Ngôn ngữ “cá tính hóa”

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 101)

8. Cấu trúc của luận văn

4.2.2. Ngôn ngữ “cá tính hóa”

Một vở diễn trên sân khấu muốn thành công, để lại dư âm trong lòng người đọc thì bên cạnh việc xây dựng cốt truyện, tình tiết hợp lý thì yếu tố quan trọng không kém đó chính là hành động, diễn xuất của diễn viên. Do đó, ngôn ngữ kịch phải có sự “cá tính hóa” rõ nét, đặc sắc. Sự “cá tính hóa” thể hiện qua việc ngôn từ trong vở diễn phải phù hợp với tính cách nhân vật, nhân vật nào phải nói đúng giọng nhân vật đó. Bên cạnh đó, sự “cá tính hóa” ngôn ngữ nhân vật được thể hiện qua tài diễn xuất của người diễn viên.

Nói tới sân khấu, người ta nhấn mạnh nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Trên sân khấu kịch thì ngôn ngữ -người diễn viên vẫn luôn ở vị trí trung tâm và không gì thay thế được. Hegel cho rằng “diễn xuất là hòn đá thử vàng thực sự” [16, tr. 48]. Nghệ thuật diễn xuất bao giờ cũng là linh hồn, là trung tâm, là thành tố chính yếu nhất để tạo nên sân khấu. Thiếu kịch bản chi tiết, người diễn có thể diễn cương. Thiếu trang trí, người diễn viên có thể tạo ra trang trí, tạo nên không gian, thời gian bằng chính động tác, diễn xuất của mình. Thiếu nghệ thuật diễn viên - bất thành sân khấu. Stanislavski gọi diễn viên là “ông hoàng, bà chúa” của sân khấu. Nghệ thuật diễn xuất đóng vai trò

quyết định, vai trò “hạt nhân” liên kết, tập hợp các thành tố nghệ thuật khác xoay quanh nó, phụ trợ cho nó. Nếu sân khấu là sự phản ánh đời sống bằng hành động sân khấu qua ngôn ngữ - người diễn viên, thì nghệ thuật diễn xuất của diễn viên chính là sự khám phá, nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo nên những hình thức hành động, những động tác cụ thể, tạo nên hệ thống ngôn ngữ biểu đạt, tạo nên ngữ nghĩa cho một tác phẩm sân khấu.

Đó là một Xuân Tóc Đỏ (NS Đức Hải) với tính lưu manh chuyên nghiệp, biết “té nước theo mưa”, là một bà Phó Đoan (NSƯT Hồng Vân) làm cho khán giả vừa thương, vừa giận, vừa trách móc và đôi khi cũng cảm thông. Là “em chã” (Minh Béo), thầy bói (Quyền Linh), vợ chồng Văn Minh (Minh Hoàng – Cát Phượng)...Tuy chỉ là những nhân vật phụ, xuất hiện trong vài cảnh nhỏ nhưng nhờ tài năng của mình, thông qua cách diễn hài hước, duyên dáng, họ đã làm cho nhân vật thêm tròn vai , đầy đặn hơn so với nguyên tác trong tác phẩm văn học, tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Kỹ nghệ lấy Tây, đó là nghệ sĩ Hồng Vân với cái duyên quăng bắt tiếng cười đúng lúc, giọng Bắc qua cách thoại của chị làm cho bà Ách vừa chanh ngoa vừa có duyên ngầm. Vai kịch của Duyên (Thúy Nga) và Bond (Minh Nhí) tạo thành một “cặp đôi kì quái” trên sân khấu, là một sáng tạo rất ngẫu nhiên song lại mang tiếng cười khó quên. Cách Duyên trừng trị gã chồng Tây, cách Duyên dạy đời mụ Ách làm khán giả vừa cười vừa phục. Trong vở diễn, khi cô gái quê xấu xí trút bỏ những gì truyền thống “Cám ơn cô rất nhiều, cô đã cho cháu một cuộc đời sang trang đầy lý tưởng!” [76] để ăn mặc lòe loẹt sẵn sàng “ném quà, ném tiền vào mặt đứa nào dám dè bỉu tao” [76], nhiều khán giả đã cười ra nước mắt. Diễn viên diễn giỏi, lộ ra sự rởm đời, sự nhố nhăng thái quá của nhân vật . Nhân vật này đã truyền đi thông điệp mà Vũ Trọng Phụng muốn gửi đến người đọc, đó là ai sẽ bảo vệ những phụ nữ có số phận nghiệt ngã này, trong xã hội mà đồng tiền thống trị,

