Khuynh hướng trữ tình trong thơ tứ tuyệt có nội dung chính trị, triết học

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 33)

6. Kết cấu của luận án

2.2.1.Khuynh hướng trữ tình trong thơ tứ tuyệt có nội dung chính trị, triết học

Đặc điểm hành chức vẫn thể hiện rõ qua các bài tứ tuyệt mang nội dung sử thi mô tả một cách hàm súc, cô đọng cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XIII. Chúng thể hiện niềm tự

34

hào to lớn khi nói về chiến thắng vẻ vang (“Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải), khi ca ngợi những địa danh lừng lẫy (“Bạch Đằng giang” của Nguyễn Xưởng) hay ca ngợi tầm vóc kỳ vĩ và trách nhiệm công dân (“Thuật hoài’ của Phạm Ngũ Lão),... Đặc điểm chung của những bài thơ tiêu biểu nêu trên là tính chất tuyên ngôn và sự chi phối của tình cảm công dân. Chẳng hạn, trong một dung lượng ngôn từ cực kỳ ngắn gọn, Trần Quang Khải đã cố gắng thâu tóm những thành quả mà quân dân đời Trần đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nước vẻ vang. Khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh của tác giả với tư cách một nhà quý tộc, một vị tướng lĩnh quân đội có nhiều công lao chinh chiến được thể hiện rõ trong lời thơ có tính chất tuyên ngôn. Tác phẩm, vì vậy, trở thành một loại văn bản chính luận đặc biệt, có mục đích không khác mấy so với mục đích của bài Cáo bình Ngô.

Đề tài tống biệt sứ giả được tiếp tục khai thác nhưng tính chất “văn bản bang giao” từng thấy trong bài từ khúc của Ngô Chân Lưu dần mờ nhạt để thay thế vào đó là tâm tình, cảm xúc của người đi và kẻ tiễn được thể hiện hầu như trọn vẹn khiến cho thơ tống biệt sứ giả đời Trần có được chất thanh tao, tiêu sái trong thơ biệt ly Đường Tống. Bài thơ “Tống bắc sứ Ngưu Lượng” của Trần Nghệ Tông, khi ấy còn làm tướng quốc, được vị sứ giả nhà Nguyên lấy làm cảm phục vì ý đẹp lời hay:

“An Nam lão tể bất năng thi Không bả trà âu tống khách quy Viên Tản sơn thanh, Lô thủy bích Thừa phong trực nhập ngũ vân phi”

(Tể tướng già An Nam không giỏi thơ - Chỉ mang bình chè tiễn khách về - Núi Tản Viên xanh, nước sông Lô biếc - Theo gió bay thẳng vào đám mây năm màu).

Một cách nói khiêm cung nhưng không kém phần tự hào, một khí vị cao khoát, chất chứa hoài bão lớn lao trong bài thơ và đặc biệt là khẩu khí “không phải tầm thường” [16, tr. 62] trong câu kết giúp cho Ngưu Lượng có thể tiên đoán được hậu vận rạng rỡ của vị hoàng đế trong tương lai. Đặc biệt, tâm hồn thi nhân dào dạt nỗi niềm lưu luyến hoà quyện trong

35

bức tranh non xanh nước biếc cho phép chúng ta xác nhận sự chi phối đậm nét của chất trữ tình trong một bài thơ thực hiện chức năng bang giao chính trị.

Cũng trong khuynh hướng đó, các bài thơ tứ tuyệt đặc sắc như “Tống Phạm công Sư Mạnh Bắc sứ” của Lê Quát, “Tống nhân Bắc hành” của Nguyễn Ức, “Đề thu giang tống biệt đồ” của Trần Đình Sâm, “Tống sứ ngâm” của Mạc Ký... đều mang ý vị chia ly thắm thiết giữa những người bạn tri kỷ trong thơ ca Đường Tống.

Ở đời Trần, Phật giáo dần đánh mất vai trò độc tôn nhưng vẫn còn thịnh. Những bài “tứ cú kệ” của các thiền sư và các ông vua nhà Trần thích chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp trong giai đoạn cuối đời vẫn có vị trí đáng kể trong các sáng tác thơ ca thời kỳ này. Tuy nhiên, đã có bước chuyển hướng rõ rệt khi đa số kệ đời Trần thường ghi lại cảm xúc, suy tư, tâm trạng của người học đạo. Chất trữ tình - triết lý ngày càng đậm nét thể hiện qua khuynh hướng gia tăng mạnh yếu tố cảm xúc, tâm trạng khiến cho kệ đời Trần trở nên gần gũi hơn với thơ ca thế tục. Các hình ảnh thiên nhiên vẫn còn mang tính chất phương tiện nhưng nhà thơ ít sử dụng chúng với mục đích chuyển tải những ẩn ý bí hiểm để kích thích tư duy người học đạo trong quá trình tu tập như thường thấy trong kệ ngũ tuyệt đời Lý mà chủ yếu là nhằm giúp nhà thơ tự bạch những trạng thái cảm xúc tinh tế của người vừa “ngộ” được lẽ Thiền hay trình bày một thái độ ứng xử trong cuộc sống. Niềm vui sướng chốn thanh tịnh, lặng lẽ trong bài thơ “Ký Thanh Phong am tăng” (Gửi nhà sư ở am Thanh Phong) là một minh chứng cho sự tâm đắc của ông vua Thái Tông đời Trần khi quyết định lựa chọn con đường tu hành:

“Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh Cá trung tư vị vô nhân thức

Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh”

(Gió đập cổng thông, trăng sáng trước sân - Lòng hẹn với phong cảnh cùng trong sạch, lặng lẽ - Thú vị trong ấy không ai hay biết - Mặc cho nhà sư trong núi vui đến sáng).

Nhà sư Huyền Quang được Lê Quý Đôn khen tặng là “học rộng, thơ hay, trong Việt âm thi tập có chép một bài thất ngôn tuyệt cú của thiền sư thì tựa hồ không có khẩu khiếu

36

nhà chùa. Trong Trích diễm thi tập có chép một bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú và 21 bài thất ngôn tuyệt cú, thơ văn tinh tế, có khí tượng cao siêu” [29, tr. 392]. Trong “Văn tịch chí”, Phan Huy Chú cũng ca ngợi rằng ông là người có “Văn thơ bay bướm, phóng khoáng” [16, tr. 73]. Đối với các học giả này, Huyền Quang được xem là một thi nhân hơn là một vị thiền sư. Các bài thơ tứ tuyệt của ông được dẫn trong “Kiến văn tiểu lục” và “Văn tịch chí” đều mang đặc điểm chung: chất trữ tình đậm nét hơn chất triết lý. Chẳng hạn, bài thơ sau đây gợi nhắc các bài thơ trữ tình triết lý của thi phật Vương Duy khi nhà sư miêu tả những cảm xúc thâm trầm sau giấc ngủ dài:

“Vũ quá khê sơn tịnh

Phong lâm nhất mộng lương Phần quang trần thế giới

Khai nhãn tuý mang mang” (Ngọ thụy)

(Mưa xong khe núi tịch mịch - Ngủ một giấc dài dưới bóng cây - Tỉnh dậy ngoái nhìn đời bụi bặm - Mở mắt vẫn thấy say mênh mang).

Đối với kệ đời Trần, chất trữ tình triết lý ngày một đậm nét là cơ sở để có thể kết luận rằng nếu kệ đời Lý gần với kệ hơn thì kệ đời Trần lại có xu hướng gần với thơ hơn.

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 33)