7. Cấu trúc của luận văn
1.5.3. Quan hệ Ấn Độ-ASEAN từ năm 1967 đến năm 1991
Khác với giai đoạn trước, môi trường chính trị của khu vực và quốc tế đều không thuận lợi cho việc triển khai chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với các nước Đông Nam Á.
Trước hết, đó là diễn biến xấu đi của mối quan hệ Ấn - Trung, và đặc biệt là quan hệ Ấn - Pakixtan trở nên gay gắt. Vì vậy, việc Ấn Độ quá chú trọng đến yếu tố Pakixtan trong chính sách đối ngoại đã làm cho Ấn Độ " không thấy được nhu cầu cấp bách phải xây dựng các mối quan hệ dựa trên lợi ích của mình với các nước láng giềng hay các nước xung quanh khác, trong đó có khu vực Đông Nam Á" [ 5; tr238 ].
Năm 1954, Thái Lan và Philippin đã tham gia một tổ chức chống cộng do Mỹ bảo trợ, đó là tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á ( khối SEATO). Đến năm 1967, 5 nước Đông Nam Á gồm Inđônêxia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippin đã tập hợp nhau lại trong một tổ chức có tên gọi là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN). Thái độ của Ấn Độ đối với ASEAN trong thời kì đầu sau khi tổ chức này được thành lập năm 1967, được nhận xét là mang tính chất "nước đôi". ASEAN ra đời vào đúng lúc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ở Việt Nam, và 5 nước thành viên tuy có mức độ khác nhau song đều hướng về phương Tây. Định hướng phương Tây của ASEAN và vai trò của Philippin và Thái Lan trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai làm cho Ấn Độ tự xa cách với ASEAN bởi vì Ấn Độ đang tích cực ủng hộ nhân dân ba nước Đông Dương trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Thủ tướng J.Nehru trong hội nghị các đại sứ Ấn Độ khi được gợi ý là Ấn Độ nên quan tâm hơn nữa đến các nước Đông Nam Á đã trả lời rằng: " Sao, các ông muốn tôi kết bạn với những nước côca-côla đó ư?" [ 5; tr239 ]. Vào cuối những năm 1960, Ấn Độ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác với ASEAN. Singapore đã đề nghị Ấn Độ giúp đỡ xây dựng quân đội với sự tin tưởng rằng một khi hai nước láng giềng gần gũi là Malaysia và Inđônêxia có quan hệ gần gũi với Ấn Độ thì việc quân đội Singapore được một nước không liên kết, thân thiện như Ấn Độ đào tạo, giúp đỡ sẽ là thích hợp. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được Ấn Độ đáp ứng một cách thiện chí. Ngoài ra, sau khi giành được độc lập, bắt đầu xây dựng đất nước, Singapo cũng đã hy vọng Ấn Độ có thể giúp đỡ xây dựng cảng và các điều kiện khác liên quan đến
lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển. Nhưng Ấn Độ lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội có mặt trong khu vực. [ 59]
Từ giữa thập niên 60, vào lúc công cuộc xây dựng quan hệ hợp tác giữa các nước Đông Nam Á đang được xúc tiến mạnh, các nước trong vùng cũng chú ý hơn đến đường lối đối ngoại trung lập với mục tiêu không để bị cuốn vào quan hệ Đông - Tây hầu tránh khỏi những tác động tiêu cực của Chiến tranh lạnh. Ngày 27/11/1971, tại Kuala Lumpur, bộ trưởng ngoại giao 4 nước Singapore, Inđônêxia, Malaysia, Philippin và đặc phái viên của Hội đồng hành pháp quốc gia Thái Lan đã kí vào Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập ( còn gọi là Tuyên bố ZOPFAN). Với việc chấp nhận Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập vào tháng 11 năm 1971, Ấn Độ có thể tìm được những lợi ích chung với ASEAN. Trong nhận thức của Ấn Độ, ZOPFAN đại diện cho tất cả, và chấp nhận ZOPFAN cũng có nghĩa là Ấn Độ ủng