Khái niệm ứng phó xuất phát từ tiếng Anh “cope” có nghĩa là đương đầu, đối
mặt với những tình huống bất thường, tình huống khó khăn và stress. Khái niệm này còn được sử dụng để mô tả phản ứng của cá nhân trong các tình huống khác nhau.
Khái niệm hành vi ứng phó được sử dụng lần đầu tiên trong tâm lý học Stress của R. Lazarus và S.Folkman và được định nghĩa là tổng hợp của những nỗ lực nhận thức và hành vi mà cá nhân bỏ ra để làm suy yếu đi ảnh hưởng của stress. [8, tr.43]
Theo Adler A, ứng phó là phong cách sống của cá nhân, là sự tổng hợp những mục đích có ý nghĩa và cách đạt được chúng, được xác định như sự thống nhất giữa các đặc điểm nhân cách, tâm thế và hoạt động hàng ngày. Còn tương ứng với hoàn cảnh, như một thời khắc của đường đời thì có thể coi ứng phó như một sự thay đổi phong cách sống theo hoàn cảnh.
Ứng phó là những hành động thuộc về nhận thức - hành vi nhằm chế ngự những đòi hỏi của một sự kiện được nhận định là có tính gây stress. Khi đối đầu với một sự kiện gây stress, đương sự sẽ cố gắng “hóa giải” sự nguy hại và phòng tránh sự đe dọa. Vẫn còn có ít nhiều dữ liệu về việc làm thế nào mà đương sự ứng phó được với các tác nhân gây stress trong môi trường sống tự nhiên. Sự biến hóa của các chiến lược ứng phó là vô hạn.
Trong nghiên cứu của N.Haan, hiểu cách ứng phó trong thuật ngữ Ego, như là một trong những cách thức phòng vệ tâm lý, được sử dụng để làm giảm căng thẳng.
Trong các tác phẩm của R. H. Moos định nghĩa ứng phó trong đặc điểm nhân cách – như một thiên hướng tương đối ổn định đáp lại những sự kiện gây stress theo một cách thức nhất định. Tuy nhiên nghiên cứu này ít được các nhà nghiên cứu ủng hộ.
Theo quan điểm của Lazarus và Folkman, ứng phó được hiểu là một quá trình động thái, đặc thù của nó được xác định không chỉ bởi hoàn cảnh mà còn bởi các giai đoạn của sự phát triển xung đột, sự va chạm của chủ thể với thế giới bên ngoài.
Ứng phó bao gồm:
+ Những phản ứng nội tâm trước hoàn cảnh xảy ra (suy nghĩ và tình cảm), cả những hành động bên ngoài nhằm đáp lại yêu cầu của hoàn cảnh.
+ Ứng phó bao hàm cả nội của hoàn cảnh mà con người tri giác được và khả năng tâm lý của cá nhân.
+ Ý nghĩa tâm lý của ứng phó là làm thế nào để con người thích ứng nhanh chóng với tác động của hoàn cảnh, cho phép họ nắm bắt và làm chủ chúng, làm những yêu cầu của hoàn cảnh trở nên suy yếu, làm cho cho con người cố gắng thoát
khỏi, hoặc làm quen với chúng và bằng cách đó hóa giải được những tác động gây stress của hoàn cảnh.
+ Nhiệm vụ chủ yếu của ứng phó là tạo ra và ủng hộ sự bền vững của con người, sức khỏe thể chất cũng như tâm lý, làm thỏa mãn các quan hệ xã hội của cá nhân.[8]
Trong đề tài chúng tôi quan niệm ứng phó với lo âu là cách mà cá nhân đối đầu với hoàn cảnh mà cá nhân đó nhận định là có tính gây stress với khả năng tâm lý của mình, nhằm thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh, tình huống.