tình người chỉ được xem là thứ phụ. Chính nhờ vậy, tác phẩm trên sân khấu đã nhận được những thành công nhất định, tạo được “luồng gió mới” cho văn học. Nhân vật cũng theo đó mà có được chiều sâu.

Tiểu kết:

Đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật, xét cho đến cùng đều bắt nguồn từ phương tiện nghệ thuật hay ngôn ngữ nghệ thuật mà nó sở hữu. Hội họa “nói” bằng đường nét, màu sắc, điêu khắc “nói” bằng hình khối, âm nhạc “nói” bằng tiết tấu...Các phương tiện để “nói” này khác biệt nhau về tính chất, công năng và hiệu quả.

Văn học và sân khấu cũng vậy. Văn học nói bằng ngôn ngữ hay ngôn từ. Đây là một dạng chất liệu đặc biệt bởi nó mang tính phi vật thể. Trong khi đó, chất liệu của nghệ thuật sân khấu lại là âm thanh, sân khấu, diễn xuất của diễn viên...Đó đều là những dạng thức của vật chất, có thể nghe được, nhìn được bằng tai và mắt. Nếu chất liệu của văn học là phi vật thể; thì ngược lại, ở sân khấu, đó lại là chất liệu vật thể. Đọc một tác phẩm văn học, người đọc cảm nhận vẻ đẹp, giá trị của tác phẩm thông qua ngôn từ, qua cách sử dụng từ ngữ biến hóa, linh hoạt của tác giả. Còn vở diễn trên sân khấu, lẽ dĩ nhiên, cũng sử dụng ngôn ngữ, nhưng lại theo một cách khác – ngôn ngữ của hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, của sân khấu và quan trọng đó là ngôn ngữ diễn xuất của diễn viên. Ở đó, ngôn ngữ diễn xuất của người diễn viên hóa thân thành ngôn ngữ nhân vật.

Có thể nói rằng, trên sân khấu, diễn viên (nhân vật) chính là trung tâm của vở diễn. Và một vở diễn, thành công hay không thành công, tất yếu phụ thuộc ít nhiều vào diễn xuất của diễn viên. Vở diễn Số đỏKỹ nghệ lấy Tây, thông qua diễn xuất tài tình, đầy ngẫu hứng của Xuân Tóc Đỏ (NS Đức Hải), bà Phó Đoan (Hồng Vân), bà cố Hồng (Thúy Nga), cậu Phước “em chã” (Minh Béo) (kịch Số đỏ); Bond (Minh Nhí), Suzanne (Lan Phương), me Kiểm

Lâm (Trịnh Kim Chi) (kịch Kỹ nghệ lấy Tây)...đã tạo được hiệu ứng khá tốt, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Chính sự hóa thân thành nhân vật của người diễn viên đã đem lại vẻ mới lạ cho tác phẩm văn học, làm cho tác phẩm văn học gần gũi hơn với đời sống hôm nay.