hộ các nguyên tắc không liên kết, và xóa bỏ các ảnh hưởng từ bên ngoài để tiến tới một khu vực hòa bình ở Đông Nam Á. Năm 1973, Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia, Adam Malik đến thăm New Đêlhi. Trong chuyến thăm này, Ấn Độ lần đầu tiên bày tỏ quan điểm rõ ràng hoan nghênh sáng kiến của ASEAN. Tuy nhiên, Hiệp định Ấn Độ - Liên Xô, lập trường không rõ ràng " vừa yêu vừa ghét" của Ấn Độ đối với cuộc can thiệp của Liên Xô vào Apganixtan và đặc biệt là quyết định công nhận chính phủ Heng Samrin vào tháng 7 năm 1981 - tất cả lại dẫn đến sự xa lánh giữa Ấn Độ và ASEAN và " năm 1980 -1984 là giai đoạn băng giá nhất trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN" [ 60 ]. Năm 1979, quân đội Việt Nam tiến vào Cămpuchia với mục đích là giúp đỡ nhân dân Cămpuchia chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt và xây dựng đất nước. Ngay lập tức vấn đề Cămpuchia xuất hiện và trở thành nguyên nhân làm cho quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN xấu đi một cách trông thấy. Mặc dù đứng trước nhiều sức ép, nhưng cuối cùng vào ngày 7/7/1980, chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng công nhận chính phủ Cămpuchia do Việt Nam hậu thuẫn và tìm mọi cách hạn chế sự phản đối của các nước đối với hành động của Việt Nam. Sau đó, Ấn Độ tỏ rõ quan điểm kiên quyết bảo vệ Chính phủ CHND Cămpuchia. Ấn Độ khẳng định sự hợp pháp của Chính phủ nước CHND Cămpuchia, đòi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế trao vị trí của Cămpuchia ở các tổ chức đó cho
chính phủ CHND Cămpuchia, đồng thời tố cáo những thế lực dung dưỡng, ủng hộ Pôn Pốt...
Với việc Việt Nam đưa quân đội vào Cămpuchia, trong khi có nhiều nước trong khu vực và trên thế giới lên án, coi đó là hành động " xâm lược" thì Ấn Độ ủng hộ hành động đó và cho rằng đó là hành động chính nghĩa, là cần thiết để ngăn chặn sự phục hồi của chế độ diệt chủng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân. Thủ tướng I.Ganđi đã từng nói: " Sự có mặt của quân đội Việt Nam ở Cămpuchia là sự giúp đỡ bạn bè khi họ lâm vào thảm họa" [ 24 ]. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng hành động Việt Nam đưa quân vào Cămpuchia sẽ tạo nên một tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế nằm ngoài Hiến chương Liên Hợp Quốc. [ 30] . Sự bất đồng đó đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa các nước ASEAN và Ấn Độ trở nên "băng giá". Tháng 3 năm 1983, Thủ tướng Lý Quang Diệu từ chối không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Phong trào không liên kết tại New Delhi vì ông cho rằng: " Trong nỗ lực đạt tới đoàn kết thực sự, Phong trào Không liên kết không thể thờ ơ với những vi phạm gần đây đối với những nguyên lí căn bản bảo vệ độc lập, toàn vẹn và chủ quyền quốc gia, nhất là khi liên quan đến những thành viên của Phong trào". [ 30 ]. Ngày 26/12/1982, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã nói rõ quan điểm của Malaysia: " Sự khác biệt giữa Malaysia với Ấn Độ về vấn đề Cămpuchia là trở ngại chủ yếu trong quan hệ không được nồng ấm giữa hai nước" [ 5; tr239 ]. ASEAN đã phớt lờ lời yêu cầu của Ấn Độ "muốn tham gia với tư cách quan sát viên hội nghị ngoại trưởng mở rộng năm nay" [ 50 ]. Với ý đồ muốn trở thành người lãnh đạo lãnh tụ phong trào không liên kết, Ấn Độ coi trọng ASEAN, nhưng trừ Inđônêxia là nguồn cung cấp dầu lửa, quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ với các nước ASEAN vẫn chưa nhiều.
