8. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Xung đột qua hành động và cốt truyện kịch
Mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc, múa, âm nhạc, văn học…, tất cả các loại hình nghệ thuật, đều lấy hiện thực cuộc sống làm đối tượng phản ánh. Phản ánh hiện thực như thế nào, bằng cách nào là do phương tiện nghệ thuật và thẩm mỹ từng loại hình qui định. Mỗi nghệ thuật đều có phương tiện ngôn ngữ biểu đạt riêng của mình. Phương tiện nghệ thuật loại hình luôn là điểm tựa để người tiếp nhận, hay nghiên cứu nghệ thuật nhận thức được bản chất vấn đề đang tiếp cận. Phương tiện nghệ thuật quyết định đặc tính loại hình nghệ thuật. Với sân khấu, hành động là phương tiện nghệ thuật. Hành động là phương tiện nghệ thuật của sân khấu nói chung. Theo Aristote thì “hành động kịch là đối tượng (nội dung) bắt chước của kịch với nghĩa là một hệ thống việc làm nhằm thay đổi một tình huống này sang một tình huống khác, còn hành động sân khấu là phương thức bắt chước để thể hiện nội dung của hành động” [ 1, tr.18 ] . Kịch bản bao hàm một hành động kịch; diễn viên thể hiện nhân vật là nhờ thông qua hành động sân khấu; đạo diễn chỉ đạo diễn viên thực hiện hành động cho chính xác và hiệu quả.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, hiếm có tiểu thuyết nào gây tiếng vang và có sức sống bền bỉ như Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Thành công của tác phẩm trước hết phải kể đến nghệ thuật trào phúng sắc bén bậc thầy của nhà văn, mà qua đó sự châm biếm, đả kích xã hội thực dân đã đưa Số đỏ trở thành tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930 - 1945. Từ những ưu điểm đó, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đã đưa những nhân vật trong tác phẩm Số đỏ lên sân khấu.
Trong vở kịch Số đỏ,ta thấy vẫn là xung đột của cái vô nghĩa lý và cái có nghĩa lý mà trong đó nổi bật nhất vẫn là Xuân Tóc Đỏ…Những con người như bà Phó Đoan (Hồng Vân thủ vai), ông Văn Minh (Minh Hoàng thủ vai) …đã “vô tình” tung hê, ca ngợi Xuân Tóc Đỏ (Đức Hải), để rồi đưa hắn từ một kẻ vô học, được đào luyện trong nền văn hóa vỉa hè, trở thành một “bậc anh hùng, vĩ nhân”. Từ một tên lang thang, bụi đời, vô đạo đức, Xuân Tóc Đỏ bị môi trường lưu manh hóa, trở thành “trai tơ” trong mắt bà Phó Đoan (Hồng Vân), rồi nhờ có tài vặt rao thuốc, hắn ngang nhiên khoác chiếc áo cựu sinh viên trường y, rồi lọt vào gia đình ông bà Văn Minh (Minh Hoàng - Cát Phượng) để trở thành đốc - tờ, cứu sống cụ cố chỉ nhờ vào nước thánh (?!). Chưa hết, Xuân Tóc Đỏ còn trở thành ân nhân của nhiều người, được xem là bậc “vĩ nhân” khi chấp nhận thua trong một trận quần vợt để cứu quốc. Những tình huống hài trong vở diễn được bóc trần, tuy có cường điệu nhưng vô cùng hợp lý.
Khán giả xem vở Số đỏ có thể sẽ chưa bằng lòng về nhiều lớp diễn còn dài dòng, lời thoại còn mang tính sinh hoạt, song thành công lớn nhất của vở chính là thủ pháp tương phản mà đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã khai thác khi xây dựng tính cách các nhân vật. Với cách phóng đại để tạo tiếng cười và tô đậm tính cách các số phận, tác phẩm sân khấu đã tạo ra nhiều tình huống bất ngờ, mang lại cho người xem sự tưởng tượng phong phú về cái “thế giới ngầm” của những kẻ tân tiến nửa vời. Đồng thời, qua hình tượng Xuân Tóc Đỏ, vở diễn cũng muốn nhấn mạnh sự lọc lõi, sõi đời hơn của một loại người mà dường như ở đâu đó trong cuộc sống hôm nay của chúng ta vẫn còn tồn tại. Đó là những kẻ sống bám vào hư danh, bỡn cợt ý chí phấn đấu tạo dựng sự nghiệp lương thiện.
Ưu điểm của vở chính là cách thể hiện đúng tư tưởng mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã cảnh báo chúng ta cách đây hơn nửa thế kỷ. Hành động và
cốt truyện kịch trong vở diễn về cơ bản vẫn giữ được tính trung thực của tác phẩm gốc, do đó, giúp khán giả “ngấm” chất văn học hơn, đồng thời qua đó, người xem (độc giả, khán giả) có dịp tiếp cận văn học từ góc nhìn khác hơn – góc nhìn của nghệ thuật sân khấu.
Cùng với Nam Cao, Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước 1945. Nếu tác phẩm Nam Cao thường lấy cuộc sống của nông dân và người trí thức làm đề tài thì tác phẩm Vũ Trọng Phụng thường khai thác đời sống thị thành. Ở đó, nhà văn đã chứng kiến một xã hội Việt Nam bị thay đổi, rúng động trong mọi mối quan hệ xã hội. Nho giáo phong kiến bị thất thế nhưng vẫn ngự trị ngấm ngầm, còn làn sóng văn minh phương Tây “cưỡng ép” đã tạo nên những sự thay đổi lố lăng, kệch cỡm với đủ trò giả trá, mị dân…
Xóm Thị Cầu trong Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng là nơi diễn ra sự biến đổi đầy đau đớn, chua chát đó. Vở kịch Kỹ nghệ lấy Tây xoay quanh hai cái động đĩ ở làng và cũng là cái đồn Thị Cầu, đúng hơn là hai tụ điểm tạo nên khái niệm “kỹ nghệ lấy Tây”. Tụ điểm của bà Ách (trong phóng sự là Ách Nhoáng) do nghệ sĩ Hồng Vân thủ vai, khá chanh chua và giá cắt cổ; tụ điểm của bà Chóp (trong phóng sự là Đội Chóp) do nghệ sĩ Xuân Hương thủ vai, có vẻ ôn hòa, giá phải chăng và “từ thiện” hơn. Thị Cầu là nơi dung thân của những người đàn bà làm nghề me Tây, một nghề mà khi nhắc đến những người trong xã hội lúc bấy giờ không tránh khỏi sự ác cảm, thị phi. Người đàng hoàng tử tế không ai dám đến Thị Cầu, cũng không ai dám ở cái xứ mà đàn bà, con gái đều là me Tây.
Mỗi người có từ ba đến năm ông chồng Tây, người đi trước kẻ tiếp nối theo sau đến độ có người mở hẳn “cửa hàng” dạy kỹ nghệ lấy Tây cho phái nữ. Bản thân Vũ Trọng Phụng, như lời giới thiệu của vở kịch, lúc đầu tìm đến Thị Cầu để thực hiện loạt phóng sự cũng không tránh khỏi thái độ lên
án, phê phán. Nhưng khi tiếp cận những mảnh đời me Tây, xâm nhập vào số phận con người, thái độ nhà văn đã có sự thay đổi hẳn. Ở cái xóm me Tây ấy có nhiều me Tây, mỗi người mỗi thân phận. Nhưng họ có khác nhau gì đâu, tất cả đều là nạn nhân của sự phụ tình, của những lễ nghi Nho giáo phong kiến để rồi bước đường cùng phải dấn thân vào kiếp me Tây!
Ở cái làng này, như lời của bà Ách, chẳng có ai còn trinh, chẳng có người đàn bà nào dưới hai - ba đời chồng… Tây. Nhìn cảnh các phụ nữ trẻ ở cái làng này cũng đủ biết: Kiểm Lâm (Trịnh Kim Chi) có sáu đứa con mà mỗi đứa một màu da; Ái (Mai Phương) thì bạ ai cũng cho ngủ chung; Duyên (Thúy Nga) xấu đến mức “ma chê quỷ hờn” mà rồi cũng thành “bà hoàng”, Suzanne (Lan Phương) là con bà Ách giàu có, quyền lực, học trường Tây ở Hà Nội nhưng lại gặp trục trặc về tâm lý, không còn tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống… Nói chung, cả một làng, phụ nữ từ già đến trẻ đều làm me Tây, nên bóng dáng người đàn ông An Nam trở nên xa lạ và trở thành sự khao khát. Ai cũng muốn lệ thuộc, muốn vồ vập, muốn được gần gũi, yêu thương với một người đàn ông người Việt. Có thể nói đây là thông điệp của phần một của vở diễn. Và đây cũng là điểm khác biệt đầu tiên, nếu so với tác phẩm gốc.Vở kịch thể hiện góc nhìn có phần thông cảm, bênh vực cho những phụ nữ hành nghề “me Tây”. Bên trong cái vẻ phớt lờ, lạnh lùng và hơi kiêu hãnh kia của những người đàn bà làm “nghề” lấy Tây là sự dằn vặt, nhiều lúc nhục nhã, phải tìm quên trong tiếng chuông nhà chùa, nương nhờ chuyện chay ma, làm từ thiện…
Nếu phần một vở diễn tập trung chuyển tải khát vọng lấy chồng An Nam của những me Tây thì sang đến phần hai, vở diễn lại tập trung ở khía cạnh mang tính nhân văn hơn, đó chính là bi kịch của một đứa con me Tây. Nhân vật Suzanne yêu Vũ Trọng Phụng (Bình Minh thủ vai) - anh chàng An Nam tươm tất nhất - khi nhân vật này về làng để viết phóng sự. Trong quá
trình ở trọ nhà bà Ách để thu thập tài liệu, Vũ đã nảy sinh tình cảm với con gái của bà là Suzanne. Chuyện tình của họ cũng được bà Ách đồng thuận bởi bà nhận ra Vũ chính là người đàn ông An Nam tử tế nhất mà bà từng gặp. Đã trải qua bốn đời chồng Tây và dù làm nghề “chăn dắt” gái lâu năm nhưng bà Ách vẫn mong mỏi con gái mình có một cuộc sống hạnh phúc với người chồng bản xứ. Tuy nhiên, với Suzanne, việc mang trong người dòng máu nửa An Nam nửa Tây, cùng với việc chứng kiến những việc làm của mẹ, khiến cho cô luôn cảm thấy tủi nhục. Chính vì thế nên dù rất yêu Vũ, Suzanne vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra không thể có một hạnh phúc thật sự vì xuất thân của mình nên chia tay với Vũ là cách tốt nhất. Đây là chi tiết sáng tạo thứ ba. Chính tình yêu của nhà văn họ Vũ với Suzanne - nếu diễn đạt tốt -sẽ làm cho mặc cảm về đứa con me Tây thêm nổi bật.
Trước đây, Vũ Trọng Phụng bằng tài năng và sự yêu thương con người thiết tha bỏng cháy, ông đã đi tìm đến tận căn nguyên, gốc rễ bản chất dẫn đến sự tha hóa của những người phụ nữ đương thời, đáng thương hơn là đáng trách như bà Ách, me Tây Kiểm Lâm, Duyên... trong phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây với một ngòi bút thông minh, sắc sảo; thì nay sân khấu – với cách thể hiện riêng của mình, đã dựng nên một câu chuyện, tưởng chừng đã cũ, là dĩ vãng, nhưng thực chất vẫn còn nóng hổi đối với xã hội hiện nay. Trên hết, đó là một xã hội nửa thuộc địa mà số phận con người vô cùng nhỏ nhoi, phải chịu sự rẻ rúng, khinh bỉ của người đời.