8. Cấu trúc của luận văn
2.2. Xung đột trong tác phẩm sân khấu
Xung đột kịch là đặc điểm về đề tài và chủ đề của kịch bản văn học. Tác phẩm văn học thông qua việc phản ánh hiện thực, nêu lên một vấn đề trước mắt công chúng, những mâu thuẫn được đề cập đến trong cuộc sống. Những mâu thuẫn này mặc dù có những trạng thái, mức độ tình cảm khác nhau nhưng đều tồn tại trong hiện thực. Chỉ đến một giai đoạn phát triển nhất định thì những mâu thuẫn mới trở thành xung đột đối lập hoặc bộc lộ những bản chất của hiện thực. Nhưng do không hạn chế về không gian, thời gian nên tác phẩm văn học có thể phản ánh những mâu thuẫn trong cuộc sống một cách tỉ mỉ và sâu rộng. Nó có thể đề cập đến những mâu thuẫn trong trạng thái manh nha, âm ỉ cũng như ở giai đoạn đối lập đấu tranh, xung đột. Tuy vậy, kịch bản văn học chủ yếu là để trình diễn trên sân khấu – xét từ hai mặt trình diễn cũng như thưởng thức, phải chịu hạn chế về không gian, thời gian. Ta không thể đánh đồng một cách thô thiển không gian, thời gian đích thực với không gian, thời gian ước lệ trên sân khấu. Cần thiết và có thể phân biệt một cách dễ dàng không gian và thời gian của câu chuyện ngoài đời được mô tả trong kịch bản là ba, bốn tiếng đồng hồ của một đêm diễn trong rạp kịch.
Các kịch tác gia xưa nay, với những thủ pháp ước lệ của nghệ thuật nói chung, của kịch nói riêng, có thể phóng đại không gian, thời gian sân khấu lên gấp nhiều lần để phù hợp với không gian, thời gian của câu chuyện kịch, nhất là với những thành tựu khoa học hiện đại. Mặc dù vậy, kịch bản văn học không thể nào như tiểu thuyết, muốn mở ra bao nhiêu cảnh trí, trường diện với những thời gian và địa điểm khác nhau bao nhiêu cũng được. Nhưng là nghệ sĩ, nhà văn, kịch tác gia vẫn mong muốn và cần phải phản ánh cuộc sống bản chất đến mức tối đa có thể được. Chính vì thế họ buộc phải hướng vào những mâu thuẫn nào trong cuộc sống đã phát triển đến chỗ xung đột, đòi hỏi phải được giải quyết bằng cách này hay cách khác. Xung đột do đó là đặc
điểm cơ bản của kịch. Một vở diễn trên sân khấu, muốn thành công, trước hết, phải xây dựng được những xung đột.Thông qua xung đột, hành động kịch mới phát triển, tính cách của các nhân vật mới được bộc lộ. Và nếu không có xung đột thì kịch chỉ là những hoạt cảnh nhạt nhẽo mà thôi.