Thơ tứ tuyệt Việt Nam giai đoạn thế kỷ X-XII với nhu cầu thực hành các chức

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 29)

6. Kết cấu của luận án

2.1. Thơ tứ tuyệt Việt Nam giai đoạn thế kỷ X-XII với nhu cầu thực hành các chức

chức năng ngoài văn học.

Văn bản thơ sớm nhất còn giữ lại được đến ngày nay là bài thơ của Ngô Chân Lưu, một nhà sư và cũng là một vị quan chức dưới triều Lê Hoàn. Thơ được làm theo lệnh vua với nội dung tiễn sứ giả nhà Tống nên tính chất sứ điệp thể hiện rất rõ trong khi nhà thơ vẫn chọn thi đề tống biệt cùng với những hình ảnh ước lệ thường thấy và thể từ khúc phóng khoáng, đậm chất trữ tình. Một cánh buồm “vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương” (Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang), một mối tình thảm thiết hòa trong chén rượu ly biệt (Tình thảm thiết - Đối ly trường)... những hình ảnh giàu chất thơ ấy, thật thú vị, lại được dành cho một “văn bản bang giao” với mục đích chính trị rõ rệt được nhắc đến trong hai câu thơ cuối cùng: “Nguyện tương thâm ý vị Nam cương - Phân minh báo ngã hoàng” (Xin đem thâm ý vì Nam cương - Tâu vua tôi tỏ tường” [129, tr. 46]

Khi được hỏi về vận nước, vị quốc sư Pháp Thuận, người rất được vua Lê Đại Hành kính trọng nhờ đạo hạnh, khả năng “dựng bàn, hoạch định sách lược”, đã trả lời bằng một bài thơ [129, tr. 192] :

“Quốc tộ như đằng lạc Nam thiên lý thái bình Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh”

(Ngôi nước như mây cuốn - Trời Nam mở thái bình - Vô vi trên điện gác - Chốn chốn tắt đao binh).

Ngay cả khi cần kích thích, động viên tinh thần tướng sĩ trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, vị tướng lĩnh quân đội Lý Thường Kiệt cũng không ngần ngại sử dụng thơ ca dưới hình thức lời truyền ngôn thần thánh để chuyển tải hiệu quả nội dung bản tuyên ngôn giữ nước hết sức ngắn gọn, hào hùng.

30

Đây cũng là thời kỳ lưu hành khá phổ biến một số bài thơ ngắn gọn mang tính chất sấm vĩ của các nhà sư, những người được tôn vinh là có trí tuệ uyên bác, có khả năng đoán định chuyện vị lai quá khứ nên được cả chính quyền phong kiến lẫn nhân dân kính trọng. Có một số hình ảnh ẩn dụ rời rạc và khó hiểu hàm chứa ẩn ý sâu xa hoặc đơn giản chỉ là hệ quả của cách chiết tự một từ nào đó được sử dụng trong những bài thơ này. Chẳng hạn như những hình ảnh trong bài thơ tương truyền là do nhà sư Vạn Hạnh làm ra để “tạo dư luận cho Lý Công Uẩn làm vua” [129, tr. 192]:

“Thụ căn diểu diểu Mộc biểu thanh thanh Hoà đao mộc lạc Thập bát tử thành”1

(Gốc cây thăm thẳm - Ngọn cây xanh xanh - Cây hoà đao rụng - Mười tám hạt thành). Vai trò độc tôn của Phật giáo cùng với nhu cầu truyền phổ triết lý hay thể hiện tư tưởng, tình cảm các nhà sư và người học đạo trong quá trình tu tập cũng góp phần quy định đặc điểm hành chức của văn chương thời kỳ này. Thơ ca trở thành một phương tiện hữu hiệu mà các nhà sư có thể vận dụng để phục vụ cho mục đích truyền đạo và ngộ đạo. “Thiền uyển tập anh ngữ lục” ghi chép nhiều câu chuyện về các nhà sư có thói quen trả lời những câu hỏi chất vấn của người học đạo hoặc dặn dò các đệ tử trước khi qua đời bằng một bài thơ ngắn gọn, thường là bốn câu. Trong những bài thơ được gọi chung là “tứ cú kệ” đó, các tác giả thường gửi gắm một nhận xét triết lý về bản chất cuộc sống, về lẽ Thiền thông qua các hình ảnh thiên nhiên cụ thể, sinh động.

