìn dặm- Mười lần chiêm bao, chín lần thấy về nhà).
46
Nho giáo hưng thịnh. Hình ảnh các nhà sư “Chóng gậy trấn kinh kỳ” thời Lý hay những vị cao tăng đời Trần đã trở thành quá vãng để nhường chỗ cho lực lượng Nho sĩ gánh vác trọng trách đất nước. Tuy nhiên, nếu các vị quan chức đời Lê, khi tại triều, luôn nhiệt tình đề cao và thực hành các nguyên tắc Khổng giáo thì khi về ở ẩn, họ lại là những môn sinh Thiền học, say sưa tu tập và tâm đắc với cuộc sống ẩn dật, thoát tục. Tư tưởng thiền chiếm vị trí quan trọng trong thơ ca Lý- Trần lại tiếp tục vang vọng âm hưởng trong các bài thơ đậm chất trữ tình triết lý thời Lê, ở đó, những suy ngẫm về thế giới và đời sống con người thường dựa trên tinh thần siêu thoát, sắc không. Bài thơ “Lên núi Lễ Đễ” của Lê Thiếu Đĩnh rất “giản dị, cổ kính” [16, tr. 86] gợi khung cảnh thoát tục: Một ngôi chùa cổ chìm trong mây trắng, ở đó, cả khách lẫn nhà sư như đều đắm mình trong trạng thái trầm mặc, “vô ngôn”:
“Sơn thâm thanh giản tịch
Tự cổ bạch vân nhàn Khách chí tăng vô ngữ Tùng phong tự khải quan”
(Núi thẳm khe trong cảnh lặng lẽ- Chùa cổ đám mây trắng lửng lơ- Khách đến sư không nói- Gió tùng tự mở cửa ra).
Cảm xúc đằm thắm của nhà thơ đối với nét đẹp làng quê cũng in đậm dấu ấn trong các bài tứ tuyệt trữ tình đời Lê. Chẳng hạn, bài thơ “Hoàng giang tức sự” của Sái Thuận, cho chúng ta biết rằng vị Tao Đàn phó nguyên suý nổi tiếng này, trong khi hoà mình vào các sinh hoạt văn chương cung đình, vẫn giữ một tình cảm chân thành với cuộc sống thế tục. Những căn nhà cỏ, chiếc thuyền lẻ loi và những đứa trẻ “bắt cáy”, chỉ vài nét chấm phá giản dị, tinh tế cũng đủ phác hoa một bức tranh làng quê ven sông sinh động:
“Mao xá nhân yên lý
Cô châu tiểu bạc thì Thôn đồng tam tứ bối Duyên thủy mịch bành kỳ”
47
(Mấy túp lều tranh ẩn trong làn khói giữa làng - Chiếc thuyền lẻ loi dừng lại một lúc- Ba bốn tốp trẻ nhỏ trong xóm - Ven theo dòng sông tìm cua cáy”.