Như vậy, trong “đại gia đình” nghệ thuật, không có một loại hình nghệ thuật nào hoàn toàn sử dụng cùng ngôn ngữ với loại hình khác, cho nên mới “mỗi người một vẻ”. Văn học và sân khấu cũng không nằm ngoài quy luật này. Chúng góp phần tạo nên tiếng nói riêng cho “vườn hoa nghệ thuật”, mà ở đó, “ngôn ngữ của trái tim” mới là điều đáng trân trọng, ghi nhận nhất, bởi : “Nghệ thuật là kính hiển vi mà nghệ sĩ đem soi vào những bí ẩn của tâm hồn mình rồi trình bày những bí ẩn chung cho tất cả mọi người.” [65, tr.17]

KẾT LUẬN

Văn học và sân khấu là hai loại hình nghệ thuật gần gũi nhưng độc lập. Mỗi loại hình đều có những đặc trưng riêng biệt để tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm thành công, ở cả văn học và sân khấu đều in đậm dấu ấn của những người nghệ sĩ tâm huyết và tài năng. Văn học và sân khấu tuy có mối giao thoa là kịch bản văn học nhưng kịch bản chưa hẳn là yếu tố quyết định để tạo nên sức hút, sự thành công của vở diễn trên sân khấu. Nó chỉ mới là nguyên liệu trong tổng thể “đơn vị nghệ thuật” bao gồm: kịch bản, đạo diễn, diễn viên, môi trường công chúng, không khí xã hội… “Chuyển thể” không có nghĩa là bê tất tần tật những gì đã có trong một tác phẩm văn học ra mà là “quá trình sáng tạo lần thứ hai”.

Từ một tác phẩm văn học, khi chuyển thể, đưa nhân vật lên sân khấu, tác giả phải bày trò, bày đất diễn cho diễn viên. Một tác phẩm sân khấu muốn thành công phải đẩy được cái “hồn cốt” nhân vật vào đời sống bằng lời thoại và hành động thật hợp lý, để khán giả không chỉ nhận ra tác phẩm văn học mà phải thấy lạ hơn khi đọc truyện. Có như thế, kịch mới thật sự hấp dẫn. Sân khấu không thể đem lên cả cái thế mạnh của văn học là nghệ thuật ngôn từ qua việc tả tình, tả cảnh. Thời lượng vở diễn chỉ chưa đầy 120 phút nhưng trên sàn diễn có khi là cả câu chuyện của một đời người, với bao xung đột, sự kiện. Cảm xúc văn học được lấy ra từ ngôn ngữ viết, trong khi sân khấu lấy cảm xúc khán giả bằng hình ảnh mà khán giả đang trực tiếp nhìn và nghe. Điều đó đòi hỏi tác giả, nhà biên kịch phải cân nhắc từng lời thoại, tính toán từng hành động của nhân vật, không thể thả nổi cảm xúc như người viết văn.

Việc chuyển thể Số đỏKỹ nghệ lấy Tây từ tác phẩm văn học sang tác phẩm sân khấu, về cơ bản, đã có những ưu điểm riêng:

+ Kịch trên sân khấu đã biết tận dụng ưu thế của mình trong việc chuyển thể. Số đỏKỹ nghệ lấy Tây gần như đã giữ được cái “thần” của tác

phẩm văn học, làm cho tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng được “tái sinh”. Nếu trước đây, độc giả được đọc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng qua trang sách, thì nay, trên sân khấu họ lại được “đọc” lần hai, bằng một hình thức khác. Vẫn là xung đột giữa cái vô nghĩa lý và cái nghĩa lý trong Số đỏ, mâu thuẫn giữa dục vọng thấp hèn với những khao khát, ước mơ chân chính trong Kỹ nghệ lấy Tây, nhưng, thông qua hiệu ứng nghe nhìn trên sân khấu, những câu chuyện tưởng chừng như đã là dĩ vãng, bị lãng quên nay lại trở về “ào ạt” và còn “lợi hại” hơn gấp trăm lần. Câu chuyện “lưu manh giả danh trí thức”, chuyện của những “trưởng giả học làm sang”...trong Số đỏ hay chuyện của những người đàn bà hành “nghề” lấy Tây, rồi đến cả những khát khao, ước vọng của họ được nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên...tô đậm, khắc họa khá chân thực. Điều mà tác phẩm sân khấu đã làm được chính là giúp “làm mới” Vũ Trọng Phụng, đồng thời tạo thành một “dòng chảy văn học” trên sân khấu.