Thơ Thiền thời kỳ này chủ yếu thể hiện cách cảm nhận, lý giải những quy luật đời sống, vũ trụ trên tinh thần Thiền học và ít nhiều bộc lộ cảm xúc, tâm trạng nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên hoặc thể hiện những cảm xúc của người học đạo trong quá trình tu tập. Kệ thời Lý là một thể loại có tính chức năng cao. Chất lý trí thể hiện rõ trong các bài kệ ngũ

1 Hoa, đao, mộc, lạc kết hợp lại thành chữ Lê để chỉ nhà Tiền Lê. Thập, bát, tử kết hợp thành chữ Lý để chỉ sự thành lập của triều đại nhà Lý khi nhà Tiền Lê kết thúc. Trong “Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ, bài sấm này còn có thêm hai câu thờ để chỉ sự thành lập nhà Trần và Hậu Lê: “Đông A nhập điạ - Dị mộc tái sinh” (Theo “Việt sử lược” (138, tr. 111)

31

tuyệt có bố cục đặc biệt, trong đó tác giả thường mở đầu bằng các hình ảnh thiên nhiên để đi đến kết luận về một vấn đề triết học. Trong kệ đời Lý, các ước lệ, điển có nhà chùa được ưu tiên sử dụng; những đại từ phiếm chỉ, những dạng thức câu trần thuật, nghi vấn, cầu khiến cũng được quan tâm nhằm khơi gợi, thúc đẩy sự vận động của tư duy lý tính. Tác giả Nguyễn Phạm Hùng, khi phân loại thơ Thiền dựa trên tiêu chí chức năng, đã giới thiệu con số thống kê đáng chú ý theo đó các bài thơ trực tiếp phát biểu triết lý, quan niệm thiền học chiếm khoảng 94% tổng số thơ thiền thời Lý được chọn khảo sát (139/148 đơn vị tác phẩm) [47].

Rõ ràng, trong buổi bình minh của văn chương cổ điển Việt Nam, quan niệm gắn văn học với những chức năng ngoài văn học ảnh hưởng sâu sắc đến mức các tác giả hầu như không hề quan tâm đến việc phân biệt xem phát ngôn của họ là một văn bản chính trị, sấm vĩ, triết học hay là một tác phẩm văn học mà chủ yểu là quan tâm đến hiệu quả tác động của văn bản đó đối với mục đích đặt ra.

Đáng chú ý là đã tồn tại một mối quan hệ chặt chẽ giữa nhu cầu thực hành các chức năng ngoài văn học với việc ưu tiên sử dụng những hình thái thơ ca ngắn mà chủ yếu là thơ tứ tuyệt. Trong tổng số 90 bài thơ được giới thiệu từ “Hợp tuyển thơ văn Lý - Trần” tập I [90], có 65 bài tứ tuyệt, chiếm tỷ lệ 72%, trong đó nhiều nhất vẫn là dạng “tứ cú kệ”(ngũ ngôn hoặc thất ngôn).

Việc sử dụng một cách rộng rãi thơ tứ tuyệt để phục vụ cho các chức năng ngoài văn học xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn của hoàn cảnh lịch sử. Một bài thơ đối đáp, tiễn biệt đâu chỉ phục vụ cho mục đích bang giao mà còn nhằm chứng minh cho tài “ứng tác” nhanh nhạy, sắc sảo của những nhà sư được giao trọng trách bảo vệ quốc thể, nêu cao truyền thống thi chương Việt Nam. Một bài thơ ngắn gọn mang màu sắc sấm vĩ rất phù hợp khi được đọc trong hoàn cảnh cuộc chiến đấu giữ nước gay go. Mấy câu kệ ngắn gọn tận dụng các phương tiện nghệ thuật đặc thù của thơ ca cho phép người học đạo ghi nhớ nhanh chóng để tiếp tục nghiền ngẫm, khám phá những vấn đề triết học được trình bày theo phong cách “bỏ lửng”, giàu chất điểm ngộ, khai mở hơn là luận thuyết dài dòng. Tất nhiên, còn phải kể đến tác động của văn chương Trung Hoa ngay trong buổi đẩu phát triển của thơ ca

