6. Kết cấu của luận án
2.2.2. Khuynh hướng trữ tình trong thơ tứ tuyệt viết về đời sống thế tục thế kỷ XII I-
XIII - XIV
Trong các tập thơ thời Trần, mảng thơ trữ tình viết về đời sống thế tục ngày càng chiếm ưu thế và điều này thể hiện rõ xu hướng chung của thơ ca cổ điển Việt Nam trong quá trình cố gắng xác định một ranh giới tương đối giữa thơ trữ tình với thơ ca thực hiện những chức năng ngoài văn học. Nội dung miêu tả cảnh thiên nhiên hay đề cập đến những mảng hiện thực đời sống đa diện và thế giới tâm tư tình cảm phong phú của nhà thơ được chú ý khai thác. Thơ ngày một gần gũi với cuộc sống nên thực hơn, đẹp hơn và đặc biệt là chan chứa suy tư, cảm xúc. Thơ tứ tuyệt thế kỷ XIII - XIV không nằm ngoài xu hướng đó.
Sự chi phối của cái nhìn Thiền học là không tránh khỏi khi ông vua Trần Nhân Tông miêu tả khung cảnh huyễn ảo nhàn nhạt màu khói, nửa có nửa không bao trùm vùng đồng
37
quê Thiên Trường trong một buổi chiều hư không, tịch mịch (Thiên Trường vãn vọng). Tuy nhiên, đã có sự chuyển hướng rõ rệt khi thơ tứ tuyệt thời kỳ này bắt đầu quan tâm miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống thế tục với tư cách một đối tượng thẩm mỹ có khả năng kích thích sự trào dâng mạnh mẽ nguồn cảm hứng thi ca. Trong “Xuân hiểu”, cảm xúc tinh tế của ông vua thi sĩ Trần Nhân Tông trước vẻ đẹp đất trời một sớm xuân được khơi gợi từ hình ảnh đôi cánh bướm chấp chới giữa khu vườn đầy hoa:
“ Thụy khởi khải song phi Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp Phách phách sấn hoa phi”
(Ngủ dậy nhìn ra ngoài song cửa - Không biết xuân đã về - Một đôi bướm trắng - Phấp phới bay sấn đến bên hoa)
Vài tiếng sáo thuyền câu văng vẳng trong lau sậy, ánh trăng rơi giữa lòng sóng trong bài thơ “Phiếm chu” của Huyền Quang mở ra khung cảnh nên thơ, khoáng đạt, gợi nhớ sức biểu cảm và tính tượng hình độc đáo của Đường thi:
“Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang Sơn thanh thủy lục hựu thu quang
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương”
(Thuyền con thuận gió lênh đênh mặt nước mênh mông - Non xanh nước biếc lại có trăng thu sáng - Vài tiếng sáo thuyền câu ngoài rặng hoa lau - Trăng lặn dưới lòng sóng, sông đầy sương).
Các hình ảnh thiên nhiên không chỉ khơi gợi cảm xúc mà còn hàm chứa ngụ ý tinh tế về tâm sự riêng tư, một điều gì đó mà nhà thơ mãi ân hận, day dứt nhưng không thể nói rõ. Bài tứ tuyệt “Dạ vũ” của Trần Minh Tông cho biết rằng ông vua thi sĩ này thường mất ngủ trong những đêm mưa qua tiếng chuối điểm canh khắc khoải và ngọn đèn thao thức đến tận
38
bình minh. Hình như, nhà vua bị ám ảnh bởi hồi ức về một sai lầm không thể sửa chữa được: Ông đã tử hình một người vô tội trong hoàng tộc:
“Thu khí hoà đăng thất thự minh Bích tiêu song ngoại độ tàn canh Tự tri tam thập niên tiền thác Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh”
(Hơi thu đèn rạng buổi bình minh - Ngoài cửa thâu đêm chuối điểm canh - Tự biết sai lầm ba mươi năm trước - Giờ đành ôm sầu ngồi nghe mưa rơi)
Trong thơ tứ tuyệt Nguyễn Trung Ngạn, bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, gần gũi với cuộc sống thế tục thường hàm chứa những cảm xúc về quê hương đất nước rất đằm thắm, chân thành. Có lẽ chuyến đi sứ đã giúp vị Thượng thư triều Trần Anh Tông này thấm thía nỗi buồn tha hương nên những bài tứ tuyệt nổi tiếng của ông như “Quy hứng”, “Dạ bạc Kim Lăng thành”,... đều ẩn chứa tâm trạng nhớ quê hương da diết:
“Lão tang diệp lạc tàm phương tận Tảo đạo hoa hương giải chính phì Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam tuy lạc bất như quy” (Quy hứng)
(Dâu già lá rụng, tằm vừa chín - Lúa sớm nở hoa thơm, cua đang lúc béo - Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt - Giang Nam tuy vui thú nhưng chẳng bằng về nhà).
