Xác định thuật ngữ sử dụng và nội dung khái niệm “Tứ tuyệt”

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 26)

6. Kết cấu của luận án

1.2. Xác định thuật ngữ sử dụng và nội dung khái niệm “Tứ tuyệt”

Như đã nêu trên, thời gian qua, nhiều vấn đề về thuật ngữ, nội dung khái niệm thơ tứ tuyệt vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhằm tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, chúng tôi xin tạm xác định cách sử dụng thuật ngữ và cách hiểu nội dung khái niệm trong luận án như sau:

- Chúng tôi chọn sử dụng thuật ngữ tứ tuyệt để tạo điều kiện đưa vào một cách hiểu tương đối rộng, có khả năng bao quát các trường hợp cụ thể trong thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX (kể cả thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán).

- Chúng tôi cũng tạm đưa ra cách hiểu: Bài thơ tứ tuyệt là một bài thơ bốn câu, không nhất thiết mỗi câu đều 5 hoặc 7 chữ nhưng phải chịu ước thúc nhất định của những đặc điểm thi pháp thơ Đường luật. Bằng cách hiểu này, chúng tôi có thể bao quát được hiện tượng các bài thơ tứ tuyệt thất ngôn xen lục ngôn của Nguyễn Trãi, vì, dù có những câu sáu chữ xen vào, chúng vẫn chịu sự chi phối rõ rệt của những đặc điểm thi pháp thơ Đường luật như vần, đối, bố cục, tiết tấu, giọng điệu, luật hài âm,.. Cũng trên cơ sở cách hiểu này, chúng tôi sẽ không đưa dạng lục bát bốn câu bắt đầu xuất hiện trong thơ Trần Tế Xương (Trường hợp bài “Sông lấp”) vào phần thống kê, khảo sát thơ tứ tuyệt cổ điển Việt Nam. Lý do chủ yếu là vì chúng tôi nghĩ rằng dạng thức này chịu ảnh hưởng của đặc điểm thi pháp thơ lục bát rõ rệt hơn.

27

- Với dung lượng ngôn từ ít ỏi, tứ tuyệt rất phù hợp với nhu cầu ghi nhận những phát hiện mới mẻ, những rung động bất chợt nhưng mãnh liệt của nhà thơ.

Rất ngắn gọn, tứ tuyệt buộc phải hạn chế miêu tả cụ thể, hạn chế cả việc dồn chứa các chi tiết, hình ảnh có khả năng khắc họa sự sinh động, phong phú của đời sống. Để khắc phục điều này, người làm thơ tứ tuyệt cần phải chọn lọc, phát hiện một góc độ nhìn, một thời điểm nhìn, ở đó, toàn bộ thế giới và đời sống con người được lóe sáng, bật nổi trong dạng thức cô đọng nhất, bản chất nhất. Từ một phạm vi đời sống hẹp, tứ tuyệt luôn có khả năng vươn đến một tầm nhìn khái quát, toàn vẹn hay đặt ra những vấn đề thuộc về bản chất, quy luật muôn đời. Muốn vậy, tứ tuyệt cần đến sự tinh lọc tối đa hình ảnh, cần đến sự tổ chức, liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận để có được cách kiến tạo tứ thơ tối ưu cũng như cần đến tài năng của tác giả trong việc luyện câu đặt chữ sao cho mỗi từ, mỗi câu thơ đều có sức vang, sức gợi, sức ám ảnh lâu bền trong tâm hồn người đọc.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ở chỗ: Qua tứ tuyệt, nhà thơ có thể diễn đạt một ý tưởng, một chiêm nghiệm sâu xa về cuộc đời bằng dạng thức ngôn từ đặc biệt ngắn gọn. Thơ càng ngắn, càng dễ ghi nhớ, truyền tụng. Tầm tư tưởng càng bao quát thì khả năng ứng dụng trong nhiều thời điểm, hoàn cảnh thực tế càng lớn. Không nói hết ý, để chừa những khoảng trống bỏ lửng là cách buộc những thế hệ người đọc phải tiếp tục chặng hành trình đồng sáng tạo vô tận, tiếp tục suy ngẫm và chứng thực những ý tưởng giàu chất triết lý mà nhà thơ “nói chưa hết” trong bài thơ tứ tuyệt. Đó là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao nhiều bài tứ tuyệt trong văn học cổ điển Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn sức sống lâu bền đến tận hôm nay.