32

bác học Việt Nam. Những nguyên nhân nêu trên phần nào giải thích được sự quan tâm sử dụng các hình thái thơ ngắn mà chủ yếu là tứ tuyệt trong văn chương thế kỷ X-XII

Các bài thơ tứ tuyệt thời kỳ này không chỉ nhằm thực hành những chức năng ngoài văn học. “Ngư nhàn” của nhà sư Không Lộ phác họa một bức tranh thủy mặc đầy chất thơ với vạn dặm sông xanh, trời xanh, những vùng dâu đay, khói sóng và hình ảnh một ông chài cô đơn bị chìm lấp mờ ảo trong vùng tuyết gợi nhớ cái không gian trắng mênh mông, quạnh vắng, lạnh lẽo trong “Giang tuyết” của Liễu Tông Nguyên. Bài thơ tiêu biểu cho chất trữ tình triết lý này thể hiện rõ cái nhìn thấm nhuần tinh thần sắc không nhưng các hình ảnh Đường thi quen thuộc lại tạo được ấn tượng đặc biệt sinh động. Chúng gợi những cảm xúc sâu lắng trong tâm hồn người đọc và sự ngạc nhiên khi nhận ra rang ấn sau chiêc áo cà sa vẫn là trái tim nhạy cảm của một nhà thơ.

Ngay cả khi xem thiên nhiên như một phương tiện để minh họa cho tư tưởng thiền học, các nhà sư thời kỳ này vẫn cố gắng thổi luồng sinh khí của tâm trạng, cảm xúc vào từng cành cây, ngọn cỏ để chúng không quá cứng nhắc, xám xịt trong cái vỏ triết lý. Bài kệ “Thị đệ tử” của nhà sư Vạn Hạnh rõ ràng là muốn chứng minh cho khoảnh khắc đời người ngắn ngủi, hư vô trong sự đối sánh với thời gian vũ trụ vô cùng tận nhưng trong cách thể hiện vấn đề triết học đó chừng như vẫn chứa đựng giọng điệu cảm thương, tâm trạng nuối tiếc, một chút băn khoăn, day dứt, một khoảnh khắc hồi tưởng, chiêm nghiệm quá khứ trước lúc nhà sư nhắm mắt lia đời:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Nhậm vận thịnh suy vô bố uý Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

(Tấm thân con người như ánh chớp, có rồi không - Cây cối mùa xuân xanh tươi nhưng mùa thu lại khô héo - Đừng sợ hãi chuyện thịnh suy của cuộc đời - Thịnh suy chỉ là giọt sương treo trên đầu ngọn cỏ).

Khi bàn về mối quan hệ giữa thơ ca với các nghi thức Phật giáo trong thời kỳ đầu của văn chương cổ điển Việt Nam, tác giả Niculin đã nhận xét xác đáng rằng “Nhiều bài kệ có

33

nét đặc trưng là toát lên một tâm trạng trong sáng, có dấu ấn một cách hiểu tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và sự suy ngẫm bản chất cõi hư vô và cõi thực” nhưng dù sao “đây vẫn chưa phải là thơ trữ tình với ý nghĩa đúng của nó” [100, tr. 33 và 34]. Rõ ràng, trong đa số các bài “tứ cú kệ” thời kỳ này, tính chất triết học vẫn chiếm ưu thế. Chúng gần với kệ hơn với thơ bởi việc thực hành các chức năng ngoài văn học vẫn là mục đích chủ yếu. Yếu tố “trữ tình thiền” chưa thực sự đậm nét hoặc chỉ được thể hiện rõ trong một số ít các bài thơ có khuynh hướng không xem thiên nhiên đơn giản là một phương tiện cụ thể hoá các vấn đề triết học mà “Ngư nhàn” là một ví dụ tiêu biểu.

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)