Sơ lược về quan hệ Ấn Độ Việt Nam trước thế kỉ XXI

Một phần của tài liệu quan hệ ấn độ asean trong thập niên đầu của thế kỉ xxi (Trang 103)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Sơ lược về quan hệ Ấn Độ Việt Nam trước thế kỉ XXI

Trong nền chính trị quốc tế, quan hệ song phương giữa các quốc gia được quy định bởi nhiều yếu tố: vị trí địa lí, yếu tố lịch sử, sự tương đồng về văn hóa, xã hội, những tương đồng về quan điểm chính trị, kinh tế, những tư tưởng về xây dựng đất nước...Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam là một ví dụ điển hình của mối quan hệ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài nhiều hơn là bởi lợi ích quốc gia của 2 nước. Quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ vốn có truyền thống lịch sử lâu đời và qua thử thách của thời gian ngày càng phát triển tốt đẹp, có thể coi là mối quan hệ hữu nghị điển hình trong quan hệ quốc tế ngày nay.

Ngay từ những thế kỉ đầu Công nguyên, cả ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam đã diễn ra sự giao lưu và tiếp xúc với nền văn hóa Ấn Độ. Sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam khác với ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trước hết là do yếu tố chính trị và chủ trương Hán hóa của nước này. Ngược lại, các ảnh hưởng của Ấn Độ xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á bằng con đường hòa bình kết hợp với nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cư dân Việt, văn hóa Ấn Độ đã trở thành một bộ phận khó tách rời và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam. Mối liên hệ lâu đời và bền chặt này là cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước sau này.

Trong thời cận đại, Ấn Độ và Việt Nam đều là nạn nhân của sự xâm lược phương Tây và chịu ách nô dịch thực dân. Nhân dân hai nước đã đứng lên đấu tranh kiên trì, gian khổ để chống xâm lược, giành độc lập dân tộc. Trong khi Ấn Độ giành được tự do bằng phong trào đấu tranh phi bạo lực, thì Việt Nam trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu từ năm 1945 đến 1954 chống lại xâm lược của thực dân Pháp. Hoàn cảnh lịch sử đó làm tăng thêm sự đồng cảm lẫn nhau trong đấu tranh.

Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Việt Nam như Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru và Hồ Chí Minh đã có quan hệ gần gũi và đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương của tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau và chính nhờ sáng kiến của các nhà lãnh đạo

không liên kết mà Ấn Độ và Việt Nam đã trở thành những người anh em thân thiết nhất. Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam cả về chính trị lẫn tinh thần trong suốt cuộc đấu tranh chống Pháp và Mĩ. Về mặt quan điểm, Ấn Độ cho rằng cuộc đấu tranh của các nước Đông Dương về bản chất là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải pháp tốt nhất là thực hiện bằng đàm phán ngoại giao giữa Pháp và các nước Đông Dương. Do vậy, ngoại giao của Ấn Độ chủ yếu nhằm vào việc xóa bỏ tất cả các ảnh hưởng bên ngoài từ các nước Đông Dương và bảo đảm rằng nền độc lập và trung lập của Việt Nam, Lào, Cămpuchia được đảm bảo bởi các cường quốc là Mĩ và Trung Quốc.

Tháng 1/1947, trong thư gửi nhân dân Pháp, Thủ tướng G.Nêru viết: "Trái tim chúng tôi bên cạnh nhân dân Đông Dương. Việc Pháp định đè bẹp ý chí tự do của nhân dân Đông Dương đã gây xúc động sâu sắc đến nhân dân Ấn Độ" [ 10, tr 314]. Tiếp theo cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Nam phải phát động cuộc chiến tranh ác liệt để thống nhất đất nước mà kết thúc là chiến thắng vang dội năm 1975.

Tuy nhiên, hai nước còn tiếp tục đối đầu với sự bành trướng Trung Quốc, trong đó Ấn Độ vào năm 1962, Việt Nam vào năm 1979. Kể từ năm 1975 tới nay, Việt Nam tập trung mọi nỗ lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển đất nước trên 80 triệu dân. Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN vào năm 1995 và bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thương mại với Mỹ vào năm 1995. Việt Nam có những bước dài hướng tới nền kinh tế thị trường tự do.

Mặc dù gặp không ít sức ép quốc tế, Chính phủ Ấn Độ vẫn quyết định đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ tháng 2/1956 ở cấp Lãnh sự, trong hoàn cảnh Việt Nam tạm thời bị chia cắt. Tiếp theo quan hệ ngoại giao này, việc hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật bắt đầu được mở ra. Theo đó, các hợp đồng mua bán cũng được triển khai và đã đạt một số kết quả cụ thể. Tuy vậy, quan hệ kinh tế giữa hai nước trước năm 1991 chỉ tập trung vào các mối quan hệ viện trợ không hoàn lại và viện trợ phát triển chính thức mà Ấn Độ dành cho nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

Bắt đầu từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế từ năm 1986 và đặc biệt là khi Ấn Độ thực hiện chính sách hướng Đông thì mối quan hệ kinh

tế hai nước bước sang trang mặc dù nó chưa được phát triển như quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ đánh giá cao Việt Nam đối với việc tích cực ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại đầy đủ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như việc Ấn Độ tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM),...

Trải qua những thăng trầm, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng gắn bó trong bối cảnh tình hình quốc tế đang thay đổi. Bước vào thế kỉ XXI, Ấn Độ và Việt Nam mong muốn nâng sự hợp tác lên tầm cao mới để đối phó với những thách thức to lớn hơn đang nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và những thách thức quan trọng đối với hệ thống quốc tế.

Một phần của tài liệu quan hệ ấn độ asean trong thập niên đầu của thế kỉ xxi (Trang 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)