1.5.3.1. Quan hệ bạn bè
Ở học sinh trung học cơ sở nhu cầu quan hệ với bố mẹ giảm đi, trái lại nhu cầu quan hệ với bạn bè ngày càng lớn. Mối quan hệ bạn bè có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Ý nghĩa của quan hệ bạn bè: Bạn bè là những người có những biến đổi tương tự nhau về mặt sinh lý và xã hội, có nhiều tâm tư nguyện vọng giống nhau, có cùng mức độ phát triển về mặt nhận thức… Bạn bè thường dễ hiểu và thông cảm cho nhau và dễ dàng nhanh chóng chấp nhận nhau
hơn người kia. Trong quan hệ bạn bè các em được bình đẳng, tôn trọng (điều khó đạt được khi ở bên cạnh người lớn). Với bạn bè, trẻ cảm thấy yên tâm, thoải mái khi cần tâm sự những điều thầm kín cũng như những băn khoăn, thắc mắc của mình mà không sợ bị chê cười là “ngốc nghếch”. Trẻ có thể tin tưởng bạn bè và cũng là người được bạn bè tin tưởng. Bạn bè giúp trẻ hiểu được đầy đủ và chính xác hơn về bản thân cũng như về người khác. Như vậy quan hệ bạn bè có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tinh thần cũng như sự phát triển tâm lý của trẻ vị thành niên và nhu cầu giao tiếp với bạn bè ở lứa tuổi này rất lớn.
+ Quan hệ bạn bè có vai trò rất quan trọng đối với trẻ và nhu cầu lớn của trẻ với quan hệ bạn bè. Việc nhóm bạn gây nên áp lực đáng kể đối với trẻ khiến trẻ khi ở nhóm bạn bè có tính xu thời lớn. Nhưng áp lực nhóm bạn không đồng đều ở các giai đoạn của lứa tuổi vị thành niên. Ảnh hưởng của nhóm bạn có mặt tích cực và tiêu cực, nhưng nhóm bạn chỉ là môi trường trực tiếp dẫn đến những hành vi tiêu cực ở trẻ.
1.5.3.2. Cảm xúc của trẻ vị thành niên
Cảm xúc ở lứa tuổi này không ổn định chính vì thế sự kiểm soát bản thân thấp. Ví dụ như có những cuộc xung đột tranh cãi nảy lửa là do các em không kiềm chế được cảm xúc. Trẻ vẫn chưa thoát khỏi những nhu cầu của trẻ nhỏ và cũng chưa đủ năng lực để điều khiển những cảm xúc mà mình mới cảm nhận, để biến thành những phẩm chất tốt đẹp cho bản thân. Nghiên cứu của Caudle và cộng sự kết luận rằng trẻ vị thành niên sự kiểm soát hành vi kém hơn so với người lớn. Ngoài ra, có sự khác biệt giới tính giữa nam và nữ, ở nam tính kìm chế kém hơn so với nữ.
1.5.3.3. Đánh giá bản thân và người khác
Tự đánh giá bản thân: Trẻ vị thành niên thường có xu hướng tự đánh giá mình cao hơn so với hiện thực, các em thích thổi phồng những khả năng của mình. Trẻ thích tự xem mình là “cái rốn của vũ trụ”, là nhân vật có tầm quan trọng nhất, mọi người nên suy nghĩ và hành động như mình. Chính vì đánh giá không đúng khả năng của mình nên các quyết định của trẻ ít dẫn tới thành công. Những thất bại nho nhỏ, những xích mích vụn vặt cũng có thể làm trẻ đau khổ dễ dẫn đến những hành vi nông nổi hay những lo lắng thái quá. Như đã nói ở trên, trẻ thường hay đánh giá
về hình dạng bản thân: liệu hình dáng và kích cỡ đã được chuẩn hay chưa? Trông gọn gàng hay thô kệch? Có đúng với hình mẫu được ca tụng trong xã hội hay không? Trẻ thường tỏ ra cực kì khó chịu trước những lệch lạc cơ thể (quá gầy hoặc quá béo). Đa phần trẻ vị thành niên rất nhạy cảm với hình dạng bên ngoài của mình, với sự khác biệt chưa hẳn đã có căn cứ giữa “cái tôi” và các thần tượng mà họ bắt gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên đã dẫn tới sự hốt hoảng và nghi ngờ chính bản thân. Có thể đưa tới tình trạng căng thẳng do chán ăn hoặc cuồng ăn
tâm lý.