Tiếng mưa đêm trên sông Hoàng Giang (Hoàng Giang dạ vũ) gợi nhắc khát vọng tang bồng hồ hải giờ đã thành một nỗi đau nhức nhối trong tâm hồn nhà thơ Nguyễn Phi Khanh, người đỗ đến Nhị giáp tiến sĩ đời Trần Duệ Tông nhưng không được tuyển dụng làm quan:
Liễu phố tam thu vũ Quân bồng bán dạ thanh
39
Cô đăng minh hựu diệt Hồ hải thập niên tình”
(Bên bãi sông mưa thu rả rích - Nửa đêm nghe tiếng mùa rơi trên mui thuyền -Ngọn đèn cô độc sáng rồi lại tắt - Bồi hồi vì tấm lòng hồ hải trong chục năm trời)
Tứ tuyệt đời Trần còn ghi nhận những khoảnh khắc xao động trong tâm hồn con người thông qua lăng kính cảm xúc chủ quan của nhà thơ. Bài thơ “Khuê oán” của Trần Nhân Tông là một ví dụ cho cách nhà thơ sử dụng các hình ảnh thiên nhiên như chiếc chìa khoá mở cánh cửa bước vào thế giới tâm trạng chất chứa nỗi oán hận âm thầm của người cung nữ. Không có dấu hiệu ngôn ngữ nào chỉ rõ tâm trạng chủ thể. Chỉ có những đoá hồng lặng lẽ rụng, ánh mặt trời lặn ở phương Tây, gió đông, không gian quạnh quẽ bặt tiếng chim hót,... bức tranh thiên nhiên vô tình gợi cảm xúc buồn thương cho thân phận người cung nữ:
“Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng Hoàng ly bất ngữ oán đông phong Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông”
(Ngủ dậy, cuốn rèm nhìn hồng rụng - Chim hoàng ly không hót, oán gió đông - Hờ hững mặt trời lặn phía lầu tây - Bóng hoa đều hướng về phía đông).
Cảm hứng thế sự cũng chi phối cái nhìn của các nhà thơ đối với hiện thực cuộc sống, nhất là vào lúc triều đại nhà Trần đi qua giai đoạn hoàng kim. Nửa cuối thế kỷ XIV, khuynh hướng cảm khái thời thế dần thể hiện rõ trong những bài thơ hàm ý phê phán triều đình phong kiến và bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống khốn khó của nhân dân. Chẳng hạn, “Đề Đường Minh Hoàng dục mã đồ” của Chu Đường Anh, một nhà thơ sống ở giai đoạn cuối Trần, nhằm vào mục đích mỉa mai những ông vua không biết quan tâm đến dân đen:
“Ngọc Hoa dạ chiếu tuyệt quyền kỳ Dục bãi khiên lai cận xích trì
40
Nhược sử ái nhân như ái mã
Thương sinh hà chí hữu thương di”
(Ngựa Ngọc Hoa đêm chiếu sáng chạy giỏi tuyệt vời - Tắm xong dắt đến gần thềm son - Nếu vua yêu người như yêu ngựa - Thì dân đen đâu đến nỗi lầm than)
Nhà quý tộc Trần Nguyên Đán cũng không giấu được xúc động trước tình cảnh thiên tai đe dọa cuộc sống nhân dân. Bài thơ “Nhâm dần lục nguyệt tác” của ông chan chứa nỗi buồn thương vì bất lực:
“Niên lai hạ hạn hựu thu lâm
Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm Tam vạn quyển thư vô dụng xứ
Bạch đầu không phụ ái dân tâm”
(Mấy năm liền hè hạn hán, thu lụt lội - Lúa khô mạ hỏng, tổn hại rất nhiều - Đọc ba vạn cuốn sách cũng thành vô dụng - Đầu bạc luống phụ lòng yêu dân).
Trong “Kiến văn tiểu lục” [29, tr. 171], Lê Quý Đôn kể: Khi đi sứ, ông đã từng cải chính sự đánh giá sai lầm của những nhà trí thức Trung Quốc về truyền thống văn hiến lâu đời của người Việt Nam bằng việc đưa cho Chu Bội Liên, tổng đốc Quảng Tây, cuốn “Trích diễm thi tập” do Hoàng Đức Lương biên soạn năm 1479 để chứng minh rằng “Triều nhà Trần đã có nhiều văn học thi chương”. “Trích diễm thi tập” đã mai một “mười phần chỉ còn lại một hai phần” nhưng cũng giúp Lê Quý Đôn có cơ sở để ca ngợi: “Thơ văn đĩnh đạc, cao siêu của tiền bối về triều nhà Trần và hồi Lê sơ.” là “văn vật phồn thịnh, trứ tác phong phú” [29, tr. 208]. Phạm Đình Hổ cũng nói rõ thái độ ngưỡng mộ đối với giai đoạn được xem là mẫu mực trong thơ ca cổ điển Việt Nam: “Thơ đời Trần tinh vi, trong trẻo, có cái sở trường tột bậc của thơ đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa”. Khi phê bình thơ một số tác giả thời Lê Trung Hưng, ông còn cho rằng: “Thi học đến đời ấy đã trung hưng lên được nhưng so với các thi gia đời Lý, đời Trần thì cũng chưa thể sánh bằng” [45, tr. 181]...
Kiến thức quảng bác của các học giả trên giúp chúng ta xác nhận những thành tựu rực rỡ của thơ ca Việt Nam thế kỷ XIII - XIV và tất nhiên trong đó có cả những thành tựu của
41
thơ tứ tuyệt, một thể thơ được các tác giả giai đoạn này đặc biệt chú ý. Bằng chứng là tứ tuyệt được sử dụng với tỷ lệ khá cao và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực đời sống, từ cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại đến cuộc sống tu hành, ẩn dật hay cuộc sống bình dị nơi làng quê. Nó không chỉ đảm nhiệm chức năng thể hiện những vấn đề lớn lao của dân tộc hay những vấn đề uyên áo của triết học Thiền tông mà còn đặc biệt hướng tới việc thể hiện chất trữ tình sâu lắng khi miêu tả thiên nhiên trong mối quan hệ với đời sống nội tâm phong phú của con người, xét cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật, có thể nói đây là thời kỳ in đậm dấu ấn những thành tựu nghệ thuật của tứ tuyệt cổ điển Việt Nam