+ Không chỉ vậy, vở Số đỏKỹ nghệ lấy Tây, với tư cách là loại hình nghệ thuật sân khấu, còn giúp làm đầy đặn hơn những nhân vật trong tác phẩm văn học. Vở Số đỏ đã xây dựng nên hình ảnh của Xuân Tóc Đỏ (NS Đức Hải) với bản tính lọc lõi, lưu manh chuyên nghiệp; là bà Phó Đoan (NSƯT Hồng Vân) vừa đáng thương vừa đáng trách, là cậu Phước “em chã” (Minh Béo), vợ chồng Văn Minh (Minh Hoàng – Cát Phượng)...với cách diễn hài duyên dáng, sâu sắc. Trong Kỹ nghệ lấy Tây, là bà Ách Nhoáng (Hồng Vân) với hai tính cách trái ngược: mưu mô, xảo quyệt nhưng lại thương con vô ngần; là Suzanne (Lan Phương) luôn mang trong mình mặc cảm của một đứa con lai, là nhà văn họ Vũ (Bình Minh), là Duyên (Thúy Nga) trước và sau khi lấy Tây với những thay đổi đến không ngờ, là Bond (Minh Nhí)...Những nhân vật trong trang sách trước đây như được “khai sinh lần nữa” với “người thật việc thật” hẳn hoi, tạo thành một bức tranh đầy màu sắc, sinh động. Vở diễn làm khán giả xem đấy, cười đấy nhưng rồi lại khóc đấy, ngẫm nghĩ đấy.

Tác phẩm sân khấu khi được chuyển thể từ tác phẩm văn học bao giờ cũng phải gánh áp lực “so sánh” của khán giả – độc giả. Văn học đi trước, một khi đã tạo được dấu ấn sâu đậm thì độc giả luôn kỳ vọng và đòi hỏi sự hoàn hảo ở sân khấu. Kịch Số đỏKỹ nghệ lấy Tây cũng không phải là một ngoại lệ. Với Số đỏ, vở diễn chưa thật sự thành công trong việc thể hiện Xuân Tóc Đỏ, dường như “Xuân của kịch” chưa đạt đến “tầm” của “Xuân trong tác phẩm”. Mặt khác, những lớp diễn trong kịch vẫn còn dài dòng, lời thoại của diễn viên chưa trau chuốt còn nặng tính gây cười. Rút kinh nghiệm từ tác phẩm đi trước, Kỹ nghệ lấy Tây đã khắc phục được phần nào những hạn chế về ngôn ngữ, nhân vật...Chỉ tiếc là âm nhạc của vở còn quá sơ sài (cả vở diễn chỉ sử dụng cuàng một bản nhạc) làm cho việc khắc họa nội tâm nhân vật chưa được sâu sắc. Bên cạnh đó, diễn xuất của một vài diễn viên còn gượng gạo, trang phục chưa phù hợp... Hiệu quả của những vở diễn vì thế cũng giảm đi ít nhiều.Tuy vẫn còn vài hạt sạn nho nhỏ, nhưng không thể phủ nhận rằng, chính nhờ những vở kịch như Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tâymà giờ đây, chúng ta lại có cơ hội chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ những vấn đề mà Vũ Trọng Phụng đã đặt ra cách đây hàng chục năm. Những vấn đề của ông cho đến giờ lại như “sống dậy”, bày ra trước mắt. Thậm chí, những biểu hiện của nó còn rõ rệt hơn, đa đạng hơn, mãnh liệt hơn.

Từ đặc trưng của sân khấu, khi chuyển thể một tác phẩm văn học, các nhà biên kịch, đạo diễn hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn những tác phẩm phù hợp, những chi tiết, những tình huống có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ của sân khấu. Làm sao để tính “chân thật” của văn học phải dẫn đến tính “thật” trên sàn diễn, trong vở diễn. Vở Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây không chỉ tập trung phơi bày những cái xấu, cái lố lăng, kệch cỡm của thói đạo đức rởm, của cái “kỹ nghệ lấy Tây” quái gở, mà hơn hết, sân khấu muốn mọi người có cái nhìn yêu thương, thông cảm hơn với những nhân vật giống như bà Phó

Đoan, bà Ách, Suzanne, Duyên, me Kiểm Lâm...Họ là những người phụ nữ luôn có những ao ước thầm kín. Hạnh phúc với họ là ước mơ lấy được một người chồng An Nam, là ước nguyện bước tiếp của người phụ nữ...Những khát khao, ước vọng ấy là hoàn toàn chính đáng. Bởi lẽ, xét cho đến cùng, nghệ thuật nói chung, văn học và sân khấu nói riêng, thực sự đòi hỏi ở người nghệ sĩ cả tài năng và tâm hồn, cả sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm vượt lên trên thời gian – lịch sử. Tất cả đều thấm đẫm “cảm xúc của trái tim”.

Những tác phẩm văn học thành công là những “công trình nghệ thuật” hoàn chỉnh, là những “khuôn vàng thước ngọc” trong nghệ thuật, là tinh hoa của văn hóa dân tộc. Vì thế, một tác phẩm sân khấu chuyển thể từ tác phẩm văn học muốn thành công, tất yếu cần phải có những nhà biên kịch tài năng, chuyên nghiệp và tâm huyết, bên cạnh sự hỗ trợ của cả một ê – kip vững vàng, am hiểu trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Số đỏKỹ nghệ lấy Tây trên sân khấu đã tạo nên một không khí kịch Bắc ở Sài Gòn. Các diễn viên tham gia vở diễn đều nói theo ngôn ngữ miền Bắc, đúng chất Bắc. Sân khấu của Số đỏ được trang trí chỉ với hai màu đen đỏ, mang ý nghĩa cuộc đời là một cuộc đỏ đen, nhưng màu sắc của trang phục thì “tung tẩy”, cường điệu phù hợp với tính cách của nhân vật, các nhân vật cũng ăn vận theo đúng phong cách thành thị, Âu hóa. Với Kỹ nghệ lấy Tây, là một xã hội đậm chất Bắc thời Pháp thuộc vừa cổ điển vừa lai căng trong thiết kế sân khấu, phục trang đến điệu bộ, cách thoại của diễn viên. Những bà chủ lầu xanh đẫy đà diêm dúa, những cô gái học cách để lấy một gã Tây mong đổi đời, những bản ca trù đặt bên cạnh những câu ta thán “Oh! la la!” bằng tiếng Pháp trong một sự đối lập hài hước...Chính những điều này đã tạo nên sức hút, kéo khán giả đến rạp thưởng thức vở diễn Số đỏKỹ nghệ lấy Tây.

Nhìn chung, với việc tận dụng, kế thừa, phát huy những tinh hoa mà văn học để lại, sân khấu đã đem lại cho độc giả một cái nhìn mới hơn về tác phẩm văn học, làm cho văn học gần hơn với cuộc sống hôm nay, tạo nên một “món ăn tinh thần” mới mẻ cho người dân. Hoạt động hỗ trợ, giao hòa, tương tác giữa văn học và sân khấu đã đem lại những thành quả lớn. Và đương nhiên, cùng với thành quả còn vô số những vướng mắc cần tháo gỡ, nhìn nhận. Từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu là sự kết hợp đẹp mắt, cộng hưởng ăn ý. Văn học và nghệ thuật sân khấu hỗ trợ đắc lực cho nhau để cùng nhau phát triển, cùng nhau đáp ứng nhu cầu ngày một tăng về Chân - Thiện - Mĩ của độc giả, của khán, thính giả.

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 101)