Trong những năm 70, thương mại Ấn Độ - ASEAN tăng nhanh chóng nhưng vẫn dàn trải, không có trọng điểm. Trao đổi mậu dịch của Ấn Độ với các nước ASEAN vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ: chiếm 1,5% tổng xuất khẩu và 0,39% tổng nhập khẩu năm 1970 - 1971 ( giá trị tính theo rupi). Đến năm 1978-1979 giá trị trên đã tăng tương ứng là 4,2% và 5,2%. [ 41 ]
Lúc bấy giờ, các nước công nghiệp phát triển nói chung, Mỹ và Nhật Bản nói riêng đang tiếp tục theo đuổi chính sách kinh tế thực dụng, tự cho mình là
trung tâm trong thời gian tới. Do đó, cả ASEAN lẫn Ấn Độ cho rằng đều không hy vọng được nhiều từ phía các nước công nghiệp này. Sự phát triển đi đôi với duy trì cán cân thương mại, cán cân thanh toán và sự thâm thủng ngân sách trong nhiều nước ASEAN cũng như Nam Á càng tăng thêm tính cấp thiết để các nước này mở rộng quan hệ kinh tế với nhau.
Tuy nhiên, bước sang thập kỉ 80 thì tình hình không được lạc quan như vậy. Nguyên nhân thuộc về cả hai phía. Một mặt, do sự mở cửa chưa đầy đủ của nền kinh tế Ấn Độ cùng với lối bảo thủ hướng nội trong hợp tác. Mặt khác, do sự tăng cường liên kết kinh tế giữa ASEAN với Nhật, với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế ( OECD) và do cả sự không quan tâm của ASEAN tới Nam Á nói chung và Ấn Độ nói riêng.
Trong những năm tháng đầu tiên sau khi ASEAN thành lập, Ấn Độ cũng chủ động tìm kiếm thị trường hợp tác, mở rộng giao lưu với ASEAN. Tuy nhiên, giữa hai bên đã xuất hiện những bất đồng khó giải quyết. Đó là việc Ấn Độ chủ yếu nhấn mạnh hợp tác an ninh khu vực với ASEAN, còn mong muốn ban đầu của ASEAN khi phát triển mối quan hệ với Ấn Độ là nhằm thúc đẩy hợp tác về kinh tế, xã hội, văn hóa. Mặt khác, về kinh tế, Ấn Độ áp dụng cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, thực hiện chính sách đóng cửa hơn bốn thập kỉ. Nền kinh tế mang tính tự cấp, tự túc, và hướng nội. Tình hình đó đưa đến hậu quả là kinh tế phát triển chậm, thiếu năng động, chậm đổi mới thiết bị máy móc, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Do đó không thu hút được đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu bị hạn chế. Các nhà doanh nghiệp quen với môi trường kinh doanh độc quyền trong nước, co mình trong cái vỏ bọc của chính sách bảo hộ nhà nước. Cho nên, có thể nói, mặc dù Ấn Độ là một nước lớn nhưng chưa phải là một thị trường hấp dẫn đối với Đông Nam Á. Còn đối với ASEAN thì ASEAN muốn đi tìm các đối tác khác hơn là với Ấn Độ.
Như vậy là sau khoảng một thập kỉ phát triển tốt đẹp, kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập, trong suốt ba thập kỉ tiếp theo, quan hệ Ấn Độ - ASEAN trải qua giai đoạn buồn tẻ khi nó bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi các yếu tố bên ngoài, đó là bầu không khí căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh, sự chi phối lưỡng cực tạo nên sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa Ấn Độ và ASEAN. Và sau khi Chiến tranh
lạnh chấm dứt, thì cả hai bên đều nhận thấy cần phải thay đổi khi thời cơ đến cho kỉ nguyên hợp tác, cùng tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau.