Ảnh hưởng của các yếu tố truyền thống đối với sự phát triển của thơ tứ tuyệt thế

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 41)

6. Kết cấu của luận án

2.3. Ảnh hưởng của các yếu tố truyền thống đối với sự phát triển của thơ tứ tuyệt thế

tuyệt thế kỷ XV.

Qua “Kim Hoa thi thoại truyện” (Truyền kỳ mạn lục), Nguyễn Dữ cho biết rằng: “Từ khi triều Lê dựng nghiệp, thi sĩ có đến hơn trăm nhà”[24, tr. 428], trong đó nổi bật nhiều tên tuổi như Lý Tử Tấn (Chuyết Am), Nguyễn Mộng Tuân (Cúc Pha), Nguyễn Trãi (Ức Trai), Nguyễn Trực (Vu Liêu), Đàm Thận Huy (Mặc Trai), Sái Thuận (Lã Đường),... 37 thi tập của các danh sĩ đời Lê được Phan Huy Chú giới thiệu trong “Văn tịch chí” cũng phác hoạ được cái nhìn bao quát về các gương mặt thi ca quan trọng trong đó, lực lượng sáng tác thời Hồng Đức là hết sức hùng hậu.

Tỷ lệ sử dụng các bài thơ tứ tuyệt có giảm sút đáng kể nhưng rõ ràng là thể thơ ngắn gọn này vẫn được chú ý trong sáng tác thơ ca thế kỷ XV. Bằng chứng là nhà khảo cứu Phan Huy Chú đã nhắc đến thi tập “Cổ tâm bách vịnh” gồm 10 quyển, “đều làm theo thể ngũ ngôn tuyệt cú” của Lê Thánh Tông ngự chế với nội dung “họa thơ vịnh sử của Minh nho là Tiền Tử Mỹ”[16, tr. 70]. Trong “Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông” [38], số lượng các bài tứ tuyệt được tuyển chọn, giới thiệu cũng khá lớn: 83 bài trong tổng số 207 bài thơ, chiếm tỷ lệ khoảng 40%.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là một vài trường hợp hãn hữu còn về tổng thể, bát cú mới là thể thơ được ưa chuộng ở thời kỳ này. Trong “Ức Trai thi tập” [135], số bài thơ tứ tuyệt được sử dụng khá khiêm tốn: 12 bài trong tổng số 105 bài thơ chữ Hán. Trong “Quốc âm thi tập” [135], tình hình cũng không khác mấy: 45 bài tứ tuyệt trong tổng số 254 bài thơ Nôm. Trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”, số lượng bài thơ tứ tuyệt càng thấp: 11 bài trong tổng số 328 bài thơ Nôm [86]. Số lượng tuy hạn chế nhưng thể thơ ngắn gọn này vẫn được người

42

biên soạn “Văn tịch chí” đánh giá cao. Trong phần giới thiệu thơ ca thế kỷ XV, Phan Huy Chú đã giới thiệu đến l9 bài tứ tuyệt đặc sắc để khen tặng trong tổng số 28 bài thơ được dẫn. Trong xu hướng phục hưng văn hoá Đại Việt, thơ ca Thịnh Lê một mặt vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ truyền thống thi ca Trung Quốc còn mặt khác, quan trọng hơn, là cố gắng khôi phục, kế thừa truyền thống thi chương Lý Trần và tích cực khai thác nguồn thi liệu, ngôn ngữ văn học dân gian. Các học giả thế kỷ XV mà tiêu biểu là nhà tư tưởng, nhà văn Nguyễn Trãi, đặc biệt quan tâm đến nhu cầu thúc đẩy sự phát triển của dòng văn học chữ Nôm vốn đã manh nha từ đời Trần trong mục đích rất đáng trân trọng là cố gắng xây dựng một nền thi chương giàu bản sắc dân tộc. Sự phức hợp các yếu tố truyền thống này trong văn chương thế kỷ XV phản ánh bức tranh sinh động về sức trỗi dậy mạnh mẽ của một nền văn học sau cuộc chiến giành lại chủ quyền đất nước từ tay người phương Bắc.

Một phần của tài liệu thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)