Số đỏ Xung đột giữa cái vô nghĩa lý và cái nghĩa lý

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 47)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Số đỏ Xung đột giữa cái vô nghĩa lý và cái nghĩa lý

Số đỏ, tác phẩm trào phúng được xem là kiệt tác của Vũ Trọng Phụng, xuất bản lần đầu dưới dạng đăng nhiều kỳ trên Hà Nội báo bắt đầu từ số 7, tháng 10/1936, năm tháng sau khi Mặt trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp.

Có thể nói, những thay đổi lớn lao của xã hội thành thị được thể hiện khá rõ trong tác phẩm Số đỏ. Đó là sự du nhập của văn hóa Tây phương, mà điển hình là phong trào Âu hóa. Với sự xuất hiện của những từ ngữ như “tiến bộ, khoa học, cải cách xã hội, nữ quyền, phong trào thể thao, văn minh, tân thời và Âu hoá”... ta gần như thấy rằng dường như tư tưởng hiện đại hóa là tư tưởng “thống trị” trong dân chúng thời bấy giờ. Các nhóm công dân trong xã hội lúc bấy giờ không còn đơn thuần là nông dân, địa phủ phong kiến...mà thay vào đó là: dân lang thang thành thị, nhà thể thao chuyên nghiệp, nhà tạo mẫu thời trang, chuyên gia y tế, nghệ sĩ tiên phong (avant-garde), du học sinh,

nhà báo cải cách và người phụ nữ “tân thời”....Họ là một lực lượng sinh động tiêu biểu, đại diện cho chủ nghĩa thực dân giai đoạn cuối.

Xã hội trong Số đỏ có những thay đổi nhanh chóng và bất ngờ như vũ bão. Không còn là những miền quê nông thôn nghèo nàn, lạc hậu nơi sản sinh ra nền văn minh lúa nước với những người nông dân “chân lấm tay bùn”, mà là những con đường hẻm quanh co, rối rắm, mỗi phố được đặt tên theo một mặt hàng được sản xuất hoặc bán ở đó. Chen chúc sau những dãy cửa hàng mặt tiền là khu nhà để ở, kho chứa, xưởng sửa chữa và các khoảng sân. Là những vỉa hè rộng lát gạch ngăn cách đường và nhà... Nơi ấy tập trung những cảnh buôn bán tấp nập, những sinh hoạt thường nhật trên vỉa hè. Tập trung những dòng người bán rong, phu khuân vác, phu xe, trẻ đánh giày, bọn móc túi, gái điếm, cảnh sát, ăn xin, hát dạo, khách du lịch và dân lang thang từ tứ xứ đổ tới... Các hoạt động cá nhân, riêng tư, tất yếu cũng xoay quanh, diễn ra trong những khu đô thị “mới” ấy.

Xuất hiện trong chương mở đầu của tiểu thuyết là hình ảnh ông thầy số, chị bán mía, là anh bán nước chanh và Xuân, thằng nhặt banh quần – trao đổi tin vặt, tán tỉnh, hóng hớt những tít thời sự quan trọng và mặc cả giá hàng

“Trên hè, dưới bóng cây gạo, một ông thầy số đã có tuổi ngồi bình tĩnh nhìn cái cháp, nghiên mực, miếng son, ống bút, với mấy lá số tử vi mẫu...Cách đấy mười bước, Xuân Tóc Đỏ ngồi tri kỉ với một chị hàng mía...” [44, tr.8], vượt lên những tiếng om sòm đó, người ta có thể nghe thấy được “những câu hô chen lẫn những tiếng bồm bộp của những quả ban bị đánh đi, như giữ nhịp cho khúc âm nhạc của mấy vạn con ve sầu...” [44, tr. 7] vọng ra từ một sân tennis gần đấy. Những âm thanh ấy đối xứng với nhau, phản ánh mớ bòng bong, sự rối rắm phức tạp của các tầng lớp xã hội đang sống trong một đô thị vô cùng hiện đại. Hiện đại đến mức, người ta có cảm giác rằng mình đang sống ở đâu đâu bên tận phương Tây chứ không phải đang ở phương Đông.

Trong cái xã hội thành thị ấy, người ta coi trọng những giá trị “ảo”, coi trọng những cái tân thời, “văn minh”. Xuân Tóc Đỏ - nhân vật vốn xuất thân từ tầng lớp bình dân, con người được đào luyện từ nền văn minh vỉa hè, ấy vậy mà, đã biểu lộ thái độ khinh miệt đối với những nghề lỗi thời như bán lạc, trèo sấu, câu cá, làm lính chạy cờ hiệu... “Hỏi thì làm gì? Tôi thì danh giá quái gì! Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt ban quần, không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt!” [44, tr. 167], “...Nhưng ông xét lại có nên không (...) còn con thì, như ông đã biết đấy, không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt ban quần, bán phá xa, đã làm nhiều nghề hèn. Con nghĩ con không xứng đáng chút nào cả.”

[44, tr. 184]. Còn nhân viên sở cẩm thì phàn nàn rằng: “Tiếc lắm! Mười năm trước đây, dân ta còn ngu...Ngày nay dân ta văn minh mất rồi, rõ thảm hại! ...Cái thời tốt đẹp của các cụ nhà ta không còn nữa! Thật là tai hại! Than ôi!” [44, tr. 21 – 22]. Thật là bi hài! Chính cái sự “hiện đại hóa” gần đây trong đời sống gia đình của người Việt đã làm hại kỷ lục phạt của họ. Đến ngay cả những lời bàn bạc về đám tang cha của cụ cố Hồng “tôi thì tôi nghĩ nên theo cả lối cổ và lối mới, nghĩa là cứ minh tinh, nhà táng, kèn lầu, kiệu bát cống và rõ nhiều câu đối. Nếu chúng nó muốn thì chúng nó cứ đi thuê kèn bú rích Tây đi, càng hay. Nhưng không thể vì cái thích của chúng mà bỏ đi cái thích của tôi được” [44, tr. 76] cũng cho thấy có sự chia rẽ ý kiến về sự thích hợp của các lễ nghi theo lối cổ và lối mới.

Cả lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng thay đổi đến không ngờ. Nếu trước đây, diễn ngôn của các thành phần, tầng lớp trong xã hội chủ yếu bị ảnh hưởng bởi Trung Hoa, thì giờ đã khác. Không còn là những từ ngữ mang nặng ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, chúng được thay bằng các diễn ngôn hiện đại về cải cách xã hội và chính trị đại chúng, các diễn ngôn về khoa học và y học, các diễn ngôn về tình yêu hiện đại và lãng mạn, rồi các diễn ngôn về thơ ca, triết học và văn chương mới kiểu như:

Tôi, từ hôm nay mà đi, là đã dự một phần vào cải cách xã hội rồi...Vậy tôi phải chăm chỉ và nhất là phải hiểu những việc tôi làm...Chưa được Âu hóa mấy!...Một sự trở ngại trên đường tiến hóa. Thể thao...Nòi giống. Hạnh phúc là cái gì khác nếu không là sức khỏe của vợ chồng? Gắng sức anh em luyện tập, không phải là cải cách bề ngoài như lối cổ hủ...giữa buổi canh tân này, cái gì hủ lậu ta đào thải đi...Chúng tôi rất được hân hạnh.” [44, tr. 128], hoặc : “...Thưa bạn đồng nghiệp, vậy thì có phải bạn đồng nghiệp cũng công nhận những lý thuyết của Freud đó không? Cái triệu chứng nào của thần kinh hệ cũng là do quả thận, quả cật mà có, lắm khi thiên biến vạn hóa rất là kỳ kỳ quái quái...” [44, tr. 150]. Thôi thì đủ các loại diễn ngôn, loại nào cũng mới, cũng tân thời.

Phần lớn các tình huống hài hước trong Số đỏnảy sinh từ những phản ứng không hiểu ban đầu của Xuân Tóc Đỏ trước những diễn ngôn hiện đại này. Xuân, do may mắn và lanh lợi đã mạo nhận thành công địa vị bác sĩ, nhà thiết kế thời trang, chính trị gia, nhà thể thao chuyên nghiệp, nhà báo và nhà thơ.... Hắn đôi khi “ưỡn ngực lên, giấu cái chổi lông gà sau lưng, nghiêm trang: Tôi?...Là...là...một người dự một phần trong việc Âu hóa.” [44, tr. 56], có lúc “nhanh nhẩu nói như một nhà lang chính tông” [44, tr. 74], lại cũng có khi “nhớ ngay đến những bài thơ nó đã học lầu lầu mấy năm xưa, những khi còn làm nghề bán nói trước máy phóng thanh cho những nhà bán thuốc” [44, tr. 116] “ngâm nga rất dõng dạc” [44, tr. 116]...Thế mà, ai ai cũng tin hắn, tung hô hắn như một “bậc anh hùng”, “bậc vĩ nhân”. Chính sự trái khoáy đó, phần nào phản ánh được những mâu thuẫn, xung đột đang tồn tại âm ỉ trong xã hội lúc bấy giờ.

Số đỏ là một màn sân khấu mà cái xung đột diễn ra đầy kịch tính. Tác phẩm là“...một cuốn tiểu thuyết trào phúng xuất sắc thể hiện tài năng bậc thầy của Vũ Trọng Phụng trong việc phát hiện những mâu thuẫn trào phúng

và xây dựng những tình huống trào phúng. Mỗi chương sách của cuốn tiểu thuyết “vô tiền khoáng hậu này” được tổ chức như một màn hài kịch, chứa đựng một mâu thuẫn, một xung đột trào phúng nào đó...” [50, tr. 134]. Trong xã hội đó, xã hội chó đểu, kẻ vô học được đào luyện trong nền văn hóa vỉa hè như Xuân bỗng nhiên trở thành “anh hùng cứu quốc, vĩ nhân”. Lúc đầu do đột ngột bị ném vào xã hội thượng lưu, quá xa lạ với môi trường sống quen thuộc, Xuân hoàn toàn bị động trước cái số đỏ của mình nên hoặc không khai thác được, hoặc bỏ lỡ dịp may bày sẵn. Tuy nhiên, Xuân vốn tinh quái và thạo đời, Xuân nhanh chóng hiểu ra rằng cái xã hội sang trọng mà hắn lọt được vào cũng như cái xã hội lem luốc của hắn. Bề ngoài tuy khác nhau nhưng cùng chung một bản chất : dâm ô, đểu cáng, hám danh, bịp bợm. Và khi đã hiểu Xuân quyết định giành cho mình một vị trí trong xã hội đó. Hắn đã sử dụng tất cả những gì thu lượm được trong cõi đời lăn lóc dưới đáy xã hội để tiến thân. Với Xuân, hắn chỉ có trí thông minh và triết lí của một kẻ vô học! Nhưng rồi, hắn đã thực sự thành công.

Xuân đã bước lên những bậc thang của danh vọng. Và sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, khiêm tốn. Lúc đầu, Xuân chỉ là công cụ của bọn lừa bịp, sau đó, Xuân trở thành kẻ lừa bịp. Những ngôn ngữ của kẻ vô học “nước mẹ gì, mẹ kiếp” ... được bọn người kia tôn sùng. Xuân Tóc Đỏ ngày càng lên tầm cao danh vọng, hắn kiêu ngạo, mọi người trở nên sợ hắn và lấy lòng hắn. Tiểu thuyết Số đỏ kết thúc khi Xuân đã leo lên nấc thang cuối cùng của danh vọng: Xuân – “vĩ nhân, anh hùng cứu quốc” đang diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, gọi quần chúng là “mi”. Bằng hành động bịp bợm, tên nhặt ban quần ngày nào đã giả thua đối thủ nước Xiêm để tránh thảm họa chiến tranh. Trong xã hội tư sản nhố nhăng đó, kẻ vô học như Xuân được biểu dương, tán tụng đến không ngờ, mà theo như nhận xét của Giáo sư

Phan Cự Đệ là: “Thông qua một kẻ hãnh tiến là Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng đã lên án cái xã hội tư sản lố lăng, giả dối, vô nghĩa lí” [12, tr. 38]

“Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả”. Một câu như vậy quả đã thâu tóm được quá trình vận động của xã hội, ở chỗ này có thể bảo Vũ Trọng Phụng là “người thư kí thời đại” trung thành, đã ghi chép được những biến chuyển xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, mặc dù ông không có ý thức đầy đủ khi làm công việc khó khăn và ít người chịu làm ấy.

2.1.2. Kỹ nghệ lấy Tây - Xung đột giữa dục vọng và khát khao chân chính

Quan tâm đến “con người xã hội” là đặc điểm chung của văn học hiên thực phê phán. Khrapchenkô khẳng định: “Cá nhân con người, số phận của nó, tất nhiên bao giờ cũng thu hút sự chú ý của các nhà hiện thực phê phán” [27, tr. 358]. Chính vì lẽ đó, con người trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thường hiện lên với đủ các thói tật đáng khinh bỉ nhất: dâm đãng, đểu cáng, ích kỷ, giả dối. Vũ Trọng Phụng, thông qua ngòi bút của mình, chẳng hề muốn che giấu cái nhìn con người trong bản chất sinh vật của nó. Với nhà văn, cái mục đích mà ngòi bút của ông và các nhà văn hiện thực hướng đến là: “Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng”. [3, tr. 218 – 219].

Quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh trong trạng thái đầy biến động của xã hội, Vũ Trọng Phụng đặc biệt quan tâm đến con người “tha hoá” (Alíenation). Vấn đề con người “tha hoá” trở thành nỗi ám ảnh, và là mối quan tâm đặc biệt trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Con người tha hoá trong tác phẩm bị Vũ Trọng Phụng “phanh phui” ở tất cả các mặt trong cuộc sống. Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn là cái nhìn vào mặt trái cuộc đời, mặt trái con người. Con người bị phơi ra với tất cả sự đê tiện, thấp

hèn. Với một cái nhìn như thế, lẽ cố nhiên, với Vũ Trọng Phụng, khi viết, trước hết, nhà văn vẫn thường xoáy sâu đặc tả cái dâm của loài người. Vì ở đó, nhà văn mới có thể lật tẩy, phơi bày một cách sắc sảo và đích đáng nhất cái phần con người dục tính hết sức lôi thôi, nhếch nhác và cũng là cái phần những kẻ giả dối cố giấu giếm, ngụy trang bằng đủ mọi hành vi điêu trá. Và ông đã phát hiện ra rằng chính những dục vọng đen tối đã là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự phá hủy nhân cách mỗi con người.

Dục vọng tội lỗi là mẫu số chung cho tất cả những kẻ tha hóa, trong đó đồng tiền là hệ quy chiếu của những dục vọng tội lỗi, thấp hèn. Những nhân vật dị hình trong vòng tội lỗi và những con người tha hóa trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều là những con người chứa đầy dục vọng. Chính ông đã khám phá ra điều “bí mật” kinh hoàng: cùng với cái thực tại đen tối hủy diệt “đơn vị” con người, thì chính con người, với những dục vọng thấp hèn cũng đang tự hủy hoại cái “nhân tố người” của mình. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng đã viết nên phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây làm rúng động các me Tây – những người lấy chồng Tây – thời bấy giờ. Tại đó, nhà văn đã chứng kiến một xã hội Việt Nam đã bị thay đổi, mọi mối quan hệ xã hội cũng không khỏi chuyển dịch.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung nhìn nhận: “Trong Kỹ nghệ lấy Tây những yếu tố tự nhiên chủ nghĩa đã thể hiện ở quan điểm sinh lí và lối viết sống sượng; nhưng điều nổi lên trong toàn bộ phóng sự của Vũ Trọng Phụng là lối viết chính luận nghệ thuật đanh sắc (...) được phát huy ở thể loại báo chí nghệ thuật này” [29, tr. 212]. Qua tác phẩm, ông trình bày con người của mọi thời dưới khía cạnh thật nhất: đó sự thay lòng đổi dạ của con người trong một môi trường xã hội mà tiền bạc, miếng ăn có thể chi phối tất cả. Với những người phụ nữ hành “nghề” lấy Tây, họ “không buồn nghĩ đến cách phủ

lên những sự thật nhơ bẩn một nước sơn bóng nhoáng nữa. Người ta không thèm (cứu vớt) lấy cái bề ngoài nữa.” [45, tr. 88].

Bà Kiểm Lâm buồn bã tâm sự: “chúng tôi lấy họ vì tiền chứ không bao giờ vì tình” [45, tr. 33]. Họ lấy chồng hay bỏ chồng cũng như “tậu được một cái chén hoặc nhỡ tay đánh vỡ mất mà thôi” [45, tr. 56]. Còn những gã chồng lê dương thì cũng chẳng cần úp mở : “tôi gọi ai tôi cũng coi như thuê gái một hạn dài vậy. Không còn bao giờ tưởng nhầm đến cái nghĩa cả: vợ chồng” [45, tr. 25]. Đối với bọn chúng, những me Tây “chỉ là những cái đồ chơi trong một hạn kha khá dài mà thôi” [45, tr. 62]. Thế là đã rõ. Thực chất của chuyện vợ chồng ở đây là “người đàn bà chỉ nghĩ đến tiền, đàn ông chỉ nghĩ đến nhục dục.” [45, tr. 65], “Những lời ân ái tự đáy lòng thốt ra đều bị coi là giả dối cả”... [45, tr. 66]

Sự quan tâm thể hiện con người tha hoá với những biểu hiện khác nhau của nó là bước đào sâu phát hiện của ông so với các nhà văn cùng thời. Vũ Trọng Phụng viết về sự tha hoá của con người một cách thật nhất, bản chất nhất trong khi các tác giả khác (cùng thời với nhà văn) mới chỉ đề ra những nạn nhân của chế độ, như Loan trong Đoạn tuyệt (Nhất Linh), nạn nhân của chế độ mẹ chồng nàng dâu; chị Dậu trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố), nạn nhân của sưu cao thuế thuế nặng, của quan lại dâm ô; Tám Bính trong Bỉ vỏ(Nguyên Hồng), nạn nhân sự phản bội của người tình, sự tàn ác của cha mẹ, sự đoạ đầy của xã hội, v.v...Ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên đã phanh phui “thú tính” nơi con người, kể cả những người được coi là “hiền lành, chân thật”, trong khi những tác giả hiện thực cùng thời mới chỉ phân chia xã hội thành hai lớp tốt và xấu, đề cao cái tốt và hạ bệ cái xấu. Khi “phanh phui” các

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)