28

CHƯƠNG 2: TIẾN TRÌNH THƠ TỨ TUYỆT TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ THỨ X ĐẾN THẾ KỶ THỨ XIX.

Với cách làm việc “xét tìm sử cũ, tham khảo các nhà, biên hết tên sách”[16, tr. 41], Phan Huy Chú đã tập hợp được trong “Văn tịch chí” “những tập ngự chế của các triều, những tác phẩm của các công khanh có tiếng, các văn nhân tài sĩ cùng là những bộ do các nhà soạn chép đều xếp vào loại thi văn, tên sách được 106 bộ” [16, tr. 57]. Một số hợp tuyển ra đời trước đó như “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương, “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn,... cũng được giới thiệu tên sách, số lượng thơ văn và những lời bình khái quát về giá trị tư liệu.

Tầm bao quát và độ tin cậy của sách cho phép chúng ta có thể chứng minh được sự phát triển của thơ tứ tuyệt cổ điển Việt Nam. Có 41 bài thơ tứ tuyệt trên tổng số 86 bài thơ được trích tuyển và khen tặng trong công trình khảo cứu toàn diện này (Không kể phần những câu thơ hay được tác giả trích tuyển). Hầu hết các bài tứ tuyệt trong “Văn tịch chí” đều được bình giá với ý thức trân trọng và lòng tự hào sâu sắc khi tác giả so sánh với tứ tuyệt Đường Tống. Chẳng hạn, trong mục giới thiệu “Trần Thánh Tông thi tập” (cả tập đã mất, chỉ còn 5 bài), tác giả trích tuyển hai bài tứ tuyệt “Cảnh hè” và “Chơi phủ An Bang” với nhận xét: “Các bài đều có phong vị thơ Đường” [16, tr. 58]. Trong mục giới thiệu “Giới Hiên thi tập” của Nguyễn Trung Ngạn, Phan Huy Chú ca ngợi: “Lời thơ phần nhiều hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng” [16, tr. 65], “Ngoài ra, những câu hay rất nhiều, không thể kể hết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì đời Thịnh Đường” [16, tr. 66 ]. Thơ trong tập “Cổ tâm bách vịnh” gồm 10 quyển của ông vua thi sĩ Lê Thánh Tông được nhận xét là “đều làm theo thể ngũ ngôn tuyệt cú” [16, tr. 76]. Trong mục giới thiệu “Dưỡng Hiên vịnh sử thi” của Phạm Nguyễn Du (Đỗ tiến sĩ năm 1779 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40), tác giả cũng nhấn mạnh con số 130 bài thơ “đều là thất ngôn tuyệt cú” mang nội dung “vịnh sử từ Bàn Cổ trở xuống” [16, tr. 108].

Cái nhìn tổng thể trên đây chỉ giúp xác định phần nào vị trí và sự quan tâm của các nhà thơ cổ điển Việt Nam đối với thể thơ đặc biệt ngắn gọn này. Ở mỗi giai đoạn cụ thể, những biến động lịch sử, các nhu cầu miêu tả, biểu hiện đặc thù khiến cho thơ ca nói chung và thơ tứ tuyệt nói riêng có những nét khác biệt. Việc khảo sát những đặc điểm đó có khả năng xác

29

định một cái nhìn xuyên suốt tiến trình thể loại và điều này là rất có ý nghĩa đối với yêu cầu khẳng định ưu thế nghệ thuật của một thể thơ Đường luật trong thơ ca cổ điển Việt Nam.

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)