8. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Số đỏ – những chân dung biếm họa
Tác phẩm văn học là sự tái hiện một phần hay toàn bộ xã hội vào trong lòng nó, là tổng hòa các thủ pháp, biện pháp giúp tác giả lấp đầy không gian một cách nghệ thuật. Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng thường được xây dựng có quy mô to lớn, vì vậy kéo theo một hệ quả tất yếu là bao hàm trong đó một thế giới nhân vật đông đúc. Những nhân vật ấy có thể có những mối liên quan trực tiếp, trực hệ, huyết hệ hoặc gián tiếp, song đều thống nhất với nhau chịu sự chi phối chặt chẽ của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm với tư cách là một chỉnh thể.
Số đỏ có tới 64 nhân vật. Toàn bộ mọi hoạt động của Xuân Tóc Đỏ - nhân vật điển hình đều diễn ra trong mối quan hệ phức tạp, đa chiều, chồng chéo giữa hắn với hơn 60 nhân vật còn lại. Vợ chồng Văn Minh, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, cô Tuyết, hai thầy Min Đơ, Min Toa, sư Tăng Phú, đốc Trực Ngôn, cô Hoàng Hôn, ông Typn...Cái thế giới nhân vật đậm đặc ấy, với những hoạt động sôi sục, gấp gáp đã họp thành một xã hội hoàn chỉnh, vận hành một cách có quy luật như một hệ thống, một cơ thể phức tạp nhưng
thống nhất. Nhân vật trong Số đỏ là những nhân vật điển hình, họ luôn vận động và phát triển trong một hoàn cảnh điển hình tạo nên một chuỗi cười dài mang sức mạnh tố cáo, phê phán hết sức gay gắt.
Ở Số đỏnhà văn đã dựng lên một loạt những bức chân dung biếm họa, những con rối của thời đại. Ta bắt gặp ở đó một Xuân Tóc Đỏ xỏ xiên, láu cá, nói phét gặp thời, dốt nát gặp may. Người kể chuyện bảo Xuân Tóc Đỏ là “một đứa vô giáo dục”, “tinh quái”, “thạo đời”. Bà Phó Đoan đánh giá nó là “người thông minh, có học thức, bụng dạ hào hiệp”. Văn Minh và vợ thừa nhận nó “nhanh mồm nhẹ miệng, cử chỉ ngộ nghĩnh” và nhờ nó mà tiệm may Âu hóa phát đạt, giấc mơ tân thời hóa phụ nữ thành hiện thực. Đốc tờ Trực Ngôn gọi nó là “ông bạn thân” và bảo nó: “tôi xin cảm tạ ngài lắm”. Sửng sốt nhất là Victor Ban cũng không hiểu nó ra sao, mới cách đây vài năm, là một thằng ma cà bông, một thằng thổi loa của ông ta, hò hét “di tinh, mộng tinh” nay là một trang phong lưu quân tử, với cách cầm vợt ban, cách đánh ban rất sang, rất kiểu cách.
Ngay đến cái tên Xuân Tóc Đỏ cũng mang nhiều ý nghĩa, tóc đỏ là cái tướng do cái kiếp ma cà bông khốn khổ: “Mẹ kiếp, chứ xưa nay có mua mũ bao giờ mà tóc chả đỏ” [44, tr. 14]. Song với một thanh niên và một thiếu nữ ở khách sạn Bồng Lai thì tóc đỏ lại rất mốt: “Bẩm, tóc ngài nhuộm đẹp lắm, thật là hợp thời trang” [44, tr. 105]. Cái tên Xuân Tóc Đỏ gắn liền với nguồn gốc xuất thân và quãng đời chẳng lấy gì làm đẹp đẽ của hắn. Sinh ra thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, mồ côi cả cha lẫn mẹ, Xuân đi ở cho nhà bác họ, nhưng mới chín, mười tuổi, Xuân đã có hành động bỉ ổi, bị bác đánh và đuổi đi. Không nhà không cửa, không người thân thích, hắn sống lang thang bằng đủ mọi nghề của một kẻ ma cà bông: Thằng Xuân lấy đầu hè xó chợ làm nhà, lấy sấu ở các phố, lấy ca ở hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó bán phá xa, bán nhật
trình, chạy cờ rạp hát… cảnh ngộ đó làm cho nó trở thành một đứa hoàn toàn vô giáo dục. Nó tinh quái lắm, thạo đời lắm!
Trong cái xã hội thực dân tư sản thời Vũ Trọng Phụng với đông đúc những me Tây, nhà giàu hãnh kiến, gái tân mất nết… Xuân Tóc Đỏ gặp số đỏ đến lạ kì. Khởi đầu chuỗi dài may mắn của đời Xuân Tóc Đỏ bắt nguồn từ một hành động chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Hắn dòm trộm một cô đầm thay váy và bị bắt quả tang. Người ta nhốt hắn vào bót lôi xềnh xệch ra sân mà tát, mà sỉ vả. Nhưng số đỏ đã mỉm cười với hắn. Nhờ hành động dòm trộm ấy, Xuân Tóc Đỏ đã lọt vào mắt xanh của bà Phó Đoan - một me Tây góa chồng dâm đãng. Bà Phó Đoan bỏ tiền phạt cho cảnh sát, bảo lãnh cho Xuân ra tù với mục đích biến hắn thành “công cụ” thỏa mãn thói dâm ô của bà. Ngày đầu đến nhà bà Phó Đoan, bước chân đầu tiên vào xã hội thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ có chút ngờ nghệch, nhưng Xuân nhanh chóng thích nghi, nhập cuộc vào xã hội đó để tiến thân. Xuân sau khi được bà Phó Đoan cứu khỏi cảnh tù tội được bà giới thiệu với tiệm may Âu hóa của vợ chồng Văn Minh - một thành viên của xã hội thượng lưu. Bước vào đây, Xuân đã gặp được nhiều sự may mắn ngẫu nhiên. Hắn bập bõm học những mốt y phục: Ngây thơ, Lời hứa, Chờ một phút…rồi nhờ vào cái tài lẻo mép của hắn, hắn được những kẻ thượng lưu dốt nát đánh giá rất cao. Xuân bắt đầu tham dự vào cải cách xã hội, hắn thực sự đi vào cái thế giới giàu sang, điều mà tưởng như Xuân không bao giờ thấy nổi.
Lúc đầu do đột ngột bị ném vào xã hội thượng lưu, quá xa lạ với môi trường sống quen thuộc, Xuân hoàn toàn bị động trước cái số đỏ của mình nên hoặc không khai thác được, hoặc bỏ lỡ dịp may bày sẵn như lần đầu đến nhà bà Phó Đoan. Xuân vốn tinh quái và thạo đời, Xuân nhanh chóng hiểu ra rằng cái xã hội bề ngoài tuy khác nhau nhưng cùng chung một bản chất: dâm
ô, đểu cáng, hám danh, bịp bợm. Và khi đã hiểu Xuân quyết định giành cho mình một vị trí trong xã hội đó. Hắn đã thực sự thành công. Ở tiệm may Âu hóa vài ngày, Xuân đã được mụ Phó Đoan khen là được việc, ở đâu vui vẻ đấy, thịnh vượng đấy. Văn Minh vợ cũng khen hết lời hắn thông minh lắm! Mới vào đây có vài ngày mà khách khứa cũng xem ý ai cũng mến. Còn Văn Minh chồng thì ôn tồn nhận xét được cái hắn cũng mồm miệng nhanh nhẩu. Các bà, các cô thì thích hắn vì hắn khéo nịnh, khéo hót, có người khen Xuân là phong nhã, hiểu biết nhiều. Nhưng Xuân thực chất là một tên láu cá, xảo quyệt. Hắn sử dụng tất cả những gì đã thu lượm được trong cõi đời lăn lóc dưới đáy xã hội để tiến thân.
Xuân, tên ma cà bông ngày xưa chuyên thổi loa quảng cáo thuốc lậu nay nhờ thuộc lòng mớ kiến thức bập bõm, lộn xộn bỗng trở thành sinh viên trường thuốc, đốc – tờ Xuân. Ngồi hóng chuyện giữa cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh về bệnh tình cụ tổ, hắn đem những điều ấy góp ý vào. Ngay sau đó, hắn trở thành sinh viên trường thuốc qua sự bịp bợm của Văn Minh đang đi tìm một thầy thuốc rởm để cụ Tổ chết đi. Trước sự thông thạo về y lí của Xuân, cả bà Phó Đoan và vợ chồng Văn Minh đều kinh hoàng, không hiểu duyên cớ vì đâu, cụ cố Hồng kính cẩn hỏi Xuân: “Bẩm ngài, ngài làm gì mà giỏi về y lí như vậy ạ!” [44]. Xuân đã bước lên những bậc thang của danh vọng, sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, khiêm tốn. Bà Phó Đoan xem nó là người có học thức, ông Phán mọc sừng cũng cho Xuân là người đứng đắn. Nhờ tài bẻm mép của Xuân mà cửa hàng Âu hóa của vợ chồng Văn Minh phát đạt, nhờ tài chữa bệnh bằng thuốc Thánh đền Bia (thực ra là nước ao và rau dại) mà cụ tổ khỏi bệnh, uy tín của Xuân được nâng cao, được mọi người tâng bốc.
Ban đầu, Xuân chỉ là công cụ của bọn lừa bịp, sau đó, Xuân trở thành kẻ lừa bịp. Cô Tuyết – con gái cụ cố Hồng được “mang tiếng” là hư hỏng với Xuân. Hắn tự mạo nhận là đốc – tờ, để rồi, gây ra cái chết của cụ tổ - cái chết mà lũ con cháu mong ngày mong đêm khi tố cáo tội ngoại tình của con gái cụ. Hắn còn mạo nhận là nhà cải cách y phục, nhà thơ...Ôi thôi, đủ mọi trò lừa bịp, dối trá. Những ngôn ngữ của kẻ vô học “nước mẹ gì, mẹ kiếp…” được bọn người kia tôn sùng. Xuân Tóc Đỏ ngày càng lên tầng cao danh vọng, hắn kiêu ngạo, mọi người trở nên sợ hắn và lấy lòng hắn.
Hình tượng nhân vật Xuân Tóc Đỏ là một sáng tạo độc đáo của Vũ Trọng Phụng. Giữa những nhân vật về người nông dân quen thuộc như: Chị Dậu, Chí Phèo… những tên địa chủ như: Bá Kiến, Nghị Quế,… thì nhân vật Xuân Tóc Đỏ quả là độc nhất vô nhị trong văn học hiện thực trào phúng trước Cách mạng tháng Tám. Xuân là một nhân vật tính cách, một nhân vật điển hình của chủ nghĩa hiện thực, có tính cách phong phú và đa dạng, tiêu biểu cho loại người hạ lưu, vô học. Hoàn cảnh “xã hội bát nháo” đã tạo điều kiện cho hắn tiến thân trở thành một kẻ “nổi tiếng”. Xuân Tóc Đỏ là tấm gương phản chiếu sâu sắc của xã hội thành thị Việt Nam những năm 30 của lịch sử, thời buổi nhố nhăng, bát nháo với tất cả những hài hước của nó. Y là sản phẩm của xã hội đô thị Việt Nam phất lên như diều gặp gió do những quy luật xã hội phức tạp thời đó.
Xây dựng nhân vật điển hình này, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện một tài năng trào phúng bậc thầy. Qua nhân vật, tác giả thể hiện sự tố cáo mạnh mẽ đối với xã hội đương thời – xã hội tư sản đầy rẫy thói dâm ô, bịp bợm vô liêm sỉ. Xuân, đúng như lời nhận xét của Đỗ Đức Hiểu: “Không thể xác định được “tính cách” của nó (như bất cứ nhân vật nào khác); hoặc nó có nhiều tính cách, những tính cách biến đổi ở cái nhìn, từ khía cạnh này hay khía cạnh
khác, lúc này hay lúc khác, của người này hay người khác, tức là của những quan hệ. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ đa sắc, đa diện.” [22, tr. 186]
Không chỉ có Xuân, trong tác phẩm Số đỏ, tác giả còn tạo ra cả một xã hội đáng buồn cười, ngớ ngẩn, với những nhân vật lố bịch giống như những con rối. Về điều này, Lan Khai đánh giá: “Khi đọc văn phẩm của Vũ Trọng Phụng, ta thấy lúc nhúc một nhân loại đen tối, ngu xuẩn, ích kỷ, tàn nhẫn và dâm loạn một cách vô cùng lố bịch.”[25, tr. 159]. Ở đó, ta bắt gặp cô Tuyết –
“một phụ nữ lãng mạn chân chính” [44, tr. 192], là “một trang bán sử nữ, nghĩa là còn trinh một nửa, nghĩa là demi-vierge” [44, tr. 111]. Cô Tuyết đích thị là cô gái lãng mạn của những năm 30 của thế kỉ này, từ cái tên, đến bộ quần áo Ngây Thơ, đến cử chỉ, điệu bộ, lời ăn tiếng nói của cô, cả cuộc sống, tình yêu và giấc mơ. Có lúc cô “muốn viết ngay một cuốn tiểu thuyết về đời mình” [44, tr. 198], cũng lại có khi “Em sung sướng quá! Em muốn chết anh ạ! Em muốn tự tử…Nếu cả hai ta cùng nhảy xuống lớp sóng bạc kia mà chết thì có phải cả nước sẽ bàn tán mãi về cuộc tình duyên ghê gớm của hai ta không! [44, tr. 192]
Là bà Phó Đoan là một người ở vậy thủ tiết thờ chồng, bà Phó Đoan “mừng thầm rằng mình đã trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học”. Người đàn bà góa này lố bịch không phải vì những ham muốn tình dục thường tình, mà là vì, mở miệng bà lại cứ hay rêu rao chuyện phẩm giá tiết hạnh. Đó còn là vợ chồng Văn Minh và ông Typn, những người luôn luôn xuất hiện với phong trào Âu hóa, thể thao thối nát…Ông Cẩm Tây cũng như lính Min đơ, Min toa cũng chỉ là những con người buồn cười, lố bịch, họ là nạn nhân của những nguyên tắc quan liêu, hành chính máy móc. Với họ, tác giả đã tạo ra cả một xã hội hài hước, trong đó nhất cử nhất động của bất kì nhân vật nào cũng đều khôi hài, lố bịch, từ “em chã” đến cụ cố tổ, từ nhà sư
đến cảnh sát…cả người thợ lúng túng với “cái thẹo chổng lên” và “cái thẹo chổng xuống” cũng trở thành nhân vật hài.
Ngay ở cả cái đám tang của cụ cố tổ cũng là một cơ hội để các nhân vật phô diễn những tính cách của mình: Cô Tuyết thì sung sướng mặc bộ y phục Ngây thơ. Ông Phán mọc sừng thì hả hê vì đã được cụ cố Hồng hứa chia thêm cho vài nghìn đồng nữa. Xuân Tóc Đỏ càng được vênh vang hơn vì nhờ nó tố cáo ông Phán mọc sừng mà “cụ tổ lăn đùng ra chết”…Hạnh phúc còn lan cả ra ngoài gia đình, đến cảnh sát Min đơ, Min toa, đến những bạn bè tai to mặt lớn của cụ cố Hồng được dịp khoe danh giá: “ngực đầy những huy chương như : Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao miên bội tinh, Vạn tượng bội tinh…trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài ngắn, hoặc đen hoặc hung hung” [44, tr. 177]. Các nhân vật trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đã tạo nên một ấn tượng sâu, đầy ám ảnh về nhịp điệu cuộc sống hiện thực trong thế giới nghệ thuật của ông. Đó là nhịp điệu cuộc đời đểu cáng, lố lăng, đạo đức rởm rất cần được phanh phui, lật tẩy để tung hê mà cười cho hả giận. Tuy có cường điệu, nhưng bản chất xã hội của nhân vật vẫn có ý nghĩa phê phán sâu sắc.
Với nghệ thuật xây dựng nhân vật “số phận” trong tiểu thuyết Số đỏ,
Vũ Trọng Phụng cho ta thấy rõ quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Cuộc đời dưới cặp mắt của tác giả là cuộc đời với nhiều nghịch lý, vô nghĩa lý, được biểu hiện, giải thích bởi những sự kiện trong những tình huống ngẫu nhiên của số phận, của kiếp người. Với số phận của mình, các nhân vật đã nhảy múa, quay cuồng, diễn trò theo kiểu “đồ vật hóa”. Thiên tài của nhà văn là ở chỗ trong khi quan sát mọi vận động diễn ra trong tồn tại xã hội, ông đã nắm bắt được thần thái và quy luật bản chất của vận động ấy, tước bỏ đi tất cả mọi lớp vỏ ngụy biện để khám phá ra những cái hạt nhân trong lòng sự vật; với tất
cả những đường nét, góc cạnh hài hước, lố lăng của nó. Nhân vật trong Số đỏ
được mô tả là những nhân vật mà tính cách của họ luôn vận động, phát triển trong một hoàn cảnh điển hình tạo nên một chuỗi cười dài mang sức mạnh tố cáo rộng và sâu, thể hiện một phong cách trào phúng độc đáo.
Các nhân vật trong Số đỏ là những “nhân vật kịch”, thể hiện các vai diễn chủ yếu làm trò để gây cười thông qua các hành động máy móc, đầy mâu thuẫn. Vũ Trọng Phụng đã nhìn thấy trên tầm vĩ mô, cả xã hội hiện ra như một sân khấu hề rộng lớn, mà trên đó mỗi nhân vật từ quan đến dân, từ thầy lang, ông đốc đến các tiểu thư, mệnh phụ, đến tận vua chúa đều hiện nguyên hình trên sân khấu xã hội như những con rối, như những vai hề. Nơi mà những Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, cô Tuyết, vợ chồng Văn Minh, cậu Phước “em chã” là những chân dung biếm họa điển hình, giúp “Vũ Trọng Phụng tạo ra được một thứ “nhân loại” độc đáo của riêng mình” [8, tr. 214].