Đánh giá người khác: Nếu như ở tuổi thơ các em luôn coi cha mẹ, thầy cô là hình mẫu lý tưởng của mình thì trong lứa tuổi này trẻ bắt đầu “nhìn lại” thần tượng. Mặt khác do ít trải nghiệm, ít kiến thức xã hội nên sự đánh giá người khác của các em khá cực đoan – cứng nhắc. Những người được các em đánh giá cao thì sẽ được các em tin tưởng, yêu quý, thích hoàn thành nhiệm vụ mà người đó giao phó. Các em sẽ tỏ thái độ ngược lại với những người mà các em phát hiện ở họ có những lời nói hành động tự các em cho là không đúng, không tốt. Với bạn bè, các em rất chú ý tới phẩm chất của người bạn, sự thông minh nhanh trí, vốn kiến thức về mọi mặt chứ không chỉ đơn thuần là có kết quả cao trong mọi mặt. Người bạn được tin tưởng sẽ được các em thổ lộ hết nội tâm, bày tỏ tất cả những suy nghĩ thầm kín nhất…
1.5.3.4. Cách tri giác về đánh giá của những người xung quanh
Chúng ta thường đề cập tới vấn đề hiểu bản thân và thói vị kỷ trong giai đoạn tuổi vị thành niên. Trong giai đoạn này, tư duy thao tác hình thức chính là khả năng phân tích được các quá trình tư duy. Ngoài việc hiểu bản thân, một cách gián tiếp trẻ cũng đã hiểu được người khác. Chấp nhận tư duy của người khác với nỗi lo “biến thái” của bản thân dẫn tới việc hình thành một dạng đặc biệt của thói vị kỉ. Chúng cho rằng những người khác say đắm chúng không khác gì chúng đang tự say đắm bản thân mình. Trẻ ngộ nhận trước những phản ứng của người xum quanh: cho rằng mọi người chỉ trích hay khích lệ chúng giống như chúng đang làm với chính bản thân mình. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu niên thường sợ người khác nhận thấy lệch pha hơn là nhi đồng (Elkind & Bowen, 1979). Hiện tượng nảy sinh ý nghĩ luôn bị người khác theo dõi và bị đánh giá rất đặc thù trong giai đoạn này được goi là “khán giả tưởng tượng” (Elkind, 1967). Những vị “khán giả” này tồn tại trong
ý nghĩ và khiến trẻ phải trăn trở, được chúng sử dụng để suy ngẫm các định hướng hành vi. Đồng thời cũng là căn nguyên gây ra những cảm giác khó chịu: phải cởi mở miễn cưỡng trước mặt mọi người. Bởi chưa đủ khả năng tự tin trong việc nhận diện bản thân nên trẻ thường phản ứng khá gay gắt trước quan điểm của người khác, cố hiểu xem họ là ai (Elkind, 1976).
1.5.3.5. Sự phát triển ý chí của thiếu niên
Ý chí của các em có những thay đổi và mang màu sắc mới. Các em thường bắt chước mẫu người lớn lý tưởng mà các em lựa chọn. Điều đó giúp thiếu niên hình thành các phẩm chất ý chí như: sức mạnh, tính can đảm, lòng dũng cảm, sức chịu đựng gian khổ, tinh thần vượt khó khăn để đạt được mục đích. Phần lớn các em có ý thức phát triển sức mạnh và những phẩm chất ý chí của mình bằng cách luyện tập thường xuyên các môn thể dục, thể thao hoặc thử sức trong các hoạt động tự phát. Những hoạt động này giúp thanh thiếu niên rèn luyện ý chí, nhưng nếu các em quá chú ý đến kết quả đạt được mà không có sự hướng dẫn của người lớn thì có thể gây ra hậu quả xấu.
Như vậy, sự phát triển nhân cách của trẻ ở giai đoạn lứa tuổi này có một bước tiến lớn. Trẻ đã biết tự ý thức khá rõ ràng và tương đối đầy đủ về bản thân. Song ở giai đoạn này trẻ thường đánh giá về mình cao hơn thực tế, thường đặt mình vào vị trí quan trọng, vị trí trung tâm của thế giới. Cùng với những tiến bộ của ý thức, sự đánh giá của người khác của các em cũng dần hoàn thiện và phong phú hơn. Đôi khi các em đánh giá người khác còn khắt khe, cực đoan. Điều này ảnh hưởng đến thái độ và quan hệ của các em đối với người được đánh giá. Các em thường rất quan tâm tới phẩm chất ý chí của mình cũng như của bạn bè vì thế thường cố gắng rèn luyện để phát triển phẩm chất này. Chính vì vậy, khi không đạt được như mong đợi các em cũng dễ có tâm lý lo lắng, căng thẳng.
Nhìn chung lứa tuổi trung học cơ sở là lứa tuổi có nhiều bước đột phá quan trọng, lớn nhất là sự cải tổ về mặt sinh lý. Tuy nhiên sự phát triển sinh lý ở giai đoạn này còn thiếu đồng bộ và chưa hoàn thiện. Mặt khác sự phát triển sinh lý lại vượt xa sự phát triển tâm lý – xã hội. Những điểm thiếu thống nhất đó gây nên những khó khăn cho các em trong quan hệ với người lớn và chính bản thân các em. Hoạt động giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát
triển tâm lý – xã hội của trẻ. Nhưng giao tiếp với bố mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Phẩm chất ý chí ở lứa tuổi này có nhiều biến chuyển và trẻ luôn đánh giá cao phẩm chất này và cố gắng rèn luyện để nâng cao ý chí của mình.Tóm lại, ngoài những đặc điểm phát triển sinh lý trong thời kì dậy thì và sự phát triển về mặt xã hội (các em có vị thế xã hội mới) đã gây nên không ít lo lắng cho thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, các đặc điểm tâm lý như: những áp lực học tập – gia đình – bạn bè, thậm chí cả những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng hay khả năng của bản thân, cảm xúc không ổn định dẫn đến sự kiểm soát bản thân thấp...ngoài ra các em còn dễ nổi nóng, dễ bị kích thích, hiếu động và hay gây gổ dễ làm các em mắc các trạng thái cảm xúc lo âu.
Tiểu kết
Như vậy, chúng tôi đã đưa ra các khái niệm sau:
+ Lo âu là một trạng thái cảm xúc bình thường của cá nhân đối với những tác nhân gây stress báo hiệu sự đe dọa đến với cuộc sống của cá nhân nhưng không có đối tượng rõ ràng.
+ Lo âu học đường là biểu hiện sự lo lắng quá mức, dai dẳng, kéo dài có liên quan đến các yếu tố học đường như học tập, quan hệ với bạn bè thầy cô…và ảnh hưởng của nó đến học tập cũng như cuộc sống của học sinh.
+ Ứng phó với lo âu là cách mà cá nhân đối đầu với hoàn cảnh mà cá nhân đó nhận định là có tính gây stress với khả năng tâm lý của mình, nhằm thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh, tình huống.
Lo âu học đường được đo bằng 8 tiêu chí đó là, lo âu học đường nói chung, stress xã hội, sự hụt hẫng nhu cầu đạt được thành tích, lo âu liên quan đến sự tự thể hiện, lo âu liên quan đến các tình huống kiểm tra kiến thức, sự lo lắng không làm thỏa mãn mong đợi của người khác, khả năng chống đỡ stress sinh lý thấp và lo âu liên quan đến quan hệ với giáo viên. Ứng phó với lo âu được đánh giá dựa vào hai tiêu chí: phân chia ứng phó tập trung vào nhận thức, cảm xúc, hành vi hoặc phân chia dựa vào hiệu quả của ứng phó ta có ứng phó tích cực, trung tính và không tích cực.
Chương 2
TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU