Chính sách hướng Đông của Ấn Độ

Một phần của tài liệu quan hệ ấn độ asean trong thập niên đầu của thế kỉ xxi (Trang 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4. Chính sách hướng Đông của Ấn Độ

Vào đầu những năm 1990, dưới thời thủ tướng Narasimha Rao, Ấn Độ bắt đầu đề xuất "chính sách Hướng Đông" ( LEP). Mặc dù vậy, đến giữa những năm 1990, chính sách này mới được triển khai. Một bộ phận trong giới học giả Ấn Độ cho rằng " chính sách hướng Đông của Ấn Độ chỉ là quan hệ của Ấn Độ với Đông Nam Á ( hay ASEAN) [ 46 ]. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng phạm vi của chính sách hướng Đông là khu vực Đông Nam Á hay ASEAN là không nhiều. "Các học giả chuyên nghiên cứu về quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á như Baladas Ghosal, Alka Acharya, Man Mohini Kaul, Amitabh Mattoo, Swaran Singh, G.V.C. Naidu đều khẳng định rằng phạm vi của chính sách hướng Đông là Đông và Đông Nam Á, hoặc là châu Á - Thái Bình Dương, hoặc là Đông Nam và châu Á - Thái Bình Dương"[ 46 ]. Còn các nhà chính trị, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ đều có một điểm chung là coi phạm vi của chính sách hướng Đông vượt qua khuôn khổ của khu vực Đông Nam Á. Năm 2003, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Kanwal Sial khẳng định " chính sách hướng Đông của Ấn Độ không chỉ hạn chế ở mười nước ASEAN mà đã mở rộng tới cả khu vực Đông Bắc Á - Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc". [ 46 ]. Tuy nhiên, Đông Nam Á

và Đông Bắc Á vẫn chưa phải là mục tiêu cuối cùng của chính sách hướng Đông. Ấn Độ đã hướng tới một không gian rộng lớn hơn ". Mục tiêu chính của chính sách hướng Đông khi mới hình thành đầu những năm 1990 là tăng cường quan hệ với ASEAN. Chính sách này dần được mở rộng ra các khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương, tạo thuận lợi cho Ấn Độ có các mối liên kết gần gũi hơn với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, New Dilân, Fiji, Papua New Guinea và các quốc đảo ở Thái Bình Dương." [ 46 ]. Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 9 diễn ra tại thủ đô New Đêlhi mới đây, Ngoại trưởng Ấn Độ P. Mukherjee khẳng định Đông Nam Á là điểm khởi đầu trong chính sách " Hướng Đông" của Ấn Độ.

Chính sách hướng Đông được chính phủ Ấn Độ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu bắt đầu từ đầu những năm 1990 đến năm 2002 với mục tiêu tập trung vào ASEAN và hướng chủ yếu vào các mối liên kết thương mại và đầu tư, chính sách này được thực hiện trong giai đoạn đầu để làm sống lại mối quan hệ kinh tế với Đông Nam Á, chuyển hướng thương mại từ các đối tác thương mại chính của Ấn Độ trước đây ở Bắc Mỹ và châu Âu sang các đối tác thương mại ở phía Đông và Đông Nam Á. Giai đoạn 2 là từ năm 2002 đến nay, với phạm vi mở rộng về hướng Đông, mở rộng từ Ôxtrâylia tới Đông Á với ASEAN là trọng tâm của chính sách này. Có nhiều nguyên nhân khiến Đông Nam Á trở thành khu vực được Ấn Độ quan tâm đặc biệt từ thập kỉ 90 trở đi, như sự thay đổi của môi trường quốc tế, sự gần gũi về mặt địa lí... Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất ở đây là nếu hòa nhập được với các nước ASEAN, Ấn Độ sẽ có điều kiện tốt hơn để gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực rộng lớn hơn như APEC, ASEM và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn 2, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN được mở rộng, phát triển về chiều sâu. Theo như ngoại trưởng Sinha trình bày tại Harvard, giai đoạn 2 được đánh dấu bởi "những thỏa thuận nhằm đi tới những hiệp ước thương mại tự do và việc thiết lập các mối liên hệ kinh tế mang tính định chế giữa các nước trong khu vực và Ấn Độ" [ 82 ]

Cũng theo ông Sinha, sang giai đoạn 2 có xu hướng rời khỏi những trọng điểm riêng biệt về các vấn đề kinh tế trong giai đoạn 1 sang một chương trình nghị sự rộng lớn hơn, bao gồm cả những hợp tác về an ninh trong đó có khả năng

các nguồn lực cho cuộc chiến tranh chống khủng bố. Các cuộc tiếp xúc quân sự và các cuộc tập trận chung mà Ấn Độ tiến hành với các nước ASEAN ở mức độ thấp hồi đầu những năm 90 giờ đây được nâng lên ở mức hợp tác quốc phòng toàn diện. Ấn Độ cũng đi vào các thỏa thuận để tàu hải quân của họ có thể thường xuyên ra vào các cảng ở Đông Nam Á. Các tiếp xúc quốc phòng của Ấn Độ cũng được mở rộng ra với cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, việc thiết lập các mối liên hệ đường bộ và đường không với Đông và Đông Nam Á giờ đây đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong giai đoạn 2 của chính sách này. Theo Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng của Ấn Độ " nếu năm 1991 đánh dấu một bước ngoặt cho sự khởi đầu của một đối tác kinh tế chặt chẽ với việc thực thi một chính sách " Hướng Đông", thì năm 2001 đánh dấu sự phát triển chín muồi của mối quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á trong lĩnh vực chiến lược và quốc phòng" [ 87 ]

Nhìn chung, bước sang thế kỷ mới và trên cơ sở phục hồi kinh tế cũng như thu được thành công trong thử nghiệm hạt nhân, Ấn Độ đã khởi động mục tiêu " trỗi dậy của nước lớn", tăng cường việc tiến sang phía Đông. Giai đoạn hai của chính sách hướng Đông đại thể xuất hiện ba đặc điểm như sau:

Một là mở rộng phạm vi từ Đông Nam Á tới cả khu vực Đông Á. Ấn Độ đã lần lượt thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và Hàn Quốc; phát triển vững chắc quan hệ ngoại giao với Mông Cổ, không những đưa Mông Cổ vào danh sách nước trọng điểm nhận viện trợ, mà còn tích cực phát triển hợp tác quốc phòng và năng lượng hạt nhân với Mông Cổ. Chính phủ Ấn Độ từng nhiều lần nhấn mạnh phát triển quan hệ với Trung Quốc là "một phần quan trọng" trong chính sách hướng Đông của họ.

Hai là mở rộng lĩnh vực, thúc đẩy song song hợp tác kinh tế và an ninh. Về an ninh, Ấn Độ đã lần lượt ký hiệp định hợp tác song phương với các nước Việt Nam, Singapore, Inđônêxia, Malaysia, Cămpuchia, Nhật Bản và Mông Cổ, trọng tâm hợp tác bao gồm hợp tác đào tạo nhân viên, tập trận chung, an ninh trên biển v.v.

Ba là hình thức đa dạng, hợp tác song phương và đa phương phát triển song song. Những năm gần đây, Ấn Độ rất sốt sắng với việc nhất thể hóa Đông Á. Năm 2001, Ấn Độ và ASEAN đã thiết lập cơ chế "10+1"; năm 2005, Ấn Độ lại

trở thành nước thành viên sáng lập Hội nghị Cấp cao Đông Á; Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh còn đề xuất ý tưởng "Khối cộng đồng kinh tế châu Á", kêu gọi ASEAN thiết lập thị trường chung với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Một phần của tài liệu quan hệ ấn độ asean trong thập niên đầu của thế kỉ xxi (